Vì sao ta thấy nhẹ lòng hơn khi “giải tỏa” vấn đề trên mạng xã hội? | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 06, 2024
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Vì sao ta thấy nhẹ lòng hơn khi “giải tỏa” vấn đề trên mạng xã hội?

… dù chưa chắc nó đã giúp bạn giải quyết vấn đề?
Vì sao ta thấy nhẹ lòng hơn khi “giải tỏa” vấn đề trên mạng xã hội?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Cuối tháng 5 vừa qua, dư luận “dậy sóng” khi người mẫu kiêm fashionista Lâm Minh bất ngờ livestream trong tâm trạng hoảng loạn kể về căng thẳng với Decao và gia đình anh. Dù sau đó cô đã có dòng chia sẻ dài trấn an và kêu gọi cộng đồng mạng ngừng chỉ trích chồng, công chúng vẫn rất lo lắng cho tình trạng của cô.

Việc ngay lập tức viết status, đăng story hay livestream khi gặp chuyện không như ý dường như trở thành thói quen của không ít người chúng ta, dù chưa chắc nó đã giải quyết được gốc rễ vấn đề. Vậy điều gì khiến mạng xã hội trở thành nơi để ta “xả” trong những lúc sợ hãi hay mất bình tĩnh như vậy?

Bản năng con người luôn muốn được lắng nghe và chú ý

Con người vốn là động vật xã hội, luôn có nhu cầu được thuộc về và ghi nhận. Việc được lắng nghe và chú ý cũng là một cách thể hiện nhu cầu này. Và mạng xã hội là phương pháp đơn giản, nhanh gọn nhất giúp bạn được lắng nghe và chú ý bởi nhiều người ở cùng một thời điểm.

Theo tiến sĩ tâm lý học Aishah Rosli, các tính năng tương tác của mạng xã hội (như like, “thả tim”, chia sẻ hay bình luận) mang đến cảm giác bất cứ điều gì bạn chia sẻ đều sẽ được người khác để ý. Bên cạnh đó, nó cũng giúp ta thỏa mãn nhu cầu được kết nối, khi những người “đồng cảnh ngộ” vào trấn an bạn và chia sẻ trải nghiệm của chính họ.

Sự cô đơn khi xung quanh không ai lắng nghe

Một câu hỏi đặt ra ở đây là, vì sao có những người không chia sẻ vấn đề với một ai họ tin tưởng mà lại “công khai” hết lên mạng xã hội? Có lẽ bởi trong trường hợp này, xung quanh họ không có một ai đủ tin tưởng để chia sẻ mà không bị đánh giá hay phản ứng thái quá.

06jun2024240604livestream1jpg
Đối với một số người, chia sẻ vấn đề với người lạ là cách duy nhất giúp họ tránh bị phán xét.

Khi bạn gặp vấn đề, não sẽ ở trạng thái “sinh tồn”, coi việc phán xét như một hình thức từ chối và phủ nhận cảm xúc. Điều này đánh trực tiếp vào nhu cầu được an toàn và thuộc về, khiến bạn thêm bất an trong khi chưa giải quyết được vấn đề.

Theo chuyên gia phục hồi quan hệ và hòa giải Nguyễn Trương Bảo Khuyên, người trẻ thường chọn chia sẻ vấn đề với “người ngoài” (thường là bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý) thay vì bố mẹ, bởi như vậy sẽ không bị phán xét. Mạng xã hội cũng là một hình thức như vậy - nó là nơi bạn có thể “tâm sự với người lạ” để giải tỏa những bức xúc kìm nén của chính mình.

Chỉ cần viết ra vấn đề là bạn đã giải quyết được đôi chút

Đây chính là định luật Kidlin - một trong những “mẹo vặt tâm lý” nổi tiếng. Theo đó, nếu bạn có thể viết ra một cách rõ ràng vấn đề đang gặp, thì nó đã được giải quyết tới 50%.

Định luật này dựa trên nguyên tắc rằng bất kỳ vấn đề nào, khi được chia nhỏ thành các phần nhỏ sẽ dễ quản lý hơn. Bên cạnh đó, viết cũng là cách giúp bạn “nhìn” được vấn đề của mình, sắp xếp được các dòng suy nghĩ đang hỗn loạn trong đầu và gọi tên được các cảm xúc bạn có.

Quá trình này giúp bạn gỡ rối vấn đề - bước đầu tiên để giải quyết được nó. Bởi vậy mà khi viết ra được cái “sớ” vấn đề của mình xuống nhật ký hay lên mạng xã hội, chúng ta lại thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều.

“Giải tỏa” trên mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi

Dù việc “viết sớ” trên mạng xã hội có tính chất giải tỏa cao giúp bạn nhẹ lòng hơn, nó cũng mang lại những hậu quả khôn lường. Nhiều trường hợp “xả” nhanh chóng bị dân mạng phản bác, hoặc khiến bạn muốn “độn thổ” khi đọc lại sau này. Mấu chốt vấn đề nằm ở thùy trán (frontal lobe) - cơ quan đóng vai trò kiểm soát các hành vi xã hội của con người.

Nói cách khác, thùy trán giúp bạn ý thức được những gì mình làm có ảnh hưởng thế nào, và ngăn chặn bạn để tránh rước họa vào thân. Nhưng đáng tiếc là tốc độ xử lý của nó không theo kịp thời đại số, nên đôi khi bạn không đủ thời gian cân nhắc xem những gì muốn chia sẻ có thật sự phù hợp hay không.

Bên cạnh đó, đây là thời đại văn hóa “chụp màn hình” lên ngôi. Những dòng trạng thái, story, hình ảnh hay livestream của bạn có thể bị kẻ xấu cắt ghép và lợi dụng sai ngữ cảnh, khiến bạn mất thời gian dài giải quyết hậu quả. Vì vậy mà trên mạng xã hội, những gì bạn chia sẻ không thực sự là việc của riêng bạn nữa.

06jun2024240604livestream1jpg
Việc chia sẻ không sai, nhưng chia sẻ với nhầm người có thể mang lại hậu quả khôn lường.

Vậy thì nên “chia sẻ” thế nào cho an toàn?

Để giúp thùy trán theo kịp mạng xã hội, bạn có thể để chế độ “chỉ mình tôi” trước khi công khai chia sẻ. Điều này vừa giúp bạn giải tỏa cảm xúc, vừa giữ bản thân được an toàn, lại có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định công khai.

Tuy nhiên tác dụng của việc “viết sớ” hay livestream cũng chỉ dừng ở mức độ giải tỏa, còn vấn đề thì vẫn luôn ở đó. Về lâu dài, bạn nên tìm phương án giải quyết tận gốc rễ, đặc biệt với các vấn đề tâm lý cần lời khuyên từ người có chuyên môn để thực sự có hiệu quả.