Vì sao chúng ta cần ngủ trưa? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Vì sao chúng ta cần ngủ trưa?

Phần lớn người Việt dậy và bắt đầu một ngày từ rất sớm, nên ngủ trưa là một cách nạp năng lượng giữa chặng để có thể chạy hết công suất đến cuối ngày.
Vì sao chúng ta cần ngủ trưa?

Nguồn: Tram Anh Vo @tram.art cho Vietcetera

Vào những bữa trưa nắng ở thành phố tấp nập, ta rất dễ bắt gặp các tài xế công nghệ nằm vắt trên chiếc xe máy bên lề đường, đôi khi dưới tán cây, và đánh một giấc ngon lành. Hình ảnh này không có gì xa lạ với người Việt. Tuy nhiên với các du khách nước ngoài vốn không có văn hoá ngủ trưa, việc ngủ giữa ngày, và có phần hơi bất chấp mọi địa hình thế này, là một điều vừa lý thú, lạ lẫm và... khó hiểu.

Ngủ trưa từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong lối sống của người Việt. Với những ngành đòi hỏi lao động tay chân nặng nhọc thì nhu cầu ngủ trưa càng lớn. Ở các công trường xây dựng vào giờ nghỉ giữa ngày, từng tốp công nhân sẽ tủa ra công viên gần đó, lấp đầy bụng rồi tranh thủ "chợp mắt" để nạp năng lượng cho ca chiều.

alt
Ngủ trưa trên mọi địa hình. | Nguồn: Fred Campana

Để minh chứng cho thấy người Việt nghiêm túc với việc ngủ trưa thế nào, nhiều nhân viên văn phòng còn trang bị đầy đủ "đồ nghề" để đảm bảo cho mình một giấc ngủ trưa chất lượng. Cứ sau giờ cơm trưa, cả văn phòng sẽ tắt đèn hoặc kéo rèm để giảm độ sáng, rồi trải thảm cùng chăn gối ra nền nhà thành hàng để sẵn sàng yên giấc dù chỉ trong 30 phút.

Dù nhiều người tỏ ra nghi ngại liệu việc liệu ngủ trưa chỉ khiến nhân viên thêm uể oải thay vì thúc đẩy năng suất làm việc, thì cũng không thể bắt họ từ bỏ thói quen vốn đã ăn sâu vào lối sống. Dù sao, cũng không ai quy định nhân viên phải làm gì trong giờ nghỉ ngơi.

Ngủ trưa có từ đâu?

Không chỉ ở Việt Nam, văn hoá ngủ trưa cũng tồn tại ở nhiều quốc gia khác với nhiều tên gọi, như Tây Ban Nha có "siesta", Ý có " pennichella" hay "wǔ xiū" ở Trung Quốc. Văn hoá ngủ trưa ở Việt Nam có nguồn gốc lâu đời từ hàng thế kỷ trước, khi người dân sống chủ yếu dựa vào nền nông nghiệp lúa nước.

Khi đó, nông dân là bộ phận chiếm phần lớn lao động và là trụ cột chính của nền kinh tế. Họ ra đồng khi trời còn mờ sương và nghỉ tay khi cây đứng bóng để tránh mất nước và kiệt sức vì cái nắng chói chang. Thường người nông dân ngủ trưa dưới gốc cây có bóng mát ở gần đồng hoặc về nhà dùng mâm cơm với gia đình và nghỉ ngơi, rồi tiếp tục công việc đồng áng từ chiều đến khi trời sập tối.

Vào mùa vụ, người nông dân phải luôn tay luôn chân, nên thời gian ngủ trưa là thời điểm hiếm hỏi trong ngày để họ nghỉ ngơi lại sức.

alt
Đi làm văn phòng cũng không thể từ bỏ giấc ngủ trưa. | Nguồn: Tram Anh Vo @tram.art cho Vietcetera

Cho đến nay, việc ngủ trưa đã ăn sâu vào lối sống và văn hoá của người Việt. Ngay cả khi đất nước chuyển hướng sang công nghiệp hoá hiện đại hoá, nhiều công ty còn khuyến khích nhân viên nghỉ ngơi và dành hẳn một khu vực riêng để giúp tối ưu hoá giấc ngủ trưa cho nhân viên.

Ngủ trưa có lợi ích gì tới kinh tế?

Một số chuyên gia cho rằng, dù là một phần khó xoá bỏ trong văn hoá Việt Nam, thói quen ngủ trưa có thể ảnh hưởng để khả năng hội nhập thế giới của đất nước.

Năm 2014, một công ty công nghệ đã cấm nhân viên ngủ trưa tại văn phòng, với lý do "vì sự nghiệp toàn cầu hóa". Công ty cho biết các đối tác nước ngoài bị sốc khi thấy nhân viên Việt Nam ngủ tại nơi làm việc.

alt
Một giấc ngủ trưa ngon giấc sẽ giúp nhân viên tăng cường khả năng tập trung và tinh thần làm việc. | Nguồn: Shutterstock

Sở hữu những lợi thế như chi phí rẻ, lực lượng lao động trẻ và có khả năng thích ứng cao với chuyển đổi số, Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trung tâm về sản xuất và khởi nghiệp trong khu vực. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam còn phải cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ và Trung Quốc. Do vậy, công ty này lo ngại rằng việc nhân viên ngủ trưa tại công sở sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến "hình ảnh công ty", và muốn lấy được hợp đồng của các đối tác nước ngoài thì phải từ bỏ thói quen ngủ trưa.

Lập luận này không phải không có phần đúng. Tại những thành phố tấp nập như Sài Gòn, một số ngành nghề còn không thể cho nhân viên thời gian nghỉ trưa đủ lâu để họ chợp mắt. Không ít cửa hàng, quán xá và dịch vụ mở cửa xuyên trưa để tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi thu về thật nhiều khách hàng. Ngoài ra, khi bạn phải dành thời gian nghỉ trưa ít ỏi để chạy việc cá nhân, thì chẳng có gì bực bội hơn là gặp phải tấm bảng "Đóng cửa nghỉ trưa".

Văn hoá mỗi công ty có thể khác nhau, nhưng đều nên suy xét đến lợi ích của nhân viên. Nhiều nghiên cứu cho thấy ngủ trưa có thể giảm mệt mỏi và cải thiện khả năng nhận thức cũng như năng suất làm việc. Chỉ vài phút chợp mắt cũng có thể thúc đẩy sự tập trung và giúp đầu óc tập trung hơn.

alt
Văn hoá ngủ trưa của Việt Nam vẫn sẽ tồn tại nơi môi trường công sở.| Nguồn: Tram Anh Vo @tram.art cho Vietcetera

Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài gia nhập vào thị trường Việt Nam và khách hàng nước ngoài của Việt Nam cũng ngày một tăng, văn hoá công sở cũng sẽ có nhiều biến đổi để phù hợp với sự hội nhập quốc tế. Có thể, "ngủ trưa" sẽ có một định nghĩa mới, hoặc được điều chỉnh để phù hợp với một vài ngành nghề nhất định.

Nhưng điều chắc chắn rằng, văn hóa ngủ trưa của Việt Nam vẫn sẽ tồn tại. Việt Nam là một nước khí hậu nhiệt đới, thường xuyên có những đợt nắng gắt và lặng gió đặc biệt vào giờ trưa, dễ khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu, và... buồn ngủ. Nên dù không cần phải trải chăn nệm, thì chỉ vài phút tựa đầu vào bàn hay ngả lưng trên ghế với gối cổ để chợp mắt cũng là một yêu cầu chính đáng đấy chứ.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm