Vai trò của SMEs trong nền kinh tế quốc gia
Việt Nam hiện có 865.000 doanh nghiệp, trong đó 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này được xem là huyết mạch của nền kinh tế, đóng vai trò chủ lực trong quá trình xây dựng tương lai bền vững và bền bỉ cho đất nước.
SMEs mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế, nhưng tác động của họ lên hành trình ESG cũng quan trọng không kém. Để khai phá được tiềm năng đó, họ cần có đủ nguồn lực và công cụ để tiếp cận nguồn vốn xanh, cũng như phát triển thành doanh nghiệp tạo tác động cho môi trường và xã hội.
Trước tình hình này, Raise Partners với Vietnam Innovators by Vietcetera đã hợp tác tổ chức Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2024. Hội nghị tạo ra một sân chơi giúp kết nối SMEs với các nhà đầu tư bền vững, mở ra cơ hội xây dựng hệ thống linh hoạt để phát triển tài chính bền vững và đầu tư ESG tại Việt Nam.
Trong phiên thảo luận “Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong việc đầu tư và phát triển ESG”, bà Rong Yu - Trưởng ban Giải pháp ESG khu vực Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Đông Nam Á của S&P Global Sustainable1, đã đưa ra giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tiếp cận nguồn vốn và cải thiện hiệu suất ESG.
S&P Global hỗ trợ các SMEs như thế nào?
Là tập đoàn đa quốc gia chuyên tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính, S&P Global tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp định hướng bền vững.
Trong suốt bề dày lịch sử, dịch vụ Essential Intelligence của S&P Global đã từng hỗ trợ các tập đoàn hàng đầu thế giới đưa ra quyết định đầu tư.
S&P Global Sustainable1, một nhánh nhỏ của S&P Global, là tổ chức chuyên cung cấp thông tin, kết nối khách hàng với các sản phẩm, thông tin và giải pháp phát triển bền vững.
Nhờ nền tảng thông tin bao quát lẫn chuyên sâu về thị trường, các tập đoàn, chính phủ và các tổ chức tài chính sẽ có cái nhìn sâu rộng về rủi ro, cơ hội và tác động tạo ra khi doanh nghiệp theo đuổi tương lai bền vững.
Việc hỗ trợ các SMEs đầu tư và phát triển ESG là vô cùng quan trọng cho hành trình phát triển bền vững của Việt Nam. Nhờ có các công cụ, chiến lược và nguồn lực phù hợp, SMEs sẽ ngày càng gia tăng đóng góp cho nền kinh tế, đồng thời tạo ra tác động tích cực cho môi trường và xã hội.
Sáng kiến từ phiên thảo luận
Thông qua các giải pháp quản lý tài chính cho tập đoàn và nhà đầu tư, bà Rong Yu đã dẫn dắt S&P Global phát triển và dẫn đầu trong thị trường tài chính bền vững.
Với chuyên môn về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trong hơn 1 thập kỷ và nắm giữ các chức vụ liên quan đến ESG tại PwC Strategy, Ngân hàng thế giới và Liên hợp quốc, bà Rong Yu đã đưa ra những giải pháp thực tiễn về ESG và tài chính bền vững.
Góp mặt cùng bà trong phiên thảo luận tại Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2024 là ông Xavier Depouilly, Giám đốc Điều hành của Indochina Research; ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch dẫn dắt đội Tư vấn Ngân hàng Đầu tư & Doanh nghiệp tại Đông Nam Á của Impact Investment Exchange (IIX); bà Yên Đỗ - Quản lý Đầu tư tại Quỹ Beacon Fund và ông Lê Duy An, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Bồ Câu.
Họ đã cùng trao đổi về các giải pháp giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn đầu tư và chuyển đổi số.
Lộ trình tiếp cận nguồn vốn đầu tư của SMEs
Doanh nghiệp cần thực hiện 5 bước sau:
- Tìm hiểu bộ tiêu chuẩn ESG và các mục tiêu bền vững: SMEs phải làm quen với bộ tiêu chuẩn ESG, mục tiêu bền vững và các tiêu chuẩn để thực hiện báo cáo ESG. Quy trình này sẽ giúp SMEs đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và tiếp cận nguồn vốn phù hợp.
- Phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin: Công nghệ là chìa khóa then chốt trong quản lý và thực hiện báo cáo bền vững. Các SMEs cần đầu tư vào công nghệ để theo dõi và làm báo cáo hiệu quả hơn.
- Xây dựng hệ thống quản trị vững mạnh: Cơ cấu quản trị hiệu quả sẽ đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của các hoạt động ESG. SMEs cần thiết lập hệ thống quản trị rõ ràng thì doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững.
- Kêu gọi sự chung tay của các bên liên quan: Việc chủ động kết nối với nhân viên, khách hàng và cộng đồng là vô cùng quan trọng. Sự gắn kết này sẽ góp phần gây dựng sự tin tưởng và gia tăng lợi thế cạnh tranh của SMEs.
- Tiếp cận các nguồn lực và công cụ tài chính: Hiện có rất nhiều nguồn lực và công cụ tài chính như các khoản vay, tài trợ và các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp bền vững để hỗ trợ các SMEs thực hành ESG.
Các phương pháp đo lường và thực hành ESG hiệu quả nhất
Cũng trong phiên thảo luận, các diễn giả đã đúc kết những phương pháp giúp SMEs đo lường và thực hành ESG hiệu quả:
- Đặt mục tiêu cụ thể: Các SMEs cần đặt ra mục tiêu rõ ràng và có khả thi để dễ dàng đo lường và thực hiện các cam kết bền vững.
- Thường xuyên công bố báo cáo: Việc công bố báo cáo thường xuyên và minh bạch sẽ giúp nhà đầu tư và khách hàng theo dõi tiến độ thực hành ESG.
- Liên tục cải thiện chỉ số ESG: ESG là một chặng đường dài, đòi hỏi các SMEs phải liên tục đánh giá và đưa ra các chiến lược mới để kịp thích ứng với thị trường.
Chuyển ngữ bởi Thúy An