Sponge city: Thách thức mọi thể loại lũ và lụt! | Vietcetera
Billboard banner

Sponge city: Thách thức mọi thể loại lũ và lụt!

Trận mưa và lụt lớn tại Huế mới đây là cảnh tượng năm nào ta cũng thấy, nhưng không có cách giải quyết. Từ bối cảnh đó, sponge city có thể là đáp án cho tương lai các đô thị ở Việt Nam.
Sponge city: Thách thức mọi thể loại lũ và lụt!

Nguồn: Theodore Kaye/The Nature Conservancy

1. Sponge city là gì?

Sponge city, tạm dịch là “đô thị bọt biển,” là một phương án quy hoạch cho những khu vực hay chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Gọi là “bọt biển” bởi cách làm này lấy cảm hứng từ cách mà miếng bọt biển có thể thấm và hút hết nước để tìm ra các giải pháp chống lại lũ lụt và mưa lớn ở những khu vực nhất định.

Sponge city có thể là giải pháp để kiến tạo các đô thị tương lai và từng bước cải tạo những thành phố thường xuyên tổn thương vì lũ lụt. Giải pháp này sẽ rất hữu hiệu tại những tỉnh duyên hải như Huế và Đà Nẵng, hay những thành phố có lượng mưa nhiều, độ dốc cao và nhiều khu vực trũng như Đà Lạt.

Nếu có thể triển khai sponge city, ta sẽ không phải lo rằng những trận mưa lịch sử sẽ kéo theo những cơn lũ lịch sử như ở Đà Lạt hồi giữa năm nay, hay mới đây nhất là cơn lũ lớn khiến mọi thứ tê liệt tại Huế.

21nov20233683595427395733579929176168177302426969453n17000618284281562116315jpg
Lũ lụt ở Huế trong những ngày qua. | Nguồn: Tấn Anh/Người Lao Động

Bước đầu tiên để tạo ra những sponge city là bổ sung những khu vực tự nhiên, những cảnh quan xanh trong thành phố. Ta cần lựa chọn những khu vực phù hợp để không ảnh hưởng tới những quy hoạch đô thị đã có, vừa chống đỡ cho những vùng hay chịu lũ lụt.

Sau đó, ta có thể tiến tới việc phục hồi những cảnh quan thiên nhiên xung quanh các sông, hồ, hay là thiết kế lại các không gian có nước tự nhiên để nước không tràn ra nhanh mà ngấm ngược lại vào lòng đất.

2. Nguồn gốc của sponge city?

Năm 1997, kiến trúc sư người Trung Quốc Du Khổng Kiên (Kongjian Yu) và nhóm của mình bắt đầu nghiên cứu hệ thống nước đô thị.

Thông qua quá trình nghiên cứu, vị kiến trúc sư cùng đồng đội nhận ra rằng những vùng đất ngập nước tự nhiên ven theo chiều dài của những con sông giống như những miếng bọt biển. Chúng vừa có thể giữ nước lại khi có lũ, vừa có thể trữ nước đề phòng hạn hán.

Tới năm 2001, ông cùng các cộng sự đưa ra bản đề xuất mang tên Mười chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ sinh thái đô thị, trong đó thảo luận về việc quản lý nước mưa trong không gian thành thị. Một trong những chiến lược quan trọng nhất là bảo tồn và phục hồi trạng thái tự nhiên của những con sông, bờ biển, và những hệ thống đất ngập nước.

Trong một buổi phỏng vấn, Du Khổng Kiên đã kể về một trải nghiệm thời còn nhỏ đã gợi ý cho ông về những sáng kiến này. Đó là khi ông rơi xuống dòng nước xiết vào năm 10 tuổi nhưng may mắn thoát chết nhờ víu vào những cành cây, rễ cây, những bộ phận của cảnh quan tự nhiên xung quanh.

21nov2023kongjianyu1366x2048jpeg
Kiến trúc sư Du Khổng Kiên. | Nguồn: Elle Decoration

Từ đó, ông nhận ra rằng sắc lục của cây cối và sắc lam của nước nên song hành cùng nhau để tạo một khu vực chắc chắn, có khả năng cản nước, giữ nước, thấm hút nước như miếng bọt biển.

Tới năm 2004, những chiến lược của Du Khổng Kiên đã trở thành phương pháp tiếp cận của chính phủ Trung Quốc trong việc thiết kế đô thị, giải quyết các vấn đề về nước ở cả thành phố lẫn nông thôn. Các sáng kiến của ông đã thành hình và đang hiện diện ngay hôm nay tại nhiều tỉnh và thành phố lớn ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Chiết Giang, Sơn Đông, v.v.

3. Vì sao sponge city phổ biến?

Sáng kiến của kiến trúc sư Du Khổng Kiên mang đậm dấu ấn Trung Quốc, nhưng cũng đã xuất hiện ở một số quốc gia châu Á, ví dụ như tại thủ đô Bangkok Thái Lan. Trên toàn cầu, khái niệm sponge city thuộc về hệ thống các sáng kiến quản lý nguồn nước tại đô thị hiện đại.

Tại Úc, sponge city xuất hiện trong khái niệm water-sensitive urban design. Tại Mỹ, sponge city có cái tên dài hơn: green infrastructure for stormwater management. Tại châu Âu, người ta dùng khái niệm nature-based solution.

Càng sống và quan sát, những người làm quy hoạch nhận ra rằng con người nên sống cùng thiên nhiên, nương tựa vào thiên nhiên, và thay đổi theo thiên nhiên. Tùy vào từng khu vực địa lý nhất định mà thiên nhiên sẽ mang hình hài của cây, của núi, của đồi cát, hay của biển. Với Du Khổng Kiên, thiên nhiên cô đọng trong hình hài của nước.

21nov20231080x608cmsv2bef9945a318b5eee8d106b64aa7a49186232778jpg
Một con sông tại Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc trước và sau khi thực hiện phương án sponge city. | Nguồn: Turenscape/Euronews.green

Từ góc độ môi trường, các thảm họa thiên nhiên đang diễn ra nhiều hơn trong những thập kỷ vừa qua. Điều này đi kèm với hoạt động canh tác và cải tạo thiên nhiên của con người khiến cho lũ lụt trở thành một trong những hiểm họa nguy hiểm nhất.

Không chỉ ở Việt Nam, đã có vô vàn thảm họa lũ lụt trên toàn cầu, như ở Pakistan vào năm 2022 và 2023. Vì thế, sponge city là một sáng kiến có thể cứu mạng sống của rất nhiều người.

4. Cách dùng sponge city

Tiếng Anh:

A: I’ve never seen such a tremendous flood in Hue for a lifetime. This way of living isn’t sustainable at all.

B: I hope that one day we can design a sponge city so that people don’t have to fear water during rainy seasons.

Tiếng Việt:

A: Cả đời ở Huế, chưa bao giờ thấy lụt to vậy. Kiểu này thì sống sao.

B: Mong là ngày nào đó có thể thiết kế thành phố bọt biển để không phải lo sợ mỗi mùa mưa.