Disney có lẽ chẳng thể chơi lớn được bằng Việt Nam khi vừa qua, một bức tượng Elsa siêu to khổng lồ đã xuất hiện ngay tại thành phố Sapa.
Đây cũng từng là địa điểm gây sóng tạo gió trên mạng xã hội với bức Tượng Nữ thần Tự Do giả trân. Đa phần dư luận đều chỉ trích bức tượng Elsa vì tác phẩm này thiếu những giá trị thẩm mỹ. Vậy nếu liệu tượng đẹp, câu chuyện về Elsa có khác?
Những khu du lịch bản sao
Chuyện khu du lịch “thập cẩm” thật ra không phải vấn đề mới. Người tiền nhiệm của Sa Pa trong vấn đề này chính là Đà Lạt. Cách đây không lâu nhiều bài báo đã chỉ trích rằng Đà Lạt đang trở thành bản sao của Bali khi nhiều khu du lịch liên tục “sao chép" các địa điểm “check in" nhằm thu hút khách du lịch.
Nếu Việt Nam chỉ có Elsa thì Trung Quốc có cả công viên Disney đạo nhái đã bị đóng cửa vì vi phạm bản quyền. Trung Quốc dường như chứa cả thế giới khi Tháp Eiffel, Đại lộ Champs-Élysées,... đều xuất hiện một bản sao “không chính chủ".
Hiện tượng này phổ biến đến nỗi báo giới quốc tế tạo ra tên gọi mới cho nó là “duplitecture” - kiến trúc sao chép. Có lẽ những nhà thiết kế đã quá tham vọng khi tin rằng họ có thể tự mình tái dựng lại những kỳ quan của thế giới như một cách khẳng định chính mình. Nhưng rồi những tâm huyết đổ vào cũng chỉ trở thành tấm phông nền cho những tấm ảnh cưới không hơn không kém.
Tại sao ta cứ phải sao chép những kỳ quan đẹp đẽ?
Trung Quốc bận rộn sao chép thế giới, còn các khu du lịch của Việt Nam thì đang học theo nước đi này theo cách hết sức nửa vời.
Tây hóa những địa điểm du lịch không làm Việt Nam trở nên đẹp hơn. Một du khách từ Châu Âu không tới Việt Nam để được nhìn phiên bản lỗi của quê hương mình.
Nhắc tới Sa Pa ta nghĩ về những thửa ruộng, về thành phố mù mây và những bản làng của người H'Mông, Dao Đỏ,... Bản thân vùng đất này không cần thêm một Elsa, sản phẩm của trời Tây, để “tô điểm" thêm cho vẻ đẹp tự nhiên vốn có của nó. Duplitecture đang khiến vẻ đẹp tự nhiên của địa danh bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên khi ta quay lại lý do tại sao những kiến trúc sao chép được xây dựng ta có thể thấy nó giúp đảm bảo nhu cầu du lịch cho tầng lớp trung lưu, những người không có điều kiện du lịch nước ngoài.
Nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt khi tại Trung Quốc, các quần thể kiến trúc này xuất hiện ngày càng nhiều. Trào lưu như đặt tên đường, địa danh bằng tiếng nước ngoài cũng trở nên phổ biến. Hiện nay, có tới hơn 400.000 ngôi làng tại Trung Quốc bị thay tên đổi họ bằng những cái tên hết sức Tây, gây tổn hại trực tiếp lên bản sắc cổ truyền.
Rõ ràng những bản sao đang có ảnh hưởng tiêu cực tới văn hóa Trung Quốc khi mà chính quyền phải mạnh tay với lệnh cấm để hạn chế sự "lây lan" của duplitecture.
Nên nhập khẩu văn hóa như thế nào?
Thế giới phẳng đã biến địa cầu trở thành ngôi làng khổng lồ và mỗi quốc gia là một cư dân trong đó. Bức tượng Elsa có thể được coi như “món hàng" được nhập khẩu, mang giá trị thương mại, kích thích sự tò mò của nhiều người.
Sự nhập khẩu văn hóa này đôi khi tạo ra những kết quả tốt như món ăn bánh mì, hay bánh pate chaud. Nhưng những khu du lịch được sao chép, rõ ràng không nằm trong trường hợp này.
Điều này cho thấy rằng nhập khẩu văn hóa không xấu, tuy nhiên cần có chọn lọc.
Trung Quốc vẫn là ví dụ kỳ lạ về cách “chọn lọc” văn hóa. Vấn đề về kiểm duyệt tại Trung Quốc cực đoan tới độ nhiều bộ phim như “The shape of Water" hay “ Bohemian Rhapsody” đều bị cấm vì không phù hợp với "thuần phong mỹ tục".
Rõ ràng chẳng có bản hướng dẫn chính xác nào cho việc quản lý văn hóa. Những có một điều rõ ràng: cấm cản chưa bao giờ là giải pháp tốt khi nó chỉ gây ra những chia rẽ, tạo nên những ngọn sóng ngầm của mâu thuẫn trong cộng đồng.
Ta muốn được nhìn vào như thế nào?
Trong bài viết “Con đường nào giúp Việt Nam xuất khẩu văn hóa?”, tác giả Minh Đỗ đã nhấn mạnh câu hỏi liệu đâu là thứ xây nên chất Việt?
Việt Nam là đất nước gia công hàng xuất khẩu lớn. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ta muốn được nhìn nhận như một quốc gia chuyên tạo ra bản sao.
Trung Quốc có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Tuy nhiên, nhắc tới nước này thế giới chỉ nghĩ tới những phiên bản sao chép, những thành phố giả, những vụ kiện tụng về bản quyền. Đây không phải là cách mà một quốc gia muốn được nhìn nhận vào.
Chuyện Elsa tại Sa Pa tưởng chừng như một câu chuyện buồn cười và mâu thuẫn về việc bức tượng “nhập khẩu" từ Tây, trở thành điểm du lịch, công cụ giúp xuất khẩu văn hóa Việt. Nếu nó xấu thì ta nhìn vào cười đùa, chế giễu và làm meme. Vậy nếu bức tượng đẹp liệu có gì thay đổi?
Câu trả lời vẫn không thay đổi, bức tượng vẫn chỉ là bản sao, không hơn không kém. Dù có đẹp đến bao nhiêu thì khả năng cao vẫn sẽ bị kiện, bị dính bản quyền. Những gì còn lại chỉ là một đất nước “giỏi" sao chép, nằm cạnh Trung Quốc.
Con đường đi tìm bản sắc Việt Nam vẫn còn dài. Tuy nhiên, ta không thể đi được đến đích nếu cứ tiếp tục sao chép Elsa.