Content creator Namanhsuit: "Luôn trả tiền cho bản thân mình trước." | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 12, 2023

Content creator Namanhsuit: "Luôn trả tiền cho bản thân mình trước."

Từng là người nghiện mua sắm, nhà sáng tạo nội dung Lê Nam Anh đã cân đối chi tiêu và tiết kiệm để đầu tư như thế nào?
Content creator Namanhsuit: "Luôn trả tiền cho bản thân mình trước."

Nguồn: Lê Nam Anh cho Vietcetera

metub x Vietcetera

Thường ngày, đồng nghiệp và bạn bè biết tới Lê Nam Anh như một chuyên viên tư vấn tài chính nhiệt huyết trong công việc. Tới hết giờ làm việc, ta lại thấy một giáo viên Lê Nam Anh, cũng là một nhà sáng tạo nội dung trong lĩnh vực tài chính và đầu tư.

Đôi dòng như vậy mới chỉ đủ để vẽ nên một bức tranh chung nhất về chủ nhân của kênh YouTubeTikTok với hàng chục ngàn lượt theo dõi mang tên Namanhsuit - một kênh thông tin bổ ích cho các bạn trẻ muốn gia tăng thu nhập hay thực hiện các khoản đầu tư đầu tiên trong đời mình.

Không phải lúc nào ta cũng có cơ hội nghe những chia sẻ của người trong ngành về những câu chuyện tiền bạc, đầu tư tài chính, cũng như tích lũy cá nhân. Namanhsuit sẽ đưa ra những lời khuyên gì cho các bạn trẻ?

1. Bạn đã kiếm 100 triệu đầu tiên như thế nào?

Mình bắt đầu đi làm và có thu nhập khá muộn (sau khi du học và tốt nghiệp thạc sĩ). Nhưng cũng chính bởi vì thế nên mình biết đến phong trào tự do tài chính và càng muốn tiết kiệm càng nhanh, càng nhiều càng tốt.

Mình bắt đầu với công việc chính là chuyên gia phân tích kinh doanh tại một công ty công nghệ. Ngoài ra mình còn cố gắng dạy thêm GMAT các buổi tối để gia tăng thu nhập. Một thời điểm có thể nói là mình cày như trâu (khá buồn cười là tuổi mình cũng là tuổi trâu).

14dec2023z4948385369598fd2546230ce3bd994701a67692da60b2jpg
Nhà sáng tạo nội dung Lê Nam Anh. | Nguồn: Lê Nam Anh cho Vietcetera

Mình thấy mệt, nhưng cũng tự hào vì đó là một quãng thời gian mà mình được bung hết khả năng để cống hiến 100% cho công việc và việc tiết kiệm. Giờ lớn hơn nhìn lại, không hiểu sao mình có thể cày cuốc như vậy trong năm đầu tiên đi làm.

Đó cũng là năm mình tiết kiệm được 100 triệu đầu tiên. Số tiền đó tới nay đã dày hơn, giúp mình đặt cọc cho ngôi nhà đầu tiên rồi.

2. Nếu quay về tuổi 23, bạn sẽ cho bản thân lời khuyên gì về tiền?

Mình từng là một đứa nghiện mua sắm và hưởng thụ nên luôn tốn tiền vào nhiều tiêu sản. Khi biết tới lãi kép cũng như các cơ hội đầu tư mình đã bỏ lỡ, mình cảm thấy hối hận trước sự tự do mà mình đã bán rẻ để lấy niềm vui chớp nhoáng trong hiện tại.

Chính vì thế, nếu có cơ hội gặp lại bản thân khi xưa, mình sẽ nói với chính mình những lời khuyên sau:

  1. Hãy quản lý thu nhập và theo dõi chi tiêu của bản thân. Cá nhân mình sau khi nhận lương sẽ phân bổ khoản thu: 40% cho tiết kiệm và đầu tư, 20% để phát triển bản thân, 20% chi tiêu hàng tháng, và 20% để dự phòng.
  2. Hãy đầu tư càng sớm càng tốt, cố gắng đa dạng hóa danh mục đầu tư với các tài sản tăng trưởng tốt như cổ phiếu, vàng, hay là crypto (tối đa 5%). Để an toàn, hãy bắt đầu với các tài sản như vàng và cổ phiếu quỹ.
  3. Tập trung vào đầu tư cổ phiếu trung bình giá (DCA). Với mình, điều này có nghĩa là mình sẽ mua cổ phiếu đều đặn từng tháng, không quan trọng giá tăng hay giảm. Phương pháp đầu tư trung bình giá sẽ luôn luôn thắng các nhà đầu tư chủ động.
  4. Đầu tư càng đơn giản càng tốt, để dành thời gian tập trung xây dựng quỹ kỹ năng thu nhập cao.

3. Nếu các công việc đều trả lương giống nhau, bạn sẽ làm nghề gì?

Ước mơ của mình là có công việc tự do, được thoải mái làm việc tại bất cứ đâu, bất cứ khi nào mình muốn, và quan trọng là được sáng tạo. Thế nên nếu được trả lương giống nhau thì công việc mình mong muốn chắc chắn sẽ là content creator và dạy học.

4. Một món nợ bạn vẫn chưa trả được?

Có lẽ là mục tiêu mình tự hứa với bản thân trước đây: tự tay kiếm được một triệu đô trước năm 32 tuổi. Nhưng mà mình vẫn đang trên con đường để đạt mục tiêu đó rồi!

14dec2023z4948384999281f7be088448af08ee2070a05497b2b752jpg
Trên con đường kiếm một triệu đô trước năm 32 tuổi. | Nguồn: Lê Nam Anh cho Vietcetera

5. Một kiến thức mà bạn nghĩ trường học không dạy?

Cách quản lý tài chính và đầu tư. Bởi làm gì có trường học nào dạy chúng ta nên tiết kiệm ra sao, chi tiêu thế nào cho hợp lý, hay dạy về sự ảnh hưởng mạnh mẽ của lạm phát tới tài sản của chúng ta và cách bảo vệ tài sản bằng việc đầu tư vào một rổ danh mục đa dạng.

Vì thế, mình nghĩ rằng các bạn trẻ nên tự bảo vệ và trang bị các kiến thức tài chính qua các kênh thông tin trên mạng. Hầu hết kiến thức tài chính mình học được đều qua đọc sách, xem YouTube, và nghe podcast.

Cuốn sách đã dạy mình tiết kiệm và thực sự hiểu tiền là gì có tên Your money or Your life. Ngoài ra mình cũng học hỏi nhiều từ những tựa sách về đầu tư như: Cryptoassets: The Innovative Investor's Guide, The Intelligent Investor, The Psychology of Money, v.v.

Qua những kênh thông tin này, một bài học chung mà mình rút ra được cho việc đầu tư lẫn cuộc sống nói chung là về sự kiên nhẫn. Không thành công nào đến sau một tối, khó có sự giàu sang nào tới sau một đêm. Tất cả đều nên được xây dựng cùng thời gian và sự kiên trì.

6. Một kiến thức thú vị mà bạn học được gần đây?

Mình học được về kỹ năng kể chuyện (storytelling). Trước đây mình đã luôn là người quan tâm tới số liệu. Thuyết trình hay nói chuyện gì cũng vậy, đều cần dẫn chứng con số này, dữ liệu kia để củng cố luận điểm hay truyền tải một thông điệp.

Nhưng điều mình không nhận ra trước đây, đó là những dẫn chứng khô khan không phải là thứ giúp mình chạm được đến người nghe. Những thông tin đó không giúp họ nhớ lâu hay làm họ cảm thấy thuyết phục.

Vì thế mình đã lập tức đọc, học, và cải thiện kỹ năng kể chuyện. Kết quả có thể trông thấy không chỉ khi mình nói trước đám đông tại công ty, mà các video của mình cũng dễ dàng chia sẻ các câu chuyện cá nhân để chạm được tới nhiều người hơn, và chạm tới người nghe ở tầng sâu hơn.

7. Bạn đã tiêu tháng lương đầu tiên của mình như thế nào?

Mình đã dành ra 70% thu nhập của tháng lương đầu tiên để tiết kiệm. Thời điểm đó cũng là giai đoạn mình biết tới phong trào FIRE và mục tiêu tự do tài chính. FIRE là trào lưu tự do tài chính khi thu nhập thụ động của chúng ta có đủ khả năng chi trả cho chi phí sống tối thiểu của mình.

Điểm quan trọng của FIRE không phải là một lối sống xa hoa đắt đỏ mà là sự tự do, được theo đuổi bất cứ gì mình đam mê mà không trói buộc bởi một công việc cố định. Nhờ tinh thần này mà mình hào hứng tiết kiệm nhiều nhất có thể để tích lũy cho bản thân trong tương lai.

8. Theo bạn, có thứ gì mà tiền không thể mua được?

Sức khỏe và thời gian cùng người thân, bạn bè. Mình nhận ra điều này trong năm thứ hai của sự nghiệp. Khi ấy, mình thường đi làm sớm và chỉ về nhà khi đã tối mịt. Gần như mình không có thời gian dành cho bà và mẹ.

Tới một tối cuối tuần ăn tối cùng bà và cùng mẹ, mình mới nhận ra rằng tay bà đã nhăn nheo nhường nào, và đã bao lâu rồi mình không dành thời gian nói chuyện hay chia sẻ, lắng nghe những người thân xung quanh mình.

9. Trong một thế giới hoàn hảo, bạn sẽ nghỉ hưu khi nào?

Nếu có thể, mình muốn nghỉ hưu công việc văn phòng vào năm 29 tuổi và tiếp tục xây dựng sự nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo nội dung. Bên cạnh đó, mình cũng sẽ tiếp tục dạy học.

10. Một lời khuyên về tài chính mà bạn luôn tuân theo?

Hãy đầu tư trung bình giá tích lũy, và "luôn trả tiền cho bản thân trước."

Một trong những bài học quan trọng nhất về tự do tài chính mà mình học được qua sách vở là: "Hãy luôn trả tiền cho bạn đầu tiên." Mỗi khi có lương, người trẻ thường nghĩ ngay tới việc chi tiền ăn uống, du lịch, mua sắm, sau đó còn thừa mới để tiết kiệm. Đó là những hành động chi trả cho người khác, dù tưởng như rằng đang chi trả cho mình.

Nhiều người có thói quen ngược lại: mỗi khi có dòng tiền mới về, họ sẽ trả tiền cho bản thân trước bằng cách sử dụng ngay một phần thu nhập cho việc tiết kiệm hoặc đầu tư. Số tiền dư còn lại mới dành cho chi tiêu và mua sắm. Chính việc tiết kiệm và đầu tư này là hành động chi trả cho bản thân.

Nếu tuân thủ thói quen này, người trẻ chúng ta sẽ đảm bảo số tiền được tiết kiệm và đầu tư hàng tháng mà không lo bị "lố" mỗi khi có dịp tụ tập với bạn bè, người thân, hay là muốn mua một món đồ gì đó.