Vì sao ta cứ nghe nhạc là nhún nhảy, lắc lư theo? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
13 Thg 10, 2022
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao ta cứ nghe nhạc là nhún nhảy, lắc lư theo?

Việc gật đầu, dậm chân hay lắc lư theo điệu nhạc thực chất là một phản ứng kết hợp giữa nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể.
Vì sao ta cứ nghe nhạc là nhún nhảy, lắc lư theo?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Khi nghe thấy một bản nhạc quen thuộc, phản ứng thường gặp nhất của chúng ta là nhún nhảy, lắc lư, gật đầu hoặc dậm chân theo giai điệu của nó. Thậm chí nhiều khi ta làm điều này một cách vô thức, kể cả khi ở chốn đông người.

Trong âm học có một từ riêng miêu tả các hành động này là “vi chuyển động” (micromotion). Vi chuyển động sinh ra khi ta nghe nhạc dường như là một phản xạ bẩm sinh. Như vậy não đã làm gì khiến ta vô thức chuyển động theo nhạc?

Não “vui mừng” khi nghe bài hát yêu thích

Khi bài hát ta thích bất ngờ vang lên, hệ thống phần thưởng (reward system) trong não được kích hoạt, khiến ta “high” và lắc lư theo nhạc. Một nghiên cứu của Viện Thần kinh Montreal (trực thuộc Đại học McGill, Canada) đã chứng minh điều này.

Trong thí nghiệm, 20 người phải tham gia một thử thách như sau: Kết hợp một màu sắc với một mũi tên bất kỳ để tạo ra một âm thanh bằng máy. Nếu thành công, máy sẽ phát một đoạn nhạc nhẹ, còn nếu thất bại thì sẽ phát một tiếng “rè” kéo dài. Họ lặp lại việc này một vài lần, và được chụp cộng hưởng từ não (MRI) để theo dõi phản ứng khi nghe từng âm thanh.

Kết quả cho thấy hệ thống phần thưởng chỉ được kích hoạt khi tiếng nhạc vang lên. Họ cũng chia sẻ rằng họ phải “động não” suốt quá trình để phán đoán xem kết hợp như thế nào mới ra được tiếng nhạc. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Robert Zatorre, đây là điều mà não rất “khoái” làm: thu thập thông tin và đoán xem điều gì xảy ra tiếp.

Khi não đoán đúng, nó sẽ kích hoạt hệ thống phần thưởng, đồng thời giải phóng một lượng nhỏ endorphin từ vùng dưới đồi (hypothalamus). Hormone này sẽ truyền tín hiệu tới các cơ, dẫn đến những chuyển động nhẹ ở đầu, chân và tay. Đây chính là hiện tượng xảy ra khi ta nghe được bài hát yêu thích của mình.

Âm nhạc kích thích chức năng vận động

Theo nghiên cứu của Đại học Texas (Mỹ), âm nhạc có thể kích hoạt các cơ quan điều phối chức năng vận động của chúng ta.

Trong thí nghiệm, 8 nhạc trưởng được cho nghe một đoạn nhạc trong khi chụp MRI. Khi so sánh kết quả với bản nhạc trên giấy, tổ nghiên cứu nhận thấy tiểu não (cerebellum) của các nhạc trưởng hoạt động mạnh hơn khi nhịp điệu bài thay đổi.

Đặc biệt khi tổ nghiên cứu thay đổi nhịp điệu cho khác với bản gốc, họ phát hiện lượng máu đổ dồn về tiểu não nhiều hơn dù các nhạc trưởng đều đang ngồi im. Điều này cho thấy não bộ có một phản ứng chuyển động được “cài đặt” sẵn. Nó sẽ được kích hoạt khi tiếng nhạc vang lên, bất kể ta đang ngồi im hay vận động.

12oct2022intext1jpg
Não bộ có một phản ứng chuyển động được “cài đặt” sẵn, được kích hoạt khi có tiếng nhạc.

Ở giai đoạn tiếp theo của thí nghiệm, các nhạc trưởng được “thả lỏng” cho vận động thoải mái theo giai điệu bản nhạc. Kết quả chụp MRI cho thấy, dù họ “chỉ huy”, dậm chân hay lắc đầu thì vỏ não vận động (motor cortex) đều được kích hoạt. Nói một cách dễ hiểu, nếu tiểu não giúp họ nhận biết nhịp điệu, thì vỏ não vận động đưa nhịp điệu đó vào hệ thống cơ khi họ chuyển động.

Chúng ta vốn có khả năng cảm nhận nhịp điệu một cách tự nhiên

Thính giác là giác quan cuối cùng phát triển trước khi một đứa bé ra đời. Ngay khi còn trong bào thai, chúng ta đã có thể “học” về nhịp điệu nhờ cảm nhận nhịp tim của mẹ, cũng như “nghe” được các âm thanh bên ngoài.

Chúng ta không chỉ cảm nhận âm thanh qua tai, mà còn qua da nữa. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nina Perry, âm thanh với cao độ và nhịp điệu khác nhau sẽ tạo ra rung động ở nhiều tần số mà các thụ thể (receptors) trên da có thể cảm nhận được. Đây chính là lý do người điếc vẫn có thể “nghe” nhạc, và Beethoven vẫn có thể sáng tác khi không còn thính giác.

12oct2022intext2jpg
Mỗi chúng ta đều có khả năng cảm nhận nhịp điệu một cách tự nhiên.

Nói cách khác, chúng ta vô thức cảm nhận âm nhạc và nhịp điệu bằng cả cơ thể của mình. Vì vậy, ta có thể phản ứng với chúng một cách tự nhiên qua việc lắc lư và nhún nhảy.