Chống mỏi mắt với bài tập yoga 3 bước | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Chống mỏi mắt với bài tập yoga 3 bước

Nghỉ dịch khiến thời gian mắt tiếp xúc các thiết bị điện tử tăng đột biến. Điều này khiến thế giới có nguy cơ chứng kiến một “đại dịch” cận thị bùng nổ.

Chống mỏi mắt với bài tập yoga 3 bước

Yoga mắt cho những ngày nghỉ dịch

Nghiên cứu cho thấy từ khi COVID-19 bùng phát, một người lớn dành trung bình 13 tiếng/ngày sử dụng các thiết bị điện tử. 

Điều này dẫn đến sự gia tăng hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số. Việc tiếp xúc quá lâu và quá gần màn hình điện tử khiến mắt giảm chớp và tăng điều tiết, dẫn đến mỏi mắt, khô mắt. Ngoài ra, việc hạn chế tập thể dục ngoài trời cũng khiến mắt ít được nhìn xa. Vì vậy, yoga mắt đã nổi lên như một phương pháp cải thiện sức khỏe mắt mùa dịch.

Yoga mắt là gì?

Yoga mắt là gì
Yoga mắt được chứng minh có hiệu quả giảm mỏi mắt, đặc biệt khi sử dụng các thiết bị điện tử

Yoga mắt là các bài tập củng cố hệ thống cơ vận động trong mắt, được cho là có công dụng cải thiện tầm nhìn và chữa mỏi mắt. 

Hiện chưa có nghiên cứu cho thấy yoga mắt có thể chữa các tật về mắt như cận thị hay viễn thị. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Kim Sang-dol năm 2016 cho thấy liệu pháp này có hiệu quả giảm mỏi mắt. Do mỏi mắt và stress có liên quan đến nhau, yoga mắt vừa có thể kích thích các cơ trong mắt, vừa giảm áp lực giúp tăng cường sự tập trung. 

Bạn chỉ cần một chiếc bút và một mẩu sticker nhỏ dán vào đuôi bút (có thể thay bằng một chiếc kẹo que còn nguyên giấy bọc) để thực hiện bài tập sau: 

Bước 1: Đưa bút vào vị trí

Bước 1: Đưa bút vào vị trí
Cầm bút sao cho phần sticker ngang tầm mắt & cách mắt bạn một cánh tay
  • Giữ thẳng đầu, cầm bút sao cho phần đuôi bút (phần dán sticker) ngang tầm mắt và cách mắt bạn một cánh tay.
  • Tập trung nhìn vào đuôi bút, đảm bảo mắt bạn nhìn rõ sticker.
  • Từ từ đưa bút lại gần mũi bạn, sao cho bạn vẫn nhìn rõ cả bút và sticker. Dừng lại khi bạn cảm thấy mờ hoặc nhìn ra 2 chiếc bút.

Lưu ý: Để hạn chế mắt bị phân tán, bạn nên chọn một khoảng tường trống, không có vật cản trong tầm nhìn. Nếu thực hiện trên bàn học, bạn nhớ gấp màn hình hoặc để chế độ sleep cho máy tính.  

Bước 2: Luyện “nhãn thần chưởng”

Bước 2: Luyện
Khi tập trung hết cỡ nhìn sticker, các cơ mắt sẽ kéo chiếc bút bị mở trở lại điểm tập trung
  • Tập trung hết cỡ nhìn vào sticker. Các cơ trong mắt bạn sẽ kéo chiếc bút bị mờ trở lại điểm tập trung, từ đó bạn sẽ nhìn rõ hơn. 
  • Nếu bạn vẫn không thể nhìn rõ, thử kéo bút lùi lại khoảng 2-3 cm để giúp mắt lấy lại điểm tập trung.

Lưu ý: Tuyệt đối không nháy mắt, nheo mắt, nghiêng đầu hoặc nhìn đi chỗ khác để lấy lại điểm tập trung. Bạn chỉ tập trung nhìn duy nhất cái sticker để luyện cơ mắt mà thôi. 

Bước 3: Lặp lại quá trình

04-oct-2021/eye-yoga-buoc3.jpg
Tiếp tục lặp lại quá trình cho đến khi bút chạm mũi bạn
  • Nếu bạn lại nhìn rõ sticker, tiếp tục đưa cây bút lại gần mũi từ từ. Bất cứ khi nào cảm thấy mờ, bạn dừng và quay về bước 2 cho đến khi nhìn rõ lại. 
  • Tiếp tục quá trình cho đến khi chiếc bút chạm mũi. 

Mục tiêu của bài tập là vừa đưa bút tiến gần mũi, vừa giữ cho mắt nhìn rõ sticker. Bút càng gần mũi bạn, sticker sẽ càng khó nhìn, đòi hỏi cơ mắt phải vận động nhiều hơn. 

Những tips khác để bảo vệ mắt mùa dịch

Những tips khác để bảo vệ mắt mùa dịch
Điều chỉnh khoảng cách, tập nhìn xa hay bổ sung các chất tốt cho mắt đều đóng vai trò quan trọng giúp bạn bảo vệ mắt mùa dịch
  • Điều chỉnh khoảng cách, ánh sáng và cỡ chữ phù hợp trên máy tính và điện thoại. Nên đặt máy tính cách mắt từ 50-73 cm tùy kích cỡ màn hình, phần trên cùng ở ngang hoặc dưới tầm mắt một chút. 
  • Thường xuyên tập nhìn xa với quy tắc 20-20-20: Cứ sau mỗi 20 phút nhìn màn hình, nhìn sang một vật cách mắt 20 feet (khoảng 6m) trong ít nhất 20 giây. Ngoài ra bạn có thể đứng từ cửa sổ, ban công và nhìn xung quanh.  
  • Bổ sung các chất tốt cho mắt như vitamin A, E và C cùng các loại thực phẩm chức năng. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng nước mắt nhân tạo (nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa để chọn loại phù hợp).
  • Dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày (không tính lúc ngủ và tắm) rời bỏ hoàn toàn các thiết bị điện tử. Có nhiều hoạt động cho bạn tự làm hoặc chơi cùng gia đình mà không cần các thiết bị trên trong khung giờ “không màn hình” này. 
  • Sử dụng kính chống ánh sáng xanh nếu có thể, nhằm hạn chế tác hại của ánh sáng xanh từ màn hình.