Tốn Tiền: 3 Triệu đi đám cưới người yêu cũ để hiểu đây là nơi cuối cùng nên đến | Vietcetera
Billboard banner

Tốn Tiền: 3 Triệu đi đám cưới người yêu cũ để hiểu đây là nơi cuối cùng nên đến

3 triệu không phải tiền mừng cưới, mà là tiền để xuất hiện theo-cách-mình-muốn ở đám cưới.
Tốn Tiền: 3 Triệu đi đám cưới người yêu cũ để hiểu đây là nơi cuối cùng nên đến

Nguồn: Unsplash

Mình và người yêu cũ yêu nhau 5 năm, rồi chia tay. Bọn mình chia tay một cách văn minh, vì khi đó cả hai đều thấy tình cảm đã phai nhạt nên quyết định dừng lại.

Vì thế, theo lý thuyết “chia tay vẫn có thể làm bạn”, bọn mình giữ liên lạc như bạn bè cũ, thi thoảng hỏi thăm nhau. Thậm chí có lúc còn nói đùa sau này sẽ mời nhau đến đám cưới, vì là người lớn cả rồi.

Đến một ngày mình nhận được thiệp cưới của người yêu cũ thật.

Người yêu cũ của mình hồ hởi lắm, trong khi mình lại thấy lòng ngổn ngang. Hóa ra đối diện với việc người yêu cũ sắp kết hôn với một người khác cũng không dễ chịu gì mấy, cho dù mối tình đã kết thúc từ lâu, và dù bạn chia tay theo cách nào.

Càng gần đến ngày cưới, mình càng hồi hộp, không biết có nên đến dự hay không. Phần lớn các lời khuyên, kể cả trên Google cũng nói rằng đừng nên đến nếu như bạn vẫn còn nhiều tình cảm với người yêu cũ.

Ngẫm nghĩ lại, bọn mình chỉ coi nhau là bạn, bạn bè thì cũng nên có mặt trong ngày trọng đại của nhau để chúc phúc cho nhau. Mình cũng ngại vì không đi lỡ đâu họ lại bảo mình trẻ con quá, còn ngại chuyện xưa.

Cuối cùng, mình quyết định sẽ đến đám cưới.

Vì vẫn muốn để lại ấn tượng tốt với người yêu cũ, dù sao cũng đã từng là một thời thanh xuân của nhau, mình chuẩn bị thật kỹ càng.

Mình mua một bộ váy mới, vẫn đúng dresscode nhưng đủ để nổi bật ở một không gian sang trọng như khách sạn nơi đám cưới diễn ra. Mình cũng đi spa để có làn da đẹp, tươi tắn nhất vào ngày hôm đó.

Mình cũng đi làm một bộ móng mới, làm tóc cầu kỳ và thuê cả thợ trang điểm để có được diện mạo xinh đẹp nhất. Mình đã nghĩ rằng với sự diện mạo hôm đó, mình sẽ khiến mọi người trầm trồ, và nhất là chú rể sẽ có ấn tượng không quên.

Nhưng có một quy tắc bất di bất dịch, rằng cho dù khách mời có xinh đẹp lộng lẫy đến mấy, thì chỉ có cô dâu chú rể mới là những người được chú ý nhất của buổi tiệc.

Bộ váy sang trọng của mình cũng chìm nghỉm giữa hàng trăm khách mời khác. Sảnh chờ chật cứng người, gần như chẳng mấy ai quan tâm đến một vị khách là mình, dù mình mặc đẹp ra sao và thân phận đặc biệt thế nào.

Chú rể cũng vậy. Bọn mình bắt tay nhau ở sảnh đón khách, chỉ kịp chào nhau và chụp một tấm ảnh như hàng trăm tấm khác mà thợ ảnh hô to 1-2-3 rồi chụp. Chẳng có khoảnh khắc xúc động, bồi hồi nào của việc gặp lại người mình đã từng yêu.

Trong một khung cảnh như thế này, thậm chí nói với nhau một câu chúc phúc cũng quá gấp gáp, huống hồ là để ý đến váy vóc, kiểu tóc, và cả móng tay.

Đến lúc này, mình thấy mọi thứ cầu kỳ mình đắp lên người trở nên vô duyên hết sức. Thay vì mặc một chiếc váy có sẵn, trang điểm đơn giản và để tóc bình thường, mình đắp hơn 3 triệu vào người chỉ để chìm nghỉm và cảm thấy hụt hẫng vì chẳng gây ấn tượng được với ai.

Mình cũng nhận ra việc xuất hiện ở đám cưới người yêu cũ chẳng lấy gì làm vui vẻ cả, dù bạn còn hay hết yêu họ, hoặc bạn thành tâm chúc phúc hay vẫn đang ghen tỵ với hạnh phúc của họ.

Đám cưới người yêu cũ là nơi cuối cùng nên đến, vì rất ít có khả năng bạn sẽ thấy thoải mái khi nhìn người mình từng yêu mến đang trong tay với người khác.

Bạn cũng không nên ép mình cố đến một buổi tiệc không dành cho mình, chỉ để chứng minh cho người khác và cả bản thân mình rằng đó là việc bình thường, rằng bạn đã vượt qua nỗi buồn chia tay, rằng bạn là người rộng lượng, rằng các bạn đơn giản chỉ là bạn bè và bạn bè thì nên có mặt trong ngày trọng đại của nhau.

Tất cả những việc đó vẫn đúng ngay cả khi bạn không phải tốn cả đống tiền để dự đám cưới. Ngay cả khi đó là việc bình thường giữa những người bạn với nhau, bạn vẫn có quyền từ chối xuất hiện ở một sự kiện có thể khiến bạn đối diện với những cảm xúc tiêu cực, hoặc những xáo trộn không mong muốn.

(Câu chuyện được chia sẻ từ bạn T.)