Bước chuyển giao từ năm cũ sang năm mới luôn mang đến động lực để chúng ta bỏ lại phía sau những thứ “cũ”, những chuyện không vui, những mục tiêu còn dang dở. Lướt news feed vào đêm giao thừa, sẽ không khó để bắt gặp những dòng caption quen thuộc “New year, new me” hay “Năm nay nháp thôi, năm sau làm lại!”.
Điều thú vị nằm ở chỗ, đây không chỉ là những câu nói cho vui, mà có nhiều yếu tố tâm lý thúc đẩy việc “lên dây cót” đầu năm mới hơn ta tưởng. Vậy vì sao chúng ta luôn lạc quan hơn khi năm hết tết đến, dù chưa biết có gì đang trông đợi mình trong 12 tháng tiếp theo?
Năm mới “biến hình” thành phiên bản mới
Theo một nghiên cứu đăng tải trên Journal of Organizational Behavior and Human Decision, chúng ta thường dễ hoàn thành mục tiêu hơn nếu bắt đầu nó vào các mốc thời gian đặc biệt, như đầu năm mới hay tháng mới. Hiện tượng này còn gọi là hiệu ứng khởi đầu mới (fresh start effect).
Về mặt tinh thần, những cột mốc này ngắt kết nối giữa hiệu suất của bạn ở hiện tại và quá khứ. Nói cách khác, não bộ coi nó như nút “reset” để bỏ lại mọi sai lầm phía sau, khởi động lại hành trình chinh phục mục tiêu với quyết tâm cao hơn.
Vì vậy dù chưa biết phía trước có những trở ngại gì, chúng ta vẫn luôn phấn chấn và hừng hực khí thế khi tết đến xuân sang. Nhiều nhãn hàng cũng tích cực vận dụng tâm lý này để tung bão ưu đãi, thúc đẩy mọi người tạo lập thay đổi tích cực từ đầu năm.
Năm mới khiến não bộ “tô hồng” cuộc sống
Thiên kiến lạc quan (optimism bias) cũng là nguyên nhân khiến chúng ta kỳ vọng nhiều vào năm mới. Đây là một biến dạng nhận thức mà theo đó, con người đánh giá thấp khả năng có trở ngại xảy ra và tin rằng những điều tích cực sẽ đến trong năm mới.
Theo Decision Lab, sự tích cực có phần phi thực tế này thực chất là một cơ chế tự vệ của cơ thể. Nó giúp ta duy trì tự tin và tránh cảm giác khó chịu khi mọi việc không như ý, ít nhất là trong thời gian năm mới, khi mọi việc mới chỉ vừa bắt đầu. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn vừa trải qua một năm với nhiều điều không thuận lợi, bạn sẽ càng mong ước năm mới đến để được “đổi phong thủy”.
Dù vậy, thiên kiến lạc quan có “tác dụng phụ” khá rõ ràng: nó khiến bạn lên kế hoạch năm mới mà không tính đến những yếu tố có thể đi chệch hướng. Điều này dẫn đến các mục tiêu có phần hơi “nặng đô” so với khả năng thực hiện của bạn.
Năm mới làm khơi dậy hormone hạnh phúc
Mùa đoàn viên cập bến, chúng ta có thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, đi du lịch và liên tục “nổ” các kèo tụ họp cùng bạn bè. Khi được thoải mái như vậy, “hormone hạnh phúc” dopamine cũng được giải phóng với lượng lớn hơn và tần suất liên tiếp hơn bình thường, khiến chúng ta hân hoan và và hào hứng hơn cho các dự định trong năm mới.
Lạc quan là tốt, nhưng cần chú ý gì?
“Phản ứng ngược” có thể xảy ra
Như đã nói, nhiều người lựa chọn bắt đầu mục tiêu vào đầu năm mới do fresh start effect. Thế nhưng không phải lúc nào hiệu ứng này cũng hiệu quả.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Management Science, fresh start effect chỉ phát huy tác dụng khi thành tích năm cũ của bạn chưa được như mong muốn. Còn nếu bạn thành công trong năm cũ, thì phản ứng ngược lại sẽ xảy ra - bạn có xu hướng ngần ngại và mệt mỏi hơn với mục tiêu năm mới.
Bởi bản chất fresh start effect là một cách “cài đặt lại” tâm trí, thế nên khi bạn thất bại trong năm cũ thì việc này sẽ giúp bạn quên đi điều đó. Nhưng nếu bạn thành công, bạn đâu có nhu cầu quên đi ký ức về sự thành công ấy?
Đó là còn chưa kể, việc đặt thêm mục tiêu lúc này có thể làm bạn thêm chán nản, mệt mỏi và giảm hiệu suất công việc. Vì vậy các nhà nghiên cứu cho rằng, hãy đánh giá chi tiết và khách quan hành trình bạn đang đi, và lựa chọn thời điểm thích hợp nhất nếu muốn “làm lại từ đầu” một điều gì đó.
“Làn sóng” dopamine rồi cũng qua đi
Do cơ thể có cơ chế tự cân bằng hormone, nên sau giai đoạn “high” dịp Tết thì lượng dopamine tiết ra sẽ giảm xuống. Trong khi đó sức mạnh ý chí của chúng ta vốn có hạn, nên khi không còn cả hai yếu tố này ta sẽ mất động lực rất nhanh.
Vì vậy khi bạn đang “cao hứng”, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đặt ra bất kỳ mục tiêu nào. Bởi khi mất động lực, chúng ta rất dễ trì hoãn hoặc từ bỏ kế hoạch. Đặc biệt, trước một mục tiêu quá xa vời hoặc nhiều thử thách, não bộ sẽ ra tín hiệu khiến con người “tê liệt” để bảo vệ ta trước cảm giác thất bại.
Một ví dụ điển hình là các phòng gym thường ghi nhận lượng đăng ký cao sau Tết, bởi ai cũng hừng hực khí thế giảm cân đầu năm mới. Nhưng chỉ qua 1-2 tháng sau đó, số người tập giảm xuống đáng kể. Bạn có thể tham khảo công thức đặt mục tiêu hiệu quả SMART, với các tiêu chí như sau:
- Specific (Cụ thể): Mục tiêu cần trả lời đầy đủ các câu hỏi 5W1H (What, When, Why, What, Where, How)
- Measurable (Đo lường được): Mục tiêu của bạn được tính theo phương thức nào?
- Achievable (Tính khả thi): Nếu cố gắng hết sức, bạn có thể làm được điều đó trong năm nay không?
- Relevant (Tính phù hợp): Bạn có thể thực hiện mục tiêu trong môi trường hiện tại không?
- Time Bound (Giới hạn thời gian): Deadline dự kiến của mục tiêu là bao giờ?