Tên đường phố phải là một phần hồn đời phố | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tên đường phố phải là một phần hồn đời phố

Sự thay đổi về ngôn ngữ qua vùng miền là một trong nhiều yếu tố khiến quỹ tên đường phố có những trường hợp "lệch chuẩn."
Tên đường phố phải là một phần hồn đời phố

Nguồn: Vnexpress

"Tên đường phố là một loại di sản ngôn ngữ của thành phố, và rồi chúng trở thành một phần tâm hồn của cư dân."

Nhận định của Derek H. Alderman, giáo sư địa lý Đại học Tennessee đã thành lời kết cho một bài báo trên tờ The New York Times. Do đó việc đổi tên đường phố trở thành một loại trận chiến văn hóa lịch sử của thời đương đại khi đụng đến nhiều thách thức.

Một trong những điều đó là sự thay đổi nhận thức của đại chúng về sự kiện hay nhân vật lịch sử vốn được dùng để đặt tên đường. Sự biến dị về ngôn ngữ cũng là một yếu tố khiến quỹ tên đường phố luôn có những trường hợp "lệch chuẩn."

Tuy nhiên, tên đường phố chính là nơi đo lường quyền lực tập trung của chính thể trước những biến dị, hay nói cách khác, những phiên bản địa phương.

Trong trường hợp TP.HCM, việc có tới 400 tên đường được đề xuất sửa đổi, lẽ dĩ nhiên là vấp phải sự phản đối hoặc ít nhất là e ngại khả năng đạt được mục tiêu hoàn chỉnh đề ra.

Đổi tên đường, theo những quan điểm nói chung ở các đô thị, là làm sao tránh được những biến động lớn về thủ tục và kéo theo là chi phí thực hiện, cùng những hệ quả về đời sống kinh tế xã hội địa phương.

Vì sao lại phải đổi tên đường?

Nói về nguyên nhân thì đã có nhiều thông tin và những mổ xẻ khá tường tận. Nhìn chung bất luận lý do vì sao thì việc sai tên danh nhân hay địa danh cũng không phải điều nên giữ.

Việc đổi tên do cách đọc sai không chỉ có các phương ngữ Nam Bộ mà còn ở ngay chính Hà Nội. Hai ví dụ rất quen thuộc ở thủ đô là phố Tạ Hiện và xóm Hà Hồi.

Tạ Hiện là một lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Thái Bình, tên đầy đủ là Tạ Quang Hiện, sinh năm 1841, năm mất chưa rõ. Hà Hồi là một đồn quân sự thời Lê-Trịnh ở huyện Thường Tín (phía Nam Hà Nội ngày nay), từng diễn ra trận đánh nổi tiếng của quân Tây Sơn phá quân Thanh vào mùa xuân 1789.

Hai tên đường này được đặt vào năm 1945 theo quyết định của Đốc lý Trần Văn Lai ("Xóm" trong Xóm Hà Hồi là một loại phố nhỏ nhiều ngả, tương ứng thuật ngữ "cité" trong tiếng Pháp dùng trước đó).

Do hai danh từ riêng nói trên cùng thanh dấu, người Hà Nội có xu hướng đọc trại một dấu từ nặng sang huyền và ngược lại (hoán đổi bằng-trắc), do đó kết quả là một thời gian dài hai cái tên biến thành Tạ Hiền và Hạ Hồi. Địa danh sau còn xuất hiện trong bài thơ của Lưu Quang Vũ: "Xóm Hạ Hồi hôm ấy mưa rơi" (Lá thu, 1972).

Nhiều người không hề có liên hệ thực tế rằng địa danh này để kỷ niệm một chiến thắng cách đây hơn 200 năm, nhất là khi nhiều biển hiệu đã đề theo cách đọc phổ dụng. Tuy nhiên, tình hình đã khác khi có một sự giải thích trên truyền thông cũng như biển chỉ đường rõ ràng tại thực địa.

alt
Xóm Hà Hồi ở Hà Nội | Nguồn: Alberto Prieto

Vì vậy, lý do việc lấy cách đọc đã quen để chấp nhận "sự đã rồi" không thật sự thuyết phục cho lắm. Những danh nhân bị lấy tên sai như Trần Khát Chân, Trương Quốc Dụng, Hồ Huân Nghiệp, Tôn Thất Đàm, Phạm Văn Tráng, Kha Vạng Cân… cần được chỉnh lại, chí ít để tôn trọng các danh nhân đó.

Đối với những tên người có sự điều chỉnh do kỵ húy thời sau, hoặc thành một hệ thống như từ Tông thành Tôn, có thể đưa ra một giải pháp: Thêm thông tin tên khác bên dưới tên hiện tại.

Ví dụ Ngô Thời Nhiệm, có thể kèm theo năm sinh, năm mất và tên khác là tên gọi phổ biến ở miền Bắc là Ngô Thì Nhậm, cũng chính là tên thật của ông trước khi phải đổi theo kỵ húy của nhà Nguyễn thời sau. Mặc dù vậy, đối với nhiều người, đây là một "pha xử lý khá cồng kềnh."

Giải pháp bên cạnh điều chỉnh tên đường

Đi kèm đề xuất sửa đổi tên đường, việc khai thác công nghệ số trong các ứng dụng bản đồ và chỉ đường trực tuyến cũng được nêu lên như giải pháp thích dụng.

Xét theo số người sử dụng các tiện ích trên điện thoại di động, việc tiến hành thống nhất các sửa đổi trên nền tảng số có lẽ hợp lý và thuận tiện để kéo theo chỉnh sửa trên thực địa.

Do địa giới hành chính nội thành TP.HCM được hợp nhất từ vài đô thị trước đây nên việc trùng lặp tên đường đặt theo tên danh nhân xảy ra như kết quả của lịch sử để lại. Khi thị xã Hà Đông và Sơn Tây được sáp nhập vào Hà Nội, nhiều người cũng lo ngại điều tương tự xảy ra, nhất là khi Hà Đông nằm sát nội thành Hà Nội.

Tuy nhiên, điều này không phải là trở ngại quá lớn khi yếu tố định danh còn có thêm thông tin quận, nên giờ đây người Hà Nội đã quen với thông tin một phố Trần Phú có thể ở quận Ba Đình và ở quận Hà Đông.

Hẳn nhiên người dân TP.HCM cũng đã quá quen với việc một danh nhân được đặt tên cho đường ở 3 quận vốn là 3 khu vực đô thị độc lập trước kia.

Trong trường hợp TP.HCM, điều đáng nói không hẳn là việc các tên đường cần điều chỉnh mà việc hệ thống các tên đường trên một diện tích trải rộng thiếu những đặc điểm rõ ràng về sự tương ứng giữa hành trạng của danh nhân được đặt tên với khu vực đặt tên đó.

Ví dụ, ở Hà Nội và nhiều đô thị khác, đường Trần Hưng Đạo thường là một đường phố lớn ở trung tâm, quanh trục đường này là các đường mang tên danh nhân và các địa danh lịch sử thời Trần.

Song ở TP.HCM, trục đường Trần Hưng Đạo chạy dài khoảng 6km từ quận 1 sang quận 5 lại có rất ít đường lân cận mang tên tương ứng, ngoài đường Trần Bình Trọng và Phạm Ngũ Lão.

Các địa danh như bến Bạch Đằng khá xa trục này, trong khi các bến Hàm Tử và Chương Dương gần như đã nhập vào đại lộ Võ Văn Kiệt khi mở đường.

Các cụm đường không hợp thành một không gian địa danh có khả năng đưa ra các gợi ý dữ liệu văn hóa, lịch sử. Chúng thực sự chưa kết nối với bản đồ tư duy trong đầu người đi đường và đồng thời cũng chưa tham gia kiến tạo một bản đồ trong tâm trí cư dân.

Rõ ràng, các không gian hợp từ tên đường cũng là một dạng giáo khoa lịch sử khá trực quan. Tất nhiên nhiều trường hợp đã do hoàn cảnh lịch sử để lại, vì thế lại càng cần thận trọng khi tiến hành thực hiện những giải pháp mới.

Tự đặt lấy, nhưng "tự" đến mức độ nào?

Trở lại việc sửa đổi khi thực sự cần thiết, thì câu hỏi đặt ra là việc sửa đổi này cần bao nhiêu nguồn lực xã hội để hiện thực hoá?

Một giải pháp các đô thị trên thế giới đưa ra là tiến hành lấy ý kiến cư dân.

Ví dụ thành phố Dublin (Ireland) quy định tên đường chỉ thay đổi khi 4/7 cử tri sống trên đường phố đó trở lên đồng ý, trong khi thành phố Rio Rancho ở bang New Mexico (Mỹ) yêu cầu phải có đơn yêu cầu đứng tên 66% chủ nhà trên đường phố.

Sau đó qua những bước xét duyệt của Phòng Phát triển thành phố cùng nhiều cơ quan chức năng mới đi đến quyết định có đổi hay không. Cuối cùng thì việc sửa đổi mang ý nghĩa lớn nhất đối với chính cư dân của những đường phố đó.

Tuy nhiên, việc cư dân tự đặt tên đường hoặc một số khu đô thị mới đặt những cái tên đại trà kiểu Hoa Lan, Hoa Phượng hay Phú Quý, Vinh Quang… vào thời nay lại không có nhiều cơ sở kết nối với bản sắc địa phương như đã từng có khi thừa kế địa danh tiền đô thị hiện đại, kiểu đường Lò Gốm, bến Bình Đông hay đê La Thành.

alt
Việc đặt tên nên có sự tham vấn các nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử để tìm ra điểm chung giữa chủ trương và thực tế. | Nguồn: Vnexpress

Một số địa danh được đặt tên ít liên quan đến đời sống đương đại như đường Tên Lửa (Q. Bình Tân, TPHCM) hoặc một số tên gọi tự phát như dốc Tập Lái, ngõ Lò Lợn ở Hà Nội trước đây. Việc đặt tên nên có sự tham vấn các nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử để tìm ra điểm chung giữa chủ trương và thực tế.

Xét cho cùng, nguồn lực xã hội chỉ có thể khai thác được hiệu quả khi nó thật sự được nhìn nhận như một điều tiên quyết tính đến trong các đề xuất. Nguồn lực này không chỉ là tiền bạc, thời gian của xã hội mà còn là tâm thái của dư luận.

Về phía nhà nước, sự thuyết phục trong việc huy động các nguồn lực xã hội đến từ chính việc truyền thông rõ ràng, nêu rõ những lợi điểm của việc sửa đổi tên đường để cư dân đánh giá tính hợp lý.

Trên thực tế, đã có Nghị định 91 của Chính phủ phân cấp cho "HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền quyết định đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng."

Tại mỗi tỉnh đều có "Hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, giúp nghiên cứu xác lập ngân hàng tên; lên danh mục tên các đường, phố và công trình công cộng cần đặt hoặc đổi tên."

Tuy nhiên thông tin việc "lấy ý kiến cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" khá mù mờ và chưa thành hẳn từng bước với định lượng cụ thể như các thành phố đã lấy làm ví dụ.

Khi các chủ thể của không gian sống như các đường phố được tham vấn, dĩ nhiên có sự hỗ trợ của các chuyên gia, giúp cho công việc gây tranh cãi này có thể thật sự "đáng tranh cãi" dưới mắt họ, hơn là cái chép miệng thờ ơ hoặc tệ hơn, một phản xạ phản đối dữ dội.