Giáng sinh năm 3 đại học, sau một thời gian làm thêm ở Úc và tiết kiệm được một khoản tiền, tôi nghĩ đến việc gửi quà về cho gia đình. Có những chiều tan học, tôi lang thang khắp các trung tâm thương mại để đi tìm một món đồ tặng mẹ. Và tôi quyết chí, mình sẽ tặng mẹ một chiếc túi hiệu.
Từ trước đến nay, mẹ tôi là một người vô cùng giản dị. Bà không sắm sửa nhiều túi xách hay giày dép, luôn chọn phục trang gọn gàng nhất.
Tôi nhớ rất rõ “yêu cầu” của mẹ tôi về một chiếc túi xách. Túi phải có quai đeo dài, vì mẹ tôi lái xe máy và xe không có cốp. Mẹ thường đeo túi rồi khoác áo chống nắng bên ngoài, “để tránh bị giật”. Túi phải có nắp gập và phéc-mơ-tuya, nắp phải có nam châm hoặc chốt thật chắc chắn, vì mẹ sợ bị móc túi. Túi vừa đủ đựng những đồ cần thiết, không cần quá rộng vì mẹ tôi không cần mang theo máy tính hay đồ trang điểm. Màu sắc phải giản dị, để mẹ dễ mặc đi làm.
Sau vài ngày săn lùng khắp các cửa hàng, cuối cùng tôi cũng đã tìm thấy chiếc túi “đạt yêu cầu". Nó là một chiếc túi da đeo chéo màu beige phối đen - trắng của Kate Spade, với giá sau sale 50% là 400 AUD (khoảng 7.2 triệu VND theo tỷ giá lúc đó).
Lúc cầm túi trên tay, tôi vui mừng tưởng tượng mẹ đeo túi khắp nơi. Nào ngờ rằng, chiếc túi tôi tặng mẹ đã 4 năm ròng, nhưng số lần mẹ tôi diện chỉ trên dưới 20 lần.
Có một nghịch lý rằng, chúng ta tặng quà để ba mẹ xài, nhưng ba mẹ lại tiếc, chẳng dám dùng. Tôi đã nhắc: “Mẹ cứ dùng mòn đi, hỏng hay cũ chúng con lại mua tặng mẹ.” Nhưng rồi mẹ vẫn lấy túi cũ ra dùng, còn chiếc túi tôi tặng vẫn nằm yên trong tủ. Vậy là tôi đã tốn đến 7 triệu để mua túi hiệu cho mẹ rồi nhìn nó nằm im lìm trong tủ.
Tôi chợt nhận ra, những bà mẹ như mẹ của tôi, nhu cầu hàng ngày của họ đối với đồ vật rất đơn giản. Với họ, một món đồ hữu dụng và thiết yếu là món đồ thoả mãn yêu cầu cơ bản với mức giá phải chăng.
Có thể, việc chúng ta mua một đồ hàng hiệu khi trong tài khoản có một khoản tiền dư dả là cần thiết và đáng tiền, nhưng khi món quà ấy được đem đi tặng, hãy cân nhắc thêm về tính thiết thực cũng như tính cách của người được tặng.
Giờ đây, hiểu tính mẹ tôi hơn, tôi không còn tặng những món quà đắt tiền mà mẹ sẽ ngại dùng. Tôi mua đồ dùng cho gia đình, chuẩn bị quần áo sách vở cho em gái, và chi trả cho một số chuyến đi gia đình.
Có thể 7 triệu chi ra đó là khoản lãng phí, nhưng khi nghĩ về nó, đến nay tôi không còn tiếc hận quá nhiều nữa. Tôi hiểu rằng, đó là học phí để học cách thể hiện tình cảm với một người. Một món quà đôi khi chỉ nên đi kèm với lời yêu thương, chứ không thể thay cho lời yêu thương mình gửi đến họ.
(Câu chuyện được chia sẻ từ bạn Trà Nhữ)