4 Loại chuyển giao trong cuộc sống. Bạn đang ở đâu? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
15 Thg 12, 2021
Chất Lượng Sống

4 Loại chuyển giao trong cuộc sống. Bạn đang ở đâu?

Chuyển giao là khi bạn bước ra khỏi con đường mà mình vẫn hay đi, sang một con đường mới, bắt đầu một hành trình mới.

4 Loại chuyển giao trong cuộc sống. Bạn đang ở đâu?

Trang Phạm @tranglearntoart cho Vietcetera

Thay đổi là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Theo nhà triết học Hy Lạp Heraclitus, thì “Điều duy nhất không đổi là sự thay đổi”.

Ai trong chúng ta hẳn cũng đã từng trong một mối quan hệ, có được một công việc, mất đi một người thân, lập một gia đình, chào đón một đứa trẻ ra đời. Có những thay đổi ta mong đợi, số khác lại đến vào lúc ta ít ngờ nhất.

Những thay đổi này trong cuộc sống được gọi là “Những giai đoạn chuyển giao”. 

Lúc này, bạn bước ra khỏi con đường mà mình vẫn hay đi, sang một con đường mới, bắt đầu một hành trình mới. Khoảng thời gian này thường mang cho chúng ta những cảm xúc lẫn lộn như phấn khích, bất an hay vô định. 

Chuyển giao là khi chúng ta phải bước ra khỏi con đường hay đi
Chuyển giao là khi chúng ta phải bước ra khỏi con đường hay đi

Chúng ta có thể gặp những giai đoạn chuyển giao nào trong đời?

Theo Merriam (giáo sư về giáo dục tại trường Đại học Georgia), có 4 loại chuyển giao thường gặp bao gồm:

Chuyển giao dự đoán (Anticipated Transitions): Là một quá trình chuyển đổi ta biết sẽ xảy ra. Thông thường, những chuyển đổi này được lên kế hoạch trước và được cho là một phần dĩ nhiên của cuộc sống. Trong một số nền văn hóa, những thay đổi này có thể tương đối dễ đoán. Ví dụ như tốt nghiệp đại học, tìm việc, kết hôn, có con.

Chuyển giao dự đoán khi ta biết trước điều gì sẽ đến
Chuyển giao dự đoán - khi ta biết trước điều gì sẽ đến

Thời gian là yếu tố then chốt của quá trình chuyển giao này. Nếu chuyển giao xảy ra gần với thời gian dự kiến và những người trong “vòng tròn xã hội” của bạn cũng trải qua thay đổi tương tự, bạn sẽ có nhiều sự hỗ trợ trong quá trình này. 

Ví dụ là việc thi đại học. Phần đông mọi người sẽ bước vào kỳ thi này vào năm 18 tuổi. Đây là quãng thời gian khó khăn khi ta đứng trước một sự thay đổi lớn. Nhưng việc có bạn bè đồng trang lứa để cùng chia sẻ trải nghiệm này là một sự hỗ trợ về mặt tinh thần rất lớn với ta. 

Ngược lại, nếu quá trình chuyển đổi xảy ra vào thời điểm không phù hợp với mô hình chung, cá nhân sẽ có ít sự trợ giúp hơn và việc chuyển đổi có thể trở thành khủng hoảng.

Chuyển giao không dự đoán (Unanticipated Transitions): Là khi trong cuộc sống thường ngày, có một sự kiện bất ngờ xảy ra và không tuân theo bất kỳ khoảng thời gian cụ thể nào.

Ta có thể bị ốm, bị tai nạn hoặc việc thay đổi nhân sự ở chỗ làm khiến ta mất đi công việc. Đại dịch Covid-19 là một ví dụ rõ ràng nhất cho chuyển giao này, khi mà hàng triệu người trên thế giới bỗng dưng thất nghiệp, học sinh không được đến trường, các công ty phải chuyển sang làm việc từ xa,...

Kiểu chuyển giao này có thể căng thẳng hơn nhiều so với “chuyển giao dự đoán”. Nhưng đổi lại, tiềm năng học tập và phát triển cá nhân có thể lớn hơn, vì ta học được cách xoay sở để thích nghi khi hoàn cảnh đột ngột thay đổi.

Chuyển giao không xảy ra (Nonevent Transitions): Là khi bạn dự kiến một sự thay đổi sẽ xảy ra, nhưng điều đó lại không đến. Chúng ta có những dự kiến về sự thay đổi bởi nhiều lý do. Có thể do ảnh hưởng văn hóa, kỳ vọng của cha mẹ, hoặc tự ta nghĩ rằng những thay đổi đó là điều nên diễn ra.

Chuyển giao không xảy ra khi ta nghĩ việc đó sẽ đến nhưng thực ra lại không
Chuyển giao không xảy ra - khi ta nghĩ việc đó sẽ đến nhưng thực ra lại không

Ví dụ, bạn cho rằng mình sẽ kết hôn trước 30 tuổi nhưng đến 31 tuổi vẫn còn độc thân. Bạn dự định có con nhưng vì nhiều lý do lại phải tạm hoãn. Bạn muốn nghỉ hưu ở độ tuổi 60 nhưng vẫn phải tiếp tục làm việc do áp lực tài chính.

“Chuyển giao không xảy ra” là kết quả của những kỳ vọng không được đáp ứng, những mục tiêu chưa thực hiện hay ước mơ phải tạm gác lại.

Chuyển giao ngầm (Sleeper Transitions): Thường diễn ra âm thầm mà ta có thể không nhận thức được sự biến chuyển. 

Điều này có thể là việc bạn dần cải thiện kỹ năng chuyên môn trong công việc. Hoặc có thể là việc sức khỏe của bạn chuyển biến xấu theo thời gian. Cũng có thể là việc bạn dần trở nên xa cách trong một mối quan hệ với nửa kia, bạn bè hoặc gia đình.

Những chuyển đổi này phức tạp và khó xác định hơn vì chúng xảy ra chậm rãi, cho đến khi chúng ta thức dậy vào một ngày và nhận ra mọi thứ không như trước đây. 

Kết

Tất cả các loại chuyển giao trên có một tác động chung. Đó là khi vai trò, mối quan hệ hoặc thói quen của chúng ta thay đổi. Sự chuyển giao có thể là tích cực hoặc không nhưng sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm lý và hành vi của chúng ta khi nó diễn ra. 

Bằng cách xác định kiểu chuyển giao mà chúng ta đang đối mặt, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về cảm giác của mình và lập kế hoạch để đối phó với quá trình này.