Máy bay đi vào “ổ gà” trên không: Làm sao để bình tĩnh? | Vietcetera
Billboard banner

Máy bay đi vào “ổ gà” trên không: Làm sao để bình tĩnh?

Rung lắc trên chuyến bay là điều khó tránh. Dù vậy, vẫn có cách giúp bạn “tâm bất động giữa máy bay nhiễu động”.
Máy bay đi vào “ổ gà” trên không: Làm sao để bình tĩnh?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Máy bay rung lắc khi đi vào vùng thời tiết xấu là hiện tượng khá phổ biến. Dù vậy, nó vẫn là nguồn cơn gây lo lắng, sợ hãi cho không ít hành khách, bất kể là người mới bay lần đầu hay đã dày dặn kinh nghiệm vi vu.

Trên thực tế, nhiễu loạn không khí xảy ra khi áp suất khí quyển thay đổi, hoặc có sự giao thoa giữa các dòng không khí từ vùng địa lý khác nhau. Các máy bay hiện đại đều được thiết kế để chống chịu hiện tượng này, và phi hành đoàn cũng trải qua huấn luyện nghiêm ngặt để ứng phó với nó. Việc của chúng ta là bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của họ thôi.

Cho những chuyến bay sắp tới và sau này, dưới đây là 5 bước giúp bạn lấy lại cân bằng và duy trì bình tĩnh nếu máy bay có đi vào “ổ gà” trên không:

Bước 1: Cài dây an toàn xuyên suốt hành trình

24aug2023intext1jpg
Bước 1: Cài dây an toàn xuyên suốt hành trình

Khá nhiều người tháo dây an toàn ngay khi đèn hiệu tắt. Làm như vậy bạn có thể thoải mái hơn, song sẽ không kịp trở tay khi máy bay đi vào vùng nhiễu động - điều khó đoán trước được.

Vì vậy trừ khi cần di chuyển trong khoang, bạn nên cài dây an toàn suốt hành trình. Bởi khi máy bay chuyển động gập ghềnh, bạn vẫn có khả năng va đập nhẹ vào ghế trước, khung cửa sổ hay người khác. Lúc này dây an toàn sẽ giữ bạn cố định vào ghế ngồi, giảm thiểu tối đa nguy cơ này xảy ra.

Nếu chuyến bay dài (7-8 giờ hoặc hơn), bạn sẽ khá khó chịu nếu phải cài dây an toàn liên tục. Trường hợp này bạn có thể cài lỏng dây sẵn, khi máy bay xóc thì nhanh chóng kéo vào. Điều may mắn là máy bay sử dụng cho những chuyến bay dài thường là loại lớn, có khả năng chống chịu nhiễu động tốt hơn.

Bước 2: Tự đưa mình vào một không gian khác

24aug2023intext2jpg
Bước 2: Tự đưa mình vào một không gian khác

Khi máy bay nhiễu động, không ít người sẽ thấy sợ hãi. Lúc này bạn có thể đeo tai nghe (lý tưởng nhất là tai nghe chống ồn), bật nhạc nhẹ và đeo bịt mắt để “không nghe, không thấy, không biết” gì nữa.

Cách này giúp bạn tạm thời “chạy trốn” khỏi thực tại rung lắc bằng cách đưa mình vào một không gian khác. Nếu không có tai nghe hay bịt mắt, bạn chỉ cần nhắm mắt lại cũng sẽ thấy đỡ sợ hơn đáng kể.

Lưu ý: Bạn cũng có thể chơi game, xem phim hoặc nói chuyện với người khác để quên đi nỗi sợ, song cách này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Bởi khi máy bay rung lắc, các giác quan của bạn đã ở trạng thái “bất ổn” hơn bình thường.

Vì vậy nếu dễ say máy bay, bạn không nên làm các việc trên sẽ vô tình bắt giác quan phải hoạt động nặng hơn.

Bước 3: Đặt tay theo tư thế thiền

24aug2023intext3jpg
Bước 3: Đặt tay theo tư thế thiền

Bạn đặt tay thả lỏng trên đùi, cánh tay ghế hoặc bàn ăn phía trước, ngửa lòng bàn tay lên. Sau đó bạn chạm ngón cái vào ngón trỏ (hoặc ngón áp út) ở mỗi tay.

Đây là hai cách đặt thủ ấn (mudra) phổ biến trong yoga và thiền, giúp bạn tĩnh tâm, tập trung vào bên trong. Chúng cũng giúp giảm thiểu cảm giác chóng mặt và căng thẳng ở tình huống thực tại, dù bạn đang ở độ cao 10.000m.

Bước 4: Hít sâu theo nhịp

24aug2023intext4jpg
Bước 4: Hít sâu theo nhịp

Khi đã đặt thủ ấn ổn định, bạn bắt đầu hít sâu và đếm đến 4, sau đó giữ hơi thở trong 4 nhịp tiếp theo. Bạn không nên đếm quá nhanh và gấp, mà nên đếm từ từ để hơi thở được sâu.

Nguyên nhân bởi khi máy bay rung lắc, bạn có thể nhận ra cơ thể mình gồng lên. Phản xạ nàybình thường, song nó cũng vô tình khiến tim bạn đập nhanh hơn và hơi thở gấp. Cách thở và giữ hơi này sẽ giúp bạn mở phổi, căng giãn cơ ở vùng cổ, mặt, vai.

Đây là khu vực xung quanh não và tim - 2 cơ quan phản ứng nhạy cảm nhất khi máy bay nhiễu động. Vì vậy, việc hít sâu và giữ hơi góp phần “trấn an” đáng kể não bộ và nhịp tim, giúp bạn bình tĩnh hơn.

Bước 5: Vừa thở ra, vừa niệm âm Om

24aug2023intext5jpg
Bước 5: Vừa thở ra, vừa niệm âm Om

Sau bước giữ hơi, bạn vừa thở ra chậm rãi trong khoảng 8 nhịp, vừa niệm âm “Om” (đọc là /a:um/) kéo dài cho đến khi thở ra hết. Thanh quản của bạn sẽ rung trong toàn bộ quá trình này.

Việc thở ra giúp nhịp tim chậm lại, làm dịu phản ứng “chiến hay chạy” của hệ thần kinh khi gặp căng thẳng. Trong khi đó, âm Om mang tần số giúp bạn kết nối vào nội tại, tạm quên đi nhiễu động bên ngoài, từ đó đưa bạn về trạng thái cân bằng.

Có cách nào giảm thiểu khả năng bay vào “ổ gà” không?

Việc bay vào vùng nhiễu động là khó đoán và khó tránh khỏi. Dù vậy, vẫn có nhiều cách giúp bạn hạn chế tối đa ảnh hưởng của những “ổ gà” này lên trải nghiệm bay của mình:

Ưu tiên ngồi phía trước và giữa máy bay

Nữ tiếp viên với hơn 20 năm kinh nghiệm Heather Poole từng chia sẻ, bạn sẽ thấy đỡ xóc hơn khi ngồi ở phía trước, do khu vực này cách xa trọng tâm máy bay. “Tôi từng thấy hành khách khu dưới cùng bám như thể họ đang đua ngựa, và phải báo cho khoang lái vì trên đó họ cảm thấy khác hẳn”, Heather chia sẻ.

Một vị trí lý tưởng khác là hàng ghế gần cánh máy bay, do bộ phận này đóng vai trò giữ thăng bằng, mang lại cảm giác chắc chắn hơn khi nhiễu động. Và để có được những chỗ đẹp trên, bạn chú ý check-in càng sớm càng tốt.

Đặt vé vào ngày thời tiết đẹp

Dù không thể biết chính xác khi nào nhiễu động xảy ra, tỷ lệ bạn có một chuyến bay dễ chịu vào ngày trời đẹp vẫn cao hơn. Bạn có thể xem dự báo thời tiết, hoặc nhập thông tin điểm đi và đến trên trang turbli.com để biết mức độ nhiễu động được dự đoán trong chuyến bay của mình.

Một số khu vực như vịnh Bengal hoặc vùng Bắc Đại Tây Dương được cho là dễ gặp nhiễu động hơn. Nếu có thể, bạn nên chọn cung đường di chuyển tránh các khu vực này.

Hạn chế đồ uống có cồn, có ga

Những thức uống này làm cơ thể bị hao nước, giảm khả năng thích ứng trên không gây nôn nao. Nặng hơn, cơn say máy bay sẽ càng dễ ập đến nếu chuyến bay gặp nhiều “ổ gà”.

Để giải khát, nước lọc là bạn đồng hành tốt nhất. Nếu muốn cung cấp năng lượng trước khi khởi hành, bạn có thể ăn trái cây, sữa chua hoặc protein nạc (lưu ý ăn ít mặn, ít béo để tránh gây mất nước, khó tiêu).