Trác Thúy Miêu và tính nữ độc hại | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Trác Thúy Miêu và tính nữ độc hại

Những phát ngôn về “tiêu chuẩn đàn bà thực thụ” của Trác Thúy Miêu là ví dụ về “tính nữ độc hại”. Thuật ngữ này ngày càng thông dụng, nhưng liệu bạn đã hiểu đúng?
Trác Thúy Miêu và tính nữ độc hại

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_

Vào dịp 08/03 năm ngoái, Trác Thúy Miêu làm nổi sóng tranh cãi khi chị hỏi rằng: “Đàn bà mà không làm việc nhà thì làm gì?”. Đàn bà khi vào bếp nhẽ ra phải “sướng”, phải “vui như đào hát được tặng bông”, bởi gian bếp là “đặc ân của riêng đàn bà”. “Ai không hiểu niềm vui sướng đó thì không có tư cách cãi bàn”.

Dịp 08/03 năm nay, chị lại gây xôn xao khi bày tỏ rằng, “thịt da của đàn bà là nguồn sống của đàn ông”. Chính vì thế, khi làm phẫu thuật thẩm mỹ, phụ nữ nên hỏi ý kiến chồng mình vì nếu không, sự làm đẹp đó là ích kỷ. Tại sao? Vì “bản năng của phụ nữ là chiều chuộng, thỏa đáp [cho nhu cầu tình dục của] đàn ông”.

Nhiều người thấy phản cảm có lẽ vì Trác Thúy Miêu không chỉ nêu quan điểm của “cá nhân” áp dụng với riêng tình huống của bản thân mình. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Việc chị tự đại diện cho một nửa thế giới bằng cách dùng danh từ chung “đàn bà” rồi phán xét hàng tỷ người theo hệ quy chiếu của chính mình chưa hẳn đã là một ý hay.

Những phát ngôn về “tiêu chuẩn đàn bà thực thụ” của Trác Thúy Miêu là ví dụ về “tính nữ độc hại”, tức là những khuôn mẫu phụ nữ truyền thống có thể làm hại chính phụ nữ. Thuật ngữ này ngày càng trở nên thông dụng, nhưng cũng có những cách hiểu sai.

Biến tính nữ thành vũ khí

Cách hiểu sai thứ nhất là hậu quả của việc nam giới bị đổ lỗi cho tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay (ví dụ: đàn ông là một lũ trưởng giả). Tiếc thay, để phản đối lại quan điểm sai lầm này, một quan điểm sai lầm khác ra đời. Nó đánh đồng “tính nữ” với “phụ nữ”, và cho rằng phụ nữ nhìn chung cũng độc hại chả kém gì đàn ông, có khi còn hơn. Họ là một giống loài cay nghiệt, ích kỷ, thao túng, và khao khát trả thù.

Ví dụ, trong vụ án cô gái bị cha ruột bạo hành nên giết cha rồi đổ xi măng lên, có khá nhiều bình luận nói rằng sự thâm hiểm độc ác, lòng lang dạ sói đó chỉ có ở đàn bà. Sự đổ lỗi này bất chấp việc thủ phạm của hầu hết các vụ giết người thân (familicide) thì nam giới mới chính là thủ phạm.

Tính nữ độc hại hiểu sai theo cách này còn ám chỉ việc một số phụ nữ dùng sự “yếu đuối” và “nữ tính” của mình để làm hại kẻ khác.

Nguồn Insider
Vụ kiện giữa Amber Heard và Johnny Depp là ví dụ điển hình cho việc một phụ nữ dùng tính nữ làm vũ khí bạo hành đàn ông. | Nguồn: Insider

Đó là những kẻ ỷ mình là con gái để không tham gia vào các việc nặng nhọc; bạo hành đàn ông vì biết rằng họ sẽ không dám đánh lại hoặc xấu hổ không dám tố cáo; ép đàn ông trong chuyện chăn gối vì cho rằng đàn ông thì lúc nào chẳng “muốn” nên con gái “muốn” mới là quan trọng; tự làm tổn thương bản thân vì biết rằng kẻ khác sẽ mủi lòng; nói dối về chuyện mang thai để thao túng đàn ông trong tình cảm...

Nhắc lại, cách hiểu như trên thường không chính xác. Tính nữ độc hại là những khuôn mẫu có hại cho bản thân, trong khi ở những ví dụ trên, tính nữ “được” hoặc “bị” coi là vũ khí để làm lợi cho bản thân và làm hại cho kẻ khác.

Tiêu chuẩn kép

Một số đàn ông cho rằng phụ nữ thật ra đâu phải là nạn nhân, bởi đàn ông mới chính là kẻ phải gánh chịu hậu quả của phong trào bình đẳng giới, lý do là vì phong trào này có tiêu chuẩn kép.

Ví dụ, phụ nữ là nạn nhân bạo hành nhưng đôi khi chính họ lại cười cợt khi đàn ông bị đánh đập; phê phán khi đàn ông quấy rối phụ nữ nhưng có người lại làm hệt như thế với đàn ông; miệng đòi công bằng nhưng thực tế bao cô gái lại bắt đàn ông phải đơn phương tặng quà và trả tiền tình phí...

Những tiêu chuẩn kép kiểu “kèo thơm thì nhận” ấy khiến một số đàn ông đổ oan cho nữ quyền, phủ nhận phong trào này và đánh đồng luôn “nữ tính độc hại” thành “nữ quyền độc hại”.

Nguồn Unsplash
Nữ quyền có nhiều điểm giống với nhân quyền. | Nguồn: Unsplash

Cách hiểu này sai, đơn giản vì định nghĩa nữ quyền bị hiểu và thực hiện sai. Nữ quyền, dù có dính chữ “nữ” do yếu tố lịch sử nên dễ gây hiểu lầm, nhưng cơ bản là bảo đảm quyền bình đẳng cơ hội và tự do lựa chọn cho mọi cá nhân, bất kể nam nữ hay một ai khác trong cộng đồng LGBT+.

Nữ quyền có nhiều điểm giống với nhân quyền. Nếu có bất kỳ khía cạnh độc hại cho một cá nhân nào, thì đó phải là một cơ hội để cách hiểu và phương thức thực hiện được điều chỉnh.

Như vậy, “tiêu chuẩn kép” không phải là tính nữ độc hại. Tính nữ độc hại là những khuôn mẫu có hại cho bản thân, trong khi tiêu chuẩn kép làm lợi cho bản thân và làm hại kẻ khác.

Tính nữ độc hại làm hại phụ nữ

Cách sử dụng chính xác nhất của thuật ngữ này là nhằm vào những khuôn mẫu quy chuẩn nữ tính truyền thống có khả năng làm hại chính bản thân phụ nữ.

Đó là khi chúng ta nghe tuyên ngôn của Trác Thúy Miêu và tự nhủ rằng, đã là đàn bà trên đời này thì phải làm việc nhà, thậm chí phải sung sướng vì đó là một “đặc ân”, kể cả khi việc nhà không còn là tự nguyện, trở thành một gánh nặng, bóc lột sức lao động, hoặc thậm chí là một hình thức bạo hành.

Đó cũng là khi ta tin lời Trác Thúy Miêu và cho rằng bản năng của tất cả đàn bà trên đời này là trở thành một thực thể nhục dục để “chiều chuộng và thỏa đáp đàn ông”.

Một ví dụ tiêu biểu của cách nghĩ này là sự lan tràn của “mũi khâu ông chồng”. Khi người phụ nữ bị rạch tầng sinh môn để đẻ con, nhiều bác sĩ thậm chí còn không thèm hỏi ý kiến phụ nữ mà khâu thêm một vài mũi để âm đạo nhỏ lại, với mục đích để chồng cô sau này giao hợp sẽ cảm thấy khít chặt và thích thú hơn. Thực tế cho thấy đây là một phương pháp thiếu khoa học, thậm chí khiến nhiều phụ nữ bị đau đớn đến mức phải quay lại bệnh viện để rạch cửa mình thêm một lần nữa.

Những khuôn mẫu truyền thống có khả năng cản trở phụ nữ có ở khắp quanh ta. Đó là khi ta tin rằng một phụ nữ đích thực phải trở thành một người mẹ, phải chu toàn gia đình, phải lùi về sân sau, phải đặt chồng con lên trên ước mơ của bản thân, phải dịu dàng ngoan ngoãn, phải chiều chuộng thỏa đáp nhu cầu của kẻ khác, phải xinh đẹp và vui tươi…

Nguồn The Intern
Ann Hathaway trong The Intern là một doanh nhân giỏi, nhưng cô cũng chịu áp lực và cảm giác có lỗi khi không chăm lo tốt cho gia đình. | Nguồn: The Intern

Tính nữ độc hại nói rằng thực ra đã là phụ nữ thì bản năng của chúng ta là làm tất cả các điều trên mà không hề oán thán, thậm chí còn phải coi đó là một “đặc ân”, bởi chỉ thế thì mới là phụ nữ đích thực.

Những khuôn mẫu này có thể nội hóa, tự ngấm sâu đến mức phụ nữ tự phân biệt và kỳ thị chính mình. Như một dạng tẩy não, chúng ta truyền những áp lực ấy cho những kẻ xung quanh và thế hệ sau bằng giáo dục, nuôi dạy, mắng mỏ, công kích, kiềm chế và thao túng chính bạn bè và con cái mình dưới hình thức “chỉ muốn tốt cho nhau”.

Quay trở lại câu chuyện cắt tầng sinh môn, một cô gái kể lại rằng mẹ chồng cô khi đón con dâu từ bệnh viện về đã hỏi: “Thế bác sĩ có cho con mấy mũi-khâu-lịch-sự không?”. Sự hy sinh và đau đớn của phụ nữ không chỉ có mục đích để thỏa mãn nhục dục của chồng theo kiểu “điểm cộng”, mà dưới con mắt của bà mẹ ấy, con dâu không cố chịu thêm một chút đau đớn để khâu khít âm đạo cũng như một hành động thiếu-văn-minh với chồng mình vậy.

Tính nữ độc hại nơi công sở

Tại môi trường làm việc, tính nữ độc hại khó nhận ra hơn, nhưng cũng vì thế mà độc hại hơn. Đồng nghiệp nữ bị chính phụ nữ đối xử thiếu văn minh cao hơn khoảng 14-21% so với đồng nghiệp nam.

Đó là khi ta đánh giá chê bai ngoại hình của nhau là không chuẩn mực; nghi ngờ phán xét đồng nghiệp nữ thăng tiến bằng cách lên giường với kẻ khác; coi thường khinh khi hoặc dùng lời lẽ nặng nề với chị em cùng cơ quan; ghen tỵ và thao túng đồng nghiệp bằng cách đâm thọc hoặc nói xấu sau lưng nhưng lại ngụy trang bằng sự ngọt ngào quan tâm giả tạo...

Thoạt tiên, những hành vi này dường như khẳng định cách hiểu tính nữ độc hại là phụ nữ nói chung ai cũng độc hại như vậy (xem phần trên).

Nguồn Unsplash
Cái “bẫy-22” lưỡng nan kinh điển cản trở phụ nữ trong sự nghiệp: Làm sao để nữ tính nhưng không mềm yếu, nam tính nhưng không hiếu chiến, vừa phải làm được việc vừa phải được yêu mến. | Nguồn: Unsplash

Tuy nhiên, bản chất những hành động này thường là hậu quả của việc một số phụ nữ vô thức coi đó là một giải pháp hợp lý để cạnh tranh sự chú ý, sự thành đạt, sự ghi nhận từ đàn ông và từ xã hội. Những phụ nữ này nhìn con đường mà đa số đàn ông trở thành làm bá chủ một xã hội gia trưởng phụ quyền và chọn một hoặc hai cách sau.

Thứ nhất, họ copy các tính nam độc hại, ví dụ “sự cạnh tranh bất chấp”, rồi biến nó thành tính nữ độc hại. Quan sát và trải nghiệm trong xã hội phụ quyền khiến họ vô thức tin rằng, thành công là một chiếc bánh cố định, kẻ này ăn nhiều có nghĩa là kẻ khác buộc phải ăn ít đi, không “cạnh tranh bất chấp” thì không thành công.

Thứ hai, họ cũng lại hiểu rằng với phụ nữ, nếu “sự cạnh tranh bất chấp” ấy được thể hiện y hệt như đàn ông thì kết quả là cầm chắc thất bại, vì nó đi ngược lại những khuôn mẫu về tính nữ hiền dịu dung hòa. Tương tự, phụ nữ “quyết đoán” thì bị cho là hách dịch còn đàn ông “quyết đoán” thì là có khả năng lãnh đạo; phụ nữ “tham vọng” bị cho là ích kỷ nhưng đàn ông “tham vọng” thì là kẻ biết rõ mình muốn gì; khi đàn ông “cứng rắn” thì phụ nữ lại trở thành “bà chằn”.

Do đó, phụ nữ bị hạn chế khả năng lãnh đạo bởi họ bị nhìn nhận tiêu cực (do ngược với khuôn mẫu) khi họ nắm vai trò lãnh đạo. Đó là cái “bẫy-22” lưỡng nan kinh điển cản trở phụ nữ trong sự nghiệp: Làm sao để nữ tính nhưng không mềm yếu, nam tính nhưng không hiếu chiến, vừa phải làm được việc vừa phải được yêu mến. Khoa học gọi đây là sự đánh đổi giữa năng lực và thiện cảm (competence-likability tradeoff).

Như vậy, một hậu quả xấu xí của sự đánh đổi này là có những phụ nữ vô thức copy tính nam độc hại một cách có điều chỉnh, rồi che dấu hoặc ngụy trang sự cạnh tranh ấy. Hậu quả là một mối quan hệ công sở với nhiều sắc thái độc hại cao thấp khác nhau, có chị em chân thành ngọt ngào, nhưng cũng có khiên cưỡng, giả dối, khó hiểu, hoặc khó lường.

Tuy nhiên, câu hỏi tiếp theo là, vậy cái cách mà đàn ông làm bá chủ thế giới phụ quyền (rồi được một số phụ nữ đã copy có điều chỉnh) ấy có thật là chỉ toàn điều tốt đẹp cho đàn ông thôi không?

Tính nữ độc hại và tính nam độc hại là hai mặt của một đồng xu

Tính nam độc hại ám chỉ những quy chuẩn truyền thống về nam tính tạo áp lực cho chính nam giới. Ví dụ, tính nam độc hại khiến đàn ông phải chứng tỏ sự “chuẩn men” của mình bằng việc hút thuốc, uống rượu, liều lĩnh.

Họ phải gồng mình tỏ ra sung mãn về tình dục, mạnh mẽ về thể lực, kiên cường về cảm xúc, tài năng về kiếm tiền, giỏi giang về lãnh đạo. Họ phải kìm nén cảm xúc, che giấu bệnh tật, lao động kiệt sức… Điều này góp phần dẫn đến tỷ lệ tự sát ở đàn ông cao từ 2-6 lần phụ nữ ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Nguồn Joker
Đàn ông cũng phải gồng mình trước áp lực xã hội. | Nguồn: Joker

“Tính nam độc hại” bắt nguồn từ thuật ngữ “tính nam bá quyền” (hegemonic masculinity) vốn để chỉ những quy chuẩn nam tính có khả năng chi phối, lấn át trong vai trò thống trị xã hội. Tính nam bá quyền giải thích cho sự khuất phục của không những phụ nữ mà cả những người đàn ông không sống theo hệ quy chuẩn kiểu “con đực đầu đàn”.

Ở tận gốc rễ của vấn đề, tính nam bá quyền vượt ra ngoài phạm vi nam nữ, trở thành một khung lý thuyết để hiểu về sự bất bình đẳng quyền lực trong toàn xã hội, nơi nạn nhân là cả phụ nữ và đàn ông, nhất là cộng đồng LGBT+.

Ngoài khuôn khổ những nghiên cứu khoa học, “tính nam độc hại” dù quen tai hơn nhưng về mặt lý thuyết, đó là cách hiểu sai “tính nam bá quyền”.

Thứ nhất, nó chệch ra khỏi bản chất của vấn đề là “chênh lệch quyền lực và địa vị” giữa người với người chứ không phải giữa nam với nữ. Thứ hai, nó làm cho hệ nhị nguyên nam-nữ vốn đã đơn giản một cách thái quá lại trở nên trầm trọng hơn, gây tổn thương đến cộng đồng LGBT+. Cuối cùng, nó cũng tạo ra sự hiểu lầm là sẽ có những tính nam “lành mạnh”.

Trên thực tế, sự “độc hại” hay “lành mạnh” là tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, tinh thần cạnh tranh trở thành độc hại khi nó biến thành sự say máu bất chấp, nhưng lại là lành mạnh khi ta cần động lực để vượt lên chính mình.

Thuật ngữ gốc “tính nam bá quyền” cho phép ta hiểu sâu hơn, rằng tính nam độc hại không chỉ gây hại cho người nam, mà còn cho cả người nữ. Tương tự, tính nữ độc hại gây hại cho cả nữ lẫn nam. Đây là hai mặt của một đồng xu, và cùng là hậu quả của tính nam bá quyền. Sự thiệt thòi của phụ nữ cũng chính là gánh nặng cuả đàn ông, và ngược lại.

Nếu đàn ông không bị áp lực phải mạnh mẽ, phụ nữ sẽ không có áp lực phải gọt mình đến thành gọi dạ bảo vâng. Nếu đàn ông không bị áp lực phải thành anh hùng, phụ nữ sẽ không có áp lực phải ép mình thành giai nhân nương nhờ quân tử. Nếu đàn ông không bị áp lực phải là người kiếm tiền, phụ nữ sẽ không có áp lực phải ép mình thành bà nội trợ. Nếu đàn ông không bị áp lực phải thành đạt, phụ nữ sẽ không có áp lực giới hạn mình trở thành kẻ hỗ trợ sân sau, làm chức phó, làm nền cho đàn ông ở nhiệm sở.

Nhân quyền và bình đẳng cơ hội

Dù nhân quyền và bình đẳng giới là hai khái niệm khác nhau, nhưng vùng trùng lặp của hai thuật ngữ giúp ta có cách nhìn nhận nhân văn và khoan dung hơn. Nữ quyền, về bản chất, là quyền mà mỗi người, bất kể nam nữ hay một danh tính nào khác, ngay từ nhỏ đã được đặt vào tay những cơ hội ngang bằng, được khát khao và chạm tới một cuộc sống do chính mình lựa chọn.

Chính vì thế, nữ quyền có cùng tiếng nói với “nhân quyền”, và “bình đẳng giới” về thực chất là “bình đẳng cơ hội”. Xoá bỏ bất công giới không phải là việc bắt nam nữ phải giống nhau ở “chức năng” giới, mà là vượt qua cái hữu hạn của chữ “giới”. Chúng ta cần hạn chế tuyên ngôn hộ cả thế gian khi dùng những danh từ chung như “đàn ông thì phải…” hay “phụ nữ nên cần…”.

Nguồn Pinterest
Xoá bỏ bất công giới không phải là việc bắt nam nữ phải giống nhau ở “chức năng” giới, mà là vượt qua cái hữu hạn của chữ “giới”. | Nguồn: Pinterest

Chúng ta phải nhìn vào từng cá nhân như những thực thể riêng biệt chứ không phải với cái nhãn “phụ nữ” hay “đàn ông”. Mỗi cá nhân đó cần phải được mở những cánh cửa cơ hội để họ có thể trở thành một con người sống hạnh phúc và có ích theo năng lực và đam mê của chính mình, chứ không phải theo một khuôn mẫu quy chuẩn xã hội đặt ra, càng không phải theo những trào lưu dù tân tiến nhưng không phản ánh đúng màu sắc thực sự tâm hồn và khao khát của chính bản thân mình.