Vì sao OnlyFans cấm 18+ nhưng rồi lại không cấm? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Vì sao OnlyFans cấm 18+ nhưng rồi lại không cấm?

"Điều buồn nhất là, là anh cấm lại vờ như không cấm."
Vì sao OnlyFans cấm 18+ nhưng rồi lại không cấm?

Nguồn: Jakub Porzycki/NurPhoto / Getty Images

1. OnlyFans đổi ý nhanh như thế nào?

Ngày 20/08/2021, theo tờ Bloomberg, nền tảng OnlyFans thông báo sẽ phát hành chính sách cấm những nội dung khiêu dâm, có hiệu lực từ ngày 01/10. Ra đời năm 2016, đây là một nền tảng dùng để đăng tải nội dung của Anh. Vượt ra khỏi dự tính của những nhà sáng lập, OnlyFans nhanh chóng trở thành một thiên đường cho nội dung khiêu dâm.

Tới ngày 25/08, OnlyFans lại đột ngột “quay đầu" và thông báo mình sẽ tạm ngừng áp dụng các chính sách mới. Nền tảng này cũng nhấn mạnh rằng họ sẽ gửi email thông báo chính thức tới những người làm nội dung.

2. Tại sao OnlyFans đổi ý?

OnlyFans nhanh chóng nhận nhiều chỉ trích trước lệnh cấm này nhất là khi đa phần doanh thu của nền tảng tới từ người lao động tình dục (sex worker). Bản thân OnlyFans cũng đã thay đổi cách mà sex worker làm nội dung, cũng như tạo ra một nền tảng an toàn và thân thiện cho những người này (nytimes.com). Hành động này không khác nào một cú tát thẳng tới sex worker có nguồn thu nhập chủ yếu là từ nền tảng này.

Khi mà câu chuyện tình dục ngày càng trở nên cởi mở, rất nhiều nền tảng tương tự OnlyFans cũng đã ra đời. Điều này đe dọa trực tiếp tới OnlyFans khi nhiều người làm nội dung (content creator) quyết định chuyển nhà.

3. Tại sao ban đầu OnlyFans lại cấm?

OnlyFans đã nhiều lần mập mờ về ý định muốn chuyển sang quảng bá các nội dung khác thay vì tình dục, thứ chiếm tỷ trọng lớn trên nền tảng này. Sự ra mắt của ứng dụng thân thiện không có nội dung khiêu dâm cũng đã khẳng định mục tiêu của OnlyFans (theverge.com). Nền tảng này đang nỗ lực thay đổi hình tượng để kêu gọi vốn đầu tư.

Tim Stokely, người sáng lập của OnlyFans cũng đang phải chịu sức ép từ những nhà đầu tư, các ngân hàng và cả dịch vụ cổng thanh toán. Về cơ bản những bên cộng tác với OnlyFans không muốn dính dáng tới những nội dung khiêu dâm. Quyết định của OnlyFans, thực chất lại tới từ những công ty tài chính đang nắm quyền kiểm soát.

titleOnlyfans Onlyfans
Tim Stokely, CEO của OnlyFans "đổ thừa" rằng quyết định của ông là do sức ép từ các công ty tài chính | Nguồn: Film Daily

4. Tại sao các công ty tài chính có quyền kiểm soát nền tảng nội dung?

Ngân hàng, nhà đầu tư và đặc biệt là các cổng thanh toán đóng một vai trò quan trọng đối với các nền tảng và công ty hoạt động trực tuyến. Có thể hiểu đây như một chiếc cầu trung gian để kết nối tài chính của nền tảng, người làm nội dung với người sử dụng dịch vụ, giúp họ trở thành một phần của hệ thống tài chính. Việc làm “mếch lòng" những công ty này dễ dàng dẫn tới những lệnh cấm cửa, ảnh hưởng trực tiếp lên hoạt động của các nền tảng như OnlyFans.

PornHub cũng đã từng lao đao khi Visa và MasterCard từ chối cung cấp dịch vụ thanh toán cho cả nền tảng này cũng như những người làm nội dung 18+ (Theo: cbc.ca). Dòng chảy tài chính bị đình trệ bởi các cổng thanh toán đã khiến rất nhiều sex worker phải lao đao. Có thể thấy sự kiểm duyệt tài chính lên các nền sáng tạo nội dung là rất rõ ràng.

onlyfans
2 cổng thanh toán lớn từ chối cung cấp dịch vụ cho Pornhub | Nguồn: Zet Business

5. Rủi ro mà những công ty tài chính lo sợ là gì?

Các nền tảng cho phép nội dung khiêu dâm vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện cho revenge porn (phim khiêu dâm trả thù), bóc lột tình dục hay thậm chí ấu dâm tồn tại. Việc theo dõi và kiểm duyệt để tạo ra môi trường lý tưởng hóa cho sex worker vẫn gặp nhiều khó khăn. Các công ty tài chính nhận thấy rõ điều này và họ từ chối phải chấp nhận hứng chịu những rủi ro tiềm ẩn (cả về mặt tài chính và đạo đức) đi kèm với những dịch vụ người lớn.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, kể từ những ngày đầu tiên của kỷ nguyên Internet, đã có nhiều đề xuất và nghiên cứu được đưa ra giúp cải cách và thay đổi nền công nghiệp khiêu dâm.

Số liệu còn chỉ ra rằng không phải PornHub, mà chính Facebook chiếm tới 95% các cáo buộc liên quan tới văn hóa phẩm ấu dâm (theo: thedailybeast.com). Mặc cho những cải cách và số liệu thì định kiến vẫn còn nằm trong những chính sách và tư tưởng bảo thủ của những người nắm quyền, ở đây là các công ty tài chính.

6. Quyền tự do của những người làm nội dung mong manh như thế nào?

Năm 2018, Tumblr đột ngột biến mất khỏi cửa hàng của Apple, và theo sau đó là chính sách thanh trừng nội dung khiêu dâm của Tumblr. Những nền tảng kiểu này đã tạo ra cơ hội cho content creator sáng tạo và xây dựng khán giả. Nhưng đồng thời các chính sách của họ vẫn chỉ tập trung bảo vệ danh tiếng và tài chính của tổ chức thay vì những content creator.

Những người làm nội dung dễ dàng bị mất đi nguồn kinh tế, dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức của các tổ chức tài chính, hay các công ty công nghệ độc quyền. Hoặc đơn giản như những quyết định bất chợt của OnlyFans. Nói không đâu xa khi bản thân YouTube cũng đã từng dính phải những lùm xùm khi cố tình giới hạn các video có nội dung LGBTQ+ trên thanh gợi ý.

7. Có giải pháp nào cho những người làm sáng tạo nội dung?

Theo như Techcrunch, đã đến lúc chúng ta phải có một cuộc hội thoại bàn về những quyền cơ bản của content creator. Trong đó đề cập tới việc người làm nội dung có quyền lên tiếng về những chính sách, có quyền kết nối với fan mà không phụ thuộc vào nền tảng.

Metaverse dường như là câu trả lời khi nó là một siêu vũ trụ kết nối nhiều nền tảng, được cho là tương lai của Internet. Sự phát triển của công nghệ NFT cũng giúp đảm bảo cho các content creator bảo vệ được tài sản trí tuệ của mình.

Bên cạnh đó, tiền điện tử (crypto) cũng đóng một vai trò quan trọng khi đây là hình thức thanh toán trực tiếp peer-to-peer, không phụ thuộc vào bên trung gian. Hình thức này cũng thúc đẩy mô hình direct-to-fan (giao tiếp và thanh toán trực tiếp với fan), tạo nên sự chủ động về nội dung cũng như tài chính cho content creator.

Cộng đồng sáng tạo nội dung cũng đóng một phần quan trọng trong Metaverse | Nguồn: Jon Radoff / Medium

Không chỉ dừng lại ở nội dung người lớn, điều này tạo ra cơ hội nhiều cơ hội cho content creator thỏa thích vẫy vùng mà không phải chơi theo luật của bất kỳ công ty muốn độc quyền nào. Nhất là khi Internet đang bước vào một kỷ nguyên mới 3.0 và Metaverse dường như trở thành một thực tại khác phát triển song song cùng với cuộc sống thực.