Rạp phim kiếm tiền như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
10 Thg 11, 2021

Rạp phim kiếm tiền như thế nào?

Tại sao cứ vào rạp ta lại lên cơn thèm bỏng ngô (và một vài thứ khác) đến vậy?
Rạp phim kiếm tiền như thế nào?

Nguồn: CGV

Từ tháng 11/2021, các rạp phim dần hoạt động trở lại sau thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19. Tùy theo cấp độ dịch của từng địa bàn mà các hệ thống rạp phim được phép hoạt động 100%, giảm 50%, giảm 70% công suất hoặc chưa được tổ chức hoạt động.

Do phải đóng cửa dài ngày vì đại dịch, nhiều rạp phim Việt kêu cứu. Thống kê độc lập của Box Office Việt Nam cho biết, doanh số toàn ngành 6 tháng đầu năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 2.000 tỷ đồng, 750 tỷ đồng và 1.156 tỷ đồng. Theo đó, nhiều rạp phim thua lỗ phải cắt giảm nhân công, trả lại mặt bằng...

Nếu hoạt động bình thường, các rạp phim kiếm tiền như thế nào? Doanh thu và lợi nhuận đến từ đâu?

Bán vé

Rạp phim kiếm tiền từ bán vé xem phim là điều hiển nhiên. Nhưng bất ngờ là ở chỗ, doanh thu từ bán vé chỉ chiếm một phần khá nhỏ so với tổng doanh thu của rạp phim.

Các hệ thống rạp sẽ có hai hình thức nhập phim về chiếu phục vụ khán giả gồm đấu thầu hoặc chia phần trăm (giữa rạp phim, đơn vị phát hành và nhà sản xuất). Thông thường, đơn vị phát hành và nhà sản xuất phim phim sẽ có tỉ lệ ăn chia riêng với nhau.

Tại Việt Nam, các đơn vị phát hành thường có luôn hệ thống rạp chiếu phim. Vì thế, doanh thu từ bán vé thường có cách chia tỉ lệ 55% cho đơn vị phát hành có sở hữu cụm rạp và 45% cho nhà sản xuất phim.

Nguồn thu đầu tiên của rạp chiếu phim là... bán vé xem phim. Nguồn: DSPL

Nếu giá một vé xem phim khoảng 100.000 đồng thì chủ rạp kiêm đơn vị phát hành sẽ nhận 55.000 đồng và nhà sản xuất phim nhận 45.000 đồng. Thông thường, rạp phim chỉ giữ lại khoản doanh thu khoảng 30.000 đồng.

Giá vé xem phim được cân nhắc bởi nhiều yếu tố khác nhau. Tùy từng cụm rạp cùng định dạng phim, chất lượng phòng chiếu, dịch vụ đi kèm lại có những giá vé khác nhau. Ngày nay, các rạp phim còn tạo ra các dịch vụ xem phim như ghế VIP, ghế couple (đôi), giường… để tăng trải nghiệm của khán giả cũng như tối đa lợi nhuận.

Đồ ăn, nước uống, quà lưu niệm

Khác với nguồn doanh thu từ bán vé khá nhỏ, các rạp phim có thể thu lại gần như 100% từ kinh doanh đồ ăn, nước uống. Bỏng ngô và các loại nước ngọt có ga là hai mặt hàng được khán giả mua thường xuyên mỗi khi bước chân vào rạp.

Theo Variety, bỏng ngô là ngành công nghiệp tỷ đô trên toàn cầu. Theo một ước tính của Million Insights, thị trường này sẽ đạt 6,24 tỷ đô vào năm 2028. Nơi tiêu thụ bỏng ngô nhiều nhất thường là rạp chiếu phim.

Bỏng ngô là món hàng đắt giá tại các rạp chiếu phim. Nguồn: CNBC

Sở dĩ bỏng ngô được chọn là "đồ ăn vặt quốc dân" trong các rạp chiếu phim không chỉ bởi sự tiện lợi và vệ sinh mà còn nằm ở giá thành rẻ. Thông thường, một combo bỏng ngô và nước ngọt có giá trung bình bằng hoặc lớn hơn với giá vé xem phim. Tuy nhiên, lợi nhuận từ mặt hàng này là rất lớn.

Được biết, vốn bỏ ra để kinh doanh những mặt hàng này thường không quá 10% so với giá bán. Nếu một combo bỏng ngô và nước ngọt trung bình ở cụm rạp lớn tại Việt Nam là 85.000 đồng, rạp chiếu phim lãi hơn 70.0000 đồng.

Nhận thấy nguồn lợi nhuận lớn, hệ thống rạp phim AMC tại Mỹ đã lên kế hoạch bán bỏng ngô tại các trung tâm thương mại và siêu thị kể từ năm 2022.

Bạn từng mua đồ lưu niệm theo combo khi đi rạp xem phim? | Nguồn: Galaxy Thien Ngan

Bên cạnh nguồn thu từ bỏng ngô và nước ngọt, các rạp chiếu phim còn kinh doanh quà và đồ lưu niệm (merchandise). Các mặt hàng lưu niệm "ăn theo" các bộ phim bom tấn thu hút khán giả như đồ chơi, ly nhựa, ly giữ nhiệt, móc chìa khóa, áo t-shirt, balo...

Dịch vụ này chủ yếu dành cho người hâm mộ muốn sưu tập và thường bán theo combo (cùng với đồ ăn, nước uống và vé xem phim). Đây cũng là một nguồn doanh thu đáng kể của các rạp chiếu phim.

Quảng cáo

Ngay cả khi để ý hay không, các quảng cáo vẫn cứ "đập" vào mắt người đến rạp xem phim. Vì thế, rạp chiếu phim là nơi các loại hình quảng cáo lên ngôi và mang về doanh thu lớn.

Quảng cáo được bố trí khắp nơi, bao gồm các poster, standee hay các booth quảng cáo... Khi đi vào khu bán vé, đồ ăn, hay dọc hành lang vào phòng chiếu, thậm chí là nhà vệ sinh, khán giả còn gặp các màn hình LCD hay các Frame chiếu hình ảnh, video quảng cáo.

Kể cả khi đã ngồi vào ghế xem phim, chân đung đưa, miệng nhai bỏng thì rạp phim vẫn tiếp tục quảng cáo, có thể là trên bọc ghế ngồi và TVC chạy trên màn hình lớn (preshow).

Mỗi mét vuông ở rạp chiếu phim đều tối ưu để quảng cáo.

Ví dụ 1 TVC quảng cáo có thời lượng 30S/suất/rạp có thời hạn hợp động quảng cáo dưới 3 tháng có giá giao động khoảng 180 nghìn đồng. Trung bình 1 cụm rạp sẽ có 5 phòng chiếu với 6 suất mỗi ngày. Vậy thì cụm rạp đó sẽ thu được khoảng 54 triệu đồng tiền quảng cáo preshow/ngày. Với hệ thống CGV có 79 cụm rạp, một tháng họ có doanh thu được 127,9 tỷ đồng.

Rạp chiếu phim thu rất nhiều lợi nhuận từ bán quảng cáo, phù thuộc vào thời gian (đặc biệt là các mùa chiếu phim cao điểm), sự phổ biến của hệ thống rạp, vị trí, thời lượng (đối với phim quảng cáo), thời hạn quảng cáo...

Cho thuê rạp

Bên cạnh các nguồn thu kể trên, rạp chiếu phim còn kiếm tiền bằng cách cho thuê phòng chiếu phục vụ cho họp báo, hội nghị, hội thảo. Nhiều khách hàng lựa chọn loại hình dịch vụ này vì vị trí hợp lý, cơ sở vật chất đầy đủ và tiện nghi.

Các cụm rạp có quy mô và diện tích lớn còn cho thuê mặt bằng đối với các khu chơi gắp thú, vòng quay may mắn. Đây cũng là một cách để các rạp phim đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình.

Kết

Đi xem phim rạp là trải nghiệm khác biệt so với các nền tảng trực tuyến. Trong thời gian giãn cách, các dịch vụ xem phim trực tuyến vì đã "cứu rỗi" cơn "ghiền" điện ảnh của không ít người. Tuy nhiên, ra rạp xem phim sẽ giúp khán giả trải nghiệm được hết sự tuyệt vời của một tác phẩm điện ảnh, với màn hình lớn và âm thanh sống động.

Thời gian tới, các hệ thống rạp chiếu phim đang dần mở cửa trở lại. Nếu nơi bạn sống là "vùng xanh" và rạp chiếu phim đã mở cửa hoạt động trở lại, bạn nên trải nghiệm ngay khi có thể.