Điều gì “giật dây” sự hấp dẫn của một người? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
29 Thg 10, 2023
Thương

Điều gì “giật dây” sự hấp dẫn của một người?

Theo Mark Manson, mấu chốt quyết định sự hấp dẫn của một người không nằm ở hành vi, mà nằm ở mục đích phía sau hành vi đó. Hiểu được tư duy “thiếu thốn” sẽ giúp bạn xây dựng lối suy nghĩ “đầy đủ” hơn.
Điều gì “giật dây” sự hấp dẫn của một người?

Nguồn: Leohoho @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Find “The One””, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Bạn đang muốn tìm thấy “nửa kia” đích thực dành cho mình phải không? Có phải bạn đã quá mệt mỏi với các ứng dụng hẹn hò, và đang cố tìm kiếm những con người thực sự chất lượng?

Bạn đã trải qua bao nhiêu cuộc hẹn đầy bối rối để tìm ra một người “bình thường”? Và bạn không hiểu vì sao có những người lại chỉ quan tâm đến bản thân, đến mức không thèm bận tâm đến việc thay đổi lịch trình một chút để hẹn hò với bạn?

Nếu những dòng trên miêu tả đời sống tình cảm của bạn, tôi mong bạn suy nghĩ thoáng hơn và nhìn mọi thứ khác đi một chút, kể từ bây giờ.

Trước hết bạn thử nghĩ về điều này: ai cũng muốn một người bạn đời hoàn hảo, nhưng rất ít người muốn trở thành một người bạn đời hoàn hảo của ai đó. Tôi cho rằng phần lớn các vấn đề xung quanh việc tìm ra “người đúng” bắt nguồn từ những kỳ vọng bất cân xứng này.

Giờ bạn thử lật lại vấn đề này và chịu trách nhiệm nhiều hơn một chút cho nó. Nói cách khác, bạn bắt đầu tập trung vào xây dựng cuộc sống bạn thực sự muốn sống, và kiểu bạn đời mà bạn muốn trở thành. Bạn sẽ thấy những kẻ ái kỷ và dối trá phai mờ dần, nhường chỗ cho các kết nối ý nghĩa hơn, tô điểm thêm phần thú vị cho cuộc sống của cả bạn và họ.

Có lẽ tôi cũng bị ám ảnh hơi nhiều về khía cạnh này của đời mình trong nhiều năm. Nhưng sau khi trải qua một vài mối quan hệ không lành mạnh, tôi đã rút ra một bài học quan trọng: cách tốt nhất để tìm được một người tuyệt vời là tự mình trở thành một người tuyệt vời. Nếu bạn đã sẵn sàng suy nghĩ cởi mở hơn và nhìn lại bản thân một cách nghiêm khắc, thì hãy đọc tiếp.

Tránh tư duy “thiếu thốn”

Có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng một khẳng định táo bạo: sự thiếu thốn là ngọn nguồn cho mọi điều kém hấp dẫn. Ngược lại, sự đủ đầy là nguồn gốc cho mọi điều hấp dẫn ở một người.

Nhưng chính xác thì thế nào là tư duy “thiếu thốn” và “đủ đầy”?

Tâm lý thiếu thốn (neediness) xảy ra khi bạn coi trọng những gì người khác nghĩ về bạn hơn là những gì bạn nghĩ về chính mình. Những biểu hiện phổ biến của tâm lý này bao gồm:

  • Bạn thay đổi lời nói hay hành vi của mình để phù hợp với nhu cầu của người khác hơn là chính bạn.
  • Bạn nói dối về sở thích, thói quen hay xuất thân của mình.
  • Bạn theo đuổi một mục tiêu để gây ấn tượng với người khác thay vì thỏa mãn bản thân.

Hầu hết mọi người tập trung vào điều gì tạo nên sự hấp dẫn (hay kém hấp dẫn) trong hành vi. Thế nhưng điều gì tạo nên sự thiếu thốn (và cũng chính là sự hấp dẫn) mới là lý do gốc rễ đằng sau hành vi của bạn.

Bạn có thể nói những câu cool ngầu nhất và làm điều mọi người đều làm. Nhưng nếu bạn làm nó vì một lý do sai, bạn sẽ trở nên thiếu thốn trong mắt người khác. Họ dễ cho rằng bạn đang “đói” sự chú ý từ họ, từ đó mất hứng thú với bạn.

Mấu chốt của sự hấp dẫn (hay kém hấp dẫn) không phải là bạn làm gì, mà là bạn làm nó vì mục đích gì.

Mọi người thường rất dễ cảm nhận được hành vi đòi hỏi. Bạn cũng sẽ cảm nhận được ngay khi ai đó đang “đói” sự chú ý hay tình cảm của bạn - và điều đó khiến bạn mất thiện cảm. Bởi hành vi đòi hỏi thực chất là một kiểu thao túng tâm lý, và mọi người rất nhạy cảm với điều đó.

Để dễ hiểu, bạn thử nghĩ về nó theo cách này: nếu bạn tỏ ra thiếu thốn, bạn đang cố gắng khiến ai đó suy nghĩ hoặc đối xử với bạn theo một hướng nào đó có lợi cho bạn. Nó giống như khi có người cố gắng thuyết phục bạn mua cái gì đó bằng những chiêu trò bán hàng đầy áp lực. Cảm giác đó rất sai, phải không? Và cảm giác khi có ai hành động theo một hướng nào đó chỉ để được bạn thích nó cũng giống như vậy.

26oct2023pexelstranquocbao11099908jpg
Tạo dáng selfie vì bạn thích thì không sao, nhưng nếu để gây ấn tượng với crush thì có thể phản tác dụng. | Nguồn: Pexels

Trên thực tế chúng ta đều sẽ có lúc hành động theo kiểu “đòi hỏi” như vậy. Bởi ta đều quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình - đó vốn là bản chất con người. Nhưng mấu chốt của vấn đề này là, bạn vẫn nên quan tâm đến suy nghĩ của bạn về chính mình hơn là những gì người khác nghĩ về bạn.

Những ví dụ thường gặp về hành vi thiếu thốn

Mức độ thiếu thốn/đủ đầy của bạn thể hiện trong mọi hành vi và lan rộng ra mọi khía cạnh trong cuộc sống. Một vài ví dụ có thể kể đến:

Một người “thiếu thốn” luôn muốn bạn bè cho rằng họ thật ngầu, hài hước hay thông minh. Vì vậy, họ không ngừng gây ấn tượng với bạn bè bằng cách thể hiện sự cool ngầu, hài hước hay thông minh về mọi thứ. Ngược lại, người “đủ đầy” tận hưởng việc dành thời gian với bạn bè vì đơn giản họ muốn vậy, và không cảm thấy mình phải thể hiện trước mặt họ.

Người thiếu thốn mua quần áo dựa trên việc người khác có thấy họ mặc chúng đẹp hay không, hoặc ít nhất họ chỉ mua những món đồ họ cho là “an toàn”. Người đủ đầy sẽ thoải mái mua quần áo theo gu họ đã hình thành theo thời gian.

Người thiếu thốn cố bám trụ công việc họ ghét, chỉ vì nó giúp họ trông oai hơn trong mắt người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Còn người đủ đầy sẽ coi trọng thời gian và kỹ năng của mình hơn ý kiến của người khác. Họ sẽ tìm công việc đáp ứng nhu cầu và thách thức dựa trên hệ giá trị họ theo đuổi.

Người thiếu thốn cố gây ấn tượng với đối tượng hẹn hò bằng cách “thả hint” về ngôi trường họ học, mức lương họ kiếm hay những người quan trọng họ từng gặp. Còn người đủ đầy chỉ cần tìm hiểu về đối phương để xem họ có hợp với mình hay không.

Nhìn chung ta cư xử theo kiểu thiếu thốn khi cảm thấy tồi tệ về bản thân. Vì vậy, ta cố gắng sử dụng tình cảm và sự công nhận từ người khác để bù đắp cho sự thiếu thốn tình cảm và lòng tự tin của chính mình. Và đó là một lý do khác cho các vấn đề trong đời sống hẹn hò của chúng ta: thiếu khả năng tự chăm sóc bản thân.

Chăm sóc tốt bản thân

Không ai nhìn ra được giá trị con người bạn nếu bạn không coi trọng bản thân mình trước tiên. Và việc chăm sóc bản thân khi được thực hiện với tư duy “đủ đầy” chính là cách để bạn chứng tỏ điều đó.

Lưu ý có một ranh giới mong manh giữa việc chăm sóc bản thân vì những lý do đúng và sai. Nếu bạn làm việc này chỉ để người khác thích mình, thì bạn thua cuộc từ đầu rồi - bởi đây chính là hành vi “thiếu thốn”.

Bạn nên chăm sóc bản thân vì bạn thực sự muốn trở thành người khỏe mạnh và thông minh. Đó là mục đích duy nhất của bạn, bởi bạn coi trọng giá trị bản thân hơn là ý kiến của người khác về mình. Nghĩ một cách đơn giản, không ai sẽ thương bạn cho đến khi bạn tự thương lấy mình.

Đây là một vài khía cạnh trong cuộc sống mà bạn nên tập trung vào (nếu bạn vẫn chưa làm):

Sức khỏe

Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần là việc lớn nhất bạn có thể thực hiện để cải thiện cuộc sống. Nó có tác động lớn và lâu dài nhất đến hầu hết mọi khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn, bao gồm cả việc hẹn hò và các mối quan hệ.

Ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn không chỉ giúp bạn đẹp hơn, mà còn khiến bạn cảm thấy tốt hơn mỗi ngày. Khi đó bạn sẽ có nhiều năng lượng và tâm trạng cũng phấn chấn hơn. Nhờ vậy bạn mới dễ dàng bước khỏi nhà, ra thế giới bên ngoài giao lưu với mọi người một cách chân thành và tự tin. Người khác cũng cảm thấy dễ chịu hơn khi ở bên bạn.

25aug2023asianworkoutketutsubiyantopexelsjpg
Khi bạn khỏe mạnh về thể chất, thì tinh thần cũng sẽ phấn chấn hơn. | Nguồn: Pexels

Nếu bạn có bất kỳ tổn thương nào trong quá khứ hoặc vấn đề tâm lý cần giải quyết, hãy xử lý chúng. Trò chuyện với bạn bè, hoặc đi tư vấn tâm lý nếu cần thiết. Bạn là người có thể giúp đỡ bản thân nhiều nhất, nhưng nếu bạn cần chút hỗ trợ từ người khác thì cũng không sao cả. Quan trọng là bạn chăm sóc tốt tinh thần của chính mình.

Tài chính

Tiền bạc là nguồn cơn căng thẳng lớn cho nhiều người. Nó có thể căng thẳng đến mức đa số chúng ta phớt lờ rất nhiều vấn đề tài chính của mình. Điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn: khi bỏ qua những vấn đề tài chính của bản thân, bạn sẽ chỉ khiến chúng tồi tệ hơn và chính bạn cũng căng thẳng hơn theo thời gian.

Căng thẳng kéo dài sẽ làm bạn trở nên kém hấp dẫn. Nó rút cạn năng lượng, gây nhiều vấn đề sức khỏe và khiến bạn trở nên khó ưa. Nếu thấy mình trong những câu trên, đã đến lúc bạn đối mặt trực diện với vấn đề tài chính của mình.

Bạn có thể tìm hiểu về tài chính cá nhân, cắt giảm các khoản chi không cần thiết và tìm cách kiếm nhiều tiền hơn cả về ngắn và dài hạn. Bạn cũng nên mở một tài khoản tiết kiệm chỉ dùng cho trường hợp khẩn cấp, trả nợ càng sớm càng tốt và học kiến thức cơ bản về đầu tư. Nói tóm lại, nên xử lý phần này để nó không “tấn công” các khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn.

Đời sống xã giao

Nếu cuối tuần nào bạn cũng đi quanh quẩn 3-4 quán bar, gặp đi gặp lại 3-4 người, thì đừng thắc mắc vì sao bạn không gặp được những người thú vị và hấp dẫn hơn mà kết nối. Thử ngồi nghĩ một lúc mà xem điều đó lạc hậu đến mức nào.

Việc xây dựng một đời sống xã giao năng động không chỉ mang lại cho bạn một cuộc sống trọn vẹn và thú vị hơn, mà còn giúp bạn tiếp xúc với nhiều người khác nhau. Điều này giúp tăng đáng kể khả năng tìm thấy “đối tượng” bạn có thể hẹn hò.

Một vài ý tưởng bạn có thể tham khảo bao gồm: khám phá những sở thích mới, thử một lớp học nghệ thuật (vẽ, đàn, hát…), đăng ký học võ hay yoga, tham gia chơi thể thao ở địa phương. Làm bất kỳ việc gì khiến bạn phải ra khỏi nhà và tương tác với người khác. Bạn sẽ nhận về “trái ngọt” trong mọi khía cạnh còn lại của cuộc sống.

26oct2023pexelsmonsteraproduction5384609jpg
Để xây dựng đời sống xã giao, hãy làm bất cứ điều gì buộc bạn phải ra khỏi nhà và tương tác với người khác. | Nguồn: Pexels

Bạn sẽ nhận ra cả 3 khía cạnh cần khá nhiều thời gian và công sức để xây dựng. Thực tế có thể bạn sẽ không bao giờ hoàn thành việc xây dựng chúng ở một mức độ nào đó, và điều này hoàn toàn ổn. Cách tối ưu nhất để “xử lý” cả 3 khía cạnh là hình thành những thói quen lành mạnh và nhất quán liên quan đến chúng.

Và mấu chốt vấn đề không phải là bạn đạt đến trạng thái “niết bàn” nào đó trong cuộc sống, nơi bạn có 6 múi, một núi tiền, một lịch trình xã giao dày đặc với hàng nghìn bạn bè và một tình yêu đích thực. Cái chính là bạn cần nỗ lực không ngừng để trở thành phiên bản tốt nhất có thể của chính mình vào bất kỳ thời điểm nào.

Còn tiếp…