Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không bị thiệt hại nặng nề, dẫn đến việc một số hãng bay buộc phải phá sản. Đến thời điểm hiện tại, khi đỉnh dịch đã đi qua và người dân bắt đầu quen với bình thường mới, cũng là lúc các hãng hàng không mở cửa đón khách trở lại.
Những chiếc máy bay lại trở về trên đường băng và cất cánh, phục hồi hậu “đóng băng” vì dịch bệnh. Từ đó, doanh thu lại dần về với các hãng hàng không. Vậy, các hãng này có thể kiếm tiền bằng cách nào?
1. Phí làm thủ tục nhanh tại sân bay
Ngày 19/7 vừa qua, các hãng hàng không của Việt Nam như Vietjet, Bamboo Airways đã mở dịch vụ thu thêm 100.000-140.000 VND tùy chuyến đối với khách muốn làm thủ tục nhanh ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong bối cảnh vào mùa cao điểm du lịch cũng như các sân bay luôn trong tình trạng đông đúc, việc được ưu tiên làm các thủ tục nhanh gọn chỉ trong vài phút khiến rất nhiều khách hàng sẵn sàng mở ví cho dịch vụ này. Mặc dù, đây là lựa chọn phụ thuộc vào khách hàng, nhưng việc này cũng gây ra những làn sóng phản đối vì cho rằng nó đang gây ra sự phân biệt với cùng một hạng vé, cùng một đối tượng.
Nếu tính theo trung bình vài vài chục ngàn lượt khách một ngày tại Tân Sơn Nhất, các hãng hàng không có thể bỏ túi vài chục triệu cho khoản phí này khi nhu cầu tăng cao.
2. Quảng cáo
Quảng cáo trên các phương tiện giao thông là một trong các hình thức quen thuộc, và máy bay cũng không phải là ngoại lệ. Máy bay là loại hình chuyên chở hành khách trong nước và cả quốc tế.
Do đó, trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời cho các nhãn hàng, họ sẽ đặt quảng cáo trên máy bay khi hướng tới đối tượng khách hàng tiềm năng ở phân khúc khá trở lên.
Các hình thức bao gồm:
- Đặt biển quảng cáo trên thân máy bay
- Quảng cáo TVC: trên trần máy bay và màn hình cá nhân tại từng ghế ngồi
- Quảng cáo trên khăn phủ đầu ghế máy bay
- Quảng cáo dán trên hộc đựng hành lý
- Quảng cáo trên vé máy bay
- Quảng cáo trên chuyên trang Heritage
Theo một agency quảng cáo, với hình thức quảng cáo TVC trên máy bay, các thời điểm phát sóng (boarding, safety, landing) có báo giá dao động từ 300 – 700 triệu VND với thời gian triển khai tối thiểu 2 tháng. Song song, TVC có độ dài 30s, 45s, 60s sẽ nhân giá lên 2, 3, 4 lần.
Chi phí cụ thể về từng hạng mục quảng cáo trên máy bay còn tùy thuộc và loại quảng cáo mà nhãn hàng mong muốn và hãng bay. Chi phí đắt đỏ nhất có thể giúp các hãng hàng không hái ra tiền là vị trí thân máy bay, khi bao trọn diện tích lớn, đồng nghĩa với việc mắt thường từ xa có thể nhìn rõ được thông điệp quảng cáo.
3. Tiền di chuyển hàng hóa
Máy bay không chỉ vận chuyển người, mà còn vận chuyển cả hàng hóa. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hoá được cấp phép đi vào hoạt động.
Các hãng hàng không nội địa thời gian qua vẫn duy trì việc kết hợp vận tải hàng hóa trong bụng máy bay, hoặc bố trí lại một số hàng ghế trong khoang chở khách.
Theo báo cáo của Vietjet trong quý đầu năm 2022, doanh thu đạt 4522 tỷ đồng. Trong đó, việc vận chuyển hàng hóa chỉ chiếm 8%.
4. Dịch vụ bán đồ ăn, thức uống trên chuyến bay
Máy bay cũng là một phương tiện di chuyển, mà khi di chuyển thì việc cung cấp các dịch vụ ăn uống đi kèm đã trở thành một nguồn thu cho các hãng hàng không.
Ngoài các suất ăn được đính kèm theo chặng bay và hạng vé, các hãng hàng không luôn cung cấp kèm theo thực đơn đa dạng các khẩu phần ăn, nước uống cho khách hàng được tự do lựa chọn.
Có câu nói đùa rằng ăn trên trời thì đắt đỏ hơn dưới mặt đất, và điều đó đúng theo nghĩa đen với các khẩu phần ăn của các hãng hàng không.
Do thực phẩm phải tuân thủ các quy chuẩn nghiêm ngặt về áp suất và cách bảo quản đồ ăn, nước uống trên máy bay. Từ đó, giá tiền của chúng không hề rẻ, tạo nên một nguồn thu lớn cho các hãng hàng không.
Đơn cử, một chai nước suối sẽ được bán với giá trung bình 10.000VNĐ, nhưng trên không, các hãng áp dụng mức giá dao động trung bình 20.000 - 40.000VNĐ/ chai nước suối.
Không chỉ riêng nước, các khẩu phần ăn không nằm trong danh mục miễn phí (đã nằm trong giá vé), đều có mức giá chênh lệch lớn khi thưởng thức trên không. Sự xa xỉ trên chuyến bay đi kèm với cái giá phải trả, theo đúng nghĩa đen, góp phần làm nên doanh thu cho hãng bay.
Tùy vào giá và hành trình bay mà các khẩu phần ăn đã được kèm theo, còn lại sẽ phải thanh toán thêm tiền để có một bữa ăn no và đủ:
- Hành trình nội địa: nếu bạn sử dụng hạng vé phổ thông có chặng bay dài 2 tiếng trở lên (Hà Nội vào Sài Gòn) khách hàng sẽ được phục vụ một suất ăn đã bao gồm trong giá vé. Với hành khách đi các chặng bay có thời gian ngắn hơn sẽ có 1 chai nước suối nhỏ và khăn ướt.
- Hành trình quốc tế: các hạng vé phổ thông đều được phục vụ suất ăn (đã bao gồm trong giá vé) trên hầu hết các chặng bay.
Với các hãng bay giá rẻ, họ không cung cấp suất ăn trên máy bay. Từ hạng vé phổ thông trở lên, hành khách sẽ được phục vụ đồ ăn nhẹ, nhưng phải mua bữa ăn chính.
5. Bán và thuê lại máy bay
Lợi nhuận từ việc cho thuê máy bay của các hãng hàng không tại Việt Nam còn hoạt động dưới hình thức là gọi là Sale and Leaseback (SLB).
Khi đó, hãng hàng không mua máy bay từ các công ty sản xuất (như Boeing, Airbus,...) và bán lại cho công ty thuê. Sau đó, chính các hãng hàng không sẽ thuê lại những chiếc máy bay này.
Năm 2016, Vietjet đã ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing với giá trị hợp đồng là 11.3 tỷ USD. Sau đó, hoạt động SLB diễn ra như sau: Vietjet thỏa thuận việc bán và thuê lại những máy bay này với các công ty cho thuê (leasing companies).
Như vậy hãng Vietjet đã không phải bỏ toàn bộ tiền ra để mua máy bay, chỉ cần đặt cọc, rồi dùng tiền của công ty cho thuê máy bay để trả cho hãng sản xuất máy bay.
Từ đó, trừ đi các chi phí khác thì giao dịch này chẳng những không tiêu tốn của Vietjet 11.3 tỷ USD còn đem về cho Vietjet một số tiền lên tới trên 300 triệu USD (~6000 tỷ đồng) từ việc bán máy bay.
Vietjet chỉ là một trong số những ví dụ về hãng hàng không đã áp dụng thành công mô hình Sale and Leaseback. Hoạt động bán và thuê lại từ lâu được các hãng hàng không thế giới tận dụng để mở rộng đội bay, sớm mang về lợi nhuận, đồng thời giảm được gánh nặng tài chính.
6. Tiền đến từ liên kết với công ty tín dụng, khách sạn
Một phần doanh thu của các hãng hàng không đến từ việc bán dặm bay các công ty thẻ tín dụng. Các dặm bay được tích lũy thông qua thẻ thanh toán và thẻ tín dụng của các ngân hàng là đối tác của hàng không đó.
Ngoài lượng lớn các khách du lịch độc lập và riêng lẻ, khách hàng của các hãng hàng không còn là những doanh nhân có nhu cầu đi công tác (và cả du lịch dành cho gia đình). Khi đó, việc liên kết thẻ để tích lũy còn mang đến doanh thu đến từ hoa hồng của việc hợp tác của 2 bên.
Khách đi công tác chiếm 12% tổng số hành khách đi máy bay, nhưng họ có xu hướng mua chỗ ngồi đắt hơn, mua vé vào phút chót và thường có lợi nhuận gấp đôi so với những hành khách khác. Trên thực tế, trên một số chuyến bay, hành khách thương gia chiếm 75% doanh thu của một hãng hàng không.
Tiếp theo sau đó, là hoa hồng đến từ việc liên kết với khách sạn, dịch vụ thuê xe hoặc cả đưa đón tại sân bay. Dù con số không được tiết lộ chính xác bao nhiêu, nhưng đó cũng là một mảnh đất màu mỡ để các hãng bay khai thác thêm cho mình.
7. Tiền đến từ các dịch vụ đặc biệt đi kèm
Bay chưa bao giờ là việc dễ dàng, do đó các hãng hàng không sẽ hỗ trợ hành khách có nhu cầu bay cùng với gói dịch vụ của mình. Dịch vụ sẽ trải dài từ suất ăn đặc biệt dành cho người theo Đạo, hoặc trẻ em đi một mình, người khuyết tật,... Hay cả dịch vụ mua thêm ghế khi muốn mang thú cưng đi cùng.
Nguồn thu này đánh vào một nhóm nhỏ các đối tượng có nhu cầu, nhưng cũng làm nên một phần doanh thu cho các hãng hàng không.
8. Phí dịch vụ đổi chỗ, hủy chuyến, thiếu cân
Theo Wall Street Journal, "lợi nhuận trên mỗi hành khách" trung bình của bảy hãng hàng không lớn nhất của Mỹ là 17.75 USD - chỉ cho một chuyến bay một chiều. Còn theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, con số lợi nhuận này cao gấp đôi so với những gì các hãng hàng không trên thế giới kiếm được trên mỗi hành khách.
Giá vé những ngày này thường bao gồm chi phí của chuyến bay thực tế. Theo WSJ, phí hành lý, phí chọn chỗ ngồi, phí thay đổi hoặc hủy chuyến bay và các khoản phí khác đều có thể góp phần làm dày ví của hãng hàng không.
Đặc biệt, phí hành lý và phí phạt đặt chỗ là hai hạng mục sinh lợi nhất cho các hãng hàng không về lợi nhuận ròng.
Các hãng hàng không giá rẻ (như Vietjet Air) không tính tiền hành lý ký gửi đối với khách mua vé của hãng. Do đó, khách phải mua thêm kiện hành lý. Thông thường, mức hành lý ký gửi đến 20kg sẽ mang về thêm cho hãng từ 150.000 VND trở lên cho một kiện. Thậm chí, nguồn thu này còn cao hơn giá vé thực thu về cho hãng.
9. Bán vé
Nguồn thu cuối cùng quan trọng nhất của ngành hàng không chính là bán vé. Di chuyển bằng đường bay đã trở thành một trong những phương tiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho những ai có nhu cầu.
Tại Việt Nam năm 2022, các cảng hàng không của Việt Nam dự kiến đạt 70-80 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt xấp xỉ 10 triệu lượt và khách nội địa đạt 60-70 triệu lượt.
Từ đó, tất nhiên khoản thu đến từ việc bán vé, hay vận chuyển hành khách, được xem là một trong những nguồn thu chính của các hãng bay.
Các hãng hàng không nội địa Việt Nam hiện nay có 4 hạng vé chính, tương đương với 4 hạng mức tiền khác nhau. Nhưng có một quy chuẩn chung: giá vé mua càng gần sát ngày bay thì càng đắt đỏ.
Theo American Airlines, doanh thu từ hành khách chiếm phần lớn nhất trong tổng doanh thu hoạt động của hãng. Trong quý 4 năm 2021, doanh thu từ hành khách chiếm gần 89% tổng doanh thu hàng quý.
Và do có sự phân cấp trong các hạng vé, từ đó các hãng hàng không lại kiếm thêm nguồn được kể trên.
Tạm kết
Di chuyển bằng đường hàng không hiện tại là một lựa chọn phổ biến của tất cả hành trình trên thế giới, đặc biệt là với những chặng bay quốc tế hay nội địa đường dài.
Những ngày cao điểm mùa du lịch, sự nhộn nhịp ở sân bay cũng như giá vé tăng cao chóng mặt phần nào phản ánh tình hình hồi phục của các hãng hàng không sau đại dịch. Lợi nhuận của các hãng hàng không vẫn không ngừng tăng cao so với cùng kì. Chính vì thế, hàng không dường như vẫn là một miếng bánh ngon lành cho các công ty và ngành kinh doanh hiện nay.