Vì sao đôi khi chúng ta lại loạn giữa trái và phải? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
14 Thg 07, 2021
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao đôi khi chúng ta lại loạn giữa trái và phải?

Nếu đã từng bị lẫn trái phải trong lớp học thể dục hoặc khi đang đi đường, bạn không phải là người duy nhất. Do đâu mà hiện tượng này lại xảy ra?
Vì sao đôi khi chúng ta lại loạn giữa trái và phải?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Giống như IQ và EQ, thì trí tuệ không gian (spatial intelligence) không phải là “món quà trời ban” cho tất cả mọi người. Một số người rất giỏi trong khoản xác định phương hướng và hiếm khi đi lạc, số khác lại là “dân chơi hệ mù đường”.

Nhưng cho dù có tự tin về phương hướng tới đâu, thì ai cũng đã từng bị “lú” giữa trái và phải. Đó là khi, người chỉ đường ngồi sau bảo bạn quẹo trái thì bạn lại đi quẹo phải, quay ngược hướng với cả lớp trong tiết học thể dục, hay “đứng như trời trồng” giữa ngã tư, không biết nên quẹo trái hay phải dù đã từng đi qua đoạn đường đó.

Trong tiếng Anh hiện tượng này được gọi là left-right confusion (tạm dịch: loạn trái phải). Bạn có thể làm bài test tại đây để so sánh khả năng của mình với mặt bằng chung. 

Loạn trái phải: Khi não bị “lag” do phải xử lý cùng lúc nhiều thứ

Angular gyrus (tạm dịch: hồi nếp cong) nằm ở thùy đỉnh của não bộ là khu vực chịu trách nhiệm cho việc phân biệt trái phải. Tổn thương ở vùng này có thể ảnh hưởng đến khả năng:

  • Gọi tên và phân biệt các ngón tay (cái, trỏ, giữa, áp út và út)
  • Viết (từ gặp khó khăn nghiêm trọng đến mất khả năng viết)
  • Làm toán, dù là bài toán cộng cơ bản
  • Xác định trái phải

Điều này là do khu vực angular gyrus có liên quan đến chức năng ngôn ngữ, trí nhớ và nhận thức về không gian. Nó giống như một “trung tâm đa chức năng” xử lý các quy trình khác nhau để hướng dẫn hành động của chúng ta. 

Chẳng hạn, bạn đang chở đứa bạn thân phía sau có nhiệm vụ chỉ đường. Lúc này, bạn cần nghe và hiểu hướng dẫn (rẽ trái hay rẽ phải), vận dụng trí nhớ của mình (để phân biệt đâu là bên trái, đâu là bên phải) và xử lý không gian (xác định nơi cần đến nằm ở vị trí nào).

trái-phải
Với một số người, việc xử lý các dữ kiện này khá dễ dàng, trong khi với số khác thì lại là thử thách khó nhằn. 

Ngoài ra, stress, áp lực thời gian hoặc mất tập trung cũng ảnh hưởng đến khả năng xử lý của “trung tâm đa chức năng” này. Ví dụ, bạn đi trên một đoạn đường đông và ai cũng thi nhau nhấn còi khiến cho bạn phát hoảng. Hoặc người ngồi sau chỉ đường cho bạn bất thình lình kêu bạn rẽ phải mà không báo trước. 

Phần lớn trường hợp, nhầm lẫn trái phải tương đối vô hại, tuy nhiên đối với một số ngành nghề thì điều này có thể dẫn đến sai lầm vô cùng tai hại, chẳng hạn như bác sĩ. Bạn hoàn toàn có thể quẹo lại nếu nhỡ quẹo nhầm, nhưng bác sĩ thì không thể nào làm lại nếu chẳng may cắt bỏ nhầm bên thận của bệnh nhân. Và điều này thực chất đã từng xảy ra

Ngoài ra, đó còn là sự lệch pha giữa các hệ quy chiếu

Các hệ quy chiếu này bao gồm:

1. Hệ quy chiếu cá nhân (egocentric frames) của người này và người khác

Hệ quy chiếu cá nhân là hệ quy chiếu chỉ dựa vào vị trí của bản thân. Khác với trên-dưới, vốn như nhau với tất cả mọi người, trái-phải lại thay đổi phụ thuộc vào hệ quy chiếu của cá nhân. Phía bên phải của bạn đương nhiên không giống phía bên phải của người đối diện.

trái-phải
Việc ngược bên với người đối diện cũng khiến bạn bị lẫn giữa trái và phải.

Điều này phần nào giải thích việc ngược hướng trong lớp học thể dục, do giáo viên thường đứng đối diện, khiến bạn bối rối trong việc xác định ai đang là người được dùng làm hệ quy chiếu. 

2. Hệ quy chiếu cá nhân (egocentric frames) và hệ quy chiếu chung (allocentric frames)

Khác với hệ quy chiếu cá nhân, hệ quy chiếu chung dựa trên một quy ước thống nhất, ví dụ như hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. 

Nếu bạn từng học Địa Lý, giáo viên hẳn đã từng chỉ cho bạn phân biệt Đông, Tây, Nam, Bắc bằng cách vẽ hình chữ thập (+) lên Atlas. Khi nhìn trên Atlas, phía bên trái của bạn luôn là hướng Tây, bên phải là hướng Đông, phía trên là hướng Bắc và phía dưới là hướng Nam.

Tuy nhiên trong thực tế, vị trí giữa bạn và đường xá không hề cố định. Hãy tưởng tượng nó giống như việc bạn đi trên một ngã tư, ngã tư vốn không đổi nhưng vị trí xuất phát của bạn thì lại có.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến cách mà bạn “xoay bản đồ trong nhận thức”. Và nếu khả năng này của bạn không tốt lắm thì sẽ dẫn đến việc bạn bị “lú” và rẽ nhầm bên, dù đó là cung đường bạn đã từng đi. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nam giới ít nhầm lẫn giữa trái và phải hơn do có bộ nhớ không gian tượng hình tốt hơn. 

Những mẹo vẫn thường được dùng để phân biệt trái phải

  • Đeo trang sức lên một bên tay duy nhất để đánh dấu
  • Sử dụng vết chai trên ngón giữa để nhận biết tay phải
  • Giơ ngón cái và ngón trỏ ở hai tay lên, bên nào thành hình chữ “L” thì đó là bên trái
  • Nếu bạn phải chỉ hướng cho người mắc chứng nhầm trái phải thì có thể giơ tay ra hiệu thay vì nói “trái phải” hoặc dùng một cột mốc cụ thể làm hệ quy chiếu. Chẳng hạn, “cuốn sách nằm kế lọ hoa” hay “rẽ vào hướng có nhà màu vàng”. Và nhớ là đừng giục họ, lo âu không tốt cho phương hướng.