Founder Nghiện Nhà: Khởi nghiệp với vỏn vẹn 250.000 đồng | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 04, 2024

Founder Nghiện Nhà: Khởi nghiệp với vỏn vẹn 250.000 đồng

Dù đam mê mua sắm đến đâu, chị Hà Linh vẫn dành tới 80% số tiền kiếm được để tái đầu tư cho các mô hình kinh doanh.
Founder Nghiện Nhà: Khởi nghiệp với vỏn vẹn 250.000 đồng

Nguồn: Nguyễn Hà Linh

Sinh năm 1988, Nguyễn Hà Linh nổi tiếng với vai trò là một trong những admin của group Nghiện Nhà với hơn 2.5 triệu thành viên. Trước đó chị đã là cái tên quen thuộc trong giới khởi nghiệp khi sở hữu chuỗi nhà hàng F&B tiếng tăm, và từng lọt top 30 Under 30 của tạp chí Forbes Việt Nam năm 2016.

Dù vậy ít ai biết rằng, mức lương của chị Linh trong công việc đầu tiên chỉ vỏn vẹn 10.000 đồng/giờ. Thời mới khởi nghiệp với lớp luyện thi IELTS, chị cũng chỉ có 250.000 đồng tiền vốn.

Gặp gỡ Hà Linh cho series The Money Date, Vietcetera đã có dịp lắng nghe chị chia sẻ nhiều hơn về những công việc và thử thách khác nhau mà chị từng trải qua. Đối với chị, dù đam mê mua sắm đến đâu, chị vẫn dành phần lớn thu nhập để tái đầu tư, tạo ra các nguồn thu nhập thụ động khác. Đây chính là chìa khóa giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu mua nhà.

1. Chị đã kiếm 100 triệu đầu tiên như thế nào?

Đó là khi mình mở lớp luyện thi IELTS - ý tưởng mình đã nhen nhóm từ năm 18 tuổi. Với số vốn vỏn vẹn 250.000 đồng, mình đặt một phòng học đã đầy đủ bàn ghế, rồi mời một thầy giáo người Mỹ - cũng là bạn trai mình hồi đó về làm cùng. Anh là người dạy IELTS, mình lo tuyển sinh và một bạn khác sắp xếp lớp học.

Ban đầu mình cũng chỉ nghĩ mở lớp gom các bạn từng học với mình về. Nhưng không ngờ ngay ngày tuyển sinh đầu tiên đã có hơn 100 người đăng ký thi đầu vào, và 60 người học được chia thành 4-5 lớp. mình vẫn nhớ hôm đó về nhà, số tiền đổ ra giường đếm được phải đến 120 triệu - con số quá lớn cho lần kiếm tiền đầu tiên. Thật sự rất vui và bất ngờ.

2. Nếu tất cả các công việc trả mức lương giống nhau, chị sẽ chọn theo nghề gì?

Mình sẽ chọn công việc mình thấy đam mê và yêu thích nhất, vậy nên nó sẽ thay đổi theo từng giai đoạn. Ví dụ khi còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm thì công việc mình chọn không nhất thiết phải theo sở thích, miễn là mình học được điều gì đó từ nó.

Chẳng hạn nếu được hỏi câu này năm 18 tuổi, mình vẫn sẽ chọn đi phát tờ rơi cho trung tâm tiếng Anh. Dù không phải công việc lý tưởng, nó vẫn giúp mình học hỏi nhiều kỹ năng, từ cách tư vấn khóa học cho đến cách làm việc với giáo viên nước ngoài. Chưa kể vốn tiếng Anh của mình cũng nhờ đó mà tăng lên nữa.

11apr20243489531312618885397101245959202292062409739njpg
Nguồn: Nguyễn Hà Linh

3. Nếu được trở về năm 20 tuổi, chị sẽ cho bản thân lời khuyên gì?

Đọc sách nhiều hơn. Vì mình học qua trải nghiệm rất nhiều, và cũng may mắn được học từ thực tế. Tuy nhiên mình tin nếu dành thêm thời gian đọc sách, mọi việc sẽ còn tốt hơn nữa.

4. Một kiến thức hữu ích mà chị nghĩ trường học không dạy?

Đó chính là “can do attitude” - thói quen tìm mọi cách (đương nhiên không trái đạo đức) để hoàn thành công việc. Mình thấy nó hữu ích trong nhiều tình huống, cả trong kinh doanh lẫn trong bất cứ việc gì khác, cả với nhân viên lẫn lãnh đạo cấp cao.

5. Có thứ gì chị từng mua mà thấy tiếc?

Thật ra mình là người mua sắm rất nhiều, từ cái nhỏ đến cái to. Thậm chí quần áo mình mua về nhiều cái còn chưa giật tag nữa. Nên kỳ thực là mình có… khá nhiều thứ để tiếc.

11apr20244329979821221528680060805374499748408056218875njpg
Nguồn: Nguyễn Hà Linh

6. Theo chị, người thuê nhà có nên đầu tư vào trang hoàng không gian sống không? Vì sao?

Mình nghĩ là nên. Bởi dù mình tạm sống ở đó thôi, nhưng mình cũng cần không gian tạo cảm hứng cho bản thân. Đặc biệt hồi dịch COVID, mọi thứ sinh hoạt đều diễn ra trong nhà khiến mình càng nhận thấy không gian sống vô cùng quan trọng.

Mình cũng không cần sắm cái gì đắt đỏ quá, và có thể lựa chọn những thứ mang đi được. Như cây cối hay một số đồ nội thất vừa trang trí không gian sống, vừa nâng cao tinh thần mình thì có thể đầu tư nhiều hơn, còn cái gì không mang đi được thì mình tiết chế lại.

Chẳng hạn thay cái rèm là đã khiến không gian sống đẹp hơn, cũng không tốn nhiều chi phí mà sau này mang đi được. Hoặc thay vì để đèn tuýp trắng, mình thay sang đèn vàng là đã cảm thấy ngôi nhà ấm cúng hơn rất nhiều rồi.

7. Theo chị, có những cách nào giúp người trẻ sớm dành dụm tiền mua nhà?

Mình nghĩ giải pháp tốt nhất là chăm chỉ hơn. Ở thành phố lớn thì đúng là rất khó mua được nhà nếu chỉ thuần túy làm một công việc full-time. Vì vậy các bạn thử xem mình có thể làm thêm “nghề tay trái”, hay kiếm được tiền từ một cái gì mình có sẵn hay không.

Ví dụ nếu làm marketing, bạn có thể làm thêm cho các dự án khác ngoài công việc chính. Có nhiều hình thức cho bạn lựa chọn, từ viết nội dung đến tư vấn chiến lược, làm theo giờ, theo dự án (cái này bản thân mình cũng làm). Hoặc nếu làm kế toán, bạn có thể nhận làm báo cáo cho công ty khác nữa.

Quan trọng hơn cả là mình học cách làm việc năng suất hơn, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Khi sản phẩm của bạn có giá trị, bạn có thương hiệu cá nhân với độ phủ sóng tốt thì người ta sẵn sàng tìm đến và trả nhiều tiền hơn cho bạn.

11apr20243753191492582647337802853992081007286200020njpg
Nguồn: Nguyễn Hà Linh

8. Chị đã tiêu tháng lương đầu tiên của mình như thế nào?

Mình đã dành gần hết tháng lương đầu tiên để mua những bộ quần áo yêu thích. Bởi bố mẹ mình vốn rất nghiêm khắc, không bao giờ cho mình tiền một cách phung phí. Và đó cũng là điều tốt để tạo động lực cho chính mình, giúp mình hiểu rằng thích cái gì thì phải tự làm, tự lao động kiếm tiền mới mua được.

9. Trong một thế giới lý tưởng, chị sẽ nghỉ hưu khi nào?

Mình nghĩ là năm 40 tuổi. Nhưng bản thân mình vốn rất đam mê công việc, cho nên có lẽ đến 50, 60 tuổi mình vẫn sẽ làm việc. Dù vậy mình sẽ làm một cách thảnh thơi hơn, không quá áp lực để dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, cho con cái và cho người bạn đời của mình.

10. Một lời khuyên về tài chính mà chị luôn tuân theo?

Với mình đó là không thỏa mãn với những gì mình có, và không bao giờ bỏ trứng vào cùng một giỏ. Và dù rất thích mua sắm, mình vẫn luôn phải để dành 80% số tiền kiếm được để tái đầu tư, từ đó tạo ra các nguồn thu nhập thụ động khác.