Nền kinh tế hội nhập đang mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài hay tạo điều kiện để nhiều người trẻ Việt làm việc trong môi trường đa văn hóa. Việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ - đặc biệt là tiếng Anh trong văn phòng, đã trở thành một kỹ năng không thể thiếu.
Tuy nhiên, để thành thạo một ngôn ngữ mới cần thời gian và sự chuyên tâm nhất định - điều mà những người đi làm khó có thể cân bằng với công việc chính của họ. Do đó, quá trình học ngoại ngữ thường kéo dài và không đạt kết quả như mong đợi.
Vậy làm thế nào để quá trình trau dồi tiếng Anh ấy tiết kiệm và hiệu quả?
Hãy bắt đầu với các bước sau đây.
1. Xác định rõ vai trò của tiếng Anh văn phòng và có “chiến lược" riêng cho từng mục đích
Tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày
Đó là khi bạn sử dụng tiếng Anh để nói chuyện, trao đổi với đối tác qua hình thức gặp mặt trực tiếp, email, chat message… Trong trường hợp này bạn nên sử dụng lời lẽ đơn giản (Plain words), diễn đạt ngắn gọn và sử dụng trôi chảy các câu giao tiếp phổ biến (không phải ngôn ngữ học thuật - Academic words).
Tuy nhiên vấn đề lớn nhất nhiều người mắc phải bên cạnh lỗi sai ngữ pháp là sử dụng các từ/ câu không đúng ngữ cảnh (context). Ví dụ, “make” và “do" đều có nghĩa là “làm" trong tiếng Việt nhưng khi muốn nói “làm sai" thì chỉ có “make a mistake" chính xác, còn “do a mistake" là cách dùng từ rất… kỳ cục với người bản địa.
Chiến lược: Hãy học từ mới theo cụm hoặc câu hoàn chỉnh (đặc biệt những câu giao tiếp thông dụng) và học chúng kèm ngữ cảnh. Khi không biết các từ có thể sử dụng cùng nhau thế nào, hãy tham khảo các từ điển về kết hợp từ (Collocation) của Oxford hay Ozdic.
Bên cạnh đó, vì sử dụng tiếng Anh để nói chuyện nên bạn đừng quên luyện tập phát âm, cách luyến láy cùng phản xạ. Cách tốt nhất để nâng cao kỹ năng nói là thực hành thường xuyên với các tình huống giả định. Bạn có thể bắt đầu bằng việc nghe và nhắc lại các tình huống trên Youtube ở một số kênh phổ biến như Crown Academy of English hay Boston English Center, sau đó tự lên “kịch bản" và “nhập vai” dù có bạn luyện tập cùng hay không.
Tiếng Anh trong chuyên môn
Thuyết trình, Bản đề xuất (Proposal), Hợp đồng,... là những tài liệu yêu cầu sự chính xác và chuyên nghiệp trong sử dụng tiếng Anh chuyên ngành. Song, rất nhiều nhân viên công sở gặp khó khăn với từ vựng, mẫu câu chuyên ngành và cách diễn đạt do suy nghĩ bằng tiếng Việt trước rồi mới dịch sang tiếng Anh.
Chiến lược: Trau dồi từ vựng, ngữ pháp theo 2 cấp độ - cơ bản trong kinh doanh và đặc thù theo ngành/ vị trí công việc. Ngoài cách học truyền thống (Từ tiếng Anh - Nghĩa tiếng Việt), bạn có thể kết hợp sử dụng từ điển Anh - Anh về chuyên ngành (Ví dụ: Business Dictionary) để tham khảo cách diễn đạt và học thêm từ liên quan qua chính phần định nghĩa của từ điển.
Đa dạng các “kênh" học tập với TED Talks hay Podcast sẽ khiến quá trình học thú vị và dễ nhớ hơn nhiều.
Đa phần các TED Talks sẽ luôn có phần phụ đề tiếng Anh bên dưới để bạn vừa nghe vừa đọc được các từ khó. Hãy bắt đầu từ những TED Talks về các chủ đề phổ thông với từ vựng đơn giản và nâng cấp dần với những nội dung chuyên ngành.
Khi đã phần nào tự tin về khả năng nghe hiểu tiếng Anh, hãy chuyển tiếp sang các kênh Podcast về chủ đề kinh doanh phổ biến như: Dose of Leadership (Chia sẻ Kỹ năng lãnh đạo), Ted Radio Hour (Những bài diễn thuyết truyền cảm hứng), Startup (Tất tần tật “Thế giới" của những nhà khởi nghiệp). Còn nếu muốn tiếp cận với những chủ đề mới lạ hơn, hãy tham khảo top 5 podcast đã từng được giới thiệu trên Vietcetera.
Hòa nhập môi trường đa văn hóa bằng tiếng Anh
Trong môi trường công sở, việc giao lưu với các đối tác nước ngoài hay thậm chí làm việc cùng công ty với họ là điều không hiếm thấy. Tiếng Anh giờ đây không chỉ phục vụ công việc mà còn là công cụ kết nối các nền văn hoá. Thế nhưng đôi khi sự khác biệt về quan điểm hay cách suy nghĩ có thể dẫn đến những tình huống khó xử.
Chiến lược: Để hội thoại tự nhiên và “không lệch sóng", bạn nên trang bị cho bản thân những kiến thức nhất định về nền văn hoá phương Tây như các quy tắc xã giao, khiếu hài hước của họ hay từ lóng.
Bạn có thể xem TV Series như The Office (Bộ sitcom nổi tiếng về môi trường kinh doanh), Shark Tank (Show gọi vốn đã được mua bản quyền trên nhiều quốc gia), Fast Money (Show thực tế về hoạt động phố Wall), đọc các báo như Vox hay tham gia vài cộng đồng phổ biến như Reddit, Quora để vừa tiếp nhận văn hoá, vừa trau dồi vốn tiếng Anh (đặc biệt là tiếng Anh thông dụng).
2. Hình thành những thói quen tốt hỗ trợ quá trình học tập
Đặt ra các mục tiêu cụ thể
Bằng cách đặt mục tiêu và hoàn thành nó, bạn sẽ đánh giá được hiệu quả học tập và có những điều chỉnh về phương pháp, cường độ nếu cần. Hãy bắt đầu với việc đặt ra những mục tiêu nhỏ (Ví dụ: 60 từ mới/ tuần) và dần dần thử thách hơn cùng sự tiến bộ của bản thân.
“Set” khung giờ học cố định
Để quá trình học có kỷ luật, bạn có thể dành ra những khung giờ nhất định cho việc học ngoại ngữ như khi di chuyển trên đường (bằng phương tiện công cộng); trước khi đi ngủ hay khi nghỉ trưa… tuỳ thuộc vào lịch trình cá nhân.
Chủ động tìm sự giúp đỡ
Việc tiếp thu nhận xét và lời khuyên từ những người đồng nghiệp hoặc những người bạn thành thạo tiếng Anh hơn sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh hơn rất nhiều. Hãy nhờ họ giúp đỡ các tài liệu hay bài thuyết trình tiếng Anh của bạn cả trong quá trình làm và khi đã hoàn thành, đồng thời giữ thái độ cởi mở với nhận xét (dù tiêu cực hay tích cực) để khuyến khích họ góp ý nhiều hơn.
Tự khen thưởng để tạo động lực
Trong suốt quá trình học, bạn đừng quên ghi nhận sự tiến bộ của chính mình. Với mỗi mục tiêu được hoàn thành, bạn nên dành cho bản thân một món quà nhỏ hay chia sẻ “thành tích" với người thân để có thêm động lực cố gắng với những mục tiêu lớn hơn.