Thị trường "có biến": Phân tích và hành động như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Thị trường "có biến": Phân tích và hành động như thế nào?

Cần làm gì để không hoảng loạn khi thị trường điều chỉnh?
Thị trường "có biến": Phân tích và hành động như thế nào?

Khi thị trường bị điều chỉnh, các nhà đầu tư F0 là nhóm bị tâm lý hoảng loạn nhiều nhất.

Những ai đã có nhiều năm theo dõi và tham gia thị trường chứng khoán sẽ thấy việc một chỉ số chứng khoán nào đó trong ngắn hạn bị giảm 10% - 20% là điều khá bình thường. Thị trường gọi đây là một đợt điều chỉnh (correction).

Tuy vậy, phản ứng của các nhà đầu tư không giống nhau chút nào. Những nhà đầu tư mới thường hay bị ảnh hưởng bởi tâm lý, và do đó nhiều quyết định đáng tiếc đã được thực thi.

Bài viết này sẽ phân tích tường tận những gì xảy ra khi thị trường điều chỉnh, đồng thời đưa ra những giải pháp để giảm thiểu rủi ro.

Thị trường được điều chỉnh bởi quy luật thế nào?

Giá cổ phiếu là biểu hiện của kỳ vọng về hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai. Nhìn về tổng thể thì tăng trưởng của cả nền kinh tế nói chung sẽ là cơ sở để dự phóng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tuy vậy, kỳ vọng của mỗi nhà đầu tư vào tăng trưởng, vào lợi nhuận của doanh nghiệp là khác nhau. Có những kỳ vọng hợp lý, có những kỳ vọng quá thận trọng, và những kỳ vọng mơ mộng viển vông.

alt
Quy luật cung cầu của thị trường thì rẻ mua đắt bán. Với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, thì đó còn là nghiệp vụ tái cân bằng danh mục (rebalancing). Nguồn: Infina.

Cùng một cổ phiếu, ngay cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng có mức định giá khác nhau, có khi chênh nhau đến vài chục phần trăm. Chẳng hạn, cũng là cổ phiếu XYZ nhưng quỹ đầu A định giá là 100 nghìn đồng/cổ phiếu, công ty chứng khoán B định giá 80 nghìn/cổ phiếu, và một nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp định giá là 120k/cổ phiếu. Và do đó, khi so với giá hiện tại của thị trường thì đánh giá “đắt/rẻ” cũng khác nhau.

Quy luật cung cầu của thị trường thì rẻ mua đắt bán. Đến một lúc nào đó, nếu có những nhà đầu tư thấy giá cổ phiếu đã bắt đầu vượt ngưỡng theo tiêu chí của mình thì họ sẽ bắt đầu chốt lời. Với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, thì đó còn là nghiệp vụ tái cân bằng danh mục (rebalancing).

Lấy ví dụ như cổ phiếu XYZ chiếm tỷ trọng 15% trong danh mục, là kết quả tính toán theo một tiêu chí lợi nhuận/rủi ro nào đó. Chẳng hạn tối thiểu rủi ro, hay tối đa lợi nhuận, hay lợi nhuận ở một mục tiêu nào đó, hoặc phân bổ theo tỷ trọng rủi ro của phương pháp “risk parity”.

Khi giá của cổ phiếu này tăng nhanh đến mức làm thay đổi tỷ trọng của nó trong danh mục, lên đến 30% chẳng hạn, thì nhà đầu tư phải giảm tỷ trọng, tức bán bớt cổ phiếu này để đưa về lại mức cân bằng như mục tiêu ban đầu.

Nếu không may thời điểm này trùng hợp với tin tức xấu xuất hiện trên thị trường, thì nó có thể dẫn đến tình trạng lây lan (contagion), kéo theo việc giảm giá của các cổ phiếu khác. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn nếu có những nhà đầu tư dùng đòn bẩy (margin) để tăng vị thế đầu tư, khi giá cổ phiếu giảm mạnh thì có thể bị rơi vào tình trạng bị bắt buộc thanh lý (forced selling).

Vòng xoáy này có thể tiếp diễn cho đến khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp thấy rằng mức giá đã giảm đến mức hợp lý và họ bắt đầu mua lại, nhu cầu trên thị trường tăng kép theo giá cổ phiếu tăng trở lại.

Tâm lý ảnh hưởng đến quyết định ra sao?

Khi thị trường bị điều chỉnh, các nhà đầu tư cá nhân (mà đặc biệt là các nhà đầu tư F0) là nhóm bị tâm lý hoảng loạn nhiều nhất. Điều này kéo theo các lệnh bán mà không hề suy nghĩ.

Kinh tế học hành vi và tài chính hành vi - một nhánh nghiên cứu đã được giải Nobel kinh tế, lý giải thông qua lý thuyết triển vọng (prospect theory) rằng con người bị tác động xúc cảm nhiều hơn trong trường hợp bị lỗ với với một khoản lời có giá trị tương đương. Chẳng hạn, một danh mục đầu tư bị lỗ 5% sẽ khiến người ta bị ảnh hưởng nhiều hơn là một khoản lời 5% với giá trị như nhau.

Ngoài ra, tâm lý né tránh lỗ (loss aversion) theo lý thuyết này còn giải thích thêm được vì sao khi thị trường điều chỉnh, nhà đầu tư có xu hướng cắt những khoản lỗ ít, mà lại giữ những khoản lỗ nhiều.

Trong khi đó, lẽ ra phải ưu tiên bán những khoản lỗ nhiều, vì đó là những chứng khoán có nền tảng xấu hơn những những chứng khoán bị lỗ ít. Nói một cách dễ hiểu trên thị trường thì “gồng lỗ dễ hơn gồng lãi”.

Với các nhà đầu tư F0, còn có một yếu tố khác cũng tác động qua lại với tâm lý, đó là việc đặt kỳ vọng quá lớn vào việc kiếm lời trong đầu tư ngắn hạn: lời nhanh và lời nhiều. Lẽ thường, khi thị trường tăng một thời gian, và khi có một lượng lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia trong một thời gian ngắn thì đó thường là một chỉ dấu cảnh báo rằng thị trường sắp đến lúc điều chỉnh.

Vì muốn kiếm lời nhiều và nhanh, nên có những nhà đầu tư cá nhân dùng đòn bẩy mà không biết rằng đây là con dao 2 lưỡi. Khi giá lên thì nó giúp tăng lợi nhuận, nhưng khi giá giảm thì nó làm cho khoản lỗ lớn hơn. Ví dụ thua lỗ 5%, nhưng dùng margin x5 thì khoản lỗ đã là 25% mà chưa tính đến các chi phí khác.

Và với một nhà đầu tư mới, một khoản lỗ vài chục phần trăm khiến họ khó còn đủ bình tĩnh và sáng suốt, dẫn đến hoảng loạn. Họ sẽ khó còn biết nên bán cái gì trước cái gì sau, đành bán bằng mọi giá với giá thị trường.

alt
Với một nhà đầu tư mới, một khoản lỗ vài chục phần trăm khiến họ khó còn đủ bình tĩnh và sáng suốt, dẫn đến hoảng loạn.

Cần làm gì để không hoảng loạn khi thị trường điều chỉnh?

Thị trường chứng khoán đã có hàng trăm năm trên thế giới, và kinh nghiệm của nhiều nhà đầu tư đã được ghi chép chia sẻ lại, vẫn còn giá trị theo thời gian.

Kinh nghiệm 1: Đặt mục tiêu

Việc đầu tư chứng khoán cần thực hiện theo mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra. Các mục tiêu này phải là trung dài hạn, tức ít nhất là 5 năm.

Việc đầu tư cũng cần được thực hiện đều đặn và kiên trì. Bạn có thể thực hành theo một phương pháp rất hiệu quả là DCA (dollar cost averaging).

Kinh nghiệm 2: Không dùng đòn bẩy

Nếu bạn là một nhà đầu tư F0, hãy chỉ đầu tư trên số vốn nhàn rỗi tích lũy được, tuyệt đối không dùng đến đòn bẩy. Việc sử dụng đòn bẩy chỉ phù hợp khi bạn đã có đủ kinh nghiệm sau những lần thử/sai nhỏ, và biết được rủi ro mà mình đang đối mặt.

Kinh nghiệm 3: Hãy bắt đầu đơn giản

Khi mới bắt đầu đầu tư, chúng ta không nên đầu tư theo kiểu lựa chọn một vài cổ phiếu nào đó, gọi là stock picking. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn những loại sản phẩm đầu tư đơn giản hơn nhưng đã đa dạng hóa rủi ro như chứng chỉ quỹ, quỹ ETF.

Kinh nghiệm 4: Kiểm soát tâm lý

Hãy cố gắng tìm hiểu cơ chế và quy luật vận hành của thị trường, cũng như cố gắng kiểm soát được tâm lý của mình. Điều này nói thì dễ hơn thực hành.

Chàng Ngốc Già nghĩ rằng kiểm soát sợ hãi cũng như kiểm soát cơn giận: ai cũng biết giận là mất khôn, nhưng phải kiên trì và rèn luyện thì mới kiểm soát được cơn giận.

Kinh nghiệm 5: Nắm bắt những cơ hội

Kinh nghiệm cuối cùng cần chú ý, đó là rèn luyện khả năng nhìn cơ hội trong thách thức. Khi thị trường điều chỉnh, thì đây cũng là cơ hội tốt để bạn xem lại chiến lược đầu tư, danh mục đầu tư của mình có thực sự hiệu quả chưa.

Khi thị trường đều tăng, sóng yên biển lặng thì ai cũng có thể chèo thuyền dễ dàng. Thị trường giảm mạnh là cơ hội để tìm mua những cổ phiếu tốt vì tai bay vạ gió mà giảm giá.

Kết

Trong đầu tư, biết sợ, biết nghĩ đến rủi ro là điều rất cần thiết để biết dừng hay cắt lỗ đúng lúc. Nhưng điều quan trọng hơn là biết cắt lỗ những khoản đầu tư kém hiệu quả nhất trong danh mục.

Bên cạnh đó, những đợt điều chỉnh của thị trường không phải là điều gì quá ghê gớm, mà bạn chỉ cần kiểm soát được tâm lý và nhìn ở việc đầu tư là dài hạn. Không những vậy, những đợt điều chỉnh mạnh còn là cơ hội cho những ai biết nắm bắt.

Infina là một ứng dụng đầu tư, tích lũy dành cho người mới. Ứng dụng được tin dùng bởi 300.000 người và liên tục tăng trưởng nóng.

Chỉ cần một tài khoản Infina duy nhất, người dùng tiếp cận được nhiều loại tài sản khác nhau với số vốn nhỏ: từ những hạng mục cho lợi nhuận cố định như Tích lũy, Chứng chỉ tiền gửi cho đến đầu tư thụ động qua Quỹ, đầu tư cổ phiếu,v.v...
Điều này sẽ giúp cho NĐT thuận tiện theo dõi danh mục đầu tư của bản thân.

Tải app tại đây.