Vì sao mỗi lần mở sách ra đọc thì mắt cứ díp lại? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Vì sao mỗi lần mở sách ra đọc thì mắt cứ díp lại?

Đọc được 5 trang sách thì lăn ra ngủ ngang. Đã bao lần bạn rơi vào tình huống này?
Vì sao mỗi lần mở sách ra đọc thì mắt cứ díp lại?

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Hứa với lòng là sẽ đọc sách mỗi ngày để tăng tri thức, nhưng không hiểu sao được 5 trang thì mắt cứ díp lại, miệng thì ngáp ngắn ngáp dài?

Hẳn là nhiều người từng trộm nghĩ chắc do mình “có thù” với tri thức, khi cơ thể cứ gào thét đòi ngủ mỗi khi mở sách ra. Nhưng thực chất, có khá nhiều lý do khiến cho cơ thể ta vô thức chống lại việc đọc sách. Vậy đó là những lý do gì?

Đọc là một hoạt động “hao não”

Không phải ngẫu nhiên những người thích đọc sách thường được coi là người “nhiều não”.

Bởi so với xem phim hay nghe nhạc thì việc đọc đòi hỏi não phải vận động nhiều hơn để hiểu và liên tưởng. Cụ thể, những vùng não gánh vác việc đọc bao gồm:

  • Thùy thái dương (the temporal lobe): chịu trách nhiệm nhận diện và giải mã các âm tiết.
  • Thùy trán (the frontal lobe): giúp bạn hiểu được các chữ cái và từ vựng.
  • Hồi góc (angular gyrus) hồi trên viền (supramarginal gyrus): liên kết các phần khác nhau của não để thực hiện hành động đọc.
alt
Đọc sách là hoạt động xài não "hao" hơn bạn tưởng.

Ngoài ra, quá trình đọc còn có thể có sự tham gia của:

  • Cơ quan trung ương (central sulcus): chịu trách nhiệm về cảm giác vận động. Nếu nhân vật trong cuốn sách đang chạy, các tế bào thần kinh trong vùng này sẽ kích hoạt để bạn cho bạn trải nhiệm cảm giác “chạy”.
  • Hệ viền (limbic system): phụ trách kích hoạt cảm xúc. Đó là lý do mà bạn đồng cảm với niềm vui, nỗi buồn của nhân vật trong sách. Thực chất, kích hoạt cảm xúc là một cách hiệu quả để tiếp nhận và ghi nhớ thông tin cũng như tăng khoảng chú ý (attention span).

Có thể thấy, bên cạnh vùng não chịu trách nhiệm xử lý ngôn ngữ, bạn cần phải huy động thêm vùng não liên quan đến quá trình xử lý cảm xúc và nhận thức cấp cao. Sau một khoảng thời gian làm việc tốc độ cao, não sẽ trở nên mệt mỏi và “đòi” được nghỉ ngơi.

Cơ mắt phải vận động quá sức

Dù đọc sách trông có vẻ nhàn, nhưng thực chất lúc này mắt bạn phải chuyển động liên tục để theo sát mặt chữ. Và cũng giống như cơ bắp sau khi tập thể dục, cơ mắt cũng có thể mỏi.

Ngoài ra thì yếu tố ngoại cảnh cũng ảnh hưởng đến việc đọc. Chẳng hạn khi đọc trong điều kiện thiếu sáng hoặc phông chữ quá nhỏ, mắt của bạn phải vận động cật lực hơn để xác định mặt chữ.

Nếu cộng với việc “hao não” như đã nói ở trên thì khá dễ hiểu khi bạn rơi vào tình trạng “sụp mí” khi đọc.

Không gian không được thiết kế cho việc đọc

Chiếc giường thì luôn gắn liền với việc đi ngủ. Và chính chúng ta là người đã dạy cho não điều này trong suốt một thời gian dài. Trong tâm lý, đây được gọi là "phản xạ có điều kiện" (classical conditioning), tức những phản xạ được hình thành trong đời sống thông qua một quá trình lặp đi lặp lại. Đói bụng khi đến giờ ăn cơm là ví dụ điển hình của phản xạ có điều kiện.

alt
Dù nhiều người thích đọc sách trên giường nhưng sự thật thì đây không phải là một không gian lý tưởng.

Trở về việc đọc, nhiều người thường thích việc tận hưởng cuốn sách sau khi đã đánh răng, lên giường và cuộn mình trong chăn ấm. Tuy nhiên, một loạt những hành động trên sẽ được não nhận diện là “đã đến giờ đi ngủ”. Và thế là thay vì đọc thì bạn lại đi thẳng vào giấc ngủ chỉ sau 5 trang sách.

Làm sao để đọc sách mà không “ngáp ngắn ngáp dài”

Nếu thường rơi vào tình trạng “ngủ ngang” khi đang đọc sách và chẳng nhớ mình đã đọc gì sau khi tỉnh dậy, bạn có thể tham khảo một vài tips sau đây:

  • Tư thế: Bàn học là vị trí tối ưu bởi đương nhiên ngồi thì dễ tỉnh táo hơn là nằm dài. Tuy nhiên, nếu buộc phải đọc trên giường thì hãy đảm bảo rằng bạn ngồi thẳng bằng cách kê một hoặc hai chiếc gối đầu sau lưng. Đừng quên duỗi chân thẳng, vuông góc với lưng để bảo vệ cột sống.
  • Ánh sáng: Ánh sáng tự nhiên ngay cửa sổ sẽ hiệu quả nhất cho việc đọc. Không chỉ giúp bạn đỡ mỏi mắt, ánh sáng mặt trời còn kích thích một số proteins trong cơ thể, giúp bạn tỉnh táo hơn. Nếu phải đọc vào ban đêm, hãy chọn một vị trí mà nguồn sáng không bị cản trở (giường ngủ thường không được khuyến khích bởi đầu của bạn sẽ che mất nguồn sáng phía sau). Tốt nhất bạn nên ngồi đối diện hoặc vuông góc với nguồn sáng.
  • Nghỉ giữa hiệp: Sau mỗi 1 tiếng, bạn có thể đứng lên đi dạo quanh phòng hoặc tập những động tác giãn cơ trong vài phút. Một chút vận động cho máu lưu thông sẽ giúp cơ thể tỉnh táo hơn. Hoặc bạn có thể tham khảo bài tập yoga 3 bước cho mắt nếu cảm thấy mỏi mắt khi đọc quá lâu.

Còn nếu bạn chẳng có vấn đề gì trong việc đi ngủ khi đang đọc sách thì hãy "lấy độc trị độc", áp dụng đọc sách như một cách để đi vào giấc ngủ.