Vì đâu một số người không vấp gì cũng té? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
01 Thg 12, 2021
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì đâu một số người không vấp gì cũng té?

Hiện tượng “vồ ếch”, “đụng cái gì rơi cái đó” nhìn từ góc độ tâm lý và thần kinh học.
Vì đâu một số người không vấp gì cũng té?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Ai cũng từng có những khoảnh khắc vụng về khi vấp ngã hoặc đánh rơi đồ vật. Có thể khi đó ta mệt hoặc mất tập trung, và điều này là hết sức bình thường.

Nhưng ở một số người, sự vụng về này lại diễn ra thường xuyên. Họ đang đi bình thường thì vấp té dù dưới chân không có vật cản nào, và đồ vật gì họ cầm rồi cũng sẽ “hít đất”. Những sự cố này gây cho họ không ít phiền toái trong cuộc sống.

Điều gì khiến họ lúc nào cũng vụng về như vậy? Trừ những trường hợp bệnh lý đặc hữu như đột quỵ hay u não, bạn có thể tìm cho mình câu trả lời với các lý do sau đây:

Vụng về có liên quan đến cảm thụ cơ thể

Cảm thụ cơ thể (proprioception) là cảm nhận về vị trí và chuyển động của các bộ phận cơ thể với môi trường xung quanh. Cụ thể, khi cơ thể chúng ta chuyển động, các đầu dây thần kinh trong cơ và khớp được kích hoạt. Hệ thống này giúp các cơ quan thụ cảm trên da gửi tín hiệu đến thùy trán và thùy đỉnh của não (brainbalancecenters.com).

Khi não nhận thức được cách cơ thể đang di chuyển trong không gian, nó sẽ tiến hành điều chỉnh cho phù hợp. Nhờ quá trình này mà chúng ta giữ được thăng bằng trên một chân, hoặc biết cách đi chậm lại trên nền gạch trơn ướt để khỏi ngã.

Ở người thường xuyên vụng về, não bộ có thể đã sai hoặc chậm trễ khi giải trình các tín hiệu trên, khiến cơ thể họ thiếu nhận thức về vị trí trong không gian.

title01dec2021intext1vungvejpg 01dec2021intext1vungvejpg
Ở những người thường xuyên hậu đậu, não bộ có thể đã sai hoặc chậm trễ khi giải trình các tín hiệu thụ thể.

Theo Medical Daily, một nghiên cứu của trường Đại học Delaware (Mỹ) tiến hành năm 2007 cũng chứng minh điều này.

Trong nghiên cứu, có 80 vận động viên điền kinh bị chấn thương dây chằng (không do va đập với người khác) sau một giải đấu. Họ được so sánh với 80 người không bị thương trong các bài kiểm tra đối chứng về thần kinh và nhận thức. Cần lưu ý họ là vận động viên, do đó thừa cân hoặc thể lực kém đều bị loại trừ khỏi các nguyên nhân gây vụng về.

Kết quả cho thấy những người bị chấn thương có thời gian phản ứng và tốc độ xử lý chậm hơn đáng kể. Họ cũng đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra về trí nhớ và thị giác so với những người không bị chấn thương.

Vụng về có thể là do căng thẳng

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Joshua Klapow, căng thẳng tác động đáng kể lên tiểu não - bộ phận kiểm soát các chuyển động và nhận thức về cơ thể (bustle.com).

Khi cơ thể bị căng thẳng sẽ kích hoạt phản ứng chiến hay chạy (fight-or-flight mode), với các biểu hiện tim đập nhanh, hơi thở gấp và co cơ. Chúng giúp ta phản ứng nhanh hơn với tình huống, nhưng cũng khiến ta bị kích thích quá mức và không điều phối các cơ hợp lý, gây cản trở các kỹ năng vận động và làm chúng ta trở nên vụng về.

title01dec2021intext3vungvejpg 01dec2021intext3vungvejpg
Căng thẳng khiến chúng ta phản ứng với tình huống nhanh hơn, nhưng cũng không điều phối các cơ hợp lý.

Mức độ lo âu càng cao thì kỹ năng vận động càng bị ảnh hưởng. Theo Iaroslav Savtchouk và Siqiong Liu, chỉ một kích thích nhỏ gây căng thẳng cảm xúc cũng có thể tác động lên tiểu não. Nói cách khác, nếu bị sếp mắng trong lúc đang cầm cái cốc, bạn rất dễ đánh rơi nó.

Ngoài ra theo giáo sư Klapow, bạn cũng khó tập trung vào bối cảnh xung quanh trong lúc đang lo lắng. Điều này khiến bạn khó nhận thức được vị trí của cơ thể và trở nên vụng về. Khi phải làm cùng lúc nhiều việc, mức độ căng thẳng càng tăng, bạn càng khó tập trung vào một công việc và dễ vấp ngã, đánh rơi đồ hơn.

Vụng về có thể do bạn chủ quan trong môi trường quen thuộc

Theo The Atlantic, trong thời gian giãn cách xã hội, tình trạng các đồ vật trong bếp bị "xoá sổ" diễn ra nhiều hơn đáng kể. Chúng ta phải tự nấu ăn và rửa bát thường xuyên, đồng thời cũng dành phần lớn thời gian ở trong nhà và dần quen thuộc với môi trường này. Hai yếu tố trên khiến ta có tâm lý chủ quan và ít tập trung vào cách bản thân đang xử lý đồ vật, dẫn đến dễ đánh rơi chúng hơn.

Theo giáo sư tâm lý Gerald Voelbel, hiện tượng này tương tự “hiệu ứng gần nhà” ở các vụ tai nạn ô tô (52% số vụ tai nạn xe hơi ở Mỹ xảy ra trong bán kính 8km từ nhà tài xế). Khi ở trong nhà hoặc gần nhà, bạn có xu hướng tự mãn trong suy nghĩ và ít tập trung vào hành vi so với các môi trường kém thoải mái hơn. Nói cách khác, môi trường quen thuộc có thể tập trung sự vụng về của bạn vào một số hoạt động nhất định.

Kết

Nếu thường xuyên vụng về, nhiều khả năng bạn gặp vấn đề về cảm thụ cơ thể, căng thẳng hoặc chỉ đơn giản do môi trường quen thuộc. Bạn hoàn toàn có thể vượt qua chúng bằng các phương pháp sau:

  • Các liệu pháp tích hợp cảm giác. Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, chúng sẽ luyện cho não bộ xử lý các tín hiệu thụ thể tốt hơn, giúp bạn cải thiện cảm giác về không gian.
  • Tránh để cơ thể quá căng thẳng bằng cách ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, tập thở và thực hành chánh niệm.
  • Không làm việc đa nhiệm, đặc biệt khi bị căng thẳng hoặc đang vội. Nên chú ý môi trường xung quanh kỹ hơn và làm từng việc một cách từ tốn.

Tuy nhiên một số bệnh như đột quỵ, động kinh hay u não có thể gây ra các triệu chứng tương tự như vụng về. Nếu gặp tình trạng vụng về kéo dài kèm theo đau đầu, chóng mặt hay nói năng ấp úng, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe sớm nhất có thể.