Lý do “chúng ta của hiện tại” không giống “em của ngày hôm qua” | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
29 Thg 01, 2021
Chất Lượng Sống

Lý do “chúng ta của hiện tại” không giống “em của ngày hôm qua”

Những cuộc chuyển giao đôi khi gây nhiều trắc trở và đau buồn, nhưng chúng ta không thể tránh khỏi nó. Và sẽ càng khó khăn hơn nếu chúng ta cứ chống lại nó.

Lý do “chúng ta của hiện tại” không giống “em của ngày hôm qua”

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Thay đổi hoặc chuyển giao trong cuộc sống luôn là điều khó khăn, dù bạn có chọn nó hay không.

Đại dịch lần này là ví dụ dễ hình dung nhất về sự thay đổi. Nó đã gây ra nhiều xáo trộn, từ nếp sinh hoạt, kế hoạch trong năm cho đến lịch trình học tập, làm việc của chúng ta. Nhiều người ôm hy vọng rằng khi đại dịch qua đi, họ sẽ được trả lại cuộc sống "như bình thường". Nhưng liệu điều này có thể?

Thay đổi vốn là điều không thể tránh

Nếu COVID-19 là vấn đề quá xa vời, chúng ta hãy thử nói về những lần bạn chuyển cấp – bỡ ngỡ khi bước vào môi trường mới, phải bỏ đi thói quen học tập không còn phù hợp ở cấp dưới. Đôi lúc bạn cảm thấy mệt mỏi và buồn bã vì kết quả không như ý, nhưng bạn cũng không thể chờ đến khi khó khăn qua đi mà phải tự tìm cách thích ứng với trạng thái mới.

Nếu không tìm cách đối mặt và thích nghi, chúng ta đang chấp nhận "đóng băng" cuộc đời mình chỉ vì tiếc nuối một quá khứ “ổn định” nhưng không còn nữa. Nhiều người đang phải đấu tranh với những vấn đề nghiêm trọng hơn như ly hôn, hay mất mát người thân. Sẽ như thế nào nếu họ cứ mãi chìm đắm trong đau khổ?

Thay đổi sau biến cố 1
Thay đổi không dễ dàng và cũng không thể tránh.

Tâm lý của con người khi đối mặt với thay đổi

Cảm xúc tiêu cực chính là "vị khách không mời mà đến" mỗi khi chúng ta trải qua biến động. Phản ứng rất đỗi con người ấy được các nhà tâm lý học giải thích bằng khái niệm “liminality” – trạng thái dưới ngưỡng tác động để thay đổi.

Nói cách khác, khi đó chúng ta không ở trong trạng thái cũ nhưng cũng chưa chuyển sang trạng thái mới, ít nhất không phải về mặt tinh thần. Điều này gợi lên cơn khủng hoảng về bản ngã, thôi thúc chúng ta trả lời câu hỏi “Tôi là người như thế nào?” và dẫn đến sự mất thăng bằng cảm xúc.

Những thay đổi tích cực vẫn có thể dẫn đến hiệu ứng này, theo Giáo sư Arthur C. Brooks đến từ trường Đại học Harvard. Ông từng ở trong trạng thái “liminality” trước khi đại dịch xuất hiện.

Sau một thập kỷ giữ cương vị chủ tịch viện chính sách, quản lý một đội ngũ lớn các học giả đến từ Washington, D.C., ông rời vị trí để theo đuổi con đường học thuật. Điều này đồng nghĩa với rời xa những người ông yêu quý, nghề nghiệp mình thích, và cả sự hào hứng với công việc làm chính sách. 

Đó là ý muốn của ông, nhưng ông và vợ vẫn bị mất phương hướng. Thỉnh thoảng ông thức dậy và vẫn vô thức chuẩn bị trước trong đầu một ngày làm việc tại viện chính sách, nhưng rồi lại nhớ ra đó chỉ là quá khứ. Kỳ lạ thay, chữ ký của ông cũng thay đổi, như thể ông đang cố gắng hóa thân thành người khác. Ông không hối hận với quyết định thay đổi sự nghiệp, nhưng vẫn khó để hòa nhập cuộc sống mới.

Thay đổi sau biến cố 2
Kể cả những thay đổi tích cực cũng có thể dẫn đến tình trạng khó hoà nhập với cuộc sống mới.

Quy luật của sự thay đổi

Mỗi biến động phá vỡ cuộc sống theo cách riêng, nhưng tất cả đều có thể dự đoán được và cũng là một phần của cuộc sống. Cuộc sống là một chuỗi biến cố, và chúng xuất hiện đều đặn như vòng quay của kim đồng hồ. Thông qua hàng trăm cuộc phỏng vấn, Bruce Feiler, tác giả của quyển sách “Life Is in the Transitions: Mastering Change at Any Age”, nhận thấy rằng trung bình cứ mỗi 12-18 tháng, những thay đổi quan trọng trong đời người sẽ đến.

Những thay đổi lớn mà Feiler gọi là “lifequakes” sẽ xảy ra 3-5 lần trong cuộc đời. Bên cạnh những niềm vui như chuyện kết hôn, sinh con, cũng có những việc chúng ta không chào đón như thất nghiệp, bệnh tật. Ngay cả những đại nạn mà cả thế giới phải gánh chịu như khủng hoảng tài chính hay dịch bệnh cũng xảy ra theo quy luật.

Nhưng tin tốt là nếu chúng ta có thể vượt qua thì khi nghĩ lại, nỗi đau trong quá khứ không là gì cả. Feiler nhận ra những người trò chuyện cùng ông dành đến 90% thời gian nhắc đến việc thay đổi như một thành công của họ, bởi họ cảm nhận bản thân trở nên cứng cáp hơn sau những lần đó.

Cuộc sống mới của chúng ta sau mỗi biến cố

Nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta có xu hướng nhìn nhận quá khứ (ngay cả những sự việc không mấy tốt đẹp) tích cực dần theo thời gian. Dù não bộ hướng sự tập trung vào những cảm xúc tiêu cực trong hiện tại, nhưng nó sẽ phai mờ nhanh hơn cảm xúc tích cực. Hiện tượng này được gọi là "fading affect bias".

Thay đổi sau biến cố 3
Thời gian khiến chúng ta nhìn nhận những biến cố từng trải qua theo hướng tích cực hơn.

Một nghiên cứu cho thấy những biến cố gây đau thương còn giúp chúng ta thấu hiểu lẽ sống của mình. Và Đặng Trần Thủy Tiên chính là một trong số những tấm gương điển hình như thế.

Khi biết mình bị ung thư vú giai đoạn 2, mọi thứ dường như sụp đổ trước mắt Tiên, nhưng rồi cô gái trẻ vẫn cố gắng vực dậy dù sức khỏe dần bị vắt kiệt theo những tháng ngày điều trị. Tiên nhận ra những điều tốt đẹp mà trước đây từng vô tình bỏ qua và trân trọng cuộc sống này hơn. 

Từ đó, Tiên lan tỏa năng lượng tích cực đó đến nhiều bệnh nhân giống mình, giúp họ hiểu được ung thư chỉ đáng sợ khi chúng ta xem đó như là dấu chấm hết. Sau một năm điều trị, cuối cùng Tiên cũng đã chiến thắng căn bệnh ung thư.

Lợi ích phía sau những biến động trong cuộc đời

Trong giai đoạn đầy biến động như năm 2020, khái niệm "post-traumatic growth" (tạm dịch là sự trưởng thành sau sang chấn) cũng được nhắc đến nhiều hơn. Đây là giai đoạn con người nhận được những lợi ích lâu dài từ các trải nghiệm đau thương, bao gồm sự biết ơn cuộc sống, những mối quan hệ chất lượng, khả năng hồi phục cao hơn và nhận thức sâu sắc hơn.

Chúng ta cũng có thể trở nên sáng tạo và nhạy bén hơn khi gặp khó khăn. Ý tưởng bánh mì "giải cứu" thanh long của ông chủ ABC Bakery - ông Kao Siêu Lực chính là một trường hợp như thế. Sản phẩm mới của ABC Bakery thu hút rất nhiều khách hàng, tạo tiền đề cho những cơ sở kinh doanh bánh mì, bánh ngọt khác học hỏi và cải thiện tình trạng kinh tế trong đại dịch.

Kết

Sự thay đổi dù đôi khi gây ra nhiều trắc trở và đau buồn, nhưng chúng ta không cách nào tránh khỏi nó. Nó có thể khó chấp nhận, nhưng sẽ càng khó hơn nếu chúng ta cứ chống chọi với sự thật ấy và bỏ qua những cơ hội mà nó mang lại.

Mỗi biến cố làm thay đổi cuộc sống của chúng ta ẩn chứa một ý nghĩa, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi tư duy của chúng ta cũng thay đổi theo. Và bước đầu tiên chúng ta có thể làm là chấp nhận nó.