3 Kiểu tình yêu bạn sẽ gặp trong đời | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
09 Thg 04, 2023
Thương

3 Kiểu tình yêu bạn sẽ gặp trong đời

Theo Mark Manson, không phải tình yêu nào cũng mang lại một trải nghiệm giống nhau. Và mỗi giai đoạn của tình yêu lại là tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.
3 Kiểu tình yêu bạn sẽ gặp trong đời

Nguồn: Dominic Sansotta @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “The Three Loves Theory” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Mô hình nghiên cứu các mối quan hệ mà tôi yêu thích nhất đến từ nghiên cứu của nhà nhân chủng học Helen Fisher. Bà đã dành hàng thập kỷ tìm tòi để xây dựng hiểu biết sâu rộng về tình yêu, sự thân mật và các mối quan hệ. Trong bài viết này, tôi sẽ nói về 3 kiểu tình yêu - một học thuyết giúp bạn dễ dàng hiểu bản chất của các mối quan hệ.

Tiền đề của học thuyết này có thể phát biểu như sau: không phải tình yêu nào cũng mang lại một trải nghiệm giống nhau. Bất cứ ai đã có chút kinh nghiệm trên tình trường đều hiểu rằng, tình yêu và đam mê mang những hương vị khác nhau.

Với một số người, nó mãnh liệt và dữ dội; số khác lại thấy nó nhẹ nhàng và êm dịu. Một số người trải qua các mối tình hỗn loạn đầy thăng trầm, số khác lại có tình yêu chậm rãi và nhất quán trong suốt thời gian dài.

Để chứng minh tiền đề này, bà Fisher cùng nhiều nhà khoa học khác đã nghiên cứu quá trình nhận thức và sinh học thần kinh phía sau sự hấp dẫn và tình yêu. Họ xác định được những cảm xúc khác nhau xảy ra ở từng giai đoạn trong mối quan hệ. Từ đây, bà Fisher lập sơ đồ các chất hóa học thần kinh của mỗi trải nghiệm yêu, và so sánh với những ví dụ trong thế giới thực.

Bà tổng kết được 3 kiểu tình yêu là ham muốn (lust), đam mê (passion) và cam kết (commitment). Chúng xảy ra ở các phần khác nhau trong não và hoạt động độc lập, không ảnh hưởng tới nhau. Chẳng hạn trong mối tình một đêm, bạn có thể có ham muốn với người kia, nhưng chưa chắc đã muốn cam kết với họ.

Giai đoạn thứ nhất: Ham muốn

Đây là cảm xúc mà có lẽ ai cũng dễ dàng thấu hiểu. Nó đến từ não bộ cấp bò sát, và nó thuần túy là nhu cầu duy trì nòi giống theo bản năng.

Về cơ bản, ham muốn là một câu hỏi mệnh đề có/không: bạn có muốn “mây mưa” với người này, vào lúc này hay không? Nó diễn ra tức thời, dựa trên các yếu tố hấp dẫn về thể chất và hành vi của đối phương.

07apr2023erkerysdauletovhqapek8ns4unsplashjpg
Ham muốn mang tính chất tức thời, hình thành nhờ sự hấp dẫn về thể chất và hành vi. | Nguồn: Unsplash

Ham muốn xuất hiện nhanh chóng, nhưng cũng dễ biến mất với tốc độ ánh sáng. Nó mang tính tạm thời và thay đổi liên tục, hoàn toàn không có yếu tố gắn bó hay thiên vị. Tóm gọn lại, nó chỉ đơn giản là câu hỏi “bạn có muốn làm tình với người này ngay bây giờ hay không?”.

Giai đoạn thứ hai: Đam mê

Đam mê là sự kết nối về cảm xúc diễn ra giữa hai người. Nó bắt đầu xuất hiện ở cấp bậc động vật có vú. Khi hai cá thể biết “say đắm” nhau, họ nhìn nhau không ngớt, trò chuyện xuyên màn đêm và muốn dành từng giờ từng phút bên nhau.

Ví dụ điển hình của kiểu tình yêu này là những cặp vợ chồng mới cưới đi trăng mật, hay Romeo và Juliet. Đam mê được hình thành nhờ mức “chemistry” cao giữa hai người, có vai trò nuôi dưỡng cảm giác mới mẻ và yếu tố bất ngờ trong mối quan hệ. Đây là lý do các cặp đôi lớn tuổi lâu lâu phải “đưa nhau đi trốn” một lần để thắp lại ngọn lửa đam mê trong tình yêu của họ.

Đam mê mang một sức mạnh đáng kinh ngạc, có thể chế ngự hoàn toàn khả năng tư duy logic của con người. Nó khiến chúng ta đưa ra những tuyên bố và cam kết kém chất lượng.

Chẳng hạn có chàng trai tỏ lời yêu cô bạn gái mới, để rồi 4 tháng sau anh lại đổi ý. Hoặc cô gái mơ mộng cả năm trời về việc chuyển vào ở cùng bạn trai, để rồi sau 1 tuần chung sống, cô nhận ra cô không yêu anh nhiều đến thế. Một khi bị đam mê làm mù quáng, bạn dễ bị cuốn vào khoảnh khắc hiện tại và mơ mộng về một tương lai thần tiên cho mối quan hệ.

07apr2023anastasiasklyarxr2tms56j7aunsplashoptimjpg
Đam mê khiến người ta say đắm nhau, nhiều khi quên đi khả năng tư duy logic. | Nguồn: Unsplash

Đam mê không thể hình thành mà thiếu đi ham muốn, dù cặp đôi có thể vẫn say đắm nhau khi ham muốn nguội đi (các cặp vợ chồng già là ví dụ điển hình). Nó chỉ “chết” khi mối quan hệ cạn dần sự mới mẻ và việc chia sẻ các trải nghiệm cùng nhau.

Khi hai người quen nhau được 6-12 tháng - thời điểm sự “mới mẻ” của đối phương bắt đầu giảm xuống, họ sẽ phải vượt qua một bài kiểm tra thực sự về khả năng tương thích với nhau. Nếu họ có thể tiếp tục hòa hợp cuộc sống của nhau bằng cách liên tục chia sẻ những trải nghiệm mới, ngọn lửa đam mê sẽ tiếp tục cháy. Nếu không, chắc chắn nó sẽ tắt lịm.

Và khi giữ được ngọn lửa đam mê, họ sẽ bước sang giai đoạn tiếp theo của tình yêu mang tên:

Giai đoạn thứ ba: Cam kết

Nếu hai người duy trì đam mê đủ lâu và có sự tương thích lâu dài, có thể chia sẻ cùng nhau những trải nghiệm mới vô thời hạn, họ đã đi tới giai đoạn cam kết. Đây là một cảm xúc mạnh mẽ đến khó tin, và cũng rất hiếm khi xảy ra trong cuộc sống.

Cam kết là kết quả khi đam mê “tiến hóa” tới cấp độ vô điều kiện. Các cặp đôi đang trong giai đoạn 2 thường cảm thấy tuyệt vời cho đến khi có biến cố xảy ra: chàng mất việc, nàng bị sảy thai hay một trong hai người nghiện rượu.

Cam kết chỉ diễn ra khi bạn chấp nhận và yêu thương những khuyết điểm của đối phương, giống như cách bạn làm với ưu điểm của họ. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với những cặp đôi đạt tới giai đoạn này, cảm giác về danh tính của họ cũng hợp nhất với người kia.

Các nhà khoa học đã quan sát những kích hoạt thần kinh ở các cặp vợ chồng lâu năm này. Họ hỏi một người đàn ông đã kết hôn 20 năm tưởng tượng đến cảnh vợ bị tai nạn, rồi nghĩ đến cảnh chính mình cũng bị như vậy. Kết quả ở cả hai tình huống, “điểm đau” trong não ông đều phát sáng. Nó sẽ không sáng nếu người bị tai nạn là một người khác, chứ không phải vợ ông.

“Điểm đau” cũng sẽ không sáng ở các cặp đôi mới đang ở giai đoạn 2, hoặc đã sang giai đoạn 3 nhưng chưa đủ lâu. Điều này cho thấy, cam kết sẽ hình thành khi cặp đôi nhìn nhận rằng mối quan hệ của họ sẽ kéo dài vô thời hạn.

07apr2023pexelsluuthienha10055115jpg
Cam kết hình thành khi cặp đôi nhận định rằng, họ sẽ ở bên nhau vô thời hạn. | Nguồn: Pexels

Cách duy nhất mà cam kết có thể chấm dứt, là một hoặc cả hai người phải thay đổi đến mức nguy hiểm cho người còn lại khi “đồng bộ” danh tính. Chẳng hạn người chồng trở nên nghiện rượu, hoặc người vợ liên tục ngoại tình. Tùy thuộc từng cá nhân, nhiều khi sức mạnh của cam kết lớn đến nỗi họ vẫn tiếp tục sát cánh, dù người kia có thay đổi nhiều thế nào.

Khi cam kết tới, ham muốn và đam mê có thể biến mất mà không ảnh hưởng đến nó. Theo cách này, mỗi kiểu tình yêu sẽ là tiền đề hình thành kiểu tiếp theo, song biến mất khi kiểu mới đủ mạnh.

Không có ham muốn thì không có đam mê, nhưng đam mê có thể tồn tại mà không cần ham muốn. Đam mê lại là tiền đề cho cam kết, nhưng khi hai người đã có cam kết, thì đam mê còn hay không cũng không quan trọng nữa.

Mỗi kiểu tình yêu lại có thời gian biểu riêng, dù nó không nhất quán và sẽ khác biệt ở mỗi cá nhân, mỗi cặp đôi. Nhưng để bạn dễ hình dung, hãy tư duy về chúng như thế này:

Ham muốn mang tính chất tức thời, nó đến và đi liên tục. Nếu ham muốn có mất đi, thì tìm lại nó cũng không quá khó khăn.

Đam mê có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để bùng cháy, và sẽ bền vững trong khoảng 3-6 tháng. Nó sẽ trường tồn ở các cặp đôi có tính tương thích cao, song họ vẫn cần nỗ lực và giao tiếp liên tục để duy trì đam mê sau một vài năm.

Cam kết thường hình thành sau khoảng 1-3 năm bên nhau. Nó sẽ ở bên cặp đôi trọn đời trừ khi họ thay đổi và trở nên xa cách. Và kể cả trong trường hợp ấy, họ cũng phải mất vài năm mới gỡ bỏ được sợi dây cam kết.