Ta nên làm gì với kiếp người hữu hạn? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Ta nên làm gì với kiếp người hữu hạn?

"Chúng ta chỉ được chữa lành khỏi nỗi đau khổ bằng cách trải nghiệm nó một cách đầy đủ nhất."
Ta nên làm gì với kiếp người hữu hạn?

Nguồn: Nomadland - Searchlight Pictures.

Cho dù cả 8 bộ phim được đề cử Oscar ở hạng mục quan trọng nhất “Best Picture” đều được hoàn thành trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra và tàn phá cả thế giới, ta có cảm tưởng như là chúng được làm ra trong giai đoạn thống khổ này để an ủi những nỗi đau của con người.

Hay Oscar chỉ chuộng những bộ phim nói về sự thống khổ, nỗi đau và cách mà con người vượt qua chúng để tìm sự cứu rỗi cho cuộc đời họ?

Nói như Marcel Proust: "Chúng ta chỉ được chữa lành khỏi nỗi đau khổ bằng cách trải nghiệm nó một cách đầy đủ nhất."

Oscar lần thứ 93 - nơi những nhà làm phim vô danh tỏa sáng

Trong một năm đại dịch tàn phá toàn thế giới, ngành công nghiệp điện ảnh cũng bị hủy hoại nặng nề. Hình ảnh khán giả rồng rắn đến rạp xem phim để thưởng thức những bộ phim bom tấn chen chúc ra rạp hàng tuần vào mỗi mùa hè hay dịp lễ hội cứ như là chuyện xảy ra ở thời xa xôi nào đó chứ không phải là chuyện của chỉ hơn một năm về trước thôi.

Nhưng ngành công nghiệp điện ảnh chết lâm sàng, không có nghĩa là điện ảnh cũng chết. Sự phát triển của các nền tảng trực tuyến giúp điện ảnh vẫn có đất sống, cho dù dưới một hình thức ít tính điện ảnh hơn. Không chỉ thế, những bộ phim nghệ thuật hoặc độc lập cũng dễ dàng tiếp cận khán giả hơn nhờ các nền tảng trực tuyến.

Trong hơn 20 năm theo dõi về giải Oscar, đây cũng là năm hiếm hoi mà tôi được xem hết cả 8 bộ phim được đề cử Oscar cho giải “Best Picture” (Phim hay nhất) và các hạng mục quan trọng khác trước ngày trao giải, để có một cái nhìn toàn cảnh về giải thưởng năm nay.

collage 8
8 bộ phim tranh giải hạng mục Phim hay nhất tại Oscar lần thứ 93.

Ở 8 bộ phim tranh giải Phim hay nhất lần thứ 93 (2021), ta có thể thấy rõ một điểm nổi bật mà Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ (AMPAS) chú trọng: phát hiện và tôn vinh những tài năng mới, những nhà làm phim vốn còn nằm trong vùng vô danh trước đó.

Ngoại trừ hai tên tuổi kỳ cựu là David Fincher (Mank) và Aaron Sorkin (The Trial of Chicago 7) với hai bộ phim nặng mùi “Oscarbait” (những bộ phim được làm ra với mục đích tranh giải từ đầu), hầu hết các bộ phim lọt vào vòng đề cử đều là những tác phẩm khá “thuần khiết”. Nghĩa là chúng được làm ra từ nhu cầu tự thân của các đạo diễn trẻ, những nhà làm phim khao khát được kể những câu chuyện nhỏ, mang tính riêng tư về những nỗi thống khổ, những nỗi đau và cách mà con người đối mặt với chúng để vượt qua như thế nào.

Nỗi cô độc của những người bên kia sườn dốc cuộc đời

NomadlandThe Father là hai trong số ít tác phẩm điện ảnh được giới phê bình điện ảnh ca tụng nhiều nhất trong mùa giải Oscar năm nay, đặc biệt là ý tưởng kịch bản, đạo diễn và màn diễn xuất đỉnh cao của hai tài năng lớn. Đó là hai bộ phim của hai nhà làm phim rất trẻ, nhưng lại chọn hai câu chuyện “rất già”: nỗi cô đơn và cô độc của những con người bên kia sườn dốc cuộc đời.

intext2
Hai nhân vật chính trong Nomadland và The Father. | Nguồn: Searchlight Pictures/Sony Pictures Classics

Nomadland của đạo diễn gốc Hoa Chloe Zhao, nhà làm phim nữ đã khẳng định tài năng ngay từ bộ phim đầu tay Songs My Brothers Taught Me (2015) và đến bộ phim thứ 3 đã được giới phê bình công nhận như là một trong những nhà làm phim nổi trội nhất hiện nay. Nomadland đã chiến thắng vô số giải thưởng quan trọng tiền Oscar và giành được 6 đề cử Oscar, trong đó có tới 4 hạng mục cá nhân cho Chloe Zhao, một kỷ lục mà chưa nhà làm phim nữ nào đạt được trong lịch sử.

Và việc Nomadland bước lên bục vinh quang tại Oscar năm nay và lập nên chiến tích huy hoàng của nó, chắc sẽ chỉ diễn ra trong ít giờ nữa, với những giải thưởng có thể đoán trước: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất cho Chloe Zhao và Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất cho Joshua James Richards, người cộng sự luôn giữ vai trò quay phim đồng thời cũng là bạn trai ngoài đời của Zhao.

zhao
(Từ trái sang) đạo diễn Chloe Zhao, D.O.P Joshua James Richard và diễn viên/nhà sản xuất Frances Dormand. | Nguồn: filmozercy

Nomadland có sức quyến rũ gì để chinh phục giới hàn lâm đến vậy? Có lẽ ngoài một câu chuyện mang tính thời điểm về sự khủng hoảng của con người trước biến động của thời cuộc, một lối kể chuyện vừa hiện thực vừa thấm đẫm chất thơ về vẻ đẹp siêu thực của vùng viễn Tây nước Mỹ, bộ phim còn giúp ta trả lời câu hỏi mang tính hiện sinh về nỗi cô đơn và cô độc của kiếp người khi đang ở bên kia sườn dốc cuộc đời.

Nomadland không chỉ đồng cảm với những người già cô độc mà còn đánh thức những người trẻ đang hãy còn hoang mang chấp chới với cuộc đời này trước những câu hỏi về sinh tồn và hiện hữu. Bộ phim như một phép thiền tịnh cho những tâm hồn cô độc, rằng trước cuộc đời vốn nhiều biến động và bất ổn này, hãy hướng nhiều hơn vào bên trong tâm hồn mình, làm bạn với chính bản thân ta, hơn là tìm kiếm nguồn vui hay sự nương tựa từ bên ngoài.

Như Fern (Frances McDormand đóng), người phụ nữ ngoài 60 vừa mất đi người chồng, người bạn đời lẫn công việc mưu sinh ở một nhà máy địa phương – nghĩa là đã mất đi những gì gắn bó và thân thuộc nhất – bà đã chọn cách sống du mục trên đường. Như ai đó đã nói, khi ta mất đi tất cả là lúc ta tự do tuyệt đối nhất. Fern đã lên đường và sống rày đây mai đó trên một chiếc xe van, tìm những công việc thời vụ để sinh tồn và kết bạn với những người du mục khác để chia sẻ với nhau những khoảnh khắc đẹp của sự hiện hữu, và rồi họ lại tiếp tục lên đường. Ở suốt cuộc hành trình đơn độc đó, ta thấy người đàn bà bên kia sườn dốc cuộc đời ấy đã không còn thấy cô đơn nữa, bởi bà đã làm quen dần với sự cô độc của chính mình.

Xem bộ phim này vài lần, tôi dần cảm nhận được vẻ đẹp của sự thức tỉnh trong tác phẩm mang tính thiền này. Như cuộc đối thoại cuối cùng giữa Fern và Bob Wells, một người đàn ông cô độc khác bên đống lửa nhóm lên giữa đêm tối: “Một trong những điều tôi yêu thích nhất ở cuộc đời này là không có lời tạm biệt cuối cùng. Tôi đã gặp hàng trăm người trên đường và tôi chưa bao giờ nói lời tạm biệt cuối cùng. Tôi chỉ nói, ‘hẹn gặp lại trên đường’. Và tôi đã gặp, cho dù một tháng, một năm hay thậm chí nhiều năm, tôi vẫn gặp lại họ trên đường”.

goodbye
Fern (Frances McDormand) và Linda May (tự đóng chính mình). Linda là một trong những diễn viên không chuyên thực sự sống đời du mục. | Nguồn: Searchlight Pictures

The Father, bộ phim đầu tay của biên kịch, đạo diễn người Pháp Florian Zeller cũng tạo được một tiếng vang lớn ngay khi mới xuất hiện tại LHP Sundance năm ngoái. Ngoài màn diễn xuất minh chứng cho “quyền năng” của một diễn viên lớn (Anthony Hopkins), bộ phim còn tạo ra một sức mạnh khi kể lại sự suy tàn của đời người từ chính góc nhìn của một người đàn ông lớn tuổi đang bị trí não ăn mòn ấy.

intext3
Sự yếu ớt tuổi già đã thay thế cho ánh nhìn điên loạn từng thấy từ Anthony Hopkins trong "Sự Im Lặng Của Bầy Cừu". | Nguồn: Sony Pictures Classics

The Father được chuyển thể từ chính vở kịch Le Père của Florian Zeller mà anh viết nhiều năm về trước, giúp tên tuổi anh trở nên nổi tiếng trên trường quốc tế. Không chỉ thành công tại Pháp, vở kịch được Christopher Hampton, một nhà biên kịch kỳ cựu từng thắng giải Oscar chuyển thể sang bản tiếng Anh và được dàn dựng trên sân khấu West End ở London và Broadway tại New York cũng tạo tiếng vang.

Vài năm sau, dưới sự động viên và hợp tác của Christopher Hampton, Florian Zeller đã quyết định chuyển thể vở kịch này thành bộ phim điện ảnh đầu tay và do chính anh đạo diễn. Nhà làm phim sinh năm 1979 này ngay lập tức chinh phục giới phê bình với một cách kể chuyện chứa đầy sự bất ngờ, đặc biệt là cấu trúc vặn xoắn của nó, dẫn dắt người xem đi vào mê cung của một tâm trí đang dần suy tàn của Anthony (Anthony Hopkins) – một người cha, một người đàn ông lớn tuổi đang phải chiến đấu với căn bệnh mất trí nhớ của mình. Đã có nhiều bộ phim hay khai thác về căn bệnh Alzheimer của người già như Amour, Still Alice hay Away from Her…, nhưng chắc chắn The Father không đi theo những công thức có phần đã quen thuộc đó.

maze
Bước vào mê cung của một tâm trí suy tàn. | Nguồn: Sony Pictures Classics

The Father được kể từ góc nhìn của người đàn ông có trí não đang dần lụi tàn, ta dần dần nhận ra những hiện thực trên phim chỉ là những hiện thực của một trí não bị ăn mòn và tạo ra những nhầm lẫn chồng chéo, những hoang tưởng khổ đau. Và ở giây phút ông ta nhận ra sự thật và chấp nhận nó, rồi bật khóc nức nở như một đứa trẻ ở gần cuối phim, bộ phim khiến ta sững sờ, không chỉ vì màn diễn xuất đỉnh cao của Hopkins, mà còn nhận ra sự bất lực và hữu hạn của đời người.

Không có sự thức tỉnh của một bộ phim đẫm tính thiền như Nomadland, The Father đơn giản giúp chúng ta soi rọi được bi kịch “sinh lão bệnh tử” của một người đàn ông lớn tuổi khi ông ta đang chấp chới giữa quên và nhớ trong chương cuối của cuộc đời mình.

Những kẻ bị chối từ

Ở những bộ phim hay còn lại của Oscar năm nay, ngoài Promising Young WomanMinari, hai bộ phim được chiếu rạp tại Việt Nam và được phân tích khá nhiều trên các phương tiện truyền thông, ngoài Judas and the Black Messiah mang màu sắc chính trị và còn khá xa lạ với khán giả trẻ, tôi muốn chọn Ma Rainey’s Black BottomSound of Metal để chia sẻ góc nhìn về nỗi đau và bi kịch của những kẻ bị chối từ.

broken
Levee (Ma Rainey's Black Bottom) và Ruben (Sound of Metal) đều là những nghệ sĩ chịu nhiều nỗi khổ. | Nguồn: Netflix/Amazon Studios

Ta có thể nhận ra bi kịch của những kẻ bị chối từ này trong nhiều bộ phim được đề cử nhiều hạng mục quan trọng của giải Oscar năm nay. Đặc biệt là ở hai nhân vật Levee (Chadwick Boseman) trong Ma Rainey’s Black Bottom và Ruben (Riz Ahmed) trong Sound of Metal. Trước hết, phải công nhận đó là hai màn diễn xuất bùng nổ của hai tài năng, hai diễn viên da màu phải chật vật để khẳng định vị trí ở Hollywood – mà ở đó, họ phải nỗ lực hơn rất nhiều lần để tồn tại và được công nhận. Nhưng hai nhân vật mà họ thủ diễn và lần đầu được đề cử Oscar cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất thì không có được may mắn ấy, bởi, họ là hai người nghệ sĩ vô danh phải vật lộn với một cuộc đời mà họ không có chỗ dự phần.

Levee của Chadwick Boseman trong Ma Rainey’s Black Bottom là một chàng nhạc công da đen khao khát được công nhận, nhưng sự cấp tiến và sáng tạo đột phá trong dòng nhạc Blues của anh bị chối từ, ngay từ người cộng sự quan trọng nhất – bà hoàng của dòng nhạc Blues, nữ danh ca chính của ban nhạc Ma Rainey (Viola Davis). Trong một bộ phim đậm tính kịch nghệ tập trung vào một ngày tập dượt của ban nhạc với cuộc đối đầu càng lúc càng bị đẩy lên căng thẳng cùng cực giữa Levee và Ma Rainey, giữa sự cấp tiến và bảo thủ, giữa vô danh và nổi danh, giữa kẻ yếu thế và kẻ có quyền,… ta dần dần nhận ra cuộc chiến vô nghĩa giữa người da đen với chính người da đen, trong một xã hội mà bọn họ vẫn chịu nhiều kỳ thị về chủng tộc.

internal racism
Mâu thuẫn giữa những người bị kỳ thị. | Nguồn: Netflix

Thông điệp sâu sắc mà nhà biên kịch kỳ cựu August Wilson chỉ ra trong vở kịch được chuyển thể thành phim này có thể không mới, nhưng vẫn chưa bao giờ cũ trong thế giới ngày nay: rào cản lớn nhất trong cuộc đấu tranh đòi phá bỏ phân biệt chủng tộc, đôi khi lại đến từ những người cùng màu da với mình. Và ở đó, ta nhận ra nỗi đau và bi kịch của Levee, chàng nhạc công và nghệ sĩ mang tham vọng lớn nhưng bị chối từ, hết lần này đến lần khác, cũng bắt đầu từ chính màu da của anh.

turn your back on me
"Quay lưng với tôi đi!" - Levee. | Nguồn: Netflix.

Sound of Metal, lại một bộ phim đầu tay khác của đạo diễn trẻ Darius Marder nhận tới 6 đề cử Oscar, cho thấy Viện Hàn lâm Mỹ đang cởi mở hơn bao giờ hết trong việc công nhận các tài năng mới khi tác phẩm chạm được vào người xem ở giây phút của sự đốn ngộ.

Bộ phim là câu chuyện đau lòng về cuộc đời của một tay trống nhạc rock heavy-metal đang dần sụp đổ khi nhận ra một sự thật oái oăm: anh ta đang bị mất dần khả năng thính giác. Hành trình vẫy vùng trong tuyệt vọng của Ruben (Riz Ahmed) từ khi nhận ra màng nhĩ của mình bị xé ra từng mảnh hay việc học những ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính cũng là một hành trình của sự giác ngộ và thức tỉnh để rồi cuối cùng chấp nhận sự khiếm khuyết của chính mình.

hearing aid
Ruben trải qua quá trình giác ngộ và thức tỉnh trong "Sound Of Metal". | Nguồn: Amazon Studios

Và cuối cùng, khi biết mình bị chối từ, Ruben không còn bằng mọi giá để giữ lại con người mà anh ta đã từng nữa, mà chấp nhận buông bỏ, ngay cả cái máy trợ thính giúp anh ta có thể lắng nghe phần nào âm thanh cuộc sống.

Có phải vì sự vô thanh cũng có vẻ đẹp của nó?

Hay nói như văn hào người Pháp Marcel Proust mà tôi đã dẫn đầu bài: "Chúng ta chỉ được chữa lành khỏi nỗi đau khổ bằng cách trải nghiệm nó một cách đầy đủ nhất."