Gen Z học được gì từ thói quen tài chính của thế hệ trước? | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 08, 2021

Gen Z học được gì từ thói quen tài chính của thế hệ trước?

Hãy tiết kiệm, chăm chỉ và biết nắm bắt thời cuộc!

Gen Z học được gì từ thói quen tài chính của thế hệ trước?

Chúng ta có thể học được rất nhiều từ các thói quen tài chính của cha mẹ. | Thịnh Trần @orkaiboi cho Vietcetera.

Thói quen tài chính là thứ thay đổi theo thời kỳ. Là một đất nước có lịch sử khá phức tạp, trải nghiệm về tiền bạc và tài sản giữa thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái có thể sẽ rất khác nhau. Song dù là thế hệ nào thì cũng phải đối mặt với một thách thức rất lớn: không ai đoán định được tương lai. 

Vậy nên, dù trải nghiệm khác nhau là mấy, thế hệ sinh sau đẻ muộn vẫn có thể tiếp thu những bài học dự phòng rủi ro từ thế hệ đi trước. Trong bài viết này, tôi sẽ liệt kê 3 thói quen tài chính mình được “thừa kế” từ ông bà và cha mẹ.

Kinh nghiệm đúc rút từ những chặng đường khó khăn nhất của lịch sử, giờ là bệ đỡ giúp người trẻ chúng ta vượt qua thử thách lớn của thế hệ mình - đại dịch.

Ba thế hệ - Ba hoàn cảnh 

Nhìn lại thời ông bà - cha mẹ

“Ngày xưa nghèo lắm con ạ. Lấy đâu ra điều kiện để được ăn no?”

Trong những bữa ăn gia đình, tôi thường nghe những câu chuyện lặp đi lặp lại của bà nội và bố mẹ về điều kiện sống khó khăn của quá khứ. 

Bà nội tôi đã chứng kiến những biến cố kinh hoàng của lịch sử, như nạn đói năm 1945 xảy ra khi bà vẫn còn nhỏ tuổi. Rồi ông bà trưởng thành và lập nghiệp giữa 4 cuộc chiến tranh nối tiếp nhau. Mọi tài nguyên vật chất đã dồn cho tiền tuyến thì ở hậu phương lấy đâu ra điều kiện.

Hồi tầm tuổi tôi hiện tại, bố mẹ trải qua đêm trường bao cấp. Nền kinh tế tập trung quan liêu trước năm 1986 đã đẩy đất nước vào nghèo đói dai dẳng.

Đặc biệt với người dân sống ở thủ đô và những thành phố lớn, ngoài làm việc ở cơ quan nhà nước và các nhà máy ra thì không có công cụ sản xuất trong tay để làm ra lương thực. Vì thế có những ngày, cả nhà chỉ dám luộc 1 quả trứng gà làm đồ ăn mặn cho 5 miệng ăn. 

Khó khăn là vậy, song thế hệ nào cũng có thành công riêng của mình. Ông bà cống hiến nửa thế kỷ làm việc trong hệ thống nhà nước, dành dụm đủ để nuôi bố mẹ ăn học. Bố mẹ tận dụng lợi thế của một nền kinh tế mở cửa sau năm 1986 để tôi và các anh chị em có cuộc sống khấm khá về vật chất hơn hồi xưa.

... để suy nghĩ về thời mình

Điều kiện sống mỗi thời mỗi khác. Ngày nay, thế hệ tôi sống chung với internet từ khi sinh ra, có bạn bè trên toàn thế giới nhờ toàn cầu hoá sâu rộng. Những cuộc chiến tranh thì đã nằm lại trong quá khứ.

Khó khăn của thế hệ Z cũng khác so với ông cha. Chúng tôi đối mặt với một nền kinh tế thị trường đầy bấp bênh, cạnh tranh gay gắt trong công việc vì thị trường lao động đã bão hoà, đối mặt với bệnh dịch và biến đổi khí hậu…

Khác nhau là vậy, song chúng tôi luôn có thể học tập từ kinh nghiệm tài chính của hai thế hệ đã trải qua khốn khó vật chất hơn rất nhiều so với ngày hôm nay, để sống cuộc đời mình tốt hơn. Quá khứ đã cho thấy, ta cần phải biết ứng phó với khó khăn tương lai bằng những “back-up plan” được tính toán cẩn thận từ hiện tại.

Những thứ đó, chúng ta có thể học được từ kinh nghiệm của những người đi trước.

Chúng ta luôn có thể học tập từ kinh nghiệm tài chính của hai thế hệ đã trải qua khốn khó vật chất hơn rất nhiều so với ngày hôm nay, để sống cuộc đời mình tốt hơn.

Luôn tiết kiệm

Cách làm của thế hệ trước

Với điều kiện thiếu thốn mọi mặt của quá khứ, thế hệ ông bà và cha mẹ tôi sống cực kỳ tiết kiệm và thanh đạm. Nhiều người sẽ nói, đó là nhu cầu bắt buộc của hoàn cảnh. Song cho đến tận ngày nay, người lớn trong nhà vẫn giữ thói quen ấy, dù đời sống vật chất đã khấm khá hơn rất nhiều. 

Trong nhà tôi, nhiều nồi niêu xoong chảo người lớn mua từ thời bao cấp vẫn được sử dụng. Đồ đạc cũ nhưng vẫn chất lượng thì còn có thể dùng tiếp, không nhất thiết phải tốn tiền mua đồ mới. Đó là phương châm của cả nhà. 

Chế độ ăn uống giản dị, nhưng khắt khe và tinh tế mà thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau cũng thể hiện lối sống tiết kiệm. Tôi nhớ, những món xuất hiện trên mâm cơm nhà mình từ khi còn tấm bé cho đến tận ngày hôm nay không khác biệt nhau là mấy. Và theo bà nội tôi kể, thời cụ kỵ, đồ ăn thức uống cũng chỉ có từng đó món, chỉ khác ở chỗ ngày nay chúng tôi được ăn no hơn trước kia. 

Đến ăn uống và sinh hoạt thường ngày còn được tính toán kỹ càng đến vậy, thì chi tiêu trong gia đình còn tiểu tiết và chặt chẽ hơn. Từ ngày không còn phải đi làm xa nhà nữa, bố mẹ tôi bán ô tô để đầu tư vào thứ khác có ích cho cuộc sống hơn.

Tôi thường được dạy rằng nên mua đồ tốt từ đầu, dù giá thành nhỉnh hơn, để dùng được lâu dài. Cũng là để đề phòng chuyện mất tiền vì sửa chữa và tiêu thụ hàng hoá kiểu “lắt nhắt”. 

Áp dụng vào bản thân

Sống trong một gia đình có tác phong giản dị (và có phần hơi ki bo) như vậy, tôi cũng trở thành người có thói quen “thắt lưng buộc bụng”. Ngày bé, tôi chỉ tiêu từ ½ cho đến ⅓ số tiền tiêu vặt được bố mẹ cho hàng tháng. Số còn lại, tôi tích lũy trong một cái hộc bàn và tự hứa rằng mình sẽ chỉ dùng khoản tiền đó khi thực sự cần. Tiền làm thêm hồi cấp 3 cũng được cất chung vào cái hộc đó. 

Tôi bắt đầu độc lập tài chính với bố mẹ từ đại học. Tiền tiết kiệm ngày xưa đủ để tôi đầu tư một bộ máy tính mới mà không phải dùng tiền của bố mẹ. Làm được ra số tiền nhiều hơn những gì trước đây bố mẹ cho, tôi vẫn giữ thói quen giới hạn mức độ chi tiêu hàng tháng. Tiền tiết kiệm, tôi bỏ vào một cái hộc hiện đại hơn - ngân hàng. 

Nếu biết tiết kiệm từ trước, vào thời đại dịch Covid-19 như hiện nay, nhiều người trẻ sẽ sống bớt khó khăn hơn rất nhiều. Đặc biệt là thế hệ sinh năm 1998, thế hệ của tôi, vừa tốt nghiệp đại học xong đã phải quen với tác phong làm việc tại nhà vì dịch bệnh.

Nếu biết tiết kiệm từ trước, vào thời đại dịch Covid-19 như hiện nay, nhiều người trẻ sẽ sống bớt khó khăn hơn rất nhiều.

Nắm bắt thời cuộc

Cách làm của thế hệ trước

Ngay sau khi đất nước ta từ bỏ nền kinh tế bao cấp, dỡ bỏ ngăn sông cấm chợ khi thực hiện chính sách Đổi Mới năm 1986, nhiều người trong thế hệ cha mẹ tôi đã nắm bắt được những cơ hội làm giàu trong một nền kinh tế thị trường non trẻ. Công thương nghiệp, du lịch và dịch vụ là các lĩnh vực “hot” của thời điểm đó.

Nhiều người của thế hệ trước đã làm giàu từ hoàn cảnh, và có đủ tiền cho con cái thụ hưởng những nền giáo dục tốt nhất trên thế giới. 

Áp dụng vào thời nay

Trong thời buổi ngày nay, người trẻ chúng ta sống trong cảnh bấp bênh hơn thế hệ trước do nền kinh tế thị trường toàn cầu ngày càng bất ổn. Ta cũng có nhiều nguy cơ giẫm phải bẫy của những “chuyên gia” online về đầu tư, tiền ảo, cùng nhiều loại hình lừa đảo hơn trước.

Song, cơ hội phát triển dành cho thế hệ Z ở thời đại này vẫn rất nhiều, đơn cử như những lĩnh vực nghề nghiệp mới trên các nền tảng số. 

Trong thời đại dịch Covid-19, phần lớn dân cư trên thế giới bị hạn chế tiếp xúc vật lý để chống dịch bệnh lây lan. Điều đó tức là những tiếp xúc online gia tăng - người ta chỉ có thể “gặp nhau” trên không gian số. Đây là cơ hội cho người trẻ tham gia vào nền kinh tế trên môi trường số - một không gian ta đã quen thuộc từ rất sớm.

Nhiều ngành nghề online hiện nay đã có thể tạo ra thu nhập lớn hơn so với kinh tế truyền thống. Ta có thể làm blogger, vlogger và nhiều dạng sản xuất nội dung khác cho những nền tảng số. Phát triển phần mềm, kỹ thuật tin học và khoa học dữ liệu cũng là những ngành nghề nhiều triển vọng.

Nắm bắt cơ hội mới, ta có thể dành dụm nhiều tiền hơn để dự phòng cho những biến cố không lường trước của tương lai.

Như những thế hệ trước, ta cần nắm bắt thời cuộc để tạo ra cơ hội cho riêng mình.

Lao động tập thể

Cách làm của thế hệ trước

Nhìn chung, không có thế hệ Việt Nam nào là không chăm chỉ vượt qua hoàn cảnh. Trải qua những biến cố lịch sử khắc nghiệt, chúng ta rất ít khi có đặc quyền được “rảnh”. Dù tích luỹ được nhiều hay ít của cải thì chúng ta cũng ít khi từ chối sự lao động.

Đối với thế hệ đi trước, tinh thần của lao động là tinh thần tập thể. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng phê phán mô hình kinh tế tập thể của thời trước Đổi Mới khi nhìn vào những thất bại của nó ở thế kỷ trước.

Song, ta cũng nên nhìn vào những nỗ lực cải cách mô hình hợp tác xã của những tấm gương như ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phú, người đã sáng tạo ra “Khoán 10”, cải thiện nền nông nghiệp lạc hậu thời bao cấp.

Sáng kiến "Khoán 10" chủ trương giao phần đất chung cho từng hộ gia đình và khoán sản lượng để tăng năng suất. Điều này mang lại hiệu quả trong hoàn cảnh nền kinh tế tập trung trước đây quy định ruộng đất là của công, dẫn đến việc người dân không ai lao động có trách nhiệm để gia tăng sản lượng, mà chỉ đợi nhà nước chia phần. 

Có thể nói, “Khoán 10” là một “back-up plan” vô cùng hiệu quả sau này, dù ở thời đại của Kim Ngọc, ông chịu những phê phán kịch liệt vì giao tư liệu sản xuất từ tay nhà nước về người nông dân. 20 năm sau sự ra đời của nó, “Khoán 10” đã cứu nền nông nghiệp Việt Nam sau thời Đổi Mới khỏi vực thẳm, nhờ đặt niềm tin ở người dân nhiều hơn.

Áp dụng vào thời nay

Thế hệ trẻ ngày nay cũng lao động chăm chỉ, nhưng có xu hướng làm việc cá nhân và vắt kiệt lao động của bản thân nhiều hơn. Lao động sẽ hiệu quả và bớt nặng nhọc hơn rất nhiều nếu mọi người biết tương trợ lẫn nhau, đặc biệt trong kỷ nguyên số. Điều này có nghĩa là giữ cho môi trường internet trong sạch và hiền hoà, đồng thời sẵn sàng chia sẻ những đổi mới của cá nhân mình. 

Hãy hiểu rằng, internet là môi trường năng động và liên tục thay đổi. Nếu ta có giữ bí mật, mánh khóe trong nghề nghiệp, thì không lâu sau cũng sẽ có người có ý tưởng tương tự. Vì vậy, hãy khoan dung và tin tưởng lẫn nhau.

Kết

Bài học lớn nhất thế hệ trước để lại đấy là hãy có những dự liệu kỹ càng trong hiện tại, đề phòng mọi bất trắc có thể xảy đến trong tương lai. 

Tôi nghĩ tới bài học về sự đề phòng ấy khi dịch Covid-19 bất ngờ quay trở lại. Trước đó, có lúc tôi nghĩ rằng cơn đại dịch đã là một quá khứ xấu xí đã qua, nhưng tôi đã lầm. Lao đao trong thảm hoạ, tôi nhận ra rằng thế hệ trước để lại cho mình nhiều hơn những gì mình tưởng. 

Họ để lại cho tôi kinh nghiệm và tình yêu đúc rút từ những “ngày xưa” tôi không thuộc về, và mất một quá trình dài lâu tôi mới học được điều ấy. 

“Cứ để con!” là chuỗi nội dung của Vietcetera, song hành cùng dự án Học Yêu By Prudential, với thông điệp: Trong gia đình, tình yêu chảy xuôi, và cũng chảy ngược; hãy học yêu để trở thành điểm tựa của nhau.