#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.
Dù đã được khuyến cáo từ lâu về những tác hại của việc sờ tay lên mặt, ít ai thực sự để tâm và thay đổi được hành vi này. Cho đến khi đại dịch xảy ra và chúng ta phải buộc mình không được chạm tay lên mặt khi ra ngoài, ta mới nhận ra bình thường mình thực hiện nó vô thức và thường xuyên đến mức nào.
Thậm chí đến các chuyên gia cũng khó cưỡng lại sự thôi thúc đó. Trong một nghiên cứu, các sinh viên trường y được đào tạo để phòng tránh các bệnh lây nhiễm còn chạm lên mặt 23 lần suốt một bài giảng.
Chỉ là việc chạm tay lên mặt thôi, vì sao chúng ta lại “say mê" đến thế?
Chạm tay lên mặt là một phần trong DNA của chúng ta
Điều này lý giải vì sao đôi khi chúng ta cứ chạm lên mặt mà không suy nghĩ. Theo nghiên cứu, con người đã hình thành bản năng chạm vào mặt từ khi còn trong bụng mẹ. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy các dây thần kinh cảm giác đang phát triển ở mặt.
Là một phản xạ tự nhiên
Khi bị ngứa, cảm giác này sẽ kích hoạt phản ứng trong não để yêu cầu chúng ta gãi. Đây là một phản xạ được hình thành để giúp chúng ta loại bỏ ký sinh trùng ra khỏi da, hoặc để giảm bớt cơn đau tạm thời.
Là hành vi bắt chước và dần chuyển thành thói quen
Khi còn nhỏ, chúng ta thường bắt chước theo hành vi của cha mẹ mình. Nếu họ có thói quen chạm vào mặt khi căng thẳng hoặc ngạc nhiên, chúng ta sẽ sao chép theo.
Trong não có một bộ phận đảm nhiệm việc kiểm soát và lưu giữ các chuyển động là hạch nền (basal ganglia). Khi một hành động được lặp lại đủ nhiều, hạch nền sẽ học hỏi và lặp lại vào lần tới.
Vì vậy, về sau khi chúng ta cảm thấy ngứa hoặc hơi châm chích trên mặt, tay sẽ tự động phản ứng theo chuyển động đã được ghi nhớ, thậm chí trước khi chúng ta kịp nhận ra.
Là một cách phản ứng với cảm xúc
Đôi khi chỉ đơn giản là chạm lên mặt, nhưng thật ra chúng ta đang muốn xoa dịu bản thân. Khuôn mặt rất nhạy cảm với xúc giác. Mỗi vùng khác nhau trên gương mặt sẽ tạo ra cảm giác khác nhau, bởi nó tác động vào các phần riêng biệt của vỏ não.
Trên khuôn mặt có một số điểm áp lực kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm, giúp con người giảm bớt cảm giác căng thẳng và lo âu. Đó là lý do chúng ta thường vô thức chạm vào mặt khi đang trải qua những cảm xúc tiêu cực như thế, hoặc chỉ đơn giản do đang chán.
Với những người có mức độ rối loạn thần kinh cao, những hành vi này còn có thể dẫn đến các hành vi lặp lại tập trung vào cơ thể (body-focused repetitive behaviors). Nó bao gồm các chứng rối loạn thường gặp như cắn môi, vuốt tóc, cạy da, cắn móng tay, bẻ khớp ngón tay, nghiến răng,...
Ngoài ra, những hành vi này có thể là dấu hiệu ban đầu của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc tự kỷ.
Là một hành vi tự nhận thức
Từ nhỏ chúng ta đã được dạy về các chuẩn mực xã hội, và xuất hiện chỉn chu ở trước mặt người khác là một trong số đó. Ra ngoài khi mặt mày lấm lem, hay còn để thức ăn dính bên mép đều được xem là những hình ảnh bê bối và luộm thuộm.
Để đảm bảo tình trạng đó không xảy ra, những hành động chạm lên các bộ phận của gương mặt như rửa mặt, trang điểm, đánh răng,... là điều cần thiết.
Dần dần, những thói quen này chuyển sang những dạng “chải chuốt" ít cố tình hơn, như vuốt tóc khi đang thuyết trình hoặc sờ mụn khi đang nói chuyện. Khi đó, bạn ý thức rằng trên gương mặt có thể đang tồn tại một điểm “không hoàn hảo", thôi thúc bạn thường xuyên kiểm tra và tìm cách loại bỏ nó đi, dù không tự nhận ra.
Và đôi khi còn giúp chúng ta tập trung ghi nhớ
Trong một nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu ghi nhớ hai dạng hình học phức tạp. Suốt quá trình đó, 60 âm thanh khác nhau được sử dụng để phân tán sự chú ý của họ. Kết quả cho thấy họ vô thức chạm vào mặt để điều tiết não và tập trung vào nhiệm vụ ghi nhớ.
Qua đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng các hành động tự chạm (self-touch) bộc phát ngắn ngủi là phản ứng tức thời trước việc mất tập trung đột ngột. Vùng thường được chạm vào nhiều nhất là phần trục giữa của gương mặt, từ giữa trán xuống mũi, miệng và cằm.
Giảm bớt bằng cách nào khi nó đã là hành động theo tự nhiên?
Càng tự nhắc mình ngừng chạm tay lên mặt, ta càng chú ý đến xúc cảm trên mặt và bắt đầu thấy ngứa ngáy hơn. Giống như khi ai đó nói bạn "Đừng nghĩ về con voi màu hồng", thứ đầu tiên (và có khi là duy nhất) nằm trong đầu bạn lúc đó sẽ là con voi màu hồng.
Đây là một hiện tượng tâm lý ironic process theory (tạm dịch: thuyết quá trình trớ trêu), khi bạn càng cố gắng điều gì thì càng gây phản tác dụng.
Tuy nhiên, các chuyên gia chia sẻ một số mẹo nhỏ sau giúp bạn tự nhận thức và giảm bớt tần suất của hành vi này:
- Sử dụng khăn giấy mới khi cần phải gãi mặt.
- Đeo mắt kính thay vì kính áp tròng, đeo khẩu trang,... để tay khó chạm vào mặt hơn.
- Khiến tay mình bận rộn bằng cách cầm nắm vật gì khác (đương nhiên cũng cần vệ sinh kỹ lưỡng), hoặc sử dụng tay để diễn tả khi nói chuyện.
- Bắt chéo tay và đặt trên đùi khi đang xem phim, nhìn vào máy tính,... Để khi đột nhiên có cảm giác muốn đưa tay lên, bạn sẽ nhận thức về hành động đó ngay và dừng lại kịp thời.
- Dùng nước rửa tay và kem dưỡng có hương để mỗi khi đưa tay lên mặt, mùi hương sẽ “nhắc nhở" bạn.
- Tìm đến những phương pháp giữ bình tĩnh khác như thiền hoặc hít thở.
#Bổ Não là series giải thích ngắn gọn những hiện tượng tâm lý đời thường nảy sinh do não bộ.