Vì sao bạn hay quên tên người khác? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
30 Thg 12, 2020
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao bạn hay quên tên người khác?

Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống trót quên tên ai đó và khi gặp lại họ bạn phải làm như thể mình nhớ. Tại sao chúng ta lại 'não cá vàng' khi nhớ đến tên tuổi?
Vì sao bạn hay quên tên người khác?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera/ lấy cảm hứng từ bộ phim Finding Nemo

Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống khó xử vì trót quên tên ai đó và khi gặp lại họ bạn phải “diễn xuất” như thể mình nhớ. Thế nhưng trong đầu bạn là vô số câu hỏi như “đây là ai?”, “mình gặp ở đâu thế nhỉ?”, “bây giờ nói gì cho đỡ ngượng đây?”

Não bộ của chúng ta thường không đáng tin và dưới đây là lý do vì sao bạn gặp khó khăn trong việc nhớ tên, mặc dù tên thì ngắn hơn hẳn đề cương môn sử.

Vì sao những cái tên lại khó nhớ đến thế?

Tên người là thông tin ‘tùy ý’ (arbitrary information)

Não bộ của con người có tính liên kết và chúng ta học hỏi những điều mới dựa trên việc kết nối các thông tin với nhau.

Ví dụ thường thấy nhất là việc thầy cô hay chỉ bạn các mẹo để nhớ nhanh như “uể oải” dùng để nhớ 5 nguyên âm trong tiếng anh (a, e, i, o, u). Hay câu “thần chú” nổi tiếng dùng để nhớ dãy kim loại trong bảng tuần hoàn hóa học “khi nào cần may áo giáp sắt nhớ sang phố hỏi cửa hàng áo phi âu” (K Na Ca Mg Al Zn Fe Ni Sn Pb H Cu Hg Ag Pt Au).

alt
Bạn không nhớ bởi vì tên người lại không liên kết với những gì bạn đã biết

Sự liên kết hình thành khi bạn kết hợp những thứ ‘tùy ý’ với điều mình ‘quen thuộc’. Tuy nhiên, tên của một người mới quen lại là mẩu thông tin tùy ý mà bạn không thể kết nối với những thứ mình đã biết từ trước.

Đó là lý do mà chúng ta quên tên người khác dù tự nhủ là mình cần phải nhớ. Ký ức của con người được tạo ra dựa trên sự liên kết mà chúng ta hình thành với thông tin mới, chứ không phải là mức độ mà ta muốn nhớ tới nó.

Khó khăn trong việc 'mã hóa' thông tin từ bộ nhớ ngắn hạn sang dài hạn

Não người thường được so sánh với máy tính, bởi chúng ta có bộ nhớ ngắn hạn (short-term memory) và dài hạn (long-term memory), tương tự như RAM và ổ cứng của máy tính.

Quá trình mà thông tin được chuyển từ bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn được gọi là 'mã hóa' (encoding). Nếu quá trình mã hóa thành công, thông tin sẽ được lưu trữ tại bộ nhớ dài hạn để bạn có thể truy hồi khi cần (retrieval). Việc bạn quên tên ai đó thường là lỗi của việc mã hóa hoặc truy hồi thông tin.

Quaacute trigravenh matilde hoaacute thocircng tin
Quá trình mã hoá thông tin.

Lý do dẫn đến lỗi mã hóa là do chúng ta mất tập trung trong quá trình tiếp nhận thông tin (não người dành 47% thời gian tỉnh táo chỉ để sao nhãng). Bên cạnh đó, việc nhớ tên không chỉ nằm ở cái tên, mà bạn còn phải nhớ các dữ kiện liên quan tới người đó (mặt và thông tin cá nhân). Chưa kể đến việc bạn biết nhiều người trùng tên. Điều này khiến các dữ kiện chồng chéo lẫn nhau, làm việc tiếp nhận thông tin càng trở nên khó khăn.

Ngay cả khi đã thành công trong việc trong việc nhớ tên và mặt một người, bạn cũng có thể thất bại trong việc truy hồi bởi có rất nhiều cái tên và gương mặt đang cạnh tranh nhau chiếm dung lượng trong bộ nhớ có hạn của bạn. Và nếu bạn không hay gặp người đó, tên của họ sẽ bị lãng quên do không được nhắc lại.

Hiệu ứng 'người tiếp theo' (next-in-line effect)

Chẳng hạn khi một người đang đợi đến lượt mình phát biểu, bởi quá tập trung vào bài phát biểu của mình nên họ sẽ quên những gì người trước đó vừa nói. Đây được gọi là hiệu ứng 'người tiếp theo' - khi một người không thể nhớ lại sự kiện đã diễn ra ngay trước khi đến lượt họ thực hiện nó.

Tương tự, bạn đến một bữa tiệc và đợi mọi người giới thiệu tên họ trước khi đến lượt mình. Quá trình chuẩn bị cho cả việc nhớ tên mọi người và giới thiệu bản thân phức tạp đến mức, bạn không còn trí lực để thật sự học những cái tên mới. Bởi khả năng tập trung và ghi nhớ của con người giảm dần khi dữ kiện cần dung nạp tăng lên.

Làm thế nào để hết “não cá vàng”

Lặp lại tên người bạn mới gặp trong cuộc trò chuyện

Thầy cô có lí do khi cứ bắt bạn đọc bảng cửu chương mỗi ngày. Lặp đi lặp lại là cách nhanh nhất để bạn củng cố thông tin trong não bộ.

Để tự nhiên hơn, khi lặp lại tên người khác hãy liên kết nó với chủ đề của câu chuyện mà cả hai đang thảo luận. Ví dụ: Trân thấy viết lách có gì vui?

Liên kết tên của người đó với những gì bạn quen thuộc

alt
Liên kết tên với một điều gì đó bạn quen thuộc sẽ hỗ trợ bạn trong việc ghi nhớ

Cũng chẳng sao nếu liên kết này có chút ngớ ngẩn, miễn là bạn tìm ra mối liên hệ nào đó giúp mình dễ nhớ (tương tự như mẹo nhớ 5 nguyên âm tiếng Anh). Tiếp tục với ví dụ Trân, bạn có thể liên kết với việc bạn thích ăn 'trân châu'.

Liên kết tên của người đó với thứ làm bạn nhớ đến họ

Hãy dùng bất kỳ dấu hiệu gì khiến bạn ấn tượng trên mặt người đó và liên kết với điều bạn quen thuộc. Ví dụ, trên mặt bạn Trân này có một nốt ruồi, bạn có thể tưởng tượng nó là ‘trân châu’.

Mặc dù ban đầu bạn có thể cảm thấy cách làm này khá kì cục, nhưng đằng nào thì bạn cũng không phải kể cho ai. Mối liên kết này sẽ là cách để bạn mã hóa thông tin từ bộ nhớ ngắn hạn sang dài hạn. Tuy có vẻ buồn cười nhưng mỗi lần cần nhớ lại tên của họ, bạn có thể truy xuất thông tin này trong não bộ dựa trên những liên kết mình đã thiết lập.