Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Overcome Loneliness” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Vào tháng 12 năm 2003, một phụ nữ tên Joyce Vincent qua đời sau một cơn hen suyễn tại căn hộ của cô ở Bắc London. Khi cô mất, TV nhà cô vẫn mở, thư vẫn về hòm đều đặn và tiền thuê nhà hàng tháng được khấu trừ tự động từ tài khoản ngân hàng của cô. Ngày tháng cứ thế trôi qua mà không ai hay biết về sự ra đi của cô.
Bên cạnh tòa nhà cô ở là một bãi rác lớn, vì vậy mà hàng xóm không lấy làm lạ khi thấy căn hộ của cô bốc mùi. Cũng không ai nghi ngờ tiếng ồn phát ra liên tục từ TV nhà cô, bởi tòa nhà có rất đông trẻ em và thiếu niên ồn ào.
Cuối cùng thì tài khoản của Joyce cũng cạn tiền, và chủ trọ bắt đầu gửi thư báo trục xuất. Những lá thư ấy, giống như bao lá thư khác, đi vào hòm thư đã đầy kín rồi rơi lung tung xuống sàn nhà cô. Sau 6 tháng không thấy cô trả lời, chủ trọ buộc phải xin tòa án cử thừa phát đến phá cửa đưa cô ra khỏi nhà. Chỉ đến lúc ấy, thi thể cô mới được phát hiện. Thời điểm đó là tháng 1 năm 2006 - hơn 2 năm sau khi cô qua đời.
Điều đáng sợ là ở chỗ, suốt hơn 2 năm ấy không có một người thân, bạn bè hay đồng nghiệp nào đến tìm Joyce. Cũng không có người hàng xóm nào gõ cửa, hoặc chí ít là gọi điện hỏi thăm xem cô ấy thế nào. Cô mới 38 tuổi khi qua đời.
Nghe thì khó tin, nhưng những sự cố kiểu này lại khá phổ biến. Có những người sống một mình mà không giữ liên lạc với gia đình hay bạn bè, cũng chẳng bao giờ biết mặt hàng xóm. Họ bầu bạn với chiếc TV hoặc máy tính của mình quanh năm suốt tháng. Thế giới ngoài kia cứ thế trôi qua như thể không còn biết đến sự tồn tại của họ, cho đến khi họ thật sự biến mất trên cõi đời.
1. Sự cô đơn nghiêm trọng đến mức nào?
Đây là vấn đề ngày một phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Nhiều nhà xã hội học tại Mỹ đã nhận định, khoảng 10-15% dân số nước này sẽ qua đời trong cô đơn, và con số này còn có xu hướng tăng lên trong những năm tới. Điều đáng ngạc nhiên nằm ở chỗ, nhiều người trẻ tuổi thường cảm thấy cô đơn hơn là những người cao tuổi.
Sự cô đơn có hại cho bạn - điều này là không thể phủ nhận. Theo một thống kê nổi tiếng, sự cô đơn có khả năng làm giảm tuổi thọ của bạn tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Tôi không biết họ làm thế nào để tính ra được điều này, nhưng mấu chốt của vấn đề vẫn là: sự cô đơn có hại cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần bạn. Nó làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm, lo âu, các bệnh tim mạch và huyết áp cũng như làm suy yếu hệ miễn dịch.
2. Điều chúng ta chưa biết về sự cô đơn
Vì sao nó diễn ra: Có nhiều giả thuyết giải thích vấn đề này, song chúng ta vẫn chưa tìm ra được câu trả lời nào chắc chắn. Một số cho rằng chủ nghĩa cá nhân ở các nước phương Tây ít chú trọng gia đình và cộng đồng, vì vậy mà tỷ lệ người cô đơn ở các nước này cao hơn so với phương Đông. Một số lại đổ lỗi cho quá trình đô thị hóa và các chuẩn mực văn hóa xung quanh việc có nhà riêng, sống và làm việc độc lập.
Một số khác lại cho rằng sự thay đổi về nhân khẩu học là nguyên nhân chủ yếu. Các gia đình hiện đại sinh ít con hơn, chuyển dịch nơi ở nhiều hơn và dành ít thời gian ở bên các bậc tiền bối trong gia đình. Lại có một số giả thuyết cho rằng, sự suy giảm về đời sống tâm linh và tín ngưỡng khiến người ta ngày một cô đơn, vì tôn giáo vốn là cốt lõi của cộng đồng và sự gắn kết.
Cách khắc phục: Có vô số cách khắc phục cô đơn có thể tìm thấy trên mạng, nhưng chúng ta vẫn chưa chắc chắn cách nào hiệu quả nhất. Các kết nối trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử dường như là phiên bản thay thế tồi tệ cho những mối quan hệ đời thật.
Nếu từng uống nước soda cho người ăn kiêng, bạn sẽ thấy vị của nó không khác gì soda bình thường, song nó hoàn toàn không có chút calories nào. Mạng xã hội và các trò chơi điện tử cũng vậy - nó cho ta cảm giác như đang đi chơi với người khác, nhưng lại không có tí cảm xúc nào. Và điều đó có hại cho ta - nó khiến ta đói cồn cào vì thèm khát cảm xúc.
Sự cô đơn là vấn đề về cả số lượng và chất lượng của những tương tác xã hội. Chúng ta không chỉ cần gặp những người ta biết thường xuyên, mà còn cần cảm thấy thân thiết và tin tưởng họ ở một mức độ nhất định.
Trên thực tế, một số nước đã nỗ lực cải thiện vấn đề này. Năm 2018, chính phủ Anh đã bổ nhiệm một “bộ trưởng cô đơn” chuyên phụ trách các chính sách hỗ trợ và giảm thiểu số lượng người cô đơn trong xã hội. Đan Mạch thì có chính sách “ở ghép” chuyên kết nối những gia đình trẻ cần người trông con với những người già cô đơn đã về hưu để họ có thể hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng nhìn chung đây vẫn là một vấn đề lớn, đến mức các công ty dược phẩm đã bắt đầu nghiên cứu phát triển một loại thuốc điều trị cô đơn (tương tự thuốc điều trị trầm cảm).
3. Những hệ lụy tăm tối của sự cô đơn
Về mặt sinh học, con người là động vật xã hội. Chúng ta đã tiến hóa theo xu hướng sống theo nhóm và nương tựa vào nhau về thể chất. Do đó mà về mặt tinh thần, chúng ta cũng phải dựa vào nhau.
Phần lớn mục đích và ý nghĩa chúng ta theo đuổi trong cuộc sống đến từ các mối quan hệ của ta với những người khác, hoặc từ vai trò được ta nhận thức trong xã hội nói chung. Trên thực tế, nhu cầu kết nối của chúng ta lớn đến mức hầu hết những niềm tin của ta về bản thân và thế giới mà chúng ta hình thành đều gắn liền với các mối quan hệ của ta. Lòng thấu cảm, giống như cơ bắp, sẽ biến mất nếu bạn không luyện tập nó thường xuyên.
Sự cô đơn thường trực cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những người cuồng tín tôn giáo, những kẻ khủng bố cực đoan hay những thuyết âm mưu điên cuồng. Sự từ chối và cô lập xã hội đã cực đoan hóa con người. Cộng thêm sự thiếu vắng của tình cảm và thấu hiểu, họ sẽ rơi vào những ảo tưởng về một cuộc cách mạng cứu rỗi thế giới - tất cả chỉ để tạo cho mình cảm giác có mục đích sống.
Và có lẽ đây mới là mối đe dọa thực sự của mạng xã hội. Nó không hẳn làm ta cô đơn hơn, giận dữ hơn, ích kỷ hơn hay cay độc hơn. Nhưng nó cho những con người cô đơn, giận dữ, ích kỷ và cay độc cơ hội để phơi bày những suy nghĩ kinh khủng của họ. Nó cũng cho họ một nền tảng để kết nối và cùng nhau đi “cứu thế giới” với cái tư duy đó.
4. Làm sao để bớt cô đơn hơn?
Các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách giải quyết vấn đề cô đơn trên quy mô xã hội. Nhưng trong khi chờ đợi, có những điều mỗi chúng ta có thể tự làm để chống lại căn bệnh cô đơn cho chính mình:
Tham gia các hội nhóm
Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc tham gia các nhóm xã hội giúp bạn chống lại cảm giác cô đơn tốt hơn các tương tác riêng lẻ. Ví dụ, các cuộc thăm hỏi riêng lẻ những người già neo đơn không mấy hiệu quả, trong khi việc cho họ tham gia các hội nhóm khiến họ bớt cô đơn hơn nhiều.
Điều này quan trọng bởi hầu hết chúng ta chống lại cô đơn bằng cách tiếp cận những cá nhân khác. Ta cho rằng vấn đề nằm ở chỗ ta có ít tương tác cá nhân, trong khi thực tế sự cô đơn phần nhiều đến từ việc không thuộc về một cộng đồng nào.
Cách dễ nhất để làm được điều này là tìm một hoạt động bạn yêu thích, rồi tìm một cộng đồng những người cùng làm nó. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, những lớp học khiêu vũ, bơi lội hay thể dục giúp giảm sự cô đơn tốt hơn các câu lạc bộ nơi mọi người chỉ ngồi bàn luận.
Cải thiện kỹ năng xã hội
Việc tham gia một cộng đồng là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Bạn không chỉ đến đó điểm danh, mà còn cần khả năng kết nối với những người khác nữa.
Như đã nói ở trên, sự cô đơn là vấn đề về cả số lượng và chất lượng của tương tác xã hội. Các hoạt động nhóm có thể giải quyết vấn đề số lượng, nhưng các kỹ năng xã hội của ta mới là yếu tố quyết định chất lượng của chúng. Nếu gặp khó khăn trong việc làm quen với người khác và nói về bản thân mình, thì dù có trò chuyện với bao nhiêu người, bạn cũng sẽ cảm thấy không thỏa mãn khi ra về.
Giúp đỡ người khác
Nhiều người tiếp cận các tương tác xã hội theo hướng thực dụng hơn. Nói cách khác, họ tư duy theo kiểu “mình được gì từ mối quan hệ này?” hoặc “làm sao để mình cảm thấy tốt hơn khi kết nối với người này?”. Cách tiếp cận này sẽ phản tác dụng, vì sự ích kỷ trong lối tư duy trên sẽ len lỏi vào lời nói và hành động của bạn, khiến đối phương cảm thấy không thoải mái.
Thay vào đó, hãy tiếp cận chúng với tư duy “mình có thể làm gì cho người này?” hoặc “mình cần làm gì giúp đối phương thấy tốt hơn?”. Vì sau cùng thì ai cũng thích ở bên cạnh người khiến họ thấy thoải mái, nên bạn sẽ có cơ hội xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với người đó.
Điều tuyệt vời của lối tư duy này là ta thường tìm thấy nhiều giá trị hơn, và cảm thấy hạnh phúc hơn trong các tương tác mà ta cho đi nhiều. “Cho đi cũng là nhận lại”, bạn càng cho người khác nhiều, thì càng cảm thấy hài lòng và được yêu thương nhiều hơn.
Tìm kiếm hạnh phúc khi ở một mình
Ở đầu bài viết này, tôi có nhắc đến việc nhiều người trẻ cảm thấy cô đơn hơn những người cao tuổi. Ban đầu nó khiến tôi ngạc nhiên, nhưng theo các nhà nghiên cứu thì đều có lý do: khoảng 50% người được khảo sát nhận định sự cô đơn có thể là yếu tố tích cực. Bởi nó cho họ nhiều cơ hội phát triển bản thân, cảm giác thích thú khi ở một mình và biết rằng sự cô đơn rồi sẽ qua.
Như vậy là người cao tuổi không hẳn ít cô đơn hơn người trẻ, chỉ là họ thấy thoải mái hơn với điều đó. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng có lẽ điều này là bài học quan trọng nhất: Sự cô đơn không chỉ là vấn đề về tương tác xã hội, mà còn về thái độ của bạn đối với chúng.
Cô đơn và một mình là hai khái niệm khác hẳn nhau. Có những người dành cả ngày bên những người khác mà vẫn thấy cô đơn, trong khi có người ở một mình hàng tháng trời mà vẫn vui vẻ.
Sống một mình có thể trở thành trải nghiệm tuyệt vời, vì nó mang đến cảm giác được khai sáng và tự do khi không phải gây ấn tượng với ai. Có lẽ chìa khóa giải quyết vấn đề cô đơn không phải là tìm mọi cách giảm bớt nó, mà là chấp nhận và học hỏi từ việc ở một mình nhiều hơn. Và xét cho cùng, một khi bạn có thể kết nối với chính mình, tự khắc bạn sẽ dễ dàng kết nối với người khác.