Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ thường niên lên đến 12% và được xem là quốc gia có tiềm năng phát triển bậc nhất châu Á, vượt cả Singapore, Trung Quốc, Phillippines, Thái Lan lẫn Malaysia. Thêm vào đó, trong vòng mười năm trở lại đây, Bảng chỉ số bán lẻ toàn cầu liên tục chỉ đích danh Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn thứ 6 trên thế giới. Bước vào năm 2018, thị trường trong nước càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Trước những diễn biến tích cực của thị trường bán lẻ, chúng ta đã tìm đến Jonathan Wong, Giám đốc Marketing (CMO) của Masion Fashion Group, một trong những nhà phân phối thời trang hàng đầu Việt Nam. Là người đại diện của hơn 20 tên tuổi lừng lẫy của làng thời trang quốc tế tại Việt Nam, từ phân khúc tầm trung như Charles & Keith, Pedro đến cao cấp như Dsquared2, Coach, Christian Loboutin, chúng tôi tự hỏi liệu anh Wong sẽ áp dụng hướng đi như thế nào để phát triển Maison trong những năm sắp tới.
Được biết anh đã từng làm nhiều việc trong nhiều ngành nghề khác nhau. Điều gì đã mang anh đến với vai trò Giám đốc Marketing tại Maison?
Là người luôn quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh thời trang và có vốn kiến thức nhất định về marketing, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi tôi lựa chọn công việc marketing tại một công ty phân phối thời trang. Đúng là trước đó tôi đã từng thử sức ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng chỉ có lĩnh vực thời trang mới thật sự thu hút tôi. Để thuyết phục được người tiêu dùng lựa chọn một sản phẩm, chúng ta cần phải có chiến lược rõ ràng cũng như hiểu rõ tâm lý khách hàng. Điều này giống như thuyết nhị nguyên, hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức.
Công việc chính của anh tại Maison Fashion Group là gì? Với vai trò CMO (Giám đốc Marketing), anh đã có những đề xuất gì nhằm phát triển Maison Fashion Group?
Nhiệm vụ chính của tôi là thúc đẩy tăng trưởng doanh thu thông qua tiếp thị và cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Ngoài ra, tôi còn có nhiệm vụ đảm bảo sao cho bộ phận marketing hoạt động năng suất và hiệu quả nhất. Trước đó, hoạt động của bộ phận marketing còn bị hạn chế và các chiến lược quảng bá chưa thực sự phù hợp với từng nhãn hàng mà công ty trực tiếp quản lý.
Là người đứng đầu một tổ chức lớn, tôi phải đảm bảo tất cả các đối tác liên quan hiểu và tuân thủ cơ cấu tổ chức và hoạt động mới, đặc biệt là bộ phận nòng cốt của công ty, từ cấp thấp đến cấp cao. Tất cả phải hiểu rõ rằng việc cải thiện cơ cấu tổ chức là việc làm cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển doanh nghiệp. Đó cũng là tiền đề để giữ chân nhân tài. Bởi lẽ, không một nhân viên giỏi nào lại muốn làm việc trong một công ty không có định hướng rõ ràng.
Mục tiêu phát triển của Maison Fashion Group trong vòng 5 năm tới là gì?
Con số 5 năm thì có vẻ hơi dài. Trong vòng hai năm tới, chúng tôi hy vọng có thể hoàn thành hai mục tiêu chính. Trước tiên, chúng tôi muốn Maison Fashion Group trở thành nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ, tiên phong sáng tạo, doanh thu và có tầm ảnh hưởng trên thị trường. Maison sẽ là nhà phân phối thời trang mà bất cứ nhãn hàng nào cũng muốn bắt tay hợp tác. Đội ngũ nhân viên của Maison sẽ có cơ hội được phát triển các kỹ năng chiến lược và sáng tạo. Và cuối cùng, ứng dụng dữ liệu thông tin để quản lý doanh nghiệp và khách hàng tốt hơn.
Anh có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ khi làm việc trong lĩnh vực thời trang được không?
Có lẽ là khoảng thời gian tự mình xây dựng thương hiệu thời trang riêng. Với tôi, đấy vừa là một trải nghiệm thú vị, vừa là một thách thức lớn. Nhất là khi tôi phải tự mình học tất cả, từ những việc cơ bản nhất như đóng gói sản phẩm đến quản lý tài chính, công tác hậu cần. Nhờ những trải nghiệm quý giá đó mà tôi đã học được rất nhiều điều. Cũng nhờ xây dựng thương hiệu riêng mà tôi nhận ra thế mạnh của mình thiên về marketing và quan hệ khách hàng. Đó cũng là lý do khiến tôi theo đuổi công việc hiện tại ở Maison Fashion Group.
Công cuộc tiếp thị thời trang ở Việt Nam có gì khác so với các thị trường toàn cầu khác?
Các nhà phân phối thời trang tại Việt Nam thường sử dụng các phương pháp marketing rất cơ bản mà ít khi thách thức đối tác kinh doanh của mình tìm kiếm và áp dụng các phương pháp mới. Theo quan điểm cá nhân của tôi, khách hàng Việt Nam là những người tiêu dùng theo thị hiếu đám đông, đó chính là điểm mà chúng ta nên tập trung tác động nhằm tạo ra nhu cầu tiêu dùng lớn hơn. Việc phát triển được những ý tưởng có thể thu hút được sự chú ý của số đông người tiêu dùng và khiến họ quyết định mua hàng là cả một nghệ thuật.
Theo anh, những xu hướng nào đáng lưu ý trong năm 2018?
Hiện các thương hiệu thời trang vẫn đang hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo bên ngoài. Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, nhiều thương hiệu đa quốc gia đã bắt đầu mua bán và sát nhập các đơn vị sáng tạo để thực hiện quảng cáo độc quyền cho thương hiệu của mình. Khả năng quản lý được nội dung và câu chuyện của thương hiệu là điều hiếm có khó tìm trong lĩnh vực này. Vì vậy, các giám đốc marketing nên khuyến khích đội ngũ của họ tự do sáng tạo.
Ngoài ra, các chiến dịch quảng cáo theo quý cũng đã dần bị thay thế bởi xét cho cùng, các thông điệp rời rạc ba tháng thay đổi một lần cũng chẳng tạo nên hình ảnh nhất quán cho một thương hiệu. Thay vào đó là sự xuất hiện của lợi nhuận đến từ quảng cáo thương mại điện tử, vốn đã hiện diện tại các thị trường châu Âu. Tôi tin rằng năm 2018 sẽ là thời điểm mà các nhà phân phối lớn ở Việt Nam bắt đầu áp dụng phương thức này vào mô hình kinh doanh của họ.
Anh có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ muốn theo đuổi đam mê kinh doanh thời trang không?
Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, tôi xin nói rằng việc thiết lập các mối quan hệ là rất quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp. Lời khuyên đó không chỉ áp dụng riêng cho lĩnh vực thời trang hay kinh doanh phân phối mà còn đúng trong rất nhiều lĩnh vực khác. Phải mạnh dạn ra ngoài và giao tiếp với mọi người. Thời gian bạn dành ra để trao đổi trực tiếp một vấn đề là vô cùng quý giá, nó không chỉ tạo thiện cảm ban đầu mà còn có thể dẫn đến những sự hợp tác lâu dài.
Ngoài ra, các bạn cũng nên trang bị cho mình một lượng kiến thức nhất định về các lĩnh vực khác. Với vai trò là CMO, kỹ năng chính của tôi là xây dựng thương hiệu và marketing. Tuy nhiên, tôi cũng cần phải trao đổi với các bộ phận khác như điều hành, mua bán và dịch vụ khách hàng. Để trở thành một nhân viên marketing giỏi, chúng ta cần phải biết tất cả các khía cạnh của công việc kinh doanh, chứ không phải là co ro giữ mình trong một lĩnh vực chuyên môn.
Trong các nhãn hàng mà Maison Fashion Group phân phối, phân khúc nào mang lại doanh thu cao nhất?
Có thể thấy, các thương hiệu thời trang bình dân chắc chắn là phân khúc được ưa chuộng nhất. Tiếp theo là hàng hiệu tầm trung. Trong đó, doanh thu tập trung chủ yếu đến từ thành phố Hồ Chí Minh nhưng Hà Nội mới thật sự là thị trường tiêu thụ của phân khúc hàng cao cấp.
Anh có thể gợi ý nhân vật trò chuyện tiếp theo cho Vietcetera được không?
Hãy trò chuyện cùng James Miles-Lambert của Hello Health Group, một công ty chuyên sáng tạo nội dung số hóa cho các thị trường đang phát triển trên khắp thế giới. Chắc hẳn anh ấy sẽ có rất nhiều thông tin chuyên sâu về lĩnh vực sáng tạo nội dung cũng như y tế để chia sẻ.
Vietcetera chân thành cảm ơn anh Jonathan đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Chúc anh luôn thành công với những dự định sắp tới!
Bài viết được dịch bởi Uyen Duong.
Xem thêm
[Bài viết] Liệu Việt Nam có thể dẫn dầu công nghệ Blockchain toàn cầu?
[Bài viết] Shark Linh Thái: Mang bản sắc Mỹ vào kinh doanh ở Việt Nam