Thử Rồi Thích: Quản lý tài chính | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
16 Thg 08, 2021

Thử Rồi Thích: Quản lý tài chính

Để tự do tài chính? Để tới cuối tháng không hụt trước thiếu sau? Dù mục tiêu của bạn là gì thì bước 1 cũng sẽ là "quản lý tài chính".
Thử Rồi Thích: Quản lý tài chính

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Ngày xưa lúc còn đi học, tôi chẳng biết gì nhiều ngoài chuyện... học. Chưa cần nói tới chuyện biết cách quản lý tài chính, cứ nói tới tiền là tôi đã thấy ngại. Ngay cả khi đã ra trường đi làm, tôi vẫn còn lơ mơ chuyện tiền nong. Căn bản một phần vì rơi trúng vào cái ngành bận rộn không có thời gian ngủ nghỉ, phần khác vì đâu có ai chỉ cho mà biết.

Bây giờ, có nhiều thứ thực sự tôi ước gì mình biết sớm hơn. Vì không biết những điều căn bản về quản lý tài chính mà đã bỏ phí không biết bao thời gian, và cơ hội để tạo dựng kinh tế vững vàng.

Bài viết này vì vậy xin chia sẻ lại cho các bạn đang trên đường "thôi ngại nói về tiền nong".

Bước 1: Xác định tình hình tài chính hiện tại của bản thân

Tôi bắt đầu việc ghi chép tài chính cá nhân từ khoảng giữa năm 2013, sau khi đi làm được gần 2 năm. Giờ nhìn lại, tôi sẽ khuyên mọi người nên làm điều này sớm nhất có thể, thậm chí từ khi học đại học, chứ đừng đợi tới khi đi làm. Nó không chỉ giúp mỗi người biết rõ hơn về tình hình tài chính của bản thân, mà còn giúp nhìn ra giá trị của việc chi tiêu có kế hoạch và chủ động trong quản lý tiền bạc.

Bên dưới là các câu hỏi gợi ý để bạn thực hành bước 1:

  • Mình kiếm được bao nhiêu tiền?
  • Mình tiêu bao nhiêu? Tiêu vào những khoản gì?
  • Mình có khoản nợ nần hay tài sản gì?
  • Mình hiện tiết kiệm được bao nhiêu?

Nếu chưa có tiết kiệm, hay tài sản, nợ nần gì, bạn chỉ cần chăm chỉ ghi chép lại thu nhập và chi tiêu hàng tháng của bản thân.

titleXaacutec định tigravenh higravenh tagravei chiacutenh caacute nhacircn Xaacutec định tigravenh higravenh tagravei chiacutenh caacute nhacircn
Ghi chép chi tiêu là một bước cơ bản để nắm tình hình tài chính cá nhân. Bạn có thể lập bảng tương tự cho "Thu nhập", "Tiết kiệm", "Tài sản", "Nợ nần".

Nếu dùng tiền mặt, tôi hay dùng app “Notes” trên điện thoại để ghi lại ngay sau khi chi tiêu để khỏi quên. Có thể chia thành các mục như đồ ăn, quần áo, đi lại… Đến cuối tháng sẽ tổng kết vào file Excel. Nếu sử dụng thẻ ngân hàng thì không cần phải ghi lại ngay, mà chỉ cần đợi tới cuối tháng tải bản sao kê ngân hàng và phân loại vào các đề mục trong file Excel của mình.

Bước 2: Thiết lập ngân sách chi tiêu

Muốn làm gì tiếp thì cũng cần phải có một khoản tiết kiệm, mà muốn có khoản tiết kiệm này thì cần phải chi tiêu hợp lý.

Cách tốt nhất để quản lý chi tiêu là thiết lập ngân sách cho mỗi mục chi tiêu. Suy xét kỹ những ghi chép từ bước 1 để xem có khoản nào có thể cắt giảm được, và từ đó đặt ra ngân sách chi tiêu hàng tháng. Ví dụ: 1 triệu tiền ăn, 200 nghìn tiền điện nước... Từ bước này, bạn cũng có thể tính ra được mình có thể tiết kiệm tối đa được bao nhiêu từ thu nhập hiện tại.

titleThiết lập ngacircn saacutech chi tiecircu Thiết lập ngacircn saacutech chi tiecircu
Lập ngân sách để không hụt trước thiếu sau. Bạn có thể linh hoạt điều chỉnh ngân sách này theo các tháng.

Bước 3: Đặt mục tiêu tài chính

Mục tiêu tài chính sẽ tuỳ vào hoàn cảnh cá nhân, nhưng nhìn chung nên đặt mục tiêu thực tế, bao gồm cả mục tiêu ngắn hạn (1 năm) và mục tiêu dài hạn (5, 10, 20 năm).

Một số lời khuyên chung

  • Tiết kiệm quỹ dự phòng khẩn cấp, hay còn gọi là Emergency Fund, phòng trường hợp phải nghỉ việc hay ốm đau bệnh tật mà mất thu nhập. Mức gợi ý là đủ chi cho khoảng 6 tháng sinh hoạt của bản thân/gia đình.
  • Lập quỹ lương hưu và bỏ tiền định kỳ theo tháng.
  • Tập trung trả hết nợ theo thứ tự lãi suất cao trả trước, thấp trả sau.
  • Tiết kiệm và đầu tư để mua nhà và tự do tài chính.

Ví dụ

1. Mục tiêu dài hạn hiện tại của tôi là trả hết nợ nhà và tự do tài chính ở tuổi 42.

Để xác định được mục tiêu nay có thực tiễn không, tôi sử dụng thông tin ở bước 1 và bước 2 ở trên, cộng thêm một số giả thiết về lãi suất thu lại từ việc đầu tư và dùng Excel để tính ra.

2. Về mục tiêu ngắn hạn, tôi xác định những mục tiêu sau cho năm 2021.

  • 50% Thu nhập cho chi tiêu (đã bao gồm khoản cho tặng, từ thiện).
  • 50% Thu nhập cho đầu tư. Trong đó, tôi tiếp tục chia nhỏ các mục đầu tư khác nhau. Ví dụ: 30% bỏ vào cổ phiếu, 10% trái phiếu, 30% start-up, 30% cho vay…

Nếu bạn chưa biết rõ về đầu tư, có thể đặt mục tiêu là 50% chi tiêu, 50% tiết kiệm, và dành thời gian tìm hiểu thêm về các phương thức đầu tư khác nhau trước khi chuyển tiết kiệm thành đầu tư.

titleĐặt mục tiecircu tagravei chiacutenh Đặt mục tiecircu tagravei chiacutenh
Tuỳ vào hoàn cảnh cá nhân, mỗi người sẽ có một mục tiêu tài chính riêng.

Tham khảo thêm các nguyên tắc phân chia thu nhập

Tuỳ vào các mục đích sử dụng tiền, bạn có thể chọn 1 trong các nguyên tắc sau và điều chỉnh cho phù hợp với bản thân.

1. Nguyên tắc 70-10-10-10

10% – Cho đi (Giving)
10% – Tiết kiệm (Saving)
10% – Đầu tư (Investing)
70% – Tiêu dùng (Spending)

2. Nguyên tắc 50 – 20 – 30

50% – Nhu cầu: Chi tiêu tất yếu (ví dụ thuê nhà, ăn uống đi lại…)
30% – Mong muốn: Chi tiêu cá nhân (khoản chi hoàn toàn linh hoạt, bạn có thể chi cho sở thích cá nhân của mình như du lịch, giải trí)
20% – Tiết kiệm, trả nợ, quỹ dự phòng và đầu tư

3. Nguyên tắc 6 cái lọ 55 – 10 – 10 – 10 – 10 – 5

55% – Chi tiêu thiết yếu
10% – Tiết kiệm dài hạn
10% – Đầu tư
10% – Dành cho giáo dục
10% – Hưởng thụ
5% – Sẻ chia, từ thiện

Bước 4: Tìm hiểu về đầu tư

Không ngừng tạo vốn

Một điều rất đơn giản về đầu tư kiếm tiền đó là cần phải có vốn. Vậy vốn lấy ở đâu ra?

Với những người đi khởi nghiệp, họ huy động vốn từ người khác, từ ngân hàng, từ quỹ đầu tư, từ các tổ chức. Với những người sinh ra ở vạch đích, vốn đến từ bố mẹ ông bà dòng họ.

Còn với những người làm công ăn lương bình thường như phần lớn dân số thế giới, vốn tất nhiên đến từ lương bổng và cách tạo vốn chính là "tăng lương, giảm tiêu".

  • Đối với việc tăng lương, yếu tố căn bản và quan trọng nhất là đầu tư vào bản thân mình. Không ngừng phấn đấu học hỏi, không ngừng nâng cao nghiệp vụ, không ngừng tìm kiếm cơ hội và kết nối với người đi trước.
  • Đối với việc giảm tiêu, yếu tố quan trọng là tính kỷ luật. Mỗi lần chuẩn bị rút tiền rút thẻ, hãy suy nghĩ mình có thực sự cần thứ đồ này không? Thứ đồ này mang tới lợi ích gì? Liệu trong năm tới mình sẽ dùng tới nó bao nhiêu lần? Việc ghi lại chi tiêu sẽ giúp tăng sự kiểm soát trong khía cạnh này.

Và tất nhiên một khi đã tạo được thu nhập từ những khoản đầu tư, thu nhập đó cũng sẽ bắt đầu góp phần tăng cao vốn.

titleTigravem hiểu về đầu tư Tigravem hiểu về đầu tư
Bạn có thể tự học trên mạng, tìm đến các chuyên gia, hay những người đi trước. Kinh nghiệm của họ sẽ giúp bạn bước đầu, nhưng về lâu dài bạn sẽ cần tìm con đường riêng phù hợp cho bản thân.

Học hỏi và thử những kênh kiếm tiền mới

Tìm hiểu kỹ càng về phương thức kiếm tiền, độ rủi ro. Nên nhớ là không bao giờ có chuyện tiền dễ, hay lãi suất cao ít rủi ro. Cái gì lợi nhiều cũng đều có lý do của nó. Đừng lao đầu vào cái gì khi mình chưa hiểu rõ, vì như thế chẳng khác gì đánh bạc.

Tính tới thời điểm này vợ chồng tôi đã thử các kênh đầu tư sau: đầu tư vào chứng khoán, đầu tư vào start-up khởi nghiệp, cho vay doanh nghiệp, cho vay phát triển bất động sản, và mua nhà cho thuê. Nhiều kênh chỉ mới bắt đầu với số vốn nhỏ và trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng cũng đã có những kết quả đầu tiên.

Ngoài ra, còn các hình thức kiếm tiền khác như:

  • Kiếm tiền qua trang blog
  • Kiếm tiền bằng cách bán lại đồ cũ không dùng tới (tôi dùng trang eBay)
  • Kiếm tiền khi chi tiêu với TopCashBack (chỉ áp dụng ở Anh)

Dưới đây là gợi ý một số đường link tới trang blog/web để bạn tìm hiểu thêm về đầu tư.