Nếu bạn đang ở đây, có thể bạn đã từng trải qua sự im lặng độc hại khi đối phương đang cãi nhau bỗng biến mất, để bạn chơi vơi với ngàn câu hỏi. Hoặc bạn vô tình cho người khác “Silent Treatment” và tự hỏi tại sao mình chỉ im lặng thôi mà gây sát thương cao đến thế.
Im lặng khiến ta băn khoăn, quẫn trí, muốn lên tiếng giải quyết nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng. Dù ở tình huống nào, không ai xứng đáng phải chịu sự im lặng độc hại. Silent Treatment đã được vận dụng như thế nào, và xử lý ra sao nếu ta vô tình vướng vào nó?
Silent Treatment là gì? Tại sao sự “im lặng” lại đáng sợ hơn cả?
Silent Treatment là chiêu tâm lý khi ta từ chối sự tồn tại của ai đó bằng cách ngưng phản hồi mọi thứ từ họ. Dù họ có nhắn tin, bắt chuyện, muốn ba mặt một lời giải quyết, ta vẫn lặng lẽ “bơ toàn tập”, thậm chí cô lập và tẩy chay.
Đi ngược với nhu cầu xã hội muốn kết nối của con người, Silent Treatment âm thầm để lại nhiều tổn thương tâm lý cho nạn nhân. Chiêu “im lặng độc hại” này tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau từ nặng đến nhẹ như:
- Lơ đẹp mọi tin nhắn trên mạng xã hội.
- Tự động rút lui khi đang tranh cãi (mà không báo trước).
- Né trả lời những câu hỏi mang tính giải quyết, như “mình gặp nhau chia sẻ được không?”.
- Từ chối gặp mặt trực tiếp.
- Chỉ im lặng với 1 người duy nhất, những người khác vẫn bình thường để thể hiện sự phân biệt đối xử.
Silent Treatment xuất hiện ở nhiều nơi hơn bạn nghĩ, từ nặng nề đến nhẹ nhàng tinh tế như:
Trong gia đình, bố mẹ phớt lờ khi con cái tâm sự, đặc biệt các chủ đề nhạy cảm như tình yêu, bệnh tâm lý,...
Trong công việc, đồng nghiệp ngó lơ khi bạn trình bày ý tưởng, làm việc nhóm nhưng “tổng seen” và không ai lắng nghe.
Trong tình yêu, đối phương thường xuyên phớt lờ nỗ lực giải quyết mâu thuẫn của bạn, cố ý không hiểu những gì bạn nói.
Hậu quả Silent Treatment gây ra cho nạn nhân là gì?
Đầu tiên là tổn thương lòng tự trọng. Các nhà tâm lý học gọi biện pháp này như hành vi "cố ý gây đau đớn". Vì bản năng sơ khai con người vẫn cần giao tiếp qua lại để ý thức về sự tồn tại của mình trong tập thể.
Im lặng, do đó trở thành nhát dao cắt đứt mọi nỗ lực gắn kết, khiến một người cảm thấy mình "không được công nhận" và sự tồn tại của mình là vô nghĩa. Tâm lý học ví hành vi im lặng như "vẫy một khúc xương trước mặt chú chó cưng nhưng lại rút ngay về không cho nó được lấy" - khiến nạn nhân rơi vào hố đen ức chế.
Tiếp theo là thao túng tâm lý. Người bị im lặng sẽ rơi vào trạng thái ghét bỏ bản thân, muốn thay đổi tình hình, và có thể xuống nước năn nỉ thậm chí đánh mất bản thân họ.
Tuy được xem là gây hấn thụ động, người chọn im lặng… không phải lúc nào cũng cố tình ác ý. Hầu hết họ đều không hiểu rõ mức độ ảnh hưởng của Silent Treatment lên người đối diện.
Dưới đây là 3 lý do phổ biến của người sử dụng Silent Treatment, theo PsychCentral.
Tại sao con người chọn biện pháp im lặng thay vì giải quyết vấn đề?
Im lặng để bảo vệ mình khỏi tổn thương
Những người im lặng khi đang tranh cãi nảy lửa, không hẳn vì họ căm ghét muốn tấn công bạn.
Theo Tiến sỹ Tâm lý Kristin Davin, thủ phạm đôi khi cũng là nạn nhân của tổn thương. Họ sợ phải đối diện, và xem việc im lặng như tấm khiên tự vệ để bảo toàn cảm xúc chính mình. Chọn im lặng giúp họ tạm thời lánh xa khỏi mọi trận chiến họ đoán trước sẽ gây đau thương.
Đối mặt với tình huống này, bạn cần hiểu rằng người kia có thể không cố tình gây hấn với chính bạn.
Im lặng vì… gặp vấn đề trong giao tiếp
Không phải ai cũng biết cách ứng xử khéo léo trong xung đột. Những người sơ hở là im lặng, phần lớn do họ gặp rắc rối trong việc kiểm soát và thể hiện cảm xúc chính mình, từ đó cũng khó lòng đọc vị cảm xúc người khác.
Mặc dù im lặng không phải cách hay nhất nhưng lại là cách… dễ nhất để họ đỡ phải suy nghĩ. Đây cũng được xem như “coping mechanism” - cách họ đối phó khi mỗi khi não “tuýt còi” tín hiệu căng thẳng.
Một tập thể hướng nội có thể cho bạn cảm giác im lặng này, và thường nếu biết rõ nguyên nhân bạn sẽ không còn cảm thấy “độc hại” nữa.
Im lặng để cố tình “trả đũa” người đối diện
Theo tờ Atlantic, những người thụ động sẽ im lặng để né tránh xung đột (như 2 lý do trên), nhưng người cá tính mạnh sẽ cố tình im lặng để thao túng cảm xúc và trừng phạt người khác.
Vì sao lại là trừng phạt?
Bản chất con người vẫn là động vật xã hội cần sự gắn kết. Nếu một tương tác thân thuộc bị cắt đứt, ta sẽ bị thôi thúc phải hàn gắn. Trong quá trình thôi thúc này, nạn nhân Silent Treatment có thể xuống nước xin lỗi dù họ không hề sai, để cứu vãn tình huống.
Nghiên cứu còn chỉ ra Silent Treatment cũng như một nỗi đau thể xác. Người chịu đựng nó sẽ bị kích hoạt vùng vành cung vỏ não (anterior cingulate cortex) - cũng chính là nơi cảm nhận nỗi đau khi họ bị tấn công vật lý. Silent Treatment trong trường hợp này, sẽ được coi là biện pháp lạm dụng tâm lý độc hại (emotional abuse).
Tuy nhiên, bạn biết điều thú vị ở đây là gì không?
Thật ra, chính người “chủ mưu” im lặng độc hại cũng đang tự hại chính mình
Tờ Atlantic giải thích, bản năng con người được lập trình để đáp lại các “tín hiệu” xã hội. Gặp người hỏi, ta sẽ đáp, gặp vấn đề, ta sẽ muốn giải quyết vấn đề.
Việc phớt lờ một ai đó buộc ta phải liên tục “nhắc nhở” chính mình lý do vì sao ta phớt lờ họ. Vì họ khiến ta đau khổ? Vì ta muốn chơi xấu họ? Kết cục là, bạn sẽ tiếp tục sống giữa hàng tá năng lượng tiêu cực, giận dữ, và hận thù bủa vây.
Bản thân người im lặng độc hại cũng không sung sướng gì, đặc biệt trong mối quan hệ tình cảm khi họ vẫn dành nhiều sự quan tâm vô hình cho đối phương. Họ phải gồng tự thuyết phục mình ngược lại, và điều này cũng phản nghịch với bản năng tự nhiên.
Ta cần đối phó ra sao trước sự im lặng độc hại?
Việc đầu tiên bạn cần làm là bình tĩnh, hít thở sâu, ngưng tìm kiếm câu trả lời. Thay vào đó, hãy:
Tìm hiểu nguyên nhân đằng sau sự im lặng
Họ có thể là tuýp người passive-aggressive (gây hấn thụ động) muốn im lặng để đỡ buông lời cay đắng, hoặc chỉ đơn giản họ hướng nội cho rằng im lặng là cách giải quyết ôn hòa.
Có nhiều lý do đằng sau Silent Treatment, như đã liệt kê phần trên. Và hầu hết vấn đề không xuất phát từ bạn, mà là từ người kia. Hãy cho họ chút thời gian với bản thân.
Tiếp nhận khách quan
Không phải ai cũng sở hữu “bộ não” y hệt chúng ta. Khi không cùng chung một tiếng nói, hãy ngồi lại cùng nhau giao tiếp thẳng thắn, thay vì nhắn tin.
Đừng nghĩ ai cũng đang… tấn công mình
“Don’t take it personally” - mọi người không thực sự “chĩa mũi dùi” vào bạn nhiều đến thế.
Một người có muôn vàn lý do để im lặng. Đôi lúc đó còn là những lý do… ngớ ngẩn, như ngủ quên sáng mai dậy quên trả lời tin nhắn. Một số khác có thể im lặng vì đang trải qua giai đoạn khó khăn như đổi chỗ làm mới, thất nghiệp, gia đình, cuộc sống,... Cách nghĩ này giúp bạn cởi mở và bao dung hơn với mối quan hệ, đặc biệt khi ai cũng đang gặp vấn đề của riêng mình.
Thành thật chia sẻ “mình đang nghĩ gì”
Người chủ động im lặng đôi khi không ý thức được mức độ nghiêm trọng của Silent Treatment lên mối quan hệ. Bạn có thể thay đổi điều đó, thông qua giao tiếp tích cực giữa đôi bên.
Nếu đã gặp gỡ được sau cãi vã, bạn có thể chân thành nói thật về những gì mình cảm nhận cho đối phương. Ngược lại họ cũng thế. Bạn có thể sẽ khám phá ra những khía cạnh cảm xúc khác của người kia, bị che khuất sau tấm mặt nạ Silent Treatment đấy.
Rời đi khi có thể
Yêu một người liên tục im lặng khi vấn đề nảy sinh, có thể để lại nhiều hậu quả tinh thần cho bạn sau này. Chính bạn cũng cảm nhận được điều đó.
Chủ động cắt đứt những mối quan hệ nơi Silent Treatment diễn ra liên tục, cũng là cách bạn đặt ra ranh giới lành mạnh (boundaries) cho bản thân.
Những phản ứng tổn thương trước Silent Treatment, cũng là một phần trong bản năng con người. Nhận biết được nguồn gốc và lý do của hành vi này, bạn có thể tập điều chỉnh cảm xúc và hành vi mình hợp lý để tránh tổn thương trong mọi tình huống.