Cẩm nang sinh tồn khi “nhảy việc” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
24 Thg 03, 2021

Cẩm nang sinh tồn khi “nhảy việc”

Nhảy việc cũng giống như đi hẹn hò: bạn hiểu về mình và hứng thú với đối tượng bao nhiêu, câu chuyện càng suôn sẻ.
Cẩm nang sinh tồn khi “nhảy việc”

Nguồn: Brandon Lopez

Bên cạnh sự bảo đảm tài chính, công việc còn mang tới cho chúng ta sự thừa nhận, danh hiệu và cả hạnh phúc.

Nhưng nếu đã nhiều ngày bạn thức dậy và nhận thấy công việc hiện tại không còn mang lại niềm hứng khởi, hay trong một thời gian dài bạn không còn thấy hứng thú với những gì mình đang làm, thì có thể đó là thời điểm để cân nhắc chuyện thay đổi nghề nghiệp.

Nhảy việc cũng là một nghệ thuật sống, và đây là vài bí kíp hữu ích cho người nhảy việc.

Lên kế hoạch cho sự liều lĩnh

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc lập kế hoạch không chỉ giúp cải thiện hiệu suất, mà còn ảnh hưởng tích cực lên tinh thần chúng ta. Đây cũng chính là mấu chốt của nhảy-việc-có-kế-hoạch.

Đây là một số cột mốc chiến lược để bạn lập kế hoạch được dễ dàng và thông thái hơn:

  • Mức lương. Nếu công ty mới trả bạn số tiền cao hơn từ 15% so với công việc cũ, đây là một dấu hiệu thăng tiến tốt.
  • Môi trường làm việc. Văn hoá công sở có thể “độc hại", còn chúng ta có xu hướng nặng lòng, nhớ lâu về những điều tiêu cực. Một số người sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn để đổi lại môi trường thoải mái và văn hoá công ty phù hợp.
  • Kỹ năng mà bạn muốn phát triển ở bản thân. Viết lách, tài chính, công nghệ… bạn được toàn quyền lựa chọn hướng đi cho mình. Nhiều báo cáo về thị trường "săn người" cũng chỉ ra rằng khả năng phân tích, đánh giá (đặc biệt về mảng kinh doanh) sẽ tăng điểm đáng kể cho hồ sơ của bạn!
  • Nhu cầu của nhà tuyển dụng. Theo nghiên cứu của Adecco, thị trường tuyển dụng tại Việt Nam sau tác động của Covid-19 đang mở rộng cơ hội cho các vị trí có liên quan tới công nghệ và kỹ thuật (Kỹ sư dữ liệu, kỹ sư vận hành hệ thống dữ liệu cơ sở, CTO…). Chuyên gia về lĩnh vực vận tải, giải pháp sáng tạo, e-commerce, sales và digital marketing cũng ở top đầu trong danh mục tuyển dụng.
nac thang su nghiep
Các nấc thang sự nghiệp. | Nguồn: On Gig

Tìm "người thừa kế" trước khi "ra đi"

Bạn nghĩ gì về một đồng nghiệp bỗng nhiên xin nghỉ và để lại toàn bộ deadlines dang dở cho... không ai cả? Đúng là mọi vị trí đều có thể thay thế, đến Steve Job cũng từng bị đá khỏi chính công ty mà ông đẻ ra. Nhưng điều đó lại ảnh hưởng đến:

  • Đánh giá của đồng nghiệp cũ, sếp cũ về bạn. Một số công ty sẽ kiểm tra trực tiếp thông qua “reference”, nhưng một số nơi lại kiểm tra mềm, qua mối quan hệ riêng (đúng vậy, các sếp mới thường sẽ có số điện thoại sếp cũ của bạn trong danh bạ của họ đấy).
  • Ngay cả khi bạn bỏ đi vì lý do chính đáng và công ty cũ đã đối xử “bất công” với bạn thế nào đi chăng nữa, thì việc bạn kể khổ và kêu ca về nó cũng để lại tiếng xấu cho bạn đầu tiên. Đừng vướng vào văn hoá đổ lỗi.
  • Trước khi rời đi, nhớ thông báo trước với công ty ít nhất 1 tháng. Sắp xếp chuyển giao khối lượng công việc hoặc đào tạo, hướng dẫn cho người mới.

Phỏng vấn xin việc cũng giống... đi hẹn hò

Hãy coi phỏng vấn xin việc như buổi hẹn hò đầu tiên. Bạn cần phải có hứng thú với "đối tượng" của mình. Có nghĩa là bạn hiểu người ấy càng nhiều, cuộc nói chuyện sẽ càng suôn sẻ.

Bắt đầu bằng quy tắc vàng 7-38-55 trong giao tiếp (đã được nghiên cứu chứng minh):

  • 55% kết quả buổi nói chuyện được quyết định dựa trên phong thái, ngôn ngữ cơ thể.
  • 38% đến từ tông giọng của bạn.
  • 7% đến từ nội dung cuộc nói chuyện.

Trước khi bạn xoay nắm cửa bước vào căn phòng phỏng vấn, hãy giữ tâm trạng thoải mái, sẵn sàng lan toả nguồn năng lượng tươi mới tới nhà tuyển dụng!

ngon ngu co the khi di phong van
Nhớ ngồi thẳng người và thoải mái khi trả lời phỏng vấn nhé. | Nguồn: Upright Go

Chuẩn bị cho câu hỏi về sự gắn bó

Vì sao bạn lựa chọn công ty của chúng tôi? Điều gì khiến bạn là ứng viên thích hợp nhất cho vị trí này? Hãy mô tả về công việc cũ và sếp cũ của bạn? Công việc mơ ước của bạn là gì? ...

Nhìn chung, điều nhà tuyển dụng muốn biết là bạn đang tìm kiếm công việc thế nào, liệu công ty của họ có phù hợp với điều đó hay không và ngược lại. Để trả lời một cách thẳng thắn, hiệu quả, hãy chuẩn bị theo 3 bước:

  • Tìm hiểu giá trị, tầm nhìn và những vấn đề mà công ty mình ứng tuyển đang sở hữu (bạn có những kỹ năng phù hợp nào để giúp họ giải quyết chúng?).
  • Hãy nói về điều bạn yêu ở công việc cũ và cả những gì chưa được thoả mãn. Những giá trị bạn tìm kiếm ấy nên là điều công ty mới sở hữu (lưu ý: đừng nhắc đến chuyện tiền bạc).
  • Nối 2 điều trên lại với nhau để nhà tuyển dụng hiểu rằng: bạn phù hợp và có tiềm năng gắn bó với họ từ những giá trị cốt lõi và cơ bản nhất.

Câu hỏi về lương

Đây là lúc thích hợp nhất và có lẽ là duy nhất để bạn nhắc tới tiền bạc. Hãy tham khảo thông tin về mức lương cho các ngành nghề và vị trí trong năm 2021 ở Việt Nam, được đưa ra bởi Adecco.

Ban cũng có thể trả lời lịch sự rằng: "Được nhận vào công việc này là điều khiến tôi hứng thú hơn cả chuyện tiền lương. Tuy vậy, tôi mong mình sẽ được trả xứng đáng, dựa trên X năm kinh nghiệm của bản thân cùng sự xem xét về mức sống tại thành phố Y."

Những bí kíp bên lề

Khi chưa biết chắc chắn liệu mình có nhận được công việc mới hay không, đây là một vài thông tin hữu ích để đảm bảo sự cân bằng và ổn định dành cho người nhảy việc:

Bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp

Đây là quyền lợi cơ bản dành cho người lao động nhưng không phải ai cũng biết. Bảo hiểm này cung cấp cho bạn một khoản tiền không nhỏ để có thêm chi phí trong những tháng ngày nghỉ ngơi tìm cơ hội mới.

Theo luật lao động Việt Nam, mỗi tháng đi làm, 1% lương của bạn được dùng để đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu đóng đủ 12-36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp. Sau đó, cứ mỗi 12 tháng đóng đủ thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Mức trợ cấp hàng tháng = Bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60%

Thông tin chi tiết về điều kiện và cách nhận bảo hiểm thất nghiệp xem tại đây.

Khoản tiết kiệm phòng thân

Không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để bắt đầu tiết kiệm tiền. Bạn có thể trích ra 10% thu nhập hàng tháng để cho vào tài khoản tiết kiệm và hứa không bao giờ đụng tới nó, trừ khi thật sự cần thiết.

Sinking-fund là phương pháp xây dựng quỹ chìm và quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.

Những khoản thu khác

phil knight nhay viec
Đây là Phil Knight, người sáng lập Nike thời trẻ. Trước khi start-up thành công, ông khởi nghiệp cùng lúc làm giảng viên kế toán. | Nguồn: Landing Facts

Đó có thể là đầu tư chứng khoản, tiền ảo, làm freelance hay dự án cá nhân.

Những việc này sẽ mang lại nguồn thu phụ cho bạn để tiết kiệm thêm chút đỉnh hoặc đôi khi là dư dả cho một chuyến du lịch xả hơi. Nhưng hãy đảm bảo những công việc này không lấn át việc chính và cân đối thời gian làm hợp lý để không bị kiệt sức, áp lực chồng chéo dẫn tới quá tải, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc chung.

Những công ty săn đầu người uy tín

Những cái tên uy tín ở Việt Nam có thể kể đến như: Adecco Vietnam, Navigos Search, HRchannels.

Bạn sẽ tiết kiệm được kha khá chi phí và thời gian. Ngoài ra, họ có nguồn dữ liệu và thị trường rộng lớn để tư vấn công việc phù hợp nhất đến với ứng viên.