Những gam màu kể gì về một người bác sĩ phụ khoa? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 11, 2024
Chất Lượng Sống

Những gam màu kể gì về một người bác sĩ phụ khoa?

“Thứ ám ảnh tôi không phải là hình dáng của gái trẻ cầm kết quả ung thư, mà là ánh mắt buồn của cô ấy khi khám một mình, sau khi đã được phẫu thuật và không còn tử cung nữa.”
Những gam màu kể gì về một người bác sĩ phụ khoa?

Bác sĩ Phạm Hồ Thuý Ái- Phó trưởng khoa Khám Phụ Khoa tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) | Nguồn: Vietcetera

20 năm làm nghề của bác sĩ Phạm Hồ Thuý Ái- Phó trưởng khoa Khám Phụ Khoa tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - là một bức tranh với nhiều mảng màu trầm tối và tươi sáng đan xen.

Với bác sĩ Ái, màu xanh lá tươi đại diện cho sự hài lòng với công việc và cuộc sống. Màu be không quá trầm cũng không quá sáng, cho thấy cuộc sống vừa có sự viên mãn (một gia đình hạnh phúc, một người chồng thấu hiểu và là hậu phương vững chắc để chị phát triển sự nghiệp), vừa có sự đè nén đau lòng từ câu chuyện của bệnh nhân. Màu vàng đại diện cho “cái đầu lạnh" của người bác sĩ phụ khoa khi tính mạng mẹ con bệnh nhân nguy cấp.

Và còn những gam màu nào nữa?

alt
Nguồn: Vietcetera

Sắc tím thổ lộ nỗi buồn

Làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ, nhưng không phải ai cũng thuận lợi được đảm nhiệm thiên chức này. Là một người mẹ, một người phụ nữ, bác sĩ Ái rất đồng cảm với những trường hợp đau lòng như thế.

Chị kể, 10-12 năm trước, khi mới về bệnh viện và công tác trong khoa chẩn đoán những bệnh lý về ung thư, chị từng nhận một bệnh nhân nữ chỉ mới 23 tuổi nhưng đã mắc phải căn bệnh ung thư cổ tử cung (UTCTC). Đây là một căn bệnh ung thư phổ biến thứ 4 (1) đối với phụ nữ trên thế giới, chủ yếu gặp phải ở phụ nữ từ 30 tuổi (2) nên khi thấy một ca bệnh còn trẻ như thế, không chỉ chị mà cả khoa chẩn đoán đều rất sửng sốt và bàng hoàng.

Khi đó, ung thư đã có dấu hiệu xâm lấn nên để ngăn chặn triệt để thì phải phẫu thuật cắt bỏ đi cổ tử cung cho bệnh nhân. Thời điểm 10 năm trước, vấn đề bảo tồn chức năng sinh sản chưa được đặt ra nên cắt bỏ cổ tử cung chẳng khác nào “một bản án gần như tử hình cho chức năng sinh sản" - bác sĩ Ái tâm sự.

alt
“Thứ ám ảnh tôi không phải là hình dáng của gái trẻ cầm kết quả ung thư, mà là ánh mắt buồn của cô ấy khi khám một mình, sau khi đã được phẫu thuật và không còn tử cung nữa” - bác sĩ Ái chia sẻ. | Nguồn: Vietcetera

Gam hồng ấm lan tỏa lòng trắc ẩn

Người ta thường bảo, bác sĩ cần có một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Cái đầu lạnh để xử trí tình huống một cách lý tính, trái tim nóng để đồng cảm và mềm dẻo đưa ra những quyết định phù hợp với bệnh nhân. Câu chuyện của một cặp vợ chồng hiếm muộn con mà bác sĩ Ái chia sẻ là một trường hợp tiêu biểu cho câu nói này.

Sau khi kết hôn một thời gian nhưng vẫn chưa có con, hai vợ chồng quyết định đi khám, và phát hiện ra người vợ bị UTCTC giai đoạn sớm.

Khi nhận tin, người vợ không muốn chữa bệnh mà nhất quyết muốn sinh con trước, vì nếu nếu trị phải cắt đi một phần cổ tử cung, ảnh hưởng đến việc mang thai sau này. Cũng là phụ nữ, bác sĩ Ái hiểu được khao khát làm mẹ và niềm ao ước có được một kết tinh tình yêu với người mình thương.

Vì vậy, bác sĩ đã đề nghị gặp người chồng để trình bày tình hình. Trái với vợ, người chồng bình tĩnh lắng nghe bác sĩ, rồi nhẹ nhàng nắm tay vợ và điềm tĩnh bảo: “Bác sĩ cứu vợ tôi đi, mạng sống của cô ấy là quan trọng nhất. Chuyện con cái từ từ tính sau".

Quyết định của người chồng khiến bác sĩ Ái rất cảm động. Cuối cùng, người vợ chấp nhận điều trị và thật may họ vẫn có với nhau một đứa con.

alt
Nguồn: Vietcetera

Màu xám đại diện cho nỗi sợ thường trực của người bác sĩ

Là bác sĩ, còn gì đau lòng hơn khi dự đoán được bệnh tình của người thân, đặc biệt là những người lớn tuổi, mà không thể làm gì khác và vẫn phải tỏ ra vui vẻ. Đó là những gì bác sĩ Ái phải trải qua khi bố chị mất.

Chị mô tả, khi phải dấu đi tương lai không mấy khả quan bằng vẻ ngoài tươi sáng, “nội tâm của mình cứ cuộn cào”. Mỗi lần nghĩ đến việc người bố của mình sẽ đi xa, chị phải đè nén xuống nỗi buồn và sợ hãi đang dâng lên để có thể vui vẻ với các con.

Bác sĩ Ái cũng sợ cho sức khoẻ của chính mình. Khi bước qua tuổi 40, chị sợ một ngày đọc sách không còn rõ, sợ sắp đến ngày nghỉ hưu, sợ các bệnh về xương khớp do tuổi tác. Càng gặp nhiều bệnh nhận trong đời và hiểu biết về sức khoẻ thì những nỗi lo này càng phóng chiếu rõ hơn bên trong người bác sĩ.

20 năm làm nghề đầy những mảng màu tương phản như thế, nhưng khi nhìn lại, chị chọn khuôn mặt cười làm đại diện cho hành trình đã qua. “Mình muốn nhìn lại con đường phía sau với nụ cười tròn đầy. Nụ cười cũng là tư thế sẵn sàng để mình tiến tới những điều sẽ đến ở phía trước.”

Xem đầy đủ chia sẻ của bác sĩ Ái dưới đây:

Nguồn tham khảo:

(1) World Health Organization. (2023, June 23). Cervical cancer. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cervical-cancer
(2) “Hướng dẫn dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung”, Số 2402/ QĐ-BYT

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ trên toàn thế giới .

Theo WHO, HPV được xem là nguyên nhân của gần như 100% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

Chủ động tham vấn với chuyên gia y tế và tìm hiểu thêm về HPV tại website hpv.vn.

(Nội dung này do Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục) VN-GSL-01427 03112026