Vì sao ta cứ thích đăng bài rồi lại vội xoá? | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 02, 2022
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Vì sao ta cứ thích đăng bài rồi lại vội xoá?

Rồi cả đăng trạng thái, up story - Sao đăng chi rồi lại "quay xe"?
Vì sao ta cứ thích đăng bài rồi lại vội xoá?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Đã bao giờ bạn trót nói ra một câu đùa “thiếu muối” và rồi nhận lại sự im lặng đến rùng mình từ những người xung quanh? Hay đã bao giờ bạn đang ngủ thì chợt tỉnh giấc vì nhớ lại hành động xấu hổ mà mình làm nhiều năm trước?

Mỗi chúng ta đều có những lúc nông nổi, để rồi sau đó thì ước gì mình có thể quay về quá khứ để thu hồi.

Nhưng sẽ ra sao nếu bạn có thể sửa sai mà không cần quay ngược thời gian?

Vậy thì bạn chỉ cần xóa bài đăng và coi như chưa có gì xảy ra. Nếu sửa sai ở ngoài đời khó thì “quay xe” trên không gian số chỉ cách bạn vài cái chạm.

Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao mà hành vi đăng-xóa lại phổ biến trên mạng xã hội đến vậy?

Mạng xã hội khiến tay chúng ta nhanh hơn não

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Ramani Durvasula, mong muốn thể hiện quan điểm, nêu ý kiến và thu hút sự chú ý thuộc về phần bản năng của con người (theo vice).

Tuy nhiên, chưa bao giờ việc nói ra một điều gì đó, với nhiều người, cùng một lúc, lại dễ dàng như vậy cho đến khi mạng xã hội xuất hiện.

Ở thời mà thư tín vẫn còn là hình thức liên lạc chính, chúng ta mất hàng giờ để ngồi xuống soạn một bức thư, gắn tem, ra bưu điện và gửi. Bạn có rất nhiều thời gian để cân nhắc xem những gì mà mình viết ra có thật sự sáng suốt hay không.

alt
Vào thời gửi thư, chúng ta có nhiều thời gian hơn để cân nhắc xem những gì mình viết có thật sự khôn ngoan không.

Và trong khoảng thời gian đó, thùy trán (frontal lobe) sẽ hoạt động. Đây là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các hành vi xã hội của con người. Hay nói các khác là giữ cho sự bột phát của bạn không đi quá xa.

Khi ý thức được những gì mình làm có khả năng gây mâu thuẫn, ảnh hưởng đến chính mình hoặc người khác, chúng ta sẽ dừng lại để tránh mang rắc rối vào người.

Nhưng sự tồn tại của mạng xã hội đã loại bỏ gần như tất cả các rào cản của thời gửi thư. Và thùy trán của chúng ta thì không theo kịp tốc độ của thời đại số.

Tuy nhiên, sau khi tay bấm nút đăng thì thùy trán mới kịp “tỉnh ngộ”. Điều này lý giải vì sao nhiều người thu hồi dấu vết của mình.

alt
Tuy nhiên, mạng xã hội với sự nhanh và tiện khiến não chúng ta không kịp thời cân nhắc.

Và tương tự như đăng status, mạng xã hội cũng cho chúng ta “làm lại cuộc đời” với tốc độ tương tự. Trước đây nếu thư đã gửi thì coi như chấm hết, thì giờ đây bạn có cơ hội để thu hồi nước đi của mình.

Bạn đã đạt được mục đích khi đăng bài

Có những lúc chúng ta đăng bài chỉ với mục đích ngắn hạn như: than phiền đôi chút, tìm kiếm phản hồi,...

Theo Chris Stedman, tác giả của cuốn sách “IRL: Finding Realness, Meaning, and Belonging in Our Digital Lives” thì những bài đăng là một cách để nhắc nhở chính bạn và những người xung quanh về sự tồn tại của mình. Và điều này mang lại cảm giác tự do.

Chẳng hạn, trong thời điểm giãn cách dài ngày, nhiều người cũng đã coi việc đăng status là cách để giải tỏa. Hoặc dễ thấy hơn là những status thả thính. Và sau khi đã đạt được mục đích (được đồng cảm trước lời than phiền, được crush trả lời) thì họ không cần đến status đó nữa.

Có lẽ đây là lý do mà chức năng story (bài đăng tự biến mất sau 24 giờ) lại được phát minh và ưa chuộng đến vậy.

Bạn bây giờ và bạn trong quá khứ không còn giống nhau

Một số người không đăng và xóa status thường xuyên. Nhưng thỉnh thoảng, họ sẽ xem lại bài đăng cũ vào vài năm trước và sau đó thì “dọn dẹp” luôn một thể.

Mạng xã hội cũng giống như cuốn nhật ký của bạn. Và cũng giống như khi đọc lại nhật ký, đôi khi chúng ta cũng cảm thấy khá xấu hổ với những gì mình làm thời “trẻ trâu”.

Tuy nhiên khác biệt nằm ở chỗ là mạng xã hội thì công khai. Và bạn bây giờ và bạn của 5 năm trước thì không giống nhau. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi bạn không muốn những người quen mới thấy phiên bản cũ của mình.

Đăng-xóa: Không tệ nhưng cẩn thận vẫn hơn

Cũng giống như việc thỉnh thoảng vạ miệng và muốn quên đi, đăng-xóa là cách mà mạng xã hội cho phép bạn làm điều đó, không chỉ về mặt tinh thần mà còn là về khía cạnh vật lý.

Tuy nhiên, nếu thấy mình liên tục rơi vào vòng lặp hối hận của việc đăng rồi lại xoá, thì bạn có thể cân nhắc đăng trạng thái dưới chế độ “chỉ mình tôi” trước khi công khai nó.

Điều này vừa giúp bạn giải tỏa cảm xúc, vừa giữ bản thân được an toàn. Đặc biệt là trong thời buổi mà “chụp màn hình” thì nhanh hơn “xóa bài đăng”.

Pamela Rutledge, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Truyền thông, đã chia sẻ rằng “Như nhiều cảm xúc khác, hối tiếc là một bản năng sinh tồn. Đó là cách não bộ bảo chúng ta hãy nhìn nhận lại những lựa chọn của mình — một tín hiệu cho thấy hành động của chúng ta có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực”.