6 Tựa phim độc đáo nhất năm 2020 | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 01, 2021
Sáng TạoĐiện Ảnh

6 Tựa phim độc đáo nhất năm 2020

Khi thế trận cân bằng, không phải kinh phí sản xuất, chiến dịch quảng cáo sẽ quyết định sức lan tỏa của một sản phẩm, mà đó là sự phá cách trong ý tưởng, nội dung và kỹ thuật của những nhà làm phim.
6 Tựa phim độc đáo nhất năm 2020

Nguồn: Sound Of Metal, Đoạn Trường Vinh Hoa, Another Round.

Những sự kiện đáng quên của năm 2020 đã gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống của người dân toàn cầu, và ngành điện ảnh là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất. Dù vậy, đây cũng là cơ hội để những sản phẩm điện ảnh nghệ thuật độc lập có cơ hội tỏa sáng khi rạp chiếu phim vắng đi những phim bom tấn.

Khi thế trận cân bằng, không phải kinh phí sản xuất, chiến dịch quảng cáo sẽ quyết định sức lan tỏa của một sản phẩm, mà đó là sự phá cách trong ý tưởng, nội dung và kỹ thuật của những nhà làm phim. Sau đây là những bộ phim độc đáo nhất trên nhiều phương diện khác nhau, được chọn bởi Vietcetera.

1. Another Round

Another Round là bộ phim bi - hài của đạo diễn Thomas Vinterberg về hành trình trở thành những kẻ nghiện rượu của một nhóm giáo viên trường cấp 3 tại Đan Mạch.

Từ một giả thuyết ngụy khoa học cho rằng con người luôn bị “thiếu” 0.05% độ cồn trong máu, một nhóm nam giáo viên đang chán nản với cuộc sống đã tiến hành một “nghiên cứu” về tác dụng của cồn trong rượu bia.

Họ bắt đầu hình thành thói quen uống rượu với niềm tin rằng khi “bù đắp” lượng cồn bị thiếu hụt, hiệu suất làm việc và tâm lý con người sẽ đạt trạng thái tốt nhất. Cộng vào đó là những luận cứ bám chặt vào thành công của vĩ nhân nghiện rượu Winston Churchill càng làm họ vững tin hơn với hành động của mình.

Và rồi chuyện gì tới cũng phải tới, cơn khát rượu, cơn khát một lối thoát tạm thời khỏi thực tế đã khiến họ trả giá.

Diễn viên gạo cội Mads Mikkelsen đã trình bày xuất sắc nỗi buồn của những người đàn ông đầu hàng trước áp lực từ xã hội, từ gia đình và đặc biệt là từ chính cái tự tôn nguyên thủy và khổng lồ của mình. Tài năng của diễn viên, ý tưởng kịch bản mới mẻ và chạm tới những vấn đề cố hữu trong cuộc sống đã giúp Another Round được đánh giá là một cái tên xứng đáng cho tượng vàng Oscar dành cho phim tiếng nước ngoài.

2. Đoạn Trường Vinh Hoa

Đoạn Trường Vinh Hoa là phim tài liệu được sản xuất theo tinh thần phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp. Bộ phim nằm trong khuôn khổ dự án VTV Đặc biệt.

Đoạn Trường Vinh Hoa hòa mình vào cuộc sống của những diễn viên từ đoàn tuồng cổ Phương Ánh, với nhân vật chính là cô bầu đoàn Phương Ánh cùng con gái Phương Anh, cũng là đào chính của gánh hát.

Tuồng cổ là môn nghệ thuật với sinh lực ngày một yếu dần. Người diễn đã già, khán giả cũng ít và không còn mấy người trẻ. Đoàn tuồng Phương Ánh cũng không thể tránh khỏi tình cảnh đó. Khó khăn mưu sinh chồng chất, thứ duy nhất giữ chân họ với công việc này có lẽ là niềm đam mê sân khấu cháy bỏng.

Bộ phim là hành trình của của những đánh đổi và mất mát vì tình yêu nghệ thuật tuồng cổ. Tuy khai thác một chủ đề đã cũ, nhưng dưới góc nhìn trong cuộc của đạo diễn Lê Mỹ Cường và Thanh Nguyễn, cùng tinh thần tài liệu điện ảnh trực tiếp, người xem trải nghiệm chân thực những cảm xúc đặc biệt, nỗi đau đặc biệt của những cuộc đời đặc biệt.

3. Sound of Metal

Sound Of Metal (do Darius Marden đạo diễn) là minh chứng cho khả năng của điện ảnh trong việc hình thành những mối cảm thông. Trong bộ phim này, chúng ta sẽ trải qua những cung bậc cảm xúc của một người dần mất đi thính lực.

Ruben (Riz Ahmed đóng) từng là một tay trống heavy metal cho tới khi bác sĩ bảo anh đã mất từ 80-90% khả năng nghe và 10% cuối cùng cũng không còn ở lại bao lâu nữa. Điều này đặc biệt nguy hiểm cho Ruben. Vì không chỉ không thể nghe, chơi nhạc, cú sốc từ việc tai anh ngày một điếc có thể làm anh tái nghiện.

Hoang mang và chán nản là hai cảm xúc được diễn viên Riz Ahmed truyền tải trọn vẹn trong Sound Of Metal. Kết hợp với diễn xuất tài tình của diễn viên là kỹ thuật thiết kế âm thanh dưới sự chỉ đạo của Darius Marden, khắc họa môi trường và diễn biến tâm lý của một người “bỗng dưng” khiếm thính. Đây chính là điểm nổi bật nhất của bộ phim khi đem tới người xem một trải nghiệm đầy ấn tượng mà có lẽ trước khi xem phim họ còn chưa từng nghĩ tới.

4. Tenet

Christopher Nolan là đạo diễn nổi tiếng với thể loại phim khoa học - viễn tưởng có phần khó hiểu. Khán giả hâm mộ ông vì mỗi lần xem phim đều cảm thấy mình đang bước vào một thế giới với đầy những ẩn số, cần phải tư duy để xâu chuỗi và tìm thấy logic phim.

Tenet là một dự án đặc biệt của đạo diễn này. Là phim bom tấn đầu tiên ra rạp khi nền điện ảnh thế giới đóng băng vì COVID-19, Tenet được xem như ‘phép thử’ thị trường, có ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất và công chiếu của nhiều dự án khác trong đại dịch.

Phim xoay quanh những nhân vật du hành xuyên không gian và thời gian, thay đổi các sự kiện quan trọng để cứu thế giới khỏi tận thế. Họ liều mạng chạy ngược xuôi trên dòng lịch sử nhằm sửa chữa những sai lầm. Nhưng để du hành thời gian, có những nguyên tắc mà họ bắt buộc phải tuân theo. Chính những nguyên tắc này là một điểm sáng trong cốt truyện của Tenet, vì chúng giới thiệu đến khán giả những giả thuyết kỳ lạ về cách thời gian hoạt động.

Dù không thành công về mặt thương mại, Tenet vẫn là một trong những sản phẩm điện ảnh độc đáo nhất của năm 2020 với những khái niệm mới lạ về “dòng thời gian nghịch đảo”. Để khắc họa khái niệm này, đạo diễn và ekip đã có những sáng tạo đột phá trong dàn dựng bối cảnh, kỹ xảo, âm nhạc. Với Tenet, chắc chắn người xem sẽ có được trải nghiệm nghe nhìn không thể tìm thấy được ở bất cứ ai ngoài Christopher Nolan.

5. Nomadland

Nomadland (đạo diễn Chloe Zhao) là bộ phim khắc họa đời sống của những “du mục thời hiện đại” dựa trên cuốn sách cùng tên của tác giả Jessica Bruder. Bộ phim đã thắng giải Sư tử vàng tại LHP Venice năm nay và được dự đoán tiếp tục khắc tên trên tượng vàng Oscar sắp tới.

Nhân vật chính trong phim là Fern (Frances McDormand), một phụ nữ trung niên mất hết tất cả sau nhiều biến cố. Khi quê nhà tại khu vực Empire, bang Nevada bị xóa sổ vì ngành công nghiệp thạch cao mũi nhọn sụp đổ, Fern phải đối mặt với thực tế mới đầy khắc nghiệt một mình vì chồng cô vừa qua đời.

Mất tất cả từ người thân tới tài sản, Fern buộc phải bắt đầu lang bạt trên khắp các dặm đường xa. Cô sống trên chiếc xe tải nhỏ tên Vanguard và làm việc thời vụ để tồn tại. Trên chuyến rong ruổi cầu thực, cô có dịp gặp gỡ, chia sẻ về cuộc đời mình và lắng nghe những người cùng hoàn cảnh.

Không cần nhân vật xuất chúng hay một cốt truyện kịch tính, Nomadland kể câu chuyện cuộc đời bình dị nhưng lại đầy chất thơ. Đó là khi màu sắc điện ảnh và diễn xuất tái hiện những trải nghiệm thật sự diễn ra trong cuộc sống. Cũng như đời thực, trong Nomadland, song hành với sự tự do và vẻ đẹp hùng vĩ mà cuộc sống du mục mang lại là nỗi buồn và cô đơn - thứ thể hiện rõ qua những cuộc đối thoại đầy tính phóng sự giữa Fern và các diễn viên phụ. (phần lớn là dân “du mục” thật sự)

6. Soul

Cõi vĩnh hằng - thê giới sau sự sống luôn là một câu hỏi lớn của con người và đã có nhiều mường tượng về nơi thần bí này. Thế nhưng thế giới trước khi chúng ta sống thì thế nào? Đó là thế giới của Soul, một bộ phim hoạt hình xuất sắc của Disney đã tạo nên nhiều cuộc thảo luận về cái chết, sự sống và những điều hình thành nên một linh hồn.

Chúng ta thường dễ định nghĩa sự hạnh phúc bằng những thành tựu, hay lấy đam mê làm kim chỉ nam khi hoang mang trong cuộc sống. Joe Gardner cũng vậy, anh là một nghệ sĩ piano tài ba với khả năng cảm âm và bay bổng trong thế giới của những nốt nhạc. Thế nhưng Joe chỉ thực sự sống khi chơi nhạc, mà quên rằng anh còn có những “chân vạc” khác như gia đình, bạn bè và những lạc thú be bé.

Âm nhạc trở thành lẽ sống duy nhất, một ngọn lửa dẫn đường của Joe. Ngọn lửa này sáng tới mức làm lu mờ những thứ xung quanh anh. Lu mờ tới mức anh không nhìn đường và rơi xuống một cái hố đang thi công, dẫn anh tới “cõi sau” - The Great Beyond. Joe tìm cách về lại trần gian thì lại lạc từ "cõi sau" sang "cõi trước" - The Great Before - nơi hình thành các linh hồn trước khi chúng có một cơ thể sống.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính.” Soul là tác phẩm khắc họa quá trình “trời sinh tính” này. Đi kèm với đó là những bài học sâu sắc về nguồn gốc của áp lực, gánh nặng và nỗi đau trong cuộc sống.

Và cách mà chúng ta có thể hóa giải những điều nặng nề này chỉ đơn giản là rung động vì những điều nhỏ bé, thấy được vẻ đẹp của chiếc lá rơi, cảm nhận các giác quan nhảy múa khi nghe một bản nhạc hay, hay thưởng thức một món ngon.

Bằng thế giới giả tưởng đầy sáng tạo của những linh hồn, bộ phim hướng người xem nhìn lại những sự kiện hình thành nên tính cách mình, từ đó tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Điều gì làm ta hạnh phúc?”