Richard Feynman là một nhà vật lý học từng đoạt giải thưởng Nobel danh giá. Ông đã có những đóng góp đáng kể về cơ học lượng tử và vật lý hạt nhân. Feynman cũng là người tiên phong trong lĩnh vực điện toán lượng tử, đưa ra khái niệm công nghệ nano, đồng thời từng là giảng viên của những trường đại học danh tiếng như Cornell và Caltech.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng ông cho rằng mình chỉ là “một người bình thường nhưng cần cù”. Triết lý của Feynman về việc học chính là “Thần đồng vốn không có thật. Họ chỉ là những người tìm thấy hứng thú ở lĩnh vực nhất định và học về nó”.
Phương pháp học của ông không thiên về thuộc lòng mà đi theo trình tự “thử, sai, khám phá và tham chiếu” với quy trình 4 bước như sau:
Bước 1: Xác định điều mà bạn quan tâm và viết xuống giấy
Bạn có thể liệt kê ra những lĩnh vực mà mình có hứng thú hoặc có kiến thức sơ bộ, sau đó là những khái niệm thuộc lĩnh vực đó mà bạn biết nhưng chưa thật sự nắm rõ. Chẳng hạn:
- Lĩnh vực: thiết kế UI (UI designer)
Khái niệm: các kiểu UI (types of user interface), những nguyên tắc cơ bản của UI (basic principle of UI), quy trình thiết kế UI (UI design process) - Lĩnh vực: khoa học dữ liệu (data science)
Khái niệm: cơ bản về R (R basics), trực quan hoá dữ liệu (data visualization), xác suất (probability)
Biết được điều mình không biết chính là bước đầu của việc học. Bằng cách xác định và ghi xuống, bạn sẽ tránh được tình trạng “quá tham vọng” khi gì cũng muốn biết nhưng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu.
Bước 2: Dạy cho chính mình hoặc những người chưa biết gì về chủ đề này
Đọc và hiểu những gì được ghi trong tài liệu không đồng nghĩa với việc bạn đã thấm nhuần một kiến thức. Thậm chí, việc “ghi chép” của chúng ta đôi khi chỉ là “sao chép”. Để thực sự nắm bắt được một kiến thức, người học cần có cách tiếp cận chủ động hơn. Ví dụ:
- Tóm lược lại những gì mình vừa học/đọc ra một cuốn sổ (dựa trên trí nhớ của bạn chứ không nên là sao chép từ tài liệu xuống).
- Tưởng tượng mình là một giáo viên đang đứng lớp và dạy cho chính mình mà không cần nhìn vào ghi chú.
- Giảng lại cho một người mà bạn biết họ không biết gì về kiến thức này.
- Thảo luận chủ đề với bạn bè hoặc đồng nghiệp.
- Đăng tải những gì mình biết dưới dạng bài viết, podcast, video lên mạng.
- Tham gia vào những hội nhóm trên Facebook để chia sẻ kiến thức hoặc trả lời câu hỏi trên Quora.
Bước này sẽ giúp bạn tránh việc “tưởng bở” là mình đã hiểu tường tận vấn đề. Khi thực sự phải giải thích một khái niệm, dù thông qua việc viết hay nói, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những lỗ hổng trong lập luận và kiến thức của mình.
Bên cạnh đó, người khác thường sẽ giỏi hơn trong việc chỉ ra sự thiếu hợp lý trong lập luận của bạn. Hoặc bạn có thể hỏi người nghe lặp lại những gì mà bạn đã nói theo cách họ hiểu. Nếu họ không làm được, có thể cách lý giải của bạn đang có điểm thiếu sót.
Bước 3: Quay lại rà soát ngay khi nhận thấy lỗ hổng kiến thức
Khi nhận ra giải thích của mình chưa thực sự thỏa đáng, bạn cần tự hỏi:
- Đâu là điều khiến giải đáp của mình trở nên khó hiểu?
- Điều này có đồng nghĩa với việc đang có một “lỗ hổng” trong kiến thức của mình?
- “Lỗ hổng” này có thể được “trám” bằng những tài liệu mình đã tham khảo?
- Nếu không, mình có thể lấp đầy nó bằng cách nào khác? (hỏi người có chuyên môn hơn, đăng status để hỏi mọi người trong group Facebook, tìm tài liệu khác có liên quan,...)
Chú ý đến những “điểm mù” của mình sẽ khiến bạn chủ động hơn trong việc quay lại rà soát những gì đã học. Bằng cách ôn lại, kiến thức của bạn sẽ được củng cố và đưa vào bộ nhớ dài hạn, tránh tình trạng “học thầy trả thầy”.
Bước 4: Đơn giản hóa các khái niệm phức tạp theo cách hiểu của bạn
Mỗi lĩnh vực nghiên cứu đều có các thuật ngữ chuyên ngành riêng. Biết được chúng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là bạn không nên đánh đồng việc hiểu nghĩa của thuật ngữ là hiểu khái niệm.
Chẳng hạn, bạn biết UI là cách gọi tắt của User Interface (giao diện người dùng) và UX là User Experience (trải nghiệm người dùng), nhưng làm thế nào để có thể đơn giản hóa khái niệm này cho người ngoài ngành cũng có thể hình dung?
Lúc này, bạn có thể áp dụng phép loại suy (analogy). Hiểu nôm na, đây là cách bạn sử dụng phương pháp so sánh nhằm giúp một khái niệm trừu tượng trở nên dễ hiểu hơn. Vì vậy, anology rất được ưa chuộng trong giáo dục.
Trở về ví dụ của UX-UI, Jonathan Widawski (CEO của Maze Design) đã tạo một analogy rất trực quan để giải thích sự khác nhau giữa hai khái niệm này “Hãy tưởng tượng bạn đang thiết kế một ngôi nhà. UX sẽ là nền móng, trong khi UI sẽ là màu sơn và nội thất”.
Khi không thể dựa vào từ ngữ “đao to búa lớn”, chúng ta phải chắt lọc những gì mình biết ở dạng cơ bản nhất. Đây là lúc mà bạn thật sự nắm bắt một khái niệm. Tự sáng tạo nên một analogy cho mình sẽ giúp bạn dễ dàng nhớ lại và truyền tải những gì đã học.