Vay tiền để đầu tư: Nên hay không? | Vietcetera
Billboard banner

Vay tiền để đầu tư: Nên hay không?

Giải pháp đầu tư cho người thiếu tiền và cả người... dư tiền. Tại sao lại thế?
Vay tiền để đầu tư: Nên hay không?

Nguồn: Hình ảnh minh hoạ từ nguồn mở Streamline.

Remitano x VCT

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng chỉ nên vay tiền khi gặp khó khăn về tài chính. Song, nhiều trường hợp còn cho thấy kể cả khi có túi tiền ổn định, người ta vẫn đi vay tiền.

Và lý do phổ biến là để đầu tư.

Tại sao người ta lại vay tiền để đầu tư?

Nhìn chung, có 3 kiểu tâm lý vay tiền đầu tư thường gặp:

  • Người cơ hội: Họ cho rằng đây là cơ hội đầu tư hiếm có, rất có thể không gặp lại được nữa. Do đó, dù thiếu tiền, họ sẵn sàng vay tiền để nắm bắt cơ hội vàng này.
  • Người linh cảm: Họ cho rằng may mắn sẽ đứng về phía mình trong lần đầu tư cụ thể này. Cho nên cần phải đòn bẩy tối đa để tận dụng vận may.
  • Người cạnh tranh: Họ cần có đòn bẩy lớn để kết quả đầu tư bằng bạn bằng bè.

Tuy có một số đặc điểm khác nhau, các nhóm đối tượng trên có cùng một mục đích. Đó là làm sao cho dòng tiền không đứng yên.

Họ muốn đạt mục đích này bằng việc sử dụng đòn bẩy tài chính dựa trên các khoản vay (thường là từ ngân hàng). Sau đó dùng số tiền này vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc đầu tư vào các doanh nghiệp, thị trường khác để sinh lời.

Ở điều kiện lý tưởng, tỷ suất lợi nhuận từ đòn bẩy có thể đạt từ 20% trở lên.

Ví dụ bạn có một cửa hàng. Trong nhiều tháng, cửa hàng của bạn cứ nhập hàng 100 triệu đồng về thì sẽ bán hết trong 10 ngày. Và bạn muốn thử đòn bẩy vay 100 triệu đồng để nhập thêm hàng. Đó là vì bạn nghĩ 200 triệu tiền hàng bán hết trong 10 ngày giúp lợi nhuận tăng đáng kể.

Ngoài ra, với sức khỏe tài chính tốt và độ uy tín cao, họ dễ dàng tiếp cận các gói vay với lãi suất ngân hàng cực thấp. Nếu trừ đi khoản tiền lãi phải trả, tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản họ nhận được vẫn khá cao.

Như vậy, nếu có thể sử dụng nợ hiệu quả, bạn không chỉ tận dụng được dòng tiền từ việc vay tài chính, mà còn có khả năng sinh lợi nhuận cho bản thân.

Tuy nhiên trên thực tế, việc vay mượn để đầu tư dù ở bất kỳ hình thức nào, cũng tiềm ẩn rủi ro nhất định.

alt

Vay tiền đầu tư có thể mang rủi ro gì?

Sự biến động của kết quả kinh doanh/đầu tư

Với kết quả không như dự kiến, kinh nghiệm đầu tư của bạn khi không vay và khi vay không giống nhau như bạn nghĩ.

Ví dụ, bạn nhập thêm hàng về nhưng hàng không bán hết. Hàng tồn kho làm bạn không thể có tiền mua hàng mới khiến kinh doanh đình trệ. Bạn không thể trả gốc và lãi.

Áp lực tâm lý trả nợ

Thời hạn trả nợ, nhất là với những khoản nợ ngắn hạn sẽ đè nặng lên quyết định đầu tư của bạn.

Ở nhiều trường hợp, càng gần đến ngày trả nợ, khả năng bạn đưa ra quyết định sai lầm, thiếu cân nhắc và vội vàng là rất lớn.

Ảo giác "cảm thấy mình giàu có"

Khi vay tiền, số tiền trong tài khoản của bạn lớn hơn so với số tiền bạn thực có. Tuy nhiên, não chúng ta sẽ ưu tiên nghĩ rằng "tiền trong tài khoản là tiền của tôi".

Đây là lý do tại sao khi đi trả nợ vay, nhiều người trì hoãn và cảm thấy tiền của mình mất mát, mặc dù đó là khoản nợ phải trả.

alt

Vậy có nên vay tiền đầu tư?

Câu trả lời sẽ tuỳ thuộc vào khả năng tài chính, mục đích sử dụng khoản vay và kinh nghiệm quản lý tài chính/đầu tư của mỗi người.

Khi nào nên vay?

Nên vay khi bạn đã là chuyên gia hoặc có thời gian trải nghiệm đủ dài. Ngoài ra, bạn đã có kinh nghiệm qua nhiều biến động thị trường của ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực đầu tư mà bạn chọn.

Lúc này, bạn biết rõ kịch bản xấu nhất sẽ làm gì, cũng như khả năng xảy ra điều xấu là như thế nào. Và quan trọng nhất, bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó.

Khi nào không nên vay?

Không nên vay khi bạn FOMO mà thiếu tìm hiểu.

Đó có thể là vì một ai đó rủ đầu tư, mà điều kiện cần là phải có số tiền lớn nên bạn vay. Bạn không ý thức được điều gì sẽ xảy ra nếu khoản đầu tư thua lỗ.

Lúc này, tâm lý của bạn không sẵn sàng phụ thuộc vào chủ nợ. Bạn nghĩ việc bị hối thúc trả lãi, trả gốc hàng tháng có thể là áp lực lớn lên bạn.

alt

Vậy khi vay tiền đầu tư cần lưu ý gì?

Cân nhắc tiền vay ở mức vừa đủ

Mức vừa đủ là mức trong trường hợp xấu nhất khi thua lỗ nặng, bạn có nguồn thu nhập, hoặc tài sản khác đủ khả năng thanh toán khoản nợ.

Ví dụ, nếu đầu tư/kinh doanh thất bại, bạn có thể đi làm thuê và tiết kiệm được 5 triệu đồng mỗi tháng để trả được 100 triệu trong vòng 20 tháng. Kịch bản này bạn có từ trước khi vay nợ, và bạn chấp nhận khả năng trường hợp xấu có thể xảy ra.

Cân nhắc về khả năng thành công của việc đầu tư

Có đủ kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực sẽ tham gia tức là bạn đánh giá được khả năng thành công của thương vụ đầu tư này.

Thực tế, nhà đầu tư rất dễ bị thiên kiến là khoản đầu tư lần này của mình sẽ may mắn và có khả năng thành công cao. Điều này là không thể có, vì không có khoản đầu tư nào là chắc thắng.

Chuẩn bị kịch bản “thoát trận”

Bạn cần nghĩ trước rằng trong trường hợp rủi ro xảy ra, bạn sẽ cần làm gì để bảo vệ túi tiền của mình. Một trong những biện pháp điển hình là thiết lập quỹ khẩn cấp.

Đồng thời, bạn cần phân bổ danh mục đầu tư đủ đa dạng, có khả năng bù trừ rủi ro cho nhau để tổng thể cân bằng hơn.

Lời kết

Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tôi nghĩ việc vay để đầu tư sẽ phù hợp nhất nếu bạn là các tổ chức chuyên nghiệp. Hoặc chí ít, bạn có nhiều kinh nghiệm và nền tảng tài chính tốt.

Còn nếu bạn là nhà đầu tư mới, thì nên tập trung đi thật chậm từng bước đơn giản, trước khi tăng tốc bằng đòn bẩy vay nợ.

Đơn cử, bạn có thể bắt đầu bằng việc thu thập thông tin thuộc lĩnh vực bạn định đầu tư, rồi thử đầu tư với số tiền nhỏ để xây dựng trải nghiệm đầu tư nghiêm túc như nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Hy vọng với những chia sẻ vừa rồi, bạn sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về việc vay mượn khi đầu tư, nhất là nếu bạn lần đầu bước chân vào “sân chơi" này.

Hình ảnh minh hoạ từ nguồn mở Streamline.

Cuộc thi đầu tư Go Crypto - Path For Financial Freedom là chương trình đầu tiên kích hoạt chuỗi hoạt động của Remitano dành cho sinh viên. Với hơn 3 triệu người dùng & có mặt tại hơn 50 quốc gia, Remitano tự hào là một trong những sàn giao dịch tiền điện tử tiên phong và có uy tín lâu đời nhất.

Với sứ mệnh đưa tiền mã hoá đến gần hơn với giới trẻ thông qua sân chơi đầu tư thực tế, mang đến trải nghiệm thật, rủi ro bằng 0, Go Crypto hy vọng sẽ xây dựng một nền tảng kiến thức và kinh nghiệm vững chắc, từ đó giúp các bạn trẻ tự tạo nên hạnh phúc và tự do tài chính cho riêng mình.

Với tổng giá trị giải thưởng lên đến 100 triệu VND, bắt đầu hành trình đầu tư tại đây.