Tuyển thủ đình công, Riot Games "đe dọa" hủy bỏ giải đấu LCS | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Tuyển thủ đình công, Riot Games "đe dọa" hủy bỏ giải đấu LCS

Đối diện với cuộc đình công đầu tiên trong lịch sử Esport, Riot Games và các tổ chức Esport đang đứng trước nguy cơ thiệt hại hàng triệu đô.
Tuyển thủ đình công, Riot Games "đe dọa" hủy bỏ giải đấu LCS

Nguồn: Twitter

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Bắt đầu bằng một động thái không tôn trọng đến Liên đoàn Tuyển thủ LCS (LCSPA) của Riot Games và nhanh chóng leo thang đến cuộc đình công đầu tiên trong lịch sử Esport, giải đấu Liên Minh Huyền Thoại Bắc Mỹ (LCS) đang đứng trước nguy cơ bị hủy và mất suất tham dự giải Thế Giới 2023 (Worlds) sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 10.

Đứng trước một giải Thế Giới được hứa hẹn sẽ chứng kiến nhiều thay đổi và thu hút một số lượng người xem kỉ lục, việc mất vé tham dự Worlds của LCS chẳng khác nào một “án tử” khi khu vực này đang chứng kiến một sự sụt giảm nhanh chóng trong số lượng người chơi lẫn khán giả xem giải.

Việc hủy bỏ LCS, dù chỉ là một mùa giải, chắc chắn sẽ gây một thiệt hại khổng lồ đến các tổ chức Esport có mặt trong LCS. Đặc biệt, khi thế giới Esport đang đối diện với một cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có trước đây.

Đối với một khu vực chỉ mới được tiếp quản bởi Riot Games cách đây không lâu, những đội tuyển tại Việt Nam có lẽ cần sẽ nhìn vào sự việc này như một bài học trong cách quản lí và vận hành giải đấu VCSA và VCSB.

2. Cuộc đình công đầu tiên trong lịch sử Esport diễn ra như thế nào?

Vào ngày 2/5, thể theo nguyện vọng của các tổ chức Esport, Riot hủy bỏ việc yêu cầu tất cả các tổ chức có mặt tại LCS phải có một đội tuyển thi đấu ở giải đấu Academy (NACL). Ngay lập tức, 7 trên 10 tổ chức có mặt tại LCS ra quyết định giải tán đội tuyển NACL của họ, khiến cho hơn 70 việc làm bị đe dọa.

alt
7 đội tuyển (tô đỏ) giải tán đội tuyển NACL | Nguồn: Twitter

Quyết định đột ngột này ngay lập tức khiến Liên đoàn Tuyển thủ LCS (LCSPA) cực kì bất bình khi trước đó 3 tuần, Riot Games đã đảm bảo với họ rằng sẽ không có bất kì thay đổi nào ở NACL cho tới hết năm. Sự thiếu tôn trọng trong việc hợp tác và trân trọng tuyển thủ của Riot Games đã khiến LCSPA kêu gọi một cuộc bỏ phiếu đình công.

Vào ngày 29/5, trước thềm LCS chỉ 3 ngày, LCSPA chính thức thông báo rằng sẽ không có bất kì tuyển thủ nào tiếp tục thi đấu nếu những yêu cầu của họ gửi đến Riot Games không được đáp ứng. Sự kiện này đánh dấu cuộc đình công đầu tiên xảy ra trong lịch sử Esport.

3. Vì sao những điều khoản này đang đưa Riot vào thế khó?

Nói chính xác hơn, vài năm trước, khi Riot quyết định tổ chức LCS theo dạng “thương hiệu” (franchise), họ đã tự đưa bản thân vào thế khó. Một giải đấu được tổ chức theo dạng franchise cho phép những đội tuyển giữ vị trí của họ tại giải đấu hàng đầu khu vực Bắc Mỹ cho dù họ có chơi tệ đến đâu.

Thể thức này cho phép những tổ chức Esport không cần phải đầu tư vào việc phát triển tài năng. Họ có thể chỉ tồn tại, thua tất cả mọi trận đấu để chờ một tổ chức Esport nào đó mua lại vị trí của họ trong LCS với một số tiền khổng lồ. Kết quả là trình độ thi đấu của các tuyển thủ LCS đã không thể nào cạnh tranh với thế giới.

alt
Những yêu cầu của LCSPA dành cho Riot | Nguồn: Twitter

Điều khoản đầu tiên của LCSPA cho phép những đội tuyển nhỏ không thuộc franchise tranh vị trí thi đấu với các đội franchise, từ đó tạo tính cạnh tranh cần thiết để phát triển khu vực. Mặc dù Riot đã nhận ra những điểm yếu của hệ thống franchise và chỉnh sửa chúng tại các giải đấu Valorant, họ không thể làm điều tương tự với LMHT vì những điều khoản trong hợp đồng mà họ có với những tổ chức franchise.

Những điều khoản tiếp theo của LCSPA có thể tóm tắt thành 2 mục chính: “Bắt buộc Riot trả lương cho tuyển thủ thuộc NACL thay cho tổ chức Esport, trao thêm quyền điều hành đội tuyển NACL cho tuyển thủ thay vì tổ chức Esport.”

Những điều khoản này được nhiều chuyên gia và những cá nhân có tiếng trong lĩnh vực Esport đánh giá là bất hợp lí. Đặc biệt khi NACL từ lâu đã không còn phục vụ được mục đích đào tạo và nuôi dưỡng tài năng trẻ cho khu vực Bắc Mỹ. Bằng chứng rõ nhất cho điều này là đa số các đội tuyển tốt nhất của LCS đều phát triển bằng cách mời những tuyển thủ nước ngoài về thi đấu.

4. Riot Games đã có phản ứng gì?

Ngay lập tức, Riot Games đã thông báo rằng họ sẽ cho phép những tổ chức Esport đem bất kì ai (bất kể trình độ), để thi đấu cho LCS. Động thái cứng rắn của Riot trong việc đảm bảo tiến độ giải đấu đã không thành công khi những tổ chức Esport không thể tìm được bất kì ai dám đi ngược lại với cuộc đình công lịch sử này.

Tiếp theo đó, Riot đã có một bài viết phản hồi lại những yêu cầu của LCSPA. Với thái độ kiên quyết, Riot giải thích rằng họ không đồng ý với những yêu cầu này nhằm đảm bảo quyền lợi cho sự phát triển của giải đấu cũng như những tổ chức Esport.

Cũng trong bài viết mà Riot đăng tải, công ty này thông báo sẽ dời thời điểm bắt đầu của LCS lại hai tuần. Đồng thời cảnh báo rằng nếu sự việc này không thể giải quyết vào thời điểm đó, họ sẵn sàng hủy bỏ LCS mùa Hè để đảm bảo công bằng và tiến độ cho Giải Thế Giới.

5. Kết quả của cuộc đình công này mang ý nghĩa gì?

Với tính chất phức tạp của vụ việc này, không ai có thể dự đoán được vận mệnh của LCS cũng như mối quan hệ của 3 bên Riot Games, những tổ chức Esport và tuyển thủ. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng sẽ không có bất cứ bên nào có thể giành phần thắng trong cuộc chiến này.

Việc thiếu tôn trọng LCSPA của Riot giống như một giọt nước tràn li, khiến những điểm yếu rõ ràng trong cách vận hành giải đấu của họ trở nên cực kì rõ ràng. Tuy nhiên, ở phía LCSPA, tuy mang trên mình nhiệm vụ cao cả là đấu tranh cho quyền lợi của tuyển thủ, họ đã có những yêu cầu được đánh giá là “bất hợp lí,” thậm chí “thiếu hiểu biết” về cách mà thế giới Esports đang vận hành.

Trước khi đình công xảy ra, những tổ chức Esport chính là những người hưởng lợi nhất khi họ có một vị trí thi đấu trị giá chục triệu đô tại LCS mà không phải cạnh tranh với bất kì ai. Tuy nhiên như đã nói ở trên, việc LCS bị hủy bỏ sẽ gây thiệt hại khổng lồ cho những tổ chức này, thậm chí đối diện với việc phá sản khi họ không thể đáp ứng hợp đồng của những nhà đầu tư.

Tại một khu vực mà Liên Minh Huyền Thoại đang đánh mất tất cả sức hút đối với game thủ. Việc người hâm mộ của những đội tuyển LCS không thể chứng kiến đội nhà thi đấu tại đấu trường quốc tế thật sự là một mất mát không tưởng.

Ở một vị trí tiến thoái lưỡng nan, việc hủy bỏ LCS thật sự là một bước đi, theo như Riot là “miễn cưỡng.” Tuy nhiên với việc những giải đấu thể thao trên thế giới đang dần đưa Esport vào nội dung thi đấu, cũng như việc Riot Games vừa tiếp quản máy chủ Việt Nam từ Garena, động thái cứng rắn của Riot cho LCS cũng có thể được xem là một lời đe dọa để giữ những khu vực khác “ngay hàng thẳng lối.”