Quyết định nào cũng là một sự đánh đổi. Đặc biệt, trong sự nghiệp, một đánh đổi sai lầm có thể rẽ lái bạn đi rất xa khỏi đích đến mong muốn. Vậy sự đánh đổi nào là xứng đáng vào giai đoạn đầu sự nghiệp? Sự đánh đổi nào sẽ giúp bạn tạo dựng một sự nghiệp vững chắc và lâu dài?
Dưới đây là một vài lời khuyên hay đúng hơn, mindset (tư duy) về sự nghiệp của những người từng trải. Hy vọng giúp bạn có thêm góc nhìn mới trên hành trình phát triển sự nghiệp.
1. Không gì là không thương lượng được
Công ty mơ ước đăng tin tuyển dụng, nhưng yêu cầu tối thiểu 3 năm kinh nghiệm, trong khi bạn mới chập chững vào ngành. Rất nhiều người sẽ bỏ cuộc khi đối mặt điều này.
Nhưng nếu thực sự muốn, bạn sẽ vẫn tìm ra cách. Ví dụ, nếu thiếu 2 năm kinh nghiệm thực tế, nhưng bạn đã rất thành công trong các dự án thời đại học, hãy trình bày về chúng. Cho họ biết bạn đã học được gì, kinh nghiệm được gì. Bạn nhìn nhận công việc đang tuyển có tương đồng hay khác biệt gì. Và bạn dự định làm gì để lấp đầy khoảng cách đó.
Thậm chí bạn có thể thử tìm một vấn đề công ty hay vị trí tuyển dụng chưa giải quyết tốt và đề xuất cách của mình. Đó là hướng đi hữu hiệu và cụ thể nhất để người quản lý biết khả năng đóng góp của bạn cho công ty.
Ngoài những nghề nghiệp đòi hỏi kiến thức hàn lâm như luật hay y dược thì hầu hết mọi yêu cầu công việc đều linh hoạt và có thể thương lượng. Bạn chỉ cần chứng minh bản thân đủ năng lực và mang lại được giá trị cho công ty.
2. Cảm thấy bản thân không đủ giỏi có thể là tín hiệu tốt
The New York Times từng làm một nghiên cứu để so sánh khả năng kiếm tiền giữa các nhóm người. Kết quả là người Châu Á có vẻ dễ đạt được thành công hơn các nhóm còn lại.
Lý do lớn nhất là văn hoá. Những đứa trẻ Châu Á thường được nuôi dạy trong môi trường kỷ luật cao, cùng kỳ vọng lớn của cha mẹ. Chúng được dạy cần luôn cố gắng để không phụ sự hy sinh của thế hệ trước, cần nỗ lực hơn nữa để “đổi đời”.
Những điều này, dù dẫn đến cảm xúc tiêu cực như không bao giờ cảm thấy đủ giỏi hay thiếu tự tin… nhưng cũng là động lực để họ bền bỉ cố gắng. Và thứ động lực tự thân ấy lại chính là chìa khoá cho một sự nghiệp thành công.
3. Không có gì là “phi thực tế”, chỉ là bạn chưa dám nghĩ về nó
Với một cô gái sống ở làng quê mà số người tốt nghiệp cấp 3 chỉ đếm trên đầu ngón nay thì việc đỗ Đại học Ngoại Thương là “phi thực tế”. Làm việc cho Google – một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, với một anh chàng nghèo chỉ được học tập ở mức tối thiểu là điều “phi thực tế”.
Thế nhưng, điều bạn nghĩ là “phi thực tế” lại đang diễn ra hàng ngày ngoài kia. Và việc gán mác “phi thực tế” là một hình thức tự giới hạn khả năng chính mình.
Hãy mở rộng phạm vi hiểu biết, làm việc bên cạnh những người giỏi nhất trong lĩnh vực bạn theo đuổi, đọc sách họ viết, quan sát những điều họ làm hàng ngày…Và một ngày nào đó, bạn sẽ làm được những điều chính bạn từng nghĩ là “phi thực tế”.
4. Đừng chọn công việc chỉ vì “mức lương trung bình” của ngành cao
Chọn nghề lương cao hay chọn nghề vì đam mê vẫn luôn là câu hỏi không hồi kết. Theo một nghiên cứu, những công việc có mức thu nhập trung bình cao nhất tại Việt Nam là: quản trị điều hành, tài chính và marketing – truyền thông. Vậy nếu như thứ bạn yêu thích không thuộc 3 lĩnh vực trên thì sao? Không lẽ bạn sẽ nghèo cả đời?
Lựa chọn làm công việc theo đúng đam mê, ban đầu có thể chưa đem lại thu nhập tốt. Nhưng về lâu dài, đam mê sẽ đem đến động lực để phát triển đường dài, thúc đẩy bạn không ngừng trau dồi và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực. Và khi đó, tiền bạc có lẽ không còn là nỗi bận tâm.
Trái lại, lựa chọn công việc lương cao, nhưng bạn không yêu thích, có thể gây ra căng thẳng, chán chường và cảm giác không thoả mãn trong cuộc sống. Trong vở kịch “The Lower Depths” của nhà văn kiệt xuất nước Nga Maxim Gorky (1868-1936) có câu thoại rằng: “Khi công việc thoải mái, cuộc sống sẽ vui vẻ. Khi công việc là nghĩa vụ, cuộc sống sẽ như tù đày”.
5. Chọn sếp, chứ không phải lương hay công ty
Trên cả mức lương, chức vụ hay bản chất công việc, sếp sẽ là nhân tố có ảnh hưởng lớn tới thành công sự nghiệp của bạn. Một người sếp tốt sẽ giúp “mở khoá” mọi tiềm năng, sẽ “đặt” bạn vào những công việc phù hợp năng lực, sẽ không ngừng chia sẻ và truyền động lực để bạn phát triển. Hơn nữa, sẽ là người kết nối bạn với những người có uy tín để mở ra nhiều tiềm năng trong sự nghiệp.
Đặc biệt với những bạn trẻ ít kinh nghiệm, được làm việc với những người sếp có tâm, có tài là cách thức nhanh và bền nhất để khám phá bản thân và tích luỹ kinh nghiệm.
Vì vậy, cùng với việc tìm hiểu về lương, chính sách đãi ngộ, cơ sở vật chất…hãy tìm hiểu thêm về tỷ lệ nghỉ việc, phản hồi của nhân viên về sếp, hoặc trò chuyện với người đi trước để nhờ kết nối tới người sếp phù hợp.
6. Đừng ngại nhận lương thấp hơn cho công việc phù hợp
Đôi khi việc được gia nhập một công ty danh tiếng hay mức lương chót vót khi vừa bắt đầu công việc sẽ là cám dỗ khó cưỡng. Nhưng nếu ngoài việc đó, bạn không học được bất kỳ điều gì đáng kể để giúp phát triển sự nghiệp, thì đó không phải lựa chọn khôn ngoan.
Lương hay tiếng tăm không bao giờ là thứ nên ưu tiên ở giai đoạn đầu sự nghiệp. Hãy nhìn đường dài và xem xét liệu cơ hội này có giúp bạn đạt được mục tiêu nghề nghiệp hay không. Và đừng vội rời bỏ một công việc nếu nó không ngay lập tức giúp bạn đạt được thu nhập hay vị trí mong muốn.
Những thứ tốt luôn cần thời gian và nếu lựa chọn được thứ thật sự tốt, một bước lùi của bạn sẽ gặt hái được ba bước tiến.
7. Điều đưa bạn lên cấp độ 1 chưa chắc đã đưa bạn đến cấp độ 2
Bắt đầu sự nghiệp, những kỹ năng cứng rất cần thiết để bạn tìm được việc hay trụ lại một vị trí nào đó. Nó có thể là viết lách, thiết kế, chụp hình, kế toán… Nhưng khi bước lên một nấc thang cao hơn là quản lý, riêng những kỹ năng ấy không đủ để bạn thành công. Bạn cần học cách làm việc và kết nối mọi người, biết cách sắp xếp và quản lý nhân sự…
Nếu cứ tiếp tục “ru ngủ” bằng những thành tựu lúc trước, bạn sẽ rất dễ vấp ngã.
Vì thế hãy luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng học hỏi, rèn luyện kiến thức, kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu công việc. Và luôn nhớ, đừng dễ dàng thoả hiệp với những điều mình đang có.
8. Giáo dục thật sự bắt đầu sau đại học
Thực tế, nhất là ở Việt Nam, những điều bạn được dạy ở Đại học chỉ là một “giọt nước” lý thuyết trong một biển cả kiến thức.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến quý II năm 2018, số lao động thất nghiệp ở trình độ đại học là khoảng 126.000 người. Mặc dù trên thực tế, thị trường lao động đã và vẫn có nhu cầu sử dụng lao động có trình độ đại học trở lên.
Vì vậy, một chiếc bằng giỏi không khẳng định được năng lực của bạn. Hãy tranh thủ mọi cơ hội học hỏi từ sách, báo, nghiên cứu khoa học, tiếp xúc với nhiều người từ nhiều lĩnh vực khác nhau để mở rộng vốn kiến thức. Đó cũng là cách bạn trau dồi khả năng “connect the dot” giúp bản thân tìm kiếm được nhiều cơ hội hơn và đột phá hơn trong công việc.
9. Chia sẻ giá trị, đừng chia sẻ thành tích
Khi đạt được một thành tựu hoặc khám phá ra điều gì đó, ví dụ như một kiến thức chuyên môn mới, hoặc một dự án tâm đắc, hãy ghi chép lại và chia sẻ trên mạng xã hội.
Khác với việc khoe mẽ thành tích, hãy chú trọng vào việc chia sẻ kiến thức hay hướng giải quyết cho những người từng có những khúc mắc giống bạn. Đây cũng là một hình thức xây dựng “thương hiệu cá nhân”, khẳng định dấu ấn của bạn trong một lĩnh vực nhất định.
Ví dụ nếu theo đuổi ngành nhân sự, bạn có thể chia sẻ những sự kiện hữu ích, những mô hình quản trị nhân sự kiểu mới, hay những bài học tuyển dụng mà bạn vừa trải qua. Khi ai đó trong mạng lưới của bạn gặp vấn đề về nhân sự, bạn có thể là người đầu tiên họ tìm tới.
10. Thành công của bạn không phụ thuộc vào tên tuổi công ty
Bạn được nhận vào làm tại những công ty triệu đô như Google, Facebook không có nghĩa là bạn đã thành công. Bạn làm trong những quán cafe, cửa hàng đồ ăn nhỏ không có nghĩa là bạn thất bại.
Một nhà đầu tư mạo hiểm ở Silicon Valley từng quyết định làm việc tại một quán cafe trong một tháng. Trong thời gian này, ông đảm nhiệm vị trí nhận đơn hàng và phục vụ cafe cho khách. Ông coi đây cơ hội tốt để tìm hiểu thực tế cách một cửa hàng vận hành, xử lý vấn đề hậu cần, tâm lý khách hàng… Những trải nghiệm này là nền tảng tốt cho những thương vụ đầu tư vào lĩnh vực ăn uống của ông sau này, cũng như khi ông có ý định mở cửa hàng riêng.
Không có công việc nào là tầm thường hoặc sang trọng. Quan trọng nhất là cách bạn vận dụng chúng để đem lại thành công cho mình.
11. Người chiến thắng không bao giờ đi “cửa trước”
Steven Spielberg, một trong những nhà sản xuất điện ảnh nổi tiếng nhất trong lịch sử Mỹ với những huyền thoại như Hàm cá mập (1975); Công viên kỷ Jura (1993)… từng không được nhận vào trường điện ảnh vì kết quả học tập quá tệ. Không nản lòng, ông tự làm một bộ phim ngắn và nhanh chóng thu hút sự chú ý của phó chủ tịch Universal. Ngay sau đó, ông được nhận trực tiếp vào Universal Studios và trở thành đạo diễn trẻ tuổi nhất Hollywood.
Ông lựa chọn cách đi khác hẳn với số đông. Trên thực tế, không ai có được những cơ hội phi thường bằng cách tiếp cận thông thường.
Bạn muốn giành được công việc mơ ước khi có cả hàng ngàn ứng viên đang cạnh tranh, đừng dừng lại ở việc gửi đi một bản CV rồi ngồi chờ. Hãy quan sát để tìm thấy những con đường mới, những “quy tắc bất thành văn”, cung cấp cho nhà tuyển dụng những thứ họ muốn trước cả khi họ phải yêu cầu. Đó là cách bạn giành chiến thắng.
Bài viết được thực hiện bởi Tracy, lấy cảm hứng từ bài viết của Raghav Havan đăng trên Medium.
Xem thêm:
[Bài viết] Nếu muốn phát triển sự nghiệp, đừng ngại hỏi sếp 5 điều này
[Bài viết] Tổng quát viên: Xu hướng sự nghiệp sẽ thống trị trong 5 năm tới