20 Nghịch lý luôn “thuận lý” trong cuộc sống | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
30 Thg 06, 2024

20 Nghịch lý luôn “thuận lý” trong cuộc sống

Những nghịch lý đầy mâu thuẫn, nhưng gần như luôn đúng trong cuộc sống.
20 Nghịch lý luôn “thuận lý” trong cuộc sống

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Được chuyển ngữ từ bài viết “20 Paradoxes That Are True” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Cuộc sống có những “sự thật đắng lòng” mang đầy tính mâu thuẫn. Bởi nhìn bề ngoài chúng dường như là điều không thể, nhưng kinh nghiệm lại chứng minh điều ngược lại. Phải đến khi nhìn sâu hơn những mâu thuẫn bề ngoài, trí khôn mới bắt đầu hình thành. Dưới đây là 20 nghịch lý tôi đã gặp, mà cho đến bây giờ vẫn đúng:

1/ Bạn càng ghét một đặc điểm nào đó ở người khác, thì càng có xu hướng phủ nhận nó trong chính mình. Carl Jung tin rằng, những đặc điểm ở người khác khiến bạn khó chịu thực chất chính là tấm gương phản chiếu những phần tính cách của bản thân mà bạn đang phủ nhận.

Freud gọi đó là “phép chiếu” (projection), còn trong ngôn ngữ hàng ngày chúng ta vẫn gọi nó là “cư xử tồi tệ”. Chẳng hạn một cô gái thiếu tự tin về cân nặng của mình sẽ luôn nói người khác mập, và chàng trai bất an về tiền của mình sẽ chỉ trích người khác về tiền của họ.

2/ Người không thể tin tưởng người khác thì cũng không đáng tin cậy. Những ai hay cảm thấy bất an trong mối quan hệ thường có xu hướng tự hủy hoại nó. Đây thực chất là một cách giúp con người tự bảo vệ mình khỏi tổn thương: làm tổn thương người khác trước.

3/ Bạn càng cố gây ấn tượng với người khác, họ càng ít ấn tượng về bạn. Chẳng ai thích một người “cố quá” để rồi thành “quá cố” (cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).

4/ Bạn thất bại càng nhiều, thì càng tiến gần đến thành công. Chắc hẳn bạn đã nghe không ít danh nhân nói về điều này rồi. Edison đã thử hơn 10,000 thiết kế (prototype) trước khi chế tạo bóng đèn thành công. Còn huyền thoại bóng rổ Michael Jordan thì từng bị loại khỏi đội tuyển cấp trường trung học.

Nói tóm lại, thành công đến từ sự cải thiện, và sự cải thiện đến từ thất bại. Chẳng có lối tắt nào giúp bạn tiến nhanh hơn đến thành công cả.

26jun2024michaeljordanlooksjpg
Ngay đến những “huyền thoại” như Michael Jordan đều từng gặp thất bại trước khi tỏa sáng. | Nguồn: NBA

5/ Thứ gì càng khiến bạn sợ, thì bạn càng nên thử nó - tất nhiên trừ những hành vi gây nguy hiểm tính mạng, hoặc gây tổn thương về thể chất. Bởi khi đối mặt với nỗi sợ, với chấn thương quá khứ hay với phiên bản mà ta mơ ước trở thành, phản ứng chiến hay chạy (fight-or-flight) sẽ được kích hoạt.

Một vài ví dụ điển hình: mở lời nói chuyện với crush, gọi điện trao đổi trực tiếp để xin việc, diễn thuyết trước đám đông, khởi nghiệp, phát biểu điều bạn biết sẽ gây tranh cãi nhưng nên được nói ra, hay thẳng thắn phê bình/từ chối người khác. Đây đều là những điều bạn sợ, vì đáng nhẽ bạn phải làm chúng từ lâu rồi.

6/ Bạn càng sợ cái chết, thì càng khó tận hưởng niềm vui cuộc sống. Điều này cũng được đúc kết trong một câu châm ngôn tôi yêu thích, “Cuộc sống co ngắn hay kéo dài theo tỷ lệ thuận với lòng dũng cảm của bạn”.

7/ Càng học hỏi nhiều, bạn sẽ càng nhận ra mình biết quá ít. Một câu châm ngôn nổi tiếng khác của Socrates cũng đã đúc kết như vậy: “Mỗi khi bạn hiểu ra thêm điều gì, nó sẽ tạo ra thêm nhiều câu hỏi hơn là trả lời cho câu hỏi vốn có”.

8/ Bạn càng ít quan tâm đến người khác, thì càng ít quan tâm tới chính mình. Điều này có thể đi ngược lại với quan niệm bạn từng có về những người ích kỷ, nhưng kỳ thực là bạn đối xử với chính mình ra sao thì cũng có xu hướng cư xử với người khác như vậy. Cái này nhìn bề ngoài thì không quá rõ ràng, thế nhưng ai tàn nhẫn với những xung quanh thực ra cũng đang tàn ác với chính mình mà thôi.

9/ Càng kết nối nhiều, bạn càng dễ thấy cô đơn. Nhờ mạng xã hội, chúng ta giờ đây giao tiếp được thường xuyên và tức thời hơn bao giờ hết. Thế nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy, mức độ cô đơn và trầm cảm gia tăng ở các nước phát triển suốt nhiều thập kỷ qua.

26jun2024mikhailnilov7584972jpg
Thế giới đã trở nên thật kỳ quặc, khi càng kết nối nhiều thì ta lại càng cô đơn. | Nguồn: Pexels

10/ Bạn càng sợ thất bại, thì càng dễ thất bại. Nó chính là một dạng “ám thị” bản thân mình.

11/ Bạn càng cố đạt được điều gì, thì càng thấy khó đạt được nó. Bởi khi bạn “ám thị” cho rằng việc đó khó, là bạn vô thức làm cho nó khó hơn thực tế. Chính tôi cũng từng bị như vậy: trong nhiều năm tôi cho rằng việc mở lời với người lạ là điều bất bình thường, thế nên nó “khó”.

Thế là tôi dành nhiều thời gian lập chiến lược và nghiên cứu các phương pháp trò chuyện với những người tôi chưa quen biết trước đó, chưa biết mình giống họ ở điểm nào. Tôi không nhận ra rằng, chỉ cần nói lời chào và hỏi vài câu đơn giản là tôi đã thành công đến 90% rồi. Nhưng vì tôi nghĩ nó khó, thành thử tôi vô tình làm cho nó khó với mình.

12/ Cái gì càng có sẵn, bạn càng ít muốn nó. Lý do vì con người có tư duy khan hiếm - chúng ta vô thức cho rằng, thứ gì càng khan hiếm thì càng có giá trị và ngược lại.

13/ Cách tốt nhất để hẹn hò với người khác là không phải lúc nào bạn cũng cần ở bên họ. Tôi từng có bài viết về tư duy “thiếu thốn” và “đủ đầy”, và cách chúng ảnh hưởng ra sao đến mối quan hệ của bạn. Thực tế cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ lãng mạn (bất kể ở cấp độ cam kết nào) là đầu tư nhiều hơn vào bản thân. Tự khắc bạn sẽ thu hút người “cùng tần số” với mình.

14/ Bạn càng thành thật với khuyết điểm của mình, thì càng được người khác quý mến. Điều tuyệt vời nhất của việc mở lòng là bạn trở nên thoải mái hơn với việc không hoàn hảo. Và chính điều đó lại giúp bạn “ghi điểm” trong mắt người khác.

15/ Bạn càng cố giữ ai đó ở gần mình, thì càng vô thức đẩy họ ra xa. Đây là luận điểm đối nghịch với sự ghen tuông trong các mối quan hệ: một khi hành động hay cảm xúc trở thành nghĩa vụ, chúng sẽ mất hết ý nghĩa.

Chẳng hạn nếu người yêu cảm thấy việc dành thời gian cuối tuần bên bạn là nghĩa vụ họ bắt buộc phải làm, thì dù hai bạn có ở bên nhau bao lâu, khoảng thời gian đó cũng chẳng ý nghĩa gì nữa.

04mar2024pexelsrdnestockproject6669865jpg
Một khi hành động hay cảm xúc trở thành nghĩa vụ, chúng sẽ mất hết ý nghĩa. | Nguồn: Pexels

16/ Bạn càng cố cãi nhau với ai, thì càng khó thuyết phục họ nghe theo quan điểm của bạn. Nguyên nhân bởi hầu hết các cuộc cãi vã đều thiên về cảm xúc. Chúng bắt nguồn từ việc một người cảm thấy nhận thức về bản thân hoặc giá trị họ theo đuổi bị xâm phạm. Họ chỉ dùng logic để bảo vệ niềm tin và giá trị sẵn có đó, chứ hiếm khi là để nói lên sự thật khách quan hay để thay đổi quan điểm người khác.

Một cuộc tranh luận (debate) thực sự chỉ diễn ra khi cả hai phía đặt cái tôi sang một bên, để xử lý các dữ liệu họ thu thập được. Và trừ khi bạn tham gia một cuộc thi tranh biện, điều này hiếm khi xảy ra ở ngoài đời. Bất kỳ ai từng tham gia diễn đàn nào trên internet đều sẽ hiểu.

17/ Bạn có càng nhiều lựa chọn, thì càng giảm sự hài lòng với chúng. Đây chính là “nghịch lý lựa chọn” kinh điển. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi có nhiều lựa chọn hơn, bạn sẽ chẳng hài lòng với bất cứ cái nào trong đó. Nguyên nhân do nhiều lựa chọn làm tăng chi phí cơ hội (opportunity cost) đi kèm với mỗi lựa chọn. Do đó, bạn ít hài lòng hơn với quyết định của mình.

18/ Một người càng tin rằng họ đúng, thì càng ít hiểu biết (so với họ nghĩ). Có một mối tương quan trực tiếp giữa độ cởi mở của bạn với những quan điểm khác nhau, và mức độ hiểu biết của bạn về đề tài liên quan tới chúng. Hoặc như triết gia Bertrand Russell từng nói, “vấn đề của thế giới là kẻ ngu ngốc thì tự phụ, còn người thông minh thì luôn đầy nghi hoặc”.

19/ Điều chắc chắn duy nhất, là chẳng có gì chắc chắn trên đời cả. Đầu tôi như muốn nổ tung khi nhận ra điều này năm 17 tuổi.

20/ Thay đổi là điều bất biến duy nhất trong cuộc sống. Đây là một câu châm ngôn có vẻ khá sâu sắc, dù nó không thực sự có ý nghĩa gì. Nhưng mà nó vẫn đúng!