Bí quyết giúp các bạn sinh viên 'thong thả' hơn khi thuyết trình | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 09, 2020

Bí quyết giúp các bạn sinh viên 'thong thả' hơn khi thuyết trình

6 Mẹo giúp bạn vượt qua 'chứng sợ nói trước đám đông'.
Bí quyết giúp các bạn sinh viên 'thong thả' hơn khi thuyết trình

Nguồn: Life and Times/ Shutterstock

Không gì là không thể học được, kể cả kỹ năng nói, điều mà nhiều người vẫn nghĩ rằng là tài năng thiên phú. Đáng tiếc là không ai bảo với tôi đây là một kỹ năng quan trọng, có thể học được và học càng sớm càng tốt.

Khi còn đi học, tôi sẽ cố đùn đẩy việc thuyết trình cho một thành viên nào đó, còn mình thì làm những công việc hậu kỳ. Cho tới ngày tôi buộc phải thuyết trình một mình. Tôi đã run đến mức không thể nói nổi một câu nào cho mạch lạc.

Tuy nhiên, điều này lại là một may mắn bởi vì nếu không có trải nghiệm đó tôi sẽ không có đủ động lực để mài giũa kỹ năng này.

Dưới đây là những gợi ý nhằm giúp bạn từng bước vượt qua chứng ‘sợ nói trước đám đông’. Đây đều là những mẹo nhỏ, phù hợp với các bạn học sinh, và đặc biệt là sinh viên. Hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trước thềm năm học mới.

1. Chú ý đến việc kết nối đầu tiên

Đừng vội vã nói không ngừng như thể bạn sợ sẽ ‘quên bài’. Hãy thể hiện rằng bạn quan tâm tới người nghe bằng một vài câu hỏi tương tác trước khi thuyết trình.

Nếu bạn sợ rằng không ai trả lời, thì có thể bắt đầu bằng câu hỏi ‘có hoặc không’ và người nghe chỉ cần giơ tay nếu câu trả lời là ‘có’.

Đừng vội vatilde vagraveo yacute chiacutenh ngay hatildey kết nối với người nghe trước Nguồn Shutterstock
Đừng vội vã vào ý chính ngay, hãy kết nối với người nghe trước. | Nguồn: Shutterstock

2. Kiểm soát tốc độ, cao độ, độ lớn khi nói

Những lỗi phổ biến khi thuyết trình bao gồm: nói quá nhanh khi hồi hộp, nói quá lớn khi hào hứng, lên giọng ở những câu không phải câu hỏi, và chèn nhiều “ừm” hoặc “ờ” khi nói.

Hãy giảm tốc độ nói ở mức mà bạn kịp sắp xếp suy nghĩ trong đầu trước khi nói ra. Tốc độ vừa phải sẽ khiến bạn và người nghe thấy dễ chịu hơn, và bạn sẽ không bị hụt hơi giữa chừng.

Vào cuối mỗi câu, hãy chú ý hạ thấp giọng xuống. Nghiên cứu cho thấy, lời nói của bạn thuyết phục hơn khi bạn dùng giọng trầm. Lưu ý đến môi trường xung quanh để điều chỉnh độ lớn của giọng nói cho phù hợp. Bạn có thể nhờ bạn bè nhắc nhở nếu bạn hay vô thức mắc lỗi ngập ngừng khi nói.

3. Hít thở sâu và đừng quên những ‘khoảng lặng’

Rèn luyện hơi thở không chỉ hít vào bình thường mà còn là đẩy không khí vào sâu trong phổi. Xương sườn sẽ mở rộng khi bạn luyện tập theo cách này. Sẽ mất khá nhiều thời gian để hít vào và thở ra, điều đó sẽ giúp bạn kịp suy nghĩ mạch lạc hơn trước khi nói.

Trong những câu nói ngắn, hãy tạm dừng ở giữa câu. Còn những câu dài hơn, hãy chia nó thành ba phần. Bạn cũng có thể dừng 2 đến 3 giây sau khi kết thúc một ý.

Những ‘khoảng lặng’ này sẽ cho người nghe thời gian để ‘tiêu hóa’ thông tin, đồng thời khiến họ tò mò hơn trước những gì bạn sắp nói.

Hatildey cho bạn khoảng lặng để nghỉ vagrave để người nghe tiecircu hoaacute thocircng tin Nguồn Shutterstock
Hãy cho bạn khoảng lặng để nghỉ, và để người nghe tiêu hoá thông tin. | Nguồn: Shutterstock

4. Uống nước và thư giãn cơ thể

Nếu chuẩn bị nói trước đám đông, hoặc nếu trải qua một ngày dài mà phải nói quá nhiều thì việc giữ nước là điều cần thiết. Dây thanh quản rung hơn 100 lần mỗi giây khi bạn nói, vì thế nó cần được bôi trơn.

Uống một lượng nước vừa phải trong ngày và luôn uống ít nước trước khi thuyết trình để giúp bạn giữ giọng nói khỏe và tự tin. Đồng thời, bạn có thể thư giãn xương hàm và đẩy hết khí khi thở ra bằng miệng. Xoay cánh tay và cổ để nới lỏng cơ bắp.

5. Điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể

Tư thế “siêu nhân” (tay để lên hông, ngẩng cao đầu, ưỡn ngực, hạ vai) sẽ phần nào giúp bạn tự tin hơn trước khi thuyết trình. Luyện tập đứng vững trên đôi chân, phân bổ đều trọng lượng cơ thể. Tránh lắc lư, nhịp chân vì điều đó thể hiện bạn đang lo lắng.

Tránh đảo mắt liên tục khắp nơi hoặc nhìn liên tục vào một người vì họ sẽ cảm thấy không thoải mái. Bốn đến năm giây là khoảng thời gian hợp lý để duy trì giao tiếp bắt mắt. Nếu lo lắng, bạn có thể nhìn vào vùng “tam giác” nối giữa hai mắt và miệng của đối phương. Sau mỗi 5 giây, hãy đổi điểm nhìn qua người khác.

Ngocircn ngữ cơ thể sẽ cho thấy bạn coacute đang căng thẳng hay khocircng Nguồn Shutterstock
Ngôn ngữ cơ thể sẽ cho thấy bạn có đang căng thẳng hay không. | Nguồn: Shutterstock

6. Trấn an não bộ

Đôi khi chỉ cần 'trấn áp' được sự căng thẳng là bạn đã thắng một nửa rồi. Bắt đầu bằng việc tự 'thôi miên' rằng mình đang rất hào hứng và rèn luyện giọng nói để giảm bớt âm run. Hơn hết, hãy nhớ lại những lần thành công trước, điều này sẽ cho bạn sự tự tin chân thật nhất, vì bạn biết mình đã từng làm được.

Trong lúc thuyết trình, đừng cố ghi nhớ từng từ, nó chỉ khiến bạn "ừm", "ờ" nhiều hơn. Để tìm hiểu sâu hơn, bạn có thể tham khảo bài viết "7 Cách giúp giảm căng thẳng khi nói trước đám đông".

7. Luyện tập, luyện tập, luyện tập

Ghi âm giọng nói của bạn để lắng nghe cao độ, nhịp độ và khoảng ngắt nghỉ. Luyện tập trước gương sẽ hỗ trợ bạn trong việc điều chỉnh tư thế và nét mặt. Đồng thời, đây là cách hữu hiệu nhất để bạn ghi nhớ những ý chính và giảm bớt căng thẳng.