Vì sao phimmoi không bao giờ cũ? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Vì sao phimmoi không bao giờ cũ?

Phải khai trừ hết các web lậu thì phim bản quyền mới sống được? Hay "cỏ dại" và "cây xanh" vẫn sẽ luôn sinh tồn song song?
Vì sao phimmoi không bao giờ cũ?

Nguồn: Forbes

Ngày 19/08, Cơ quan Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đang điều tra vụ án xâm phạm quyền tác giả theo quyết định khởi tố hình sự trang web phimmoi.net. Danh tính của những người đứng sau website này cũng đã được xác định.

Trước đó, trang web này được nêu tên hẳn trong một báo cáo thường niên quốc tế của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Phimmoi và người anh em phimmoizz bị cáo buộc đăng tải và sử dụng trái phép hàng ngàn các sản phẩm trí tuệ bản quyền, bao gồm các tựa phim chiếu rạp và TV series thuộc sở hữu của nhiều đơn vị tại Mỹ.

Nguồn Phimmoi
Trang chủ của trang phim "phimmoizz"

Giữa những tranh cãi về hành vi vi phạm bản quyền của hai website, nhiều người chỉ trích mức độ “văn minh” của người Việt khi “thích hàng miễn phí, tiếp tay cho người ăn cắp sản phẩm gốc”. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm trong phạm trù đạo đức. Thuần ở đời, bản năng luôn bảo “việc gì dễ làm trước, khó làm sau”. Cảm giác tội lỗi không đeo bám người xem phim lậu, đặc biệt khi điều này đã trở thành bình thường, nhờ sự có mặt nhan nhản của các trang phim lậu trên khắp thế giới.

Chia sẻ file lậu, không cách này thì cách khác!

Khái niệm hàng “lậu” (piracy) được định nghĩa lần đầu tiên sau một sự kiện liên quan đến nhà xuất bản sách Stationers’ Company of London, Vương quốc Anh vào thế kỷ thứ 17.

Đến năm 1975, hiện tượng “lậu” kỹ thuật số (digital piracy) xuất hiện tại các câu lạc bộ máy tính giữa các thanh niên Mỹ, bao gồm cả các nhà sáng lập Apple. Tại đây, ngoài chia sẻ ý tưởng và phát minh cá nhân, nhiều thành viên tranh thủ sao chép thiết kế thiết bị phần cứng, hoặc những phần mềm “đột phá”, thường được bán với giá được cho là “cắt cổ” ngoài thị trường.

Hai nhagrave saacuteng lập Apple Steve Jobs vagrave Steve Wozniak tại Homebrew Computer Club Nguồn Cult of Mac
Hai nhà sáng lập Apple, Steve Jobs và Steve Wozniak, tại Homebrew Computer Club. Nguồn: Cult of Mac.

Tính cộng đồng “sai trái” này nghịch lý thay lại là một môi trường tự do tạo đòn bẩy cho sự sáng tạo, khiến công nghệ phát triển nhanh chóng. Khi thế giới dịch chuyển từ đĩa CD (nở rộ những năm 90) sang Internet (đầu những năm 2000), hành động sao chép cũng dần trở nên đa dạng và tinh vi hơn.

Một phần ký ức sống động của nhiều người thuộc thế hệ 8x và 9x đời đầu, trên thế giới và cả Việt Nam, là chuyên trang chia sẻ nhạc nổi tiếng Napster. Nền tảng dùng giao thức Peer-to-Peer (P2P), chia sẻ giữa các người dùng với nhau, không thông qua kiểm soát của máy chủ trung gian.

Khung chat của Napster Nguồn Tripple Freedom
Khung chat của Napster. Nguồn: Tripple Freedom.

Sau khi thế giới ngầm (nhưng gần như ai cũng biết) này bị khai tử, lại đến thời “các thí chủ xin link Torrent”, phiên bản cải tiến của P2P, hạn chế khả năng bị phát hiện bởi công nghệ rà soát tự động của đơn vị nắm giữ bản quyền. Và đây là lúc các web phim lậu, nhạc lậu nở rộ hơn bao giờ hết.

Web lậu và Fan Subteam - Sự “phối hợp” nhịp nhàng

Việc ngăn chặn các web lậu ít nhiều mang lại hiệu quả ban đầu. Nhưng thực tế, cứ mỗi khi có một trang web phim lậu “chết” đi, ngay lập tức sẽ xuất hiện một website khác thay thế.

Điển hình là phimmoi.net. USTR đã chú ý đến trang web này từ tháng 8 năm 2019, và phản ánh với cơ quan chức năng Việt Nam. Đến tháng 6 năm 2020, tên miền này bị chặn. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, phimmoizz.net xuất hiện (được cho là cùng chủ vận hành, nhưng đã chuyển server sang nước ngoài). “Ma mới” này nhanh chóng trở lại dẫn đầu đường đua của làng phim lậu.

Chung một thế giới ngầm với đội “mũ đen” này là các subteam đội “mũ trắng”, chuyên dịch sản phẩm của các nghệ sĩ quốc tế “vì đam mê”. Họ thường dùng các biện pháp chia sẻ đơn giản hơn như các dịch vụ điện toán đám mây do Facebook, VK, hoặc Google cung cấp.

Tuy bị hạn chế số lượng người truy cập và không “sống” lâu như link Torrent do chính sách bảo mật của các ông lớn, đây vẫn là cách đủ để thoả mãn một cộng đồng những người hâm mộ. Còn chất lượng thì thừa để trở thành nguồn cung cho các đơn vị khai thác trái phép.

Dù “không đội trời chung” và không có bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào, cả hai tạo nên một bộ máy nhịp nhàng, và bất tử.

Xem sản phẩm lậu là ăn cắp?

Năm 2017, bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” do Ngô Thanh Vân đạo diễn bị một khán giả tại rạp livestream trái phép trên mạng xã hội. Bản lậu này thu hút hơn 5,3 nghìn lượt xem chỉ sau 30 phút phát tán trên mạng. Với mức vé trung bình 60.000 đồng, nhà sản xuất ước tính thiệt hại hơn 342 triệu đồng.

Phim chiếu rạp Cocirc Ba Sagravei Gograven do Ngocirc Thanh Vacircn sản xuất bị stream lậu trecircn Facebook Nguồn tuoitrevn
Phim chiếu rạp Cô Ba Sài Gòn do Ngô Thanh Vân sản xuất bị stream lậu trên Facebook. Nguồn: tuoitre.vn

Dự án phim Gái ngàn đô do Galaxy đầu tư sản xuất cũng bị phát tán trên nhiều web chiếu lậu. Sự việc được cho là khiến doanh nghiệp mất hàng tỷ đồng.

Các nhà nắm giữ bản quyền thường xem việc phát tán và xem sản phẩm lậu là hành động “ăn cắp”. Tuy nhiên, đây lại khó là một câu khẳng định. Theo ông Mike Smith, giáo sư môn Marketing tại trường Carnegie Mellon, cách đánh giá này là một ngụy biện vì cảm giác rằng mình đang mất cái lẽ ra mình đã có.

Việc xác định những con số thiệt hại của các nhà làm phim là không có cơ sở xác đáng, mà chỉ có tính chất tham khảo, bởi không ai chắc được người xem phim lậu có sẵn lòng ra rạp hoặc mua sản phẩm gốc nếu tuyệt nhiên không có sản phẩm lậu.

Mặt khác, việc vi phạm bản quyền có thể mang lại lợi ích quảng cáo. Nhà sản xuất có thể coi đây là những bản dùng thử miễn phí, giúp nuôi sự quan tâm của các khán giả tiềm năng đến đội làm phim và các sản phẩm tiếp theo của họ.

Tuy nhiên, lợi ích này dường như bằng 0 cho các các nghệ sĩ mới nổi. Với những người sáng tạo độc lập đang vật lộn để tạo dựng sự nghiệp, mất thu nhập vì vi phạm bản quyền khiến họ mất tự tin, và khó đầu tư cho sản phẩm tiếp theo.

Cuộc chơi sáng tạo có thể vì vậy mà chỉ còn lại những ông lớn, thiếu đi sự đa dạng và cạnh tranh cần thiết cho sự phát triển. Ở quy mô này, việc xem sản phẩm lậu mới rõ ràng là gánh theo trách nhiệm đạo đức.

Phim lậu “đắt giá”, còn phim bản quyền “quá rẻ”?

Tâm lý truy cập miễn phí nguồn giải trí vô tận và có sẵn chỉ trong vài cú click chuột rất khó thay đổi, đặc biệt là đối với những ai chưa có cơ hội sử dụng hàng chính hãng.

Giá cả thường là lời giải thích, tuy nhiên không hẳn là vì phim lậu quá rẻ hay phim bản quyền quá đắt. Nguyên nhân cụ thể hơn nằm ở cảm giác, rằng: phim lậu quá tiện, quá đa dạng. Việc truy cập dễ dàng vào nguồn phim (xứng đáng hàng sưu tầm) góp phần khiến dịch vụ trả phí (còn giới hạn về nguồn cung) trở nên “rẻ” về chất lượng, còn giá thì quá đắt trong mắt nhiều người.

Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến trả phí như Spotify cũng gặp thử thách tương tự khi xâm nhập vào thị trường các nước đang phát triển như Việt Nam. Việc duy trì được hình thức nghe miễn phí bằng doanh thu quảng cáo và cho người dùng thử gói premium trong 1-3 tháng đầu (không cam kết mua gói premium) là những nỗ lực của hãng nhằm thu hút những người dùng còn đang quen với “hàng chùa”.

Cùng mô hình kinh doanh, hàng chục đối thủ xuất hiện, giúp thị trường phân phối âm nhạc trực tuyến có đòn bẩy cạnh tranh, tạo nên nhiều lựa chọn đến gần với người dùng hơn.

Tuy nhiên, thị trường phim ảnh với chi phí sản xuất cao, gây cản trở cho điều tương tự xảy ra.

Ở những lĩnh vực có “hàng lậu” là vấn đề kinh niên này, sự can thiệp của các cơ quan quản lý chỉ có vai trò ngăn chặn, “đánh đuổi”.

Để các dịch vụ trực tuyến có tính phí vẫn có được cái kết đẹp với lợi nhuận hàng tỷ đô mỗi năm, vấn đề còn nằm ở khả năng các dịch vụ này có thể bứt phá bao xa, “đón đầu” thế giới ngầm trước nay luôn đi trước một bước.

Web lậu sẽ không biến mất cho đến khi trải nghiệm xem phim bản quyền “không có gì để bàn cãi”, còn “cỏ dại” thì được chăm dọn gọn gàng. Trên chặng đường này, thái độ của người dùng chỉ đến mức quan tâm thôi cũng đã là một cột mốc thắng lợi.