Một mùa nghỉ lễ 2/9 lại sắp đến, thời điểm ai cũng háo hức với những chuyến đi chơi xa hoặc về quê với gia đình. Nhưng nếu ở lại Hà Nội và chưa có kế hoạch gì cho 4 ngày nghỉ lễ, bạn có muốn “đổi gió” với 1 hành trình đi qua lịch sử?
Vietcetera gợi ý cho bạn 5 trải nghiệm gắn liền với những ngày hào hùng của dân tộc, để cùng hiểu hơn về quá trình ông cha ta đấu tranh giành độc lập, tự do. Những điểm đến tưởng chừng quen thuộc này vẫn có những "bí mật" có thể bạn chưa biết.
1. Tham gia lễ thượng cờ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Có thể bạn đã tham quan Lăng Bác khi còn học tiểu học, nhưng đã bao giờ bạn dự lễ thượng cờ nơi đây? Để tham gia nghi lễ này, bạn phải dậy sớm một chút, nhưng chắc chắn sẽ có một trải nghiệm ý nghĩa và giàu cảm xúc.
Lễ Thượng cờ diễn ra vào đúng 6 giờ sáng mùa hè (hoặc 6:30 sáng mùa đông) tại quảng trường Ba Đình. Đội tiêu binh gồm 34 chiến sĩ đi từ phía sau Lăng Bác đến cột cờ. Sau đó 3 chiến sĩ đội hồng kỳ bước lên bục chuẩn bị các nghi thức, cùng thời điểm cửa lăng được mở ra.
Lá cờ sau đó được kéo lên trên đỉnh cột cờ cao 29m trong tiếng nhạc Quốc ca, bắt đầu nghi lễ chào cờ. Đội tiêu binh diễu hành một vòng quanh quảng trường, qua cửa lăng rồi về vị trí cũ.
Lá cờ sẽ tung bay phấp phới ở chính giữa quảng trường Ba Đình, trước khi được hạ xuống vào 21 giờ cùng ngày. Sau lễ thượng cờ, bạn có thể vào viếng lăng Bác, tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch và Nhà sàn Bác Hồ.
Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Số 2 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội
Thời gian mở cửa:
- Lăng Bác: 8:00 - 11:30.
- Bảo tàng Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch & Nhà sàn Bác Hồ: 8:00 - 16:30 các ngày trong tuần, trừ chiều thứ Hai & chiều thứ Sáu (nghỉ trưa từ 11:00 - 14:00).
- Lễ Thượng cờ: 6:00, lễ Hạ cờ: 21:00.
Giá vé: Miễn phí cho công dân Việt Nam (bạn cần trình căn cước công dân).
2. Tour đêm Nhà tù Hỏa Lò
Những năm gần đây, Nhà tù Hỏa Lò được biết đến nhiều hơn nhờ tour tham quan buổi đêm với đề tài Đêm thiêng liêng. Vậy tour này có gì nổi bật mà giới trẻ ai cũng muốn "đi tù"?
Nếu tham quan nhà tù ban ngày, bạn sẽ thấy các nhân vật lịch sử trong tranh ảnh và tượng. Ở phiên bản tour đêm, họ sẽ "sống dậy", bước ra ngoài đời qua phần thể hiện sống động của các diễn viên. Những câu chuyện lịch sử hào hùng, đau đớn lẫn được tái hiện một cách ấn tượng và tràn đầy cảm xúc.
Đáng chú ý, bạn sẽ được trải nghiệm "vượt ngục" đúng theo cách các chiến sĩ cách mạng làm khi xưa. Dù mức độ thử thách đã được giảm đi nhiều, nhưng hiệu ứng ánh sáng, âm thanh được triển khai vẫn có thể khiến bạn "toát mồ hôi".
Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Số 1 Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian mở cửa:
- Ban ngày: 8:00 - 17:00 hàng ngày
- Tour đêm: Từ 18:00 (cầnđặt trước tại fanpage).
Giá vé:
- Ban ngày: 30.000 VND (người lớn), 15.000 VND (sinh viên, người trên 60 tuổi), miễn phí (trẻ em dưới 15 tuổi).
- Tour đêm: 299.000 - 399.000 VND (tham khảo tại fanpage).
3. Nhà D67 - "căn cứ bí mật" trong Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long là di tích quan trọng về khảo cổ, kiến trúc, nghệ thuật của thành phố từ thời tiền Thăng Long đến triều Nguyễn. Nhưng bạn có biết ngay trong khuôn viên thành còn có nhà D67 - nơi từng là căn cứ của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong những năm tháng miền Bắc bị Mỹ bắn phá?
Căn phòng này chính là nơi nhiều quyết định lịch sử quan trọng được đưa ra, trong đó có Tổng tiến công chiến lược tết Mậu Thân 1968. Dưới khoảng sân nối giữa điện Kính Thiên và nhà D67 còn có ít nhất 4 đường hầm được thiết kế chống bom, khí độc và tên lửa hạng nặng, bên trong còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá.
Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Số 19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội
Thời gian mở cửa:
- Ban ngày: 8:00 - 17:00 hàng ngày
- Tour đêm: Từ 19:00 tối thứ Sáu và thứ 7 (tham khảo thông tin đặt trước tại website).
Giá vé:
- Ban ngày: 30.000 VND (người lớn), 15.000 VND (sinh viên, người trên 60 tuổi), miễn phí (trẻ em dưới 15 tuổi).
- Tour đêm: 300.000 VND
4. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - "cuốn sử sống" dưới cột cờ Hà Nội
Cột cờ Hà Nội là một trong những biểu tượng của thành phố, nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay lần đầu tiên khi Cách mạng tháng Tám thành công. Tuy nhiên ít ai biết ngay dưới chân cột cờ là một bảo tàng rộng 10.000m2, được mệnh danh “cuốn sử sống” về cách mạng Việt Nam.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có hơn 150.000 hiện vật và tài liệu quan trọng về quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ chiến tranh Triệu Đà thời An Dương Vương cho đến kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Hệ thống tư liệu được sắp xếp chuyên nghiệp và công phu, tái hiện sống động lịch sử quân sự Việt Nam qua từng giai đoạn, đặc biệt có các mẫu máy bay và xe tăng từng được quân đội Việt Nam sử dụng.
Thông tin cơ bản
- Địa chỉ: Số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội
- Thời gian mở cửa: 8:00 - 16:00 hàng ngày (nghỉ trư từ 11:00 - 13:00).
- Giá vé: 20.000 VND (người lớn), 10.000 VND (sinh viên, người trên 60 tuổi), miễn phí (trẻ em dưới 15 tuổi).
5. Những ngôi nhà lưu niệm gắn liền với Cách mạng
Nhà số 5D Hàm Long
Đây là ngôi nhà được Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội - một tổ chức do Nguyễn Ái Quốc thành lập nhằm hoạt động chống thực dân Pháp - thuê làm trụ sở hoạt động bí mật. Tại đây tháng 3/1929, Kỳ bộ đã họp thành lập Chi bộ Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Hiện nay diện tích, mặt bằng và các đồ đạc bày biện trong nhà vẫn được giữ nguyên.
Nhà số 90 Thợ Nhuộm
Đây vốn là biệt thự của Thanh tra Sở tài chính Trung ương Bertheur. Sau nhờ sự giúp đỡ của đầu bếp gia đình Bertheur là Tạ Văn Bân mà cơ quan Thường vụ Trung ương Đảng chuyển đến đây vào tháng 4/1930.
Đây là nơi Đồng chí Trần Phú đã dự thảo bản Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng. Luận cương được thông qua tại Hội nghị lần I Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, và đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Nhà số 48 Hàng Ngang
Đây là nơi Bác Hồ viết bản thảo đầu tiên của Tuyên ngôn Độc lập ngày 26/08/1945, sau khi trở về từ chiến khu Việt Bắc. Đây vốn là nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bô, một thương nhân từng ủng hộ Chính quyền Cách mạng Lâm thời Việt Nam 5147 lượng vàng (gấp đôi ngân khố chính phủ lúc bấy giờ).
Hiện ngôi nhà vẫn còn lưu giữ chiếc bàn nơi Bác viết bản thảo Tuyên ngôn Độc lập, bộ quần áo kaki Bác mặc khi đọc Tuyên ngôn cùng nhiều hiện vật quý giá khác.