Tiếp nối bài viết “Trí tuệ cảm xúc và bước đầu để chinh phục nó”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “5 Skills to Help You Develop Emotional Intelligence”, được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
3. Học cách tạo động lực cho bản thân
Bạn đã bao giờ đánh mất khái niệm về thời gian khi làm một điều gì đó chưa? Kiểu như bạn bắt đầu làm một việc rồi chìm đắm trong nó và đến khi “tỉnh ngộ”, bạn nhận ra rằng 3 tiếng đã trôi qua nhưng tưởng như chỉ mới 15 phút?
Đôi lúc điều này xảy ra với tôi khi viết. Tôi mất cảm giác về thời gian và có được dòng cảm xúc nhiều tầng tinh tế khi bóc tách ý tưởng trong đầu để diễn đạt thành lời. Cảm giác ấy giống như sự thích thú xen lẫn sự thất vọng thoáng qua cùng chút bùng nổ dopamine, mỗi khi tôi thấy mình như vừa nghĩ ra được câu thoại hay, một trò đùa hài hước hoặc bằng cách nào đó hiểu ra vấn đề mà không cần phải chửi thề.
Tôi thích cảm giác này, và khi đạt được nó, nó thúc đẩy tôi tiếp tục viết.
Tuy nhiên, cần lưu ý một điều quan trọng ở đây: Tôi không đợi cảm giác đó nảy sinh trước khi bắt đầu viết.
Tôi bắt đầu viết và rồi cảm giác đó mới hình thành. Điều này thúc đẩy tôi tiếp tục viết, và cảm giác đó sẽ tăng lên một chút và cứ thế.
Tôi gọi đây là “Nguyên tắc hãy làm gì đó” và nó có lẽ là một trong những “thủ thuật” đơn giản nhưng kỳ diệu nhất mà tôi từng biết. Nguyên tắc này phát biểu như sau:
Hành động không chỉ là kết quả của động lực mà còn là nguyên nhân của nó.
Hầu hết mọi người đều cố gắng tìm kiếm nguồn cảm hứng trước khi đi đến hành động bước ngoặt để thay đổi bản thân và hoàn cảnh. Họ cố “bơm đầy” bản thân với bất kỳ phương pháp tạo động lực nào đang nổi trong tuần đó để có thể hành động. Nhưng đến tuần sau khi “nhiệt” đã “nguội”, họ quay lại vòng lặp và chuyển sang một phương pháp khác.
Nhưng thật ra nó ngược lại hoàn toàn. Khi cần động lực, tôi cứ làm một điều gì đó - kể cả việc ít liên quan đến những gì tôi muốn hoàn thành. Rồi sau đó, hành động tạo ra động lực sẽ dẫn đến hành động tiếp theo, v.v.
Khi cảm thấy không muốn viết, tôi tự nhủ bây giờ mình chỉ làm dàn bài thôi. Từ đó, nó khiến tôi nghĩ đến những điều thú vị mà trước đây mình chưa nghĩ ra mà tôi muốn đưa vào bài viết. Thế là tôi viết xuống và có thể thêm thắt chút đỉnh. Và trước khi kịp ý thức, tôi đã thực hiện được nửa bản nháp.
Vấn đề ở chỗ, để sử dụng cảm xúc cá nhân hiệu quả nhằm gắn kết mọi chuyện lại với nhau, bạn phải làm điều gì đó.
Nếu bạn không cảm thấy có động lực, hãy làm điều gì đó. Vẽ vời nguệch ngoạc, tìm lớp học lập trình miễn phí, nói chuyện với người lạ, học nhạc cụ, tìm hiểu về một chủ đề thực sự khó, làm tình nguyện, nhảy salsa, đóng một giá sách, viết một bài thơ. Chú ý đến cảm giác trước, trong và sau bất cứ điều gì bạn đang làm và sử dụng những cảm xúc đó để định hướng hành vi trong tương lai.
Và biết rằng không phải lúc nào cảm giác "tốt" cũng sẽ thúc đẩy bạn. Đôi khi tôi bực bội muốn chết vì không thể nói được chính xác những gì tôi muốn nói. Đôi khi tôi lo lắng rằng những gì mình đang viết sẽ không gây được tiếng vang. Nhưng cho dù lý do là gì, những cảm giác này thường chỉ khiến tôi muốn viết thêm. Tôi thích vật lộn với những điều ngoài tầm với của mình một chút.
4. Nhận biết cảm xúc ở người khác để tạo ra mối quan hệ lành mạnh hơn
Mọi thứ chúng ta đã đề cập từ đầu bài viết đều liên quan đến việc xử lý và định hướng cảm xúc bên trong. Nhưng toàn bộ trọng tâm của phát triển trí tuệ cảm xúc cuối cùng phải là thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh hơn trong cuộc sống.
Các mối quan hệ lành mạnh — tình yêu, gia đình, tình bạn, bất cứ điều gì — đều bắt đầu bằng sự công nhận và tôn trọng nhu cầu tình cảm của nhau.
Bạn làm điều này bằng cách kết nối và thấu cảm với người khác. Bạn vừa lắng nghe nhưng cũng vừa chia sẻ thành thật về bản thân với đối phương — thông qua việc mở lòng với tổn thương.
Đồng cảm với ai đó không đồng nghĩa với việc hoàn toàn hiểu họ, mà là chấp nhận con người họ, ngay cả khi bạn không hiểu. Bạn học cách coi trọng sự tồn tại của họ và hành động vì chính họ thay vì làm điều đó như một phương tiện để đạt được mục đích khác. Bạn nhận thức nỗi đau của họ như nỗi đau của mình, một nỗi đau chung.
Các mối quan hệ là khi cảm xúc trở nên nghiêm túc. Chúng đưa ta thoát khỏi thế giới trong đầu và bước vào thế giới xung quanh. Chúng khiến ta nhận ra rằng mình là một phần của điều gì đó lớn và phức tạp hơn nhiều so với chính mình.
Và cuối cùng, các mối quan hệ là cách chúng ta xác định hệ giá trị của mình.
5. Gán giá trị cho cảm xúc của bạn
Khi tựa sách của Daniel Goleman ra mắt vào những năm 90, “trí tuệ cảm xúc” liền trở thành khái niệm bùng nổ trong tâm lý học.
Các CEO và những nhà quản lý đọc sách và tham dự khóa học về trí tuệ cảm xúc để tạo động lực làm việc cho nhân viên. Các nhà trị liệu cố gắng nâng cao nhận về thức cảm xúc để giúp khách hàng xử lý cuộc sống cá nhân. Các bậc cha mẹ được khuyến khích nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc ở con cái với mục đích chuẩn bị cho các em sẵn sàng với một thế giới thay đổi và định hướng theo cảm xúc.
Tuy nhiên, kiểu suy nghĩ này đã bỏ sót vấn đề cốt lõi. Đó là trí tuệ cảm xúc sẽ vô nghĩa nếu không định hướng được giá trị của bạn.
Bạn có thể có một CEO thông minh về cảm xúc nhất hành tinh. Nhưng nếu cô ta dùng các kỹ năng của mình để thúc đẩy nhân viên bán sản phẩm được sản xuất bằng cách bóc lột người nghèo hay phá hủy môi trường, thì ở đây trí tuệ cảm xúc là một đức tính như thế nào?
Một người cha có thể dạy con trai mình những nguyên lý của trí tuệ cảm xúc. Nhưng nếu anh ta không dạy con giá trị của sự trung thực và tôn trọng, đứa trẻ có thể trở thành một người tàn nhẫn, dối trá - nhưng lại thông minh về cảm xúc!
Những kẻ lừa đảo rất thông minh về mặt cảm xúc. Họ hiểu khá rõ về cảm xúc, của cả bản thân và đặc biệt là ở người khác. Nhưng cuối cùng họ lại dùng thông tin đó để thao túng mọi người vì lợi ích cá nhân. Họ coi trọng bản thân hơn tất thảy những người khác và giá trị của họ. Và mọi thứ sẽ trở nên xấu xí khi bạn chẳng coi trọng gì ngoài chính mình.
Lisa Nowak, dù xuất chúng và có chuyên môn, lại không thể xử lý cảm xúc của bản thân và đặt giá trị sai lệch. Vì vậy, cô đã để cảm xúc làm chệch hướng và đi từ không gian vũ trụ vào không gian trại giam.
Cuối cùng thì, chúng ta luôn được chọn những gì ta cho là giá trị, kể cả có nhận thức được điều đó hay không. Cảm xúc của chúng ta sẽ thể hiện những giá trị đó thông qua việc thúc đẩy hành vi của ta.
Vì vậy, để sống cuộc sống mà bạn thực sự muốn, trước tiên bạn phải rõ ràng về những gì bạn thực sự coi trọng. Vì nơi năng lượng cảm xúc của bạn được hướng đến sẽ nằm ở chính những giá trị đó.
Biết những gì mình thực sự coi trọng - mà không chỉ dừng ở lời nói suông - có lẽ là đỉnh cao nhất của trí tuệ cảm xúc mà bạn có thể phát triển.