Thời gian trước dịch, tôi thường ra ngồi cafe đọc sách vào cuối tuần đợi bạn mình trượt patin gần đó. Một ngày, khi thấy có cậu bé chơi skateboard lướt ngang qua, tôi nảy ra ý định mua một chiếc ván giống thế để có thể trượt ván trong lúc bạn mình chơi patin. Sau đó phần vì công việc, phần vì đại dịch, chúng tôi quên mất ý nghĩ đó.
Cho đến một ngày, tôi tình cờ phát hiện ra, cậu bạn mình quen hồi cấp hai hoá ra chơi trượt ván rất cừ. Nhớ lại ý định ngày trước, tôi bèn nhờ cậu tìm giúp một chiếc ván hợp với mình. Số tiền sắm một chiếc ván cho người mới tập chơi, phù hợp với cỡ chân tôi có giá là 1 triệu 6. Chi phí đã bao gồm tiền giảm giá, do anh chủ tiệm là bạn thân của cậu đó.
Là người hướng nội và luôn đặt công việc lên trên hết, tôi dành ra 8 tiếng mỗi ngày ở công ty để hoàn thiện các đầu việc. Mùa cao điểm khi có dự án lớn, việc tăng ca đến 9-10h đêm trở thành một lẽ hiển nhiên.
Dần dần, không chỉ sức khỏe tinh thần, thể chất tôi cũng đi xuống, do ngồi trước máy tính quá nhiều, gây nên chứng đau cột sống thường thấy. Mỗi khi buông máy tính, mắt tôi mỏi nhừ và trí nhớ giảm sút đi nhiều. Việc ra khỏi nhà vào mỗi thứ 7 và Chủ Nhật để đi trượt ván dường như đã thay đổi những điều đó.
Ngày đầu tiên mang ván ra sân trượt, tôi khá lo sợ. Nỗi lo sợ đám đông khiến tim tôi cứ đập rộn ràng. Tôi cảm nhận được cả hai má đỏ ửng lên khi đến sân trượt, với bao con người đang lướt đi trơn tru trên chiếc ván. Nhưng câu hỏi lớn hơn nỗi sợ của tôi là: Một người mới tập chơi, tôi sẽ đi được trên chiếc ván chứ?
Trái ngược với những suy nghĩ của mình, các bạn tại sân nhận ra tôi là gương mặt mới. Mỗi khi đi ngang qua tôi, họ đều thả xuống một kỹ thuật dành cho người bắt đầu: “Bạn chọn xem chân nào là chân trụ rồi đi dần cho quen”, “Chị ơi em cũng mới tập, mình đi vòng quanh sân với nhau đi”, “Em tập đứng vững trên ván bằng hai chân như này nè”,...
Tôi mất khoảng một tháng chỉ để quen với những bước đi cơ bản nhất trên chiếc ván. Khi đã di chuyển vững vàng hơn, lướt nhanh hơn trên đoạn đường, chân đặt trên chiếc deck được nâng bằng 4 bánh xe, tôi cảm thấy rất tự do.
Tự do ở đây không chỉ xuất phát từ việc điều khiển chiếc ván bằng nhịp điệu, đôi chân của mình, nó còn đến cả trong trí óc của tôi nữa. Bộ não của tôi không còn phải suy nghĩ về công việc, cuộc sống hay bất cứ phiền muộn, băn khoăn, trăn trở nữa. Nó gói gọn trong 2 chữ: niềm vui và hạnh phúc.
Trước nay tôi đã quen với cuộc sống tự lập và tận hưởng cảm giác một mình. Mỗi khi muốn mở rộng tầm nhìn của mình, tôi tìm đến phim hoặc sách, xem và đọc nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn. Nhưng với việc ra ngoài cùng chiếc ván, thế giới quan của tôi không chỉ xoay quanh những dòng chữ, khung hình hay tình huống thoại nữa.
Đó là tiếp xúc trực diện giữa người và người, là khi những người bạn cùng chơi skate thoải mái nói lời đồng ý với em bé bán kẹo dạo đi ngang qua kêu: "Các anh ơi, cho em mượn ván tập một trick mới nhé". Hay một cậu bạn vô tình làm tróc một lớp gỗ mặt dưới ván đi mượn, chủ nhân chiếc ván cười huề: "Không sao đâu bạn, xước tí nhằm nhò gì". Ngày hôm sau, một thương hiệu bán deck tặng cậu một mặt ván mới, "Vì cộng đồng cả mà em".
Chúng tôi, có người là bác sĩ, freelance, sắp tốt nghiệp, hoặc bỏ học đi làm. Dù là ai, làm ngành nghề gì, đều gắn kết với nhau bằng tình yêu dành cho một nền văn hóa sát mặt đất. Tôi cũng học được cách mở lòng với mọi người, khám phá nhiều hơn về định nghĩa của sự “tự do”, biết cho đi và nhận lại thuần túy nhất.
Với tôi, 1 triệu 6 mua một chiếc ván trượt đã mang lại cho tôi những giá trị về sự trải nghiệm và những bài học, mà không mệnh giá tiền nào có thể đo lường được.