Vì sao máy bay ngày càng dễ gặp “ổ gà” trên không? | Vietcetera
Billboard banner

Vì sao máy bay ngày càng dễ gặp “ổ gà” trên không?

Và liệu có cách nào giảm thiểu tác động của những rung lắc khó chịu này?
Vì sao máy bay ngày càng dễ gặp “ổ gà” trên không?

Nguồn: Bloomberg

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 21/05 vừa qua, chuyến bay số hiệu SQ321 của Singapore Airlines bay từ London (Anh) đến Singapore đã gặp nhiễu động nghiêm trọng khi bay trên không phận Myanmar. Vụ việc khiến một hành khách 73 tuổi thiệt mạng do đau tim cùng 104 người khác bị thương, và phi hành đoàn phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) để tiến hành cấp cứu.

Khi công chúng còn chưa hết bàng hoàng, thì chuyến bay QF17 của Qatar Airways tiếp tục gặp nhiễu động lớn khi bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ hôm 27/05. Vụ việc khiến 12 hành khách bị thương, tuy nhiên chuyến bay đã tới được điểm đích là Dublin (Ireland) mà không phải hạ cánh khẩn cấp. Như vậy là trong vòng chưa đầy một tuần, hàng không thế giới đã ghi nhận 2 vụ nhiễu động lớn, gây thương tích đáng kể cho hành khách.

28may20245563187178137268384esingapore1716309364jpg
Tấm trần và mặt nạ dưỡng khí rơi xuống khắp nơi sau khi máy bay của Singapore Airlines gặp nhiễu động nghiêm trọng. | Nguồn: VNE

2. Vì sao lại có “ổ gà” trên không?

Theo RTE, nhiễu động xảy ra do chuyển động không đều mà các dòng chảy không khí thẳng đứng (vertical currents) và các dòng xoáy khí gây ra. Các luồng gió thổi lên trên và xuống dưới vốn là chuyển động thông thường của không khí, nhưng chúng xảy ra với cường độ khác nhau dựa trên địa hình hoặc độ ẩm của từng khu vực. Có 4 loại nhiễu động không khí chính:

Nhiễu động chuyển giao (frontal turbulence): Xảy ra ở khu vực có hai khối khí gặp nhau, tạo ra những xáo trộn nhất định.

Nhiễu động địa hình (orographic turbulence): Xảy ra do ma sát giữa không khí và mặt đất. Kiểu nhiễu động này thường gặp khi máy bay bay ở tầm thấp, hoặc bay qua các dãy núi.

Nhiễu động đối lưu (convective turbulence): Xảy ra khi bề mặt Trái Đất nóng lên không đồng đều. Điều này khiến lượng khí ấm tăng lên và khí lạnh giảm xuống, tạo ra mây tích lũy/mây dông.

Nhiễu động trời trong (clear air turbulence): Xảy ra gần các luồng phản lực (jet stream), khi máy bay di chuyển từ một vùng khí chuyển động nhanh đến vùng khí chuyển động chậm hơn.

28may2024636035720611823221thinkstockphotos517609426jpg
Máy bay dễ gặp nhiễu động hơn khi bay qua các dãy núi. | Nguồn: USA Today

3. Vì sao tần suất máy bay gặp “ổ gà” ngày một tăng lên?

Thực tế việc máy bay gặp nhiễu động là khá bình thường. Nhưng trong những năm gần đây, tần suất máy bay gặp nhiễu động trời trong (CAT) tăng lên rõ rệt. Đây là kiểu nhiễu động duy nhất không thể phát hiện bằng radar, vì vậy được coi là khó phòng tránh nhất. Hai máy bay của Singapore Airlines và Qatar Airways có thể đã gặp loại nhiễu động này.

Nguyên nhân chính có lẽ là biến đổi khí hậu. Theo một nghiên cứu đăng tải trên Hiệp hội Địa Vật lý Hoa Kỳ (AGU), nhiễu động gia tăng đáng kể trên toàn cầu từ năm 1979 đến 2020, một số khu vực ghi nhận nhiễu động nghiêm trọng gia tăng tới 55%.

Một nghiên cứu của Luke Storer năm 2017 cũng cho thấy, đến năm 2050, nhiễu động trời trong (CAT) có thể trở nên phổ biến gấp 4 lần hiện tại. Đây đều là các tác động dự kiến của biến đổi khí hậu được dự đoán từ nhiều nghiên cứu trước đó.

4. Chúng ta có cần lo sợ khi gặp “ổ gà” trên không?

Các máy bay dân dụng hiện đại đều có thiết kế chống chịu nhiễu động, và phi công phải phối hợp cùng điều phối viên mặt đất (ATC) để dự đoán thời tiết dọc đường, tránh tối đa việc bay vào “ổ gà”. Và thực tế nhiễu động hiếm khi gây ra tai nạn máy bay.

Theo Guardian, hiện tại các công nghệ phát hiện nhiễu động cũng được cập nhật liên tục, có thể sẽ sớm phát hiện được nhiễu động trời trong. Ngoài ra, các hãng bay cũng thường xuyên cập nhật quy trình đối phó với nhiễu động, chẳng hạn không phục vụ đồ ăn và đồ uống nóng khi có tín hiệu cài dây an toàn.

Vì vậy dù không thể tránh hoàn toàn “ổ gà” khi đi máy bay, chúng ta cũng không cần quá lo sợ. Bạn có thể áp dụng một số mẹo sau đây để giảm thiểu tác động của nó:

5. Một số mẹo giảm thiểu tác động của “ổ gà” trên không?

Ghi nhớ các khu vực thường xuất hiện “ổ gà”

Do đặc trưng về địa lý và khí hậu, một số khu vực dễ gây nhiễu động cho máy bay khi bay qua. Một số ví dụ có thể kể đến:

  • Các dãy núi: Chẳng hạn Andes ở Nam Mỹ, Alps ở châu Âu hay Tần Lĩnh, Côn Lôn ở phía Tây Trung Quốc. Các khu vực này có địa hình gồ ghề, dễ xảy ra nhiễu động địa hình.
  • Vịnh Bengal, đặc biệt vào mùa mưa (tháng 6-9): Do độ ẩm tăng và các luồng gió nóng từ tiểu lục địa Ấn Độ.
  • Khu vực Bắc Đại Tây Dương mùa hè: Do độ ẩm tăng lên. Vì vậy, bạn có thể gặp nhiễu động nếu bay từ London tới New York vào mùa hè, nhưng ít gặp hơn vào mùa đông.
28may2024screenshot20240528164757jpg
Bản đồ tần suất nhiễu động trên thế giới. Màu trắng/xanh tương đương với nhiễu động nhẹ, vàng/đỏ tương đương với nhiễu động vừa đến nghiêm trọng. | Nguồn: Turbli

Dựa vào các dữ liệu trên, bạn có thể chọn đường bay transit tránh các khu vực này, đặc biệt vào thời điểm độ ẩm cao. Nếu xem được đường bay trên máy bay, bạn có thể chủ động đi vệ sinh, lấy đồ… trước khi bay vào các khu vực trên.

Chọn ghế ngồi phía trước/giữa máy bay

Nữ tiếp viên hàng không có kinh nghiệm hơn 20 năm Heather Poole từng chia sẻ, bạn sẽ thấy đỡ xóc hơn khi ngồi ở phía trước, do khu vực này có trọng tâm xa máy bay. Một vị trí lý tưởng khác là gần cánh máy bay, do bộ phận này đóng vai trò giữ thăng bằng, mang lại cảm giác chắc chắn hơn khi có nhiễu động.

Nhìn ra ngoài cửa sổ

Nếu ngồi gần cửa sổ, bạn có thể phần nào “dự đoán” nhiễu động khi nhìn bầu trời bên ngoài. Theo cô Heather Poole, nếu thấy bầu trời có màu trắng đục, thời tiết âm u hoặc máy bay sắp bay vào đám mây, khả năng cao sẽ có rung lắc.

Quan trọng nhất, trừ khi có việc cần đứng dậy, bạn nên thắt dây an toàn suốt thời gian bay kể cả khi không có đèn tín hiệu. Phần lớn hành khách bị thương trong cả hai chuyến bay trên đều không thắt dây an toàn khi ngồi, trừ một số ở trong phòng vệ sinh. Và khi nhiễu động xảy ra, bạn có thể tham khảo bài thiền giúp tĩnh tâm được hướng dẫn cụ thể trong bài viết này.